| Hotline: 0983.970.780

Xóm chạy thận thời Covid: Nỗi nhớ nhà và những giọt nước mắt

Thứ Năm 23/04/2020 , 14:39 (GMT+7)

“Trong suốt 13 năm chạy thận, điều tôi nhớ nhất là nỗi nhớ quê nhà. Phải xa chồng, xa con, xa gia đình nhưng vì bệnh tật nên đành phải chấp nhận như thế thôi”.

Người phụ nữ đã 62 tuổi, đôi mắt hằn sâu những vết chân chim hững hờ nhìn vào không gian vô định, thở dài. Cũng trong cùng cảnh ngộ như bà Phan Thị Tảo còn có hơn 100 bệnh nhân khác hiện đang ở trọ tại xóm chạy thận Bệnh viện Bạch Mai.

 Bà Phan Thị Tảo đã chạy thận suốt 13 năm nay. Ảnh: Phạm Hiếu.

 Bà Phan Thị Tảo đã chạy thận suốt 13 năm nay. Ảnh: Phạm Hiếu.

Da diết nỗi nhớ nhà

Xóm chạy thận nằm trong một con ngõ nhỏ trên đường Lê Thanh Nghị, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Những ngày cách ly xã hội, ai ai cũng lo sợ bệnh dịch Covid-19, con ngõ nhỏ vẫn tấp nập người đi lại. Hơn 130 bệnh nhân nơi đây vẫn tiếp tục công việc mà họ đã phải lặp đi lặp lại hàng chục năm trời: tới Bệnh viện Bạch Mai để chạy thận chữa bệnh. Nắng mới đầu hè có phần gay gắt khiến những giọt mồ hôi lăn dài trên gương mặt khắc khổ của người bệnh, thấm đẫm chiếc khẩu trang y tế màu xanh dương.

Tính đến nay đã chạy thận được 13 năm, bà Phan Thị Tảo (Hưng Yên) cho biết trong 13 năm chữa bệnh, nỗi nhớ nhà luôn luôn canh cánh trong lòng. Phải xa chồng, xa con, xa gia đình; phải thuê trọ ở một nơi chật hẹp, thiếu thốn. “Thế nhưng vì bệnh tật nên phải chấp nhận như thế thôi”, bà Tảo bộc bạch.

“Ngày trước mỗi tháng đều được về quê 1 lần thế nhưng bây giờ dịch bệnh nên đã lâu rồi tôi chưa được về thăm nhà. Những dịp lễ tết, giỗ chạp ở quê tôi đều nhớ từng ngày một nhưng có những năm không được về, trong lòng rất buồn tủi nhưng cũng phải cố mà vượt qua”, bà Phan Thị Tảo.

Người phụ nữ tâm sự: “Thiếu thốn tình cảm của gia đình, con cháu, kèm theo việc chạy thận lâu năm nên sức khỏe của tôi càng ngày càng yếu đi, bệnh tật càng ngày càng mệt mỏi. Không chỉ bị bệnh về thận mà giờ tôi còn bị thoái hóa xương khớp, chệch đĩa đệm và suy tim”.

Mấy ngày gần đây sức khỏe của bà không được tốt, người chồng gần 70 tuổi dưới quê lại phải bắt xe lên chăm nom. “Mấy hôm nay sức khỏe yếu hơn mà tôi trọ ở đây có một mình, không yên tâm nên chồng tôi mới lên chăm. Ông nhà tôi sức khỏe cũng không tốt, bị bệnh tiểu đường, nhà dưới quê cũng nhiều việc nên ông ý chỉ tranh thủ lên chăm tôi 1, 2 ngày rồi lại phải về luôn chứ không ở lại được lâu”, bà Tảo tâm sự.

Chạy thận lâu năm nên tốn kém tiền bạc, gia đình bà Tảo đang gặp khó khăn về kinh tế. Nhà bà Tảo có 3 người con. Người thì ở nhà chăn nuôi, người thì đi lao động ở công ty mỗi tháng thu nhập khoảng 4 - 5 triệu. Con cái đi làm cũng phải dành tiền biếu bà để chi tiêu sinh hoạt, nhà trọ, thuốc men. Thế nhưng những ngày dịch bệnh Covid-19 diễn ra thì con của bà phải nghỉ ở nhà, không có thu nhập. Thời buổi khó khăn nên bà càng phải tiết kiệm, tằn tiện hơn.

Cuộc sống của những bệnh nhân xóm chạy thận thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Ảnh: Phạm Hiếu.

Cuộc sống của những bệnh nhân xóm chạy thận thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Ảnh: Phạm Hiếu.

Bà Tảo cho biết 1 tháng bà phải dành khoảng 4 – 5 triệu cho chi phí sinh hoạt: ăn uống, nhà trọ, thuốc men. Chi phí chạy thận đã được nhà nước tài trợ thế nhưng có những lúc sức khỏe yếu bà lại phải mua thêm thuốc về uống hoặc phải truyền nước, truyền đạm…

Từ ngày dịch Covid-19 bùng phát, cuộc sống của mọi người ở xóm trọ này cũng bị ảnh hưởng. Nhất là khi Bệnh viện Bạch Mai trở thành ổ dịch và phải cách ly, họ lúc nào cũng lo lắng, nghe ngóng để đề phòng dịch bệnh. Tâm lý ai cũng hoảng sợ, bất an vì tốc độ lây nhiễm của bệnh này quá nhanh, khó mà kiểm soát tốt.

“Thế nhưng các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai cũng rất cẩn thận. Trong thời gian bệnh viện cách ly thì chúng tôi đã được đi đường riêng để vào chạy thận. Mỗi người đứng cách nhau 2m, được đo thân nhiệt, đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên”, bà Tảo cho hay.

Thiếu vật chất, neo tinh thần

Bị tai biến năm 2011, sang năm 2012 thì bị suy thận giai đoạn cuối và bắt đầu chạy thận, chồng bà Nguyễn Thị Thoa (Bắc Giang) đã gắn bó với con xóm nhỏ được 8 năm. Trong 8 năm ấy, bà Thoa luôn ở bên chăm sóc cho người chồng của mình.

Bà Thoa chia sẻ: “Những năm tháng đầu chạy thận sức khỏe chồng tôi rất yếu do bị tai biến. Sau 2 năm thì đã khỏe hơn, có thể đi lại được. Thế nhưng tuổi đã cao nên đầu óc ông không được minh mẫn. Mỗi lần đi chạy thận tôi đều phải thuê xe ôm đưa chồng tôi đi”.

Điều mà cư dân xóm chạy thận mong mỏi nhất là được thường xuyên về thăm nhà, thăm người thân. Ảnh: Phạm Hiếu.

Điều mà cư dân xóm chạy thận mong mỏi nhất là được thường xuyên về thăm nhà, thăm người thân. Ảnh: Phạm Hiếu.

Cũng có chồng bị tai biến 2 lần, bà Mai Thị Hường (Thanh Hóa) đã ở xóm chạy thận chăm chồng được 15 năm nay. Hoàn cảnh của bà Hường chẳng khác bà Thoa và những bệnh nhân cùng xóm, rất thiếu thốn về vật chất. Cuộc sống khó khăn nên những cư dân của xóm như bà Hường, bà Thoa phải đi làm đủ việc từ chạy xe ôm, bán quán nước, rửa bát thuê, nhặt ve chai… kiếm tiền để trang trải, nuôi cả mình lẫn chồng.

“Dịch Covid ập đến, chả ai thuê nữa, phải nghỉ ở nhà, không kiếm được tiền nữa. Khó khăn là thế nhưng chúng tôi phải tìm mọi cách để mà khắc phục, cố gắng đến tháng có đủ tiền để trả tiền nhà, nếu không chỉ có nước ra đường mà ở”, bà Hường tâm sự.

Bà Hường kể rằng 1 tháng nếu tiết kiệm lắm gia đình bà cũng mất 6 triệu để chi tiêu, không thì phải 7 - 8 triệu. Thời gian đầu chồng bà mới chạy thận thì người thân cũng có chu cấp, giúp đỡ về kinh tế, thế nhưng cho đến giờ thời gian chữa bệnh đã quá lâu nên những khoản chu cấp cũng ít dần đi.

“Ở xóm trọ này, mọi người không phải họ hàng, không cùng quê hương nhưng đều coi nhau như máu mủ thân tình trong nhà. Những lúc tắt lửa tối đèn, mình hay chồng mình ốm đau thì tôi đều phải trông cậy hết vào họ”, bà Mai Thị Hường.

Bà Hường nghẹn ngào: “Nói thật vào thời điểm dịch bệnh này nhà nước hay các nhà hảo tâm từ thiện đến đâu thì chúng tôi vui lòng đến đấy thôi. Tôi cũng xác định 2 vợ chồng có tuổi rồi, cố được đến lúc nào thì cố...”.

Không chỉ khó khăn về vật chất, những người bệnh ngụ xóm chạy thận còn thiếu thốn về mặt tinh thần. Trăm người như một khi được hỏi nhớ điều gì nhất trong khoảng thời gian ở đây thì ai cũng nói là nhớ nhà, nhớ người thân.

Bà Hường chia sẻ: “Những ngày lễ tết mà không được về tôi buồn lắm. Chỉ có đúng ngày giỗ bố chồng sau Tết Nguyên đán mấy hôm thì tôi về được chứ những ngày khác thì chịu. Kể cả giỗ bố mẹ đẻ tôi cũng không thể về được.”

Dịp tết vừa rồi lịch chạy thận của chồng bà Hường rơi đúng vào ngày mùng 1. Mà quê nhà cũng xa xôi, tận hơn 200 cây số nên vợ chồng người bệnh nhân già không về được. Kể cả có xe khách thì người chồng bị tai biến, liệt cả 2 chân nên việc lên xuống ô tô cũng rất khó khăn, chưa kể bây giờ chỉ toàn xe giường nằm, việc di chuyển càng thêm vất vả.

“Có những lúc em muốn chết trước anh”

Vợ chồng bà Mai Thị Hường có một hoàn cảnh vô cùng đặc biệt. Cuộc đời dường như muốn trêu đùa đôi vợ chồng già khi họ lấy nhau muộn mà lại gặp khó khăn trong việc có con. Mẹ chồng của bà Hường lúc bấy giờ cũng già yếu liệt giường, bà đã phải làm tròn bổn phận người con dâu, chăm sóc mẹ chồng 5 năm trời. Chồng bà thì ốm đau, người phụ nữ tội nghiệp không còn tâm trí và thời gian để có thể tính đến việc thụ tinh nhân tạo.

Chia sẻ về nỗi khổ tâm của cuộc đời mình, người phụ nữ tuổi 55 không giấu nổi hai hàng nước mắt lăn dài xuống khuôn mặt khắc khổ, làn da sạm đi vì sương gió hay những nếp nhăn xô lại vì những cung bậc cảm xúc cay đắng.

Bà Hường kể rằng: 'Mỗi lần đưa chồng đi chạy thận, sau khi cắm kim xong xuôi tôi lại tranh thủ về nhà cơm nước, đến giờ thì tới đón chồng về'. Ảnh: Phạm Hiếu.

Bà Hường kể rằng: “Mỗi lần đưa chồng đi chạy thận, sau khi cắm kim xong xuôi tôi lại tranh thủ về nhà cơm nước, đến giờ thì tới đón chồng về”. Ảnh: Phạm Hiếu.

Lời bộc bạch của bà nghẹn lại nơi cổ họng: “Nhiều lúc tủi thân tôi nghĩ bây giờ mình nuôi chồng như này, sau này chồng mình chết đi thì còn mỗi một mình mình trên đời. Như người ta chồng ốm đau cũng còn đứa con an ủi, nhưng mình thì… Đã có lần tủi thân tôi từng nói với chồng: Có những lúc em muốn chết trước anh”.

“Tôi chỉ mong nếu ông trời có thương vợ chồng tôi thì hãy làm cho sức khỏe của chồng tôi tốt lên, đôi chân của ông có thể khỏe hơn để đi lại được. Lúc đấy chúng tôi có thể về thăm quê thường xuyên hơn, cuộc sống sẽ bớt buồn tủi phần nào”, người phụ nữ không ngăn được những dòng nước mắt.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.