| Hotline: 0983.970.780

Xót xa công trình nông thôn mới bỏ hoang ở Bắc Tây Nguyên

Thứ Năm 27/06/2024 , 15:22 (GMT+7)

Những công trình bỏ hoang không sử dụng hoặc xuống cấp nhanh chóng đang gây lãng phí nghiêm trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Bắc Tây Nguyên.

Ngôi chợ tại xã Ia Drang xây dựng xong nhiều năm nhưng vẫn bỏ hoang. Ảnh: Tuấn Anh.

Ngôi chợ tại xã Ia Drang xây dựng xong nhiều năm nhưng vẫn bỏ hoang. Ảnh: Tuấn Anh.

Những năm qua, tỉnh Gia Lai và Kon Tum đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống của người dân, từ đó bộ mặt nông thôn mới ngày càng được nâng cao. Minh chứng cho điều này là sự đầu tư mạnh mẽ các công trình như đường giao thông, chợ, sân vận động… một cách bài bản, hướng đến tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, sau khi nhiều địa phương về đích nông thôn mới cũng là lúc cho thấy sự thiếu hiệu quả của các công trình phục vụ người dân.

Xây dựng chợ tiền tỷ rồi bỏ hoang

Ghi nhận tại xã Ia Drang (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai), ngôi chợ đẹp khang trang được xây dựng trong nhiều năm nhưng đến nay vẫn bỏ hoang. Điều đáng nói, ngôi chợ cũ tạm bợ cách đó vài bước chân vẫn được các tiểu thương buôn bán tấp nập hàng ngày. Theo tìm hiểu được biết, người dân không chịu di đời lên chợ mới vì ngại di dời và đã buôn bán ổn định ở chợ cũ.

Ông Trịnh Quốc Thanh, Chủ tịch UBND xã Ia Drang cho biết, theo lộ trình của huyện Chư Prông, xã Ia Drang được đưa vào kế hoạch đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015. Để đạt được điều này, xã phải tập trung hoàn thành các tiêu chí, trong đó có tiêu chí xây dựng chợ mới. Kế hoạch xây dựng chợ mới ngay sau đó đã được triển khai với kinh phí hơn 1 tỷ đồng để thay thế cho chợ cũ xuống cấp gần đó.

“Trước khi xây dựng chợ mới, người dân cam kết sẽ di dời lên đây buôn bán, trả lại mặt bằng chợ cũ để xã có kế hoạch xây dựng bến xe. Tuy nhiên, sau khi xây dựng xong, người dân lại đổi ý không lên nữa và kéo dài cho đến bây giờ”, ông Thanh thông tin.

Cũng theo ông Thanh, nguồn gốc đất ở chợ cũ là do công ty cao su cung cấp cho người dân từ lâu nên chính quyền địa phương không thể cưỡng chế phá bỏ mà chỉ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển lên chợ mới nhằm ổn định kinh doanh, buôn bán.

Đìu hiu chợ phiên Ngọc Bay. Ảnh: Tuấn Anh. 

Đìu hiu chợ phiên Ngọc Bay. Ảnh: Tuấn Anh. 

Tương tự, xã Ngọc Bay (TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum) đã được công nhận nông thôn mới vào năm 2022. Để đạt được điều nay, xã Ngọc Bay đã đáp ứng đủ các tiêu chí, đặc biệt quan trong nhất là xây dựng chợ trung tâm xã gắn với phát triển dân cư.

Được xây dựng năm 2022 với kinh phí khoảng 1 tỷ đồng và hoàn thành hơn 1 năm nay nhưng chợ mới xã Ngọc Bay luôn trong tình trạng vắng vẻ, một số hạng mục đã bị đập phá, hư hỏng.

Ông A Sứk, Trưởng thôn Kơ Năng (xã Ngọc Bay) cho biết, chợ mỗi tháng chỉ họp 1 lần đúng vào ngày nhân viên điện lực đến thu tiền điện tại đây. Thôn cũng đã nhiều lần vận động người dân vào buôn bán nhưng không mấy khả thi. Người dân vẫn có thói quen buôn bán bên đường và mua hàng từ các chuyến xe di động. Rất khó khuyên người dân vào buôn bán ở chợ vì họ lâu lâu chỉ bán mớ rau, con cá, con gà…

Đường giao thông nông thôn chưa nghiệm thu đã hỏng

Những năm qua xã Kông Yang (huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) đã làm nhiều tuyến đường giao thông nông thôn với tổng kinh phí hàng chục tỉ đồng để hướng đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, có nhiều công trình vừa mới làm xong đã xuống cấp nghiêm trọng.

Điển hình là tuyến đường giao thông nội đồng làng Húp (xã Kông Yang) dài trên 1,5km với kinh phí 2,5 tỷ đồng. Tuyến đường này được xây dựng vào năm 2022, hiện đã hoàn thiện, chưa nghiệm thu nhưng đã có một số bị hư hỏng, nứt nẻ nghiêm trọng.

Ông Đào Quốc Định, Chủ tịch UBND xã Kong Yang cho biết, trước tình trạng hư hỏng của tuyến đường, Ban quản lý các công trình mục tiêu quốc gia xã Kong Yang đã kiểm tra và đề nghị đơn vị thi công khắc phục khắc phục.

Theo tìm hiểu được biết, ngoài tuyến đường làng Húp, trong năm 2022-2023, trên địa bàn xã Kong Yang cũng được đầu tư xây dựng 4 công trình đường giao thông nông thôn với tổng kinh phí gần 10 tỉ đồng, hiện chưa được nghiệm thu.

Đường giao thông nội đồng làng Gào chưa nghiệm thu đã hư hỏng. Ảnh: Tuấn Anh.

Đường giao thông nội đồng làng Gào chưa nghiệm thu đã hư hỏng. Ảnh: Tuấn Anh.

Củng chưa được nghiệm thu nhưng tuyến đường giao thông nội đồng làng Gào (xã Ia Lang, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) có kinh phí hơn 1,1 tỉ đồng đã thi công xong nhưng hiện có dấu hiệu hư hỏng.

Ghi nhận thực tế cho thấy, tuyến đường có chiều dài khoảng 1,5km nhưng rất nhiều đoạn mặt đường bị nứt nẻ chạy dài, bê tông bong tróc. Đặc biệt, có một số đoạn mặt đường đã bị sụt lún.

Ông Nguyễn Đông Phai, Chủ tịch UBND xã Ia Lang cho biết, tuyến đường tại làng Gào được huyện Đức Cơ rất quan tâm trong việc xây dựng giao thông nông thôn. Công trình có sử dụng lao động tại địa phương để thực hiện, hoàn thành đúng thời gian. Tuy nhiên, kiểm tra tuy có xuất hiện vết rạn nứt chân chim, do bê tông giãn nở và việc tháo lắp ván khuôn sớm.

“Các vết nứt dọc không ảnh hưởng tới chất lượng công trình nhưng phần nào kém mỹ quan. Để khắc phục điều này, chúng tôi đã yêu cầu đơn vị thi công nhanh chóng có biện pháp xử lý và theo dõi các vết nứt để kịp thời khắc phục”, ông Phai cho biết.

Được biết, ngoài các công trình trên, rất nhiều các công trình đường giao nông thôn khác ở các tỉnh Bắc Tây Nguyên được đầu tư để công nhận đạt nông thôn mới cũng đang bị xuống cấp nhanh chóng.

Ông Trịnh Văn Sơn, Phó Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Kon Tum cho biết, về bản chất xây dựng nông thôn mới, những địa phương có quy hoạch xây dựng chợ nhưng xét trên thực tế nếu chưa có nhu cầu thì không nhất thiết phải kêu gọi đầu tư. Hiện nay, phần lớn các xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Kon Tum không xây dựng chợ mới mà chủ yếu sử dụng các cửa hàng bách hóa tổng hợp, siêu thị mini... đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ người dân.

Xem thêm
Nâng cấp, mở rộng hơn 13.000m ống dẫn nước sạch phục vụ dân sinh

Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh Môi trường nông thôn tỉnh Trà Vinh vừa nâng cấp, mở rộng hơn 13.000m ống dẫn nước sạch để phục vụ cho gần 1.000 hộ ở huyện Cầu Kè.

Bến Tre phát động công trình 'Hàng cây nông dân'

Bến Tre Tại xã Ngãi Đăng, các đại biểu thực hiện trồng 700 cây me chua tại địa điểm phát động chương trình 'Hàng cây nông dân'.

Tây Ninh có 88 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên

Với sự thông minh, cần cù, chịu khó, người dân Tây Ninh đã biến những thứ không thể thành có thể, từ đó, đã tạo nên những sản phẩm OCOP đặc trưng, giàu bản sắc.

Bình luận mới nhất