| Hotline: 0983.970.780

Bác bỏ nhiều quan điểm bào chữa của luật sư và bị cáo Trương Mỹ Lan

Thứ Hai 01/04/2024 , 20:29 (GMT+7)

Theo Viện Kiểm sát phần lớn tài sản của bị cáo Trương Mỹ Lan hình thành trong 10 năm phạm tội, từ việc chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ khống, rút tiền từ SCB.

Cụ thể, trong số 1.169 tài sản của bị cáo Trương Mỹ Lan, chỉ có 60 tài sản được bị cáo mua trước năm 2012, phần lớn tài sản còn lại (khoảng 1.109 tài sản) được Trương Mỹ Lan mua sau thời điểm năm 2012. Thời điểm hình thành các tài sản trên trùng với thời điểm bị cáo thực hiện hành vi phạm tội.

Sáng 1/4, Viện KSND TP.HCM giữ quyền công tố tại tòa đã đối đáp các quan điểm bào chữa, bảo vệ quyền lợi, tự bào chữa bổ sung của bị cáo Trương Mỹ Lan. Trong phần đối đáp này, đại điện Viện Kiểm sát đã bác bỏ nhiều quan điểm của các luật sư bào chữa; bác bỏ những lời tự bào chữa của bị cáo Trương Mỹ Lan, cho rằng cả gia tộc bị cáo bị mất tài sản. Viện Kiểm sát khẳng định, cáo trạng xác định tội danh, thủ đoạn phạm tội của Trương Mỹ Lan là phù hợp. 

Phần lớn tài sản được mua từ tiền của SCB

Tại phiên tòa sáng 1/4, đại diện Viện Kiểm sát đã dành phần lớn thời gian đưa ra các tài liệu, bằng chứng làm căn cứ bác bỏ các quan điểm bào chữa của các luật sư và phần tự bào chữa của bị cáo Trương Mỹ Lan cho rằng quá trình tái cơ cấu ngân hàng SCB, bị cáo đã đưa nhiều tài sản vào SCB, “khiến cả gia tộc mất hết tài sản”.

Trước đó, trong phần tự bào chữa, bị cáo Lan cho rằng không dùng tiền của SCB mà đưa tài sản của gia đình gồm nhiều dự bán bất động sản lớn vào cho SCB mượn, thậm chí phải vay mượn tiền của người thân, bạn bè từ nước ngoài để giúp SCB tái cơ cấu; cơ quan tố tụng không chứng minh được bị cáo mua bất động sản nào nhưng lại quy kết trong cáo trạng sử dụng tiền chiếm đoạt của SCB để mua dự án, bất động sản SCB.

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa ngày 1/4. Ảnh: HT.

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa ngày 1/4. Ảnh: HT.

Trước phần tự bào chữa này, Viện Kiểm sát lập luận, lời bào chữa của bị cáo không có căn cứ. Bị cáo sử dụng SCB như một công cụ tài chính, coi SCB như nơi giữ tiền của mình, khi nào cần tiền là lấy ra sử dụng. Đồng thời, đại diện Viện Kiểm sát đưa ra nhiều tài liệu chứng minh, quá trình điều tra, Bộ Công an đã kê biên 1.169 tài sản liên quan đến Trương Mỹ Lan. Trong đó chỉ có khoảng 60 tài sản được bà Lan mua trước năm 2012, còn lại 1.109 tài sản (chiếm 94,8% tài sản kê biên) được hình thành trùng với thời điểm bị cáo thực hiện hành vi phạm tội. “Bị cáo dùng các thủ đoạn gian dối vừa hợp thức việc rút tiền vừa che giấu hành vi phạm tội”, Viện Kiểm sát nhận định.

Viện Kiểm sát cũng đưa ra nhiều chứng cứ, bác bỏ quan điểm về việc mượn 9 sổ tiết kiệm trị giá 1.040 tỷ đồng của Ngô Thanh Nhã (em dâu bị cáo Lan) đứng tên và mượn tài sản của gia đình, bạn bè nước ngoài để đưa vào SCB cơ cấu khoản vay. Thực tế khoản tiền từ 9 cuốn sổ tiết kiệm là nguồn tiền được rút ra từ SCB, từ các khoản vay khống do bà Lan chỉ đạo. 

Cơ quan công tố sau đó đã trích dẫn lời khai của Nhã về việc đang ở Mỹ thì bà Lan gọi điện nhờ về nước ký một số giấy tờ đứng tên sổ tiết kiệm. Viện Kiểm sát cũng đưa ra nhiều chứng cứ chứng minh số tiền này trùng khớp với một khoản vay trước đó tại SCB.

Trong khi đó, lời khai của các bị cáo Hồ Bửu Phương (cựu Phó TGĐ phụ trách tài chính Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), Nguyễn Phương Anh (cựu Phó Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula) trong quá trình điều tra cho thấy, hầu hết các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát không hoạt động kinh doanh, kinh phí hoạt động phần lớn được lấy từ các khoản vay SCB. Tại phiên tòa, các bị cáo khác như Bùi Anh Dũng, Trương Khánh Hoàng hay Trần Thị Mỹ Dung đều khai bị cáo Trương Mỹ Lan rút tiền của SCB để mua, đầu tư các dự án bất động sản. 

Đại diện VKSND TP.HCM lập luận phản bác nhiều quan điểm bào chữa của luật sư, tự bào chữa của bị cáo Trương Mỹ Lan. Ảnh: HT.

Đại diện VKSND TP.HCM lập luận phản bác nhiều quan điểm bào chữa của luật sư, tự bào chữa của bị cáo Trương Mỹ Lan. Ảnh: HT.

Đối với việc một số luật sư cho rằng trong vụ án có tới 1.186 mã tài sản đảm bảo cho các khoản vay của bà Lan chứ không phải 1.166, đại diện Viện Kiểm sát không đối đáp mà chỉ lưu ý các luật sư “cần nghiên cứu toàn diện hồ sơ vụ án”, bởi có 20 mã tài sản được bà Lan và đồng phạm cùng sử dùng để đảm bảo cho nhiều khoản vay ở cả hai giai đoạn trước và sau năm 2018. Do đó, sau khi trừ đi các mã tài sản bị trùng này thì thực tế chỉ có 1.166 mã tài sản đảm bảo cho gần 1.300 khoản vay của nhóm bà Lan, hiện dư nợ 667.000 tỷ đồng là thiệt hại của vụ án.

Trong 10 năm (từ 2012 đến 2022), SCB đã giải ngân cho nhóm bà Lan hơn 2.500 khoản vay với tổng số tiền hơn 1.066.000 tỷ đồng, chiếm 93% số tiền cho vay của ngân hàng. Đến năm 2022, nhóm bà Lan còn gần 1.300 khoản vay, dư nợ tại SCB hơn 677.000 tỷ đồng (483.000 tỷ đồng dư nợ gốc, 193.000 tỷ tiền lãi), nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi. Hành vi của bà Lan và đồng phạm gây thiệt hại cho SCB 498.000 tỷ đồng. VKS xác định, bị cáo Trương Mỹ Lan là chủ mưu, phạm tội trong thời gian dài với thủ đoạn tinh vi, chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn của SCB, nên đề nghị HĐXX tuyên phạt mức án tử hình về các tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, “Tham ô tài sản”, và “Đưa hối lộ”.

Viện Kiểm sát bác nhiều quan điểm của các luật sư bào chữa

Tại tòa, các luật sư bào chữa cho bị cáo Lan nêu quan điểm cho rằng “phải trưng cầu kết quả định giá của cơ quan định giá trong tố tụng hình sự để xác định thiệt hại vụ án mới đảm bảo tính khách quan, chính xác”.

Đại diện Viện Kiểm sát bác bỏ quan điểm này và lập luận, cơ quan tố tụng không căn cứ vào kết quả định giá của Công ty thẩm định giá Hoàng Quân, mà căn cứ vào phương pháp điều tra khác, phù hợp với số liệu của SCB, các cơ quan kiểm toán độc lập, lời khai các bị cáo và nhiều chứng cứ khác trong hồ sơ.

Hành vi phạm tội của bà Lan diễn ra trong thời gian dài, sử dụng SCB như một công cụ tài chính để huy động tiền cho hoạt động kinh doanh và mục đích cá nhân. Bất cứ khi nào cần tiền, bà Lan chỉ đạo nhóm nhân viên thân tín và cán bộ chủ chốt của SCB lập hồ sơ khống, giải ngân... Do đó, số tiền thiệt hại của vụ án phải được xác định là dư nợ.

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: HT.

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: HT.

Việc bị cáo đưa tài sản vào thế chấp cho các khoản vay chỉ là phương thức, thủ đoạn nhằm rút tiền. Thực chất, các tài sản đảm bảo này bị cáo rút ra bất cứ khi nào, không đủ pháp lý, không đăng ký giao dịch bảo đảm... Nếu vụ án không bị phát hiện thì hành vi của bị cáo còn tiếp diễn. Hiện, SCB quản lý một số tài sản có khả năng khắc phục hậu quả. Vì vậy, theo nguyên tắc có lợi cho bị cáo, các tài sản này sẽ được dùng để loại trừ một phần trách nhiệm hậu quả.

Đối với đề nghị của luật sư “cần lấy dư nợ từng khoản vay trừ tài sản đảm bảo sau khi được xử lý làm căn cứ xác định thiệt hại”, Viện Kiểm sát cho rằng, phương pháp này chỉ áp dụng đối với các quan hệ tín dụng thông thường khi phát sinh tranh chấp. Trong vụ án này, bản chất của các hợp động tín dụng là nhằm chiếm đoạt tiền của SCB, nên không chấp nhận quan điểm của luật sư về căn cứ xác định thiệt hại trên.

Viện Kiểm sát cũng bác bỏ quan điểm “không nên tính lãi đối với các khoản thiệt hại cho bị cáo”, bởi nếu các hoạt động của ngân hàng diễn ra theo quy trình thông thường thì ngân hàng phải trả một khoản tiền lãi cho người gửi ngân hàng. Trong vụ án này, bà Lan đã chiếm đoạt tiền của người gửi tại ngân hàng thông qua các bị cáo chủ chốt, SCB trở thành người gánh chịu hậu quả do các bị cáo gây ra, nên phải chịu trách nhiệm về cả hình sự và dân sự; với cả tiền gốc và lãi.

Nhóm luật sư bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan. Ảnh: HT.

Nhóm luật sư bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan. Ảnh: HT.

Về số tiền 545 triệu USD (tương đương 12.450 tỷ đồng) mà bị cáo Lan cho rằng “đây là số tiền được bạn bè nước ngoài chuyển về cho SCB mượn”, Viện Kiểm sát xác định, số tiền này chuyển về được Công ty An Đông (công ty con của Vạn Thịnh Phát) nhận dưới hình thức vay của đối tác nước ngoài. Sau khi nhận, Công ty An Đông đã sử dụng vào 3 việc: tất toán khoản vay hơn 1.052 tỷ đồng của Công ty Cổ phần đầu tư Đại Thiên Cát; trả nợ gốc số tiền hơn 9.663 tỷ đồng cho 26 khoản vay khách hàng cá nhân được đảm bảo bằng tài sản là tòa nhà Windsor Plaza của Công ty An Đông; rút tiền mặt hơn 1.000 tỷ đồng mang về nhà cho Trương Mỹ Lan.

Và sau khi dùng gần hết số tiền trên để giải chấp các tài sản đảm bảo các khoản vay, bị cáo Lan đã chỉ đạo tiếp tục sử dụng các tài sản vừa được giải chấp này làm tài sản đảm bảo cho khoản vay mới 5.000 tỷ đồng tại SCB và đang được xác định là thiệt hại trong vụ án. “Như vậy, số tiền nhận từ nước ngoài nói trên là SCB thu nợ cho khoản 5.517 tỷ đồng”, đại diện Viện Kiểm sát phân tích.

Xem thêm
Cảnh báo nạn trộm cắp cà phê đầu vụ thu hoạch

GIA LAI Một số vùng trồng cà phê tại Tây Nguyên đã xuất hiện tình trạng bẻ cành, hái trộm cà phê chín sớm khi vụ thu hoạch đang cận kề và giá cao hơn nhiều năm.

Phát hiện người đàn ông treo cổ tại rừng thông

Hiện cơ quan chức năng vẫn chưa xác minh được danh tính người đàn ông treo cổ tử vong tại rừng thông do không mang theo giấy tờ tùy thân.