| Hotline: 0983.970.780

Khơi dậy sức dân: [Bài 3] Định Yên đất lành, người vui

Thứ Năm 27/06/2024 , 07:23 (GMT+7)

ĐỒNG THÁP Cuộc sống phát triển, để giữ được nghề dệt chiếu hơn 100 năm tuổi, với những giá trị văn hóa truyền thống quê hương là cả một niềm tâm huyết của người dân Định Yên.

Giữ lửa nghề

Nhắc đến xã Định Yên, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, ai cũng quen thuộc với cái tên “làng chiếu Định Yên”. Hơn 70% dân số địa phương đều theo nghề dệt chiếu truyền thống, hình thành cách đây hơn 100 năm. Nghề này đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều người dân nông thôn.

Hơn 70% dân số xã Định Yên, huyện Lấp Vò đều theo nghề dệt chiếu truyền thống. Ảnh: Kim Anh.

Hơn 70% dân số xã Định Yên, huyện Lấp Vò đều theo nghề dệt chiếu truyền thống. Ảnh: Kim Anh.

Hiện toàn xã còn khoảng 800 hộ tham gia các hoạt động liên quan đến nghề dệt chiếu, trong đó khoảng 430 hộ chuyên làm nghề. Theo thống kê của UBND xã Định Yên, làng nghề có khả năng sản xuất và cung cấp ra thị trường trên 1,3 triệu chiếc chiếu mỗi năm.

Dù đã nghe nhiều, nhưng đây là lần đầu tiên tôi đặt chân đến vùng đất này. Vào đúng dịp cuối tuần, người dân địa phương và du khách háo hức tập trung về Đình thần Định Yên. Mọi người vừa được tham gia phiên chợ quê, trò chơi dân gian, trải nghiệm nghề dệt chiếu, nghe hát dân ca.

“Hò hò ơi, dòng đưa câu hát, khúc hát dân ca, êm đềm sông nước Hậu Giang, tháng năm trôi về chợ chiếu ấp ôm tình người. Về Định Yên đất lành người vui, nghe sáu câu xàng xê, trong nắng chiều thiết tha như gợi tình quê”. 

Cô bé, cậu bé vừa lên mười tuổi đã có thể ngân nga đôi câu hò, điệu lý dân ca ngọt lịm, mùi mẫn đi vào lòng người.

Người thợ phải trải qua rất nhiều công đoạn chuẩn bị nguyên liệu một cách tỉ mỉ để dệt nên đôi chiếu bền, đẹp. Ảnh: Kim Anh.

Người thợ phải trải qua rất nhiều công đoạn chuẩn bị nguyên liệu một cách tỉ mỉ để dệt nên đôi chiếu bền, đẹp. Ảnh: Kim Anh.

Phía sân đình, chiếu đã được trải sẵn, các chú, bác cao niên, trên tay cầm theo quạt giấy, rồi vừa quạt vừa chăm chú xem các nghệ sĩ biểu diễn tuồng. Chờ đợi đến thời khắc quan trọng nhất trong tháng để hòa vào không gian phục dựng phiên “chợ ma”.

Gói gọn trong một không gian nhỏ ở Đình thần Định Yên, nhưng giữ lại nguyên hình hài một phần ký ức Nam bộ xưa. Đứng trước không gian ấy, bao nhiêu ký ức tuổi thơ ùa về trong tôi. Rồi chợt nghĩ, ở một xã nông thôn mới nâng cao, hạ tầng đang phát triển khá khang trang, đời sống cả vật chất và tinh thần của bà con được nâng cao hơn rất nhiều. Thế nhưng người dân Định Yên vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống quê hương, mộc mạc, bình dị, những tưởng chỉ còn tồn tại trong các buổi lễ, hội.

Bà Huỳnh Kim Loan, 54 tuổi, sống ở ấp An Khương bộc bạch, dệt chiếu là nghề truyền thống của người dân xã Định Yên. Từ khi lên 8 tuổi, bà đã biết “đội chiếu” đi bán để phụ giúp gia đình. Chính nghề này đã mang lại cuộc sống ổn định cho gia đình bà hàng chục năm qua.

“Sống bằng nghề nào phải theo nghề đó”, ngày nay với sự phát triển của khoa học công nghệ, việc dệt chiếu trở nên dễ dàng hơn nhờ có máy móc hỗ trợ. Theo bà Loan, bà con được hỗ trợ vay vốn đầu tư máy dệt, rút ngắn thời gian dệt chiếu. Hiện trung bình mỗi ngày bà con có thể dệt 4 - 5 đôi chiếu, năng suất sản phẩm làm ra từ đó cũng tăng lên gấp 3 - 4 lần, cải thiện thu nhập cho người dân nông thôn.

Ngày nay, chiếu dệt ra không cần mang ra chợ bán lẻ như trước, khách hàng dễ dàng tìm đến tận nhà để mua hàng. Ảnh: Kim Anh.

Ngày nay, chiếu dệt ra không cần mang ra chợ bán lẻ như trước, khách hàng dễ dàng tìm đến tận nhà để mua hàng. Ảnh: Kim Anh.

Ngoài ra, từ khi xã Định Yên bắt đầu công cuộc xây dựng nông thôn mới, đường xá được đầu tư khang trang, việc mua bán, vận chuyển chiếu của bà con thuận lợi hơn xưa rất nhiều. Chiếu dệt ra không cần mang ra chợ bán lẻ như trước. Khách hàng dễ dàng tìm đến tận nhà để mua hàng hoặc bà con giao cho tổ hợp tác, hợp tác xã tiêu thụ, đầu ra ổn định hơn.

Những người thợ cũng có thời gian, đặt nhiều tâm huyết để cho ra những chiếc chiếu bền, đẹp, bắt mắt, nâng cao giá thành sản phẩm. Tiếp nối và phát triển nghề dệt chiếu, bà Nguyễn Thị Xem đã 65 tuổi ở ấp An Khương vẫn miệt mài tham gia hướng dẫn du khách trải nghiệm cách thức để tạo nên đôi chiếu.

Theo bà Xem, bao thế hệ đã trưởng thành từ làng chiếu Định Yên và đến nay nghề dệt chiếu đang ngày càng phát triển. Tuy chưa thể gọi là giàu có từ nghề này, nhưng cũng giúp gia đình có cuộc sống sung túc, ngày nào cũng có tiền vô.

Hiện nay, ngoài dệt chiếu để phát triển kinh tế gia đình, người dân làng chiếu Định Yên còn biết cách làm du lịch. Hiện Đình thần Định Yên và làng nghề dệt chiếu đã trở thành điểm du lịch cộng đồng gắn với phát triển văn hóa của xã. Góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương cho thế hệ sau.

Nông thôn mới gắn với văn hóa truyền thống

Vào năm 2021, xã Định Yên đã được Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Từ đó, chính quyền địa phương nỗ lực thực hiện các công trình, phần việc chỉnh trang, nâng chất diện mạo nông thôn.

Xã Định Yên chú trọng nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn tạo thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân. Ảnh: Kim Anh.

Xã Định Yên chú trọng nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn tạo thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân. Ảnh: Kim Anh.

Trong đó, chú trọng nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn đảm bảo cứng hóa. Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc đi lại và vận chuyển hàng hóa, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển.

Toàn xã đã thành lập được 1 hợp tác xã và 3 tổ hợp sản xuất, tiêu thụ chiếu, góp phần giải quyết việc làm, ổn định kinh tế cho bà con địa phương. Nhờ đó đến nay, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của người dân trên địa bàn xã Định Yên đạt gần 68,6 triệu đồng.

Năm 2012,  Đình thần Định Yên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Đến tháng 9/2023, làng nghề truyền thống chiếu Định Yên tiếp tục được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đây là niềm tự hào đối với người dân xã Định Yên, tạo động lực để bà con cố gắng giữ lửa nghề, duy trì nét văn hóa truyền thống vốn đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân nông thôn.

UBND huyện Lấp Vò xác định, du lịch đang là một trong những tiềm năng của huyện. Điểm nhấn là du lịch văn hóa tâm linh, du lịch làng nghề. Đến nay, các điểm tham quan trên toàn huyện đã thu hút trên 400.000 lượt du khách, mang về doanh thu gần 16,5 tỷ đồng.

Riêng đối với điểm du lịch cộng đồng đình, làng nghề truyền thống và thực cảnh “chợ ma Định Yên” đã tạo được dấu ấn đặc biệt với du khách. Để khai thác giá trị văn hóa truyền thống, những năm gần đây, với sự hỗ trợ của UBND tỉnh Đồng Tháp, địa phương tập trung khôi phục không gian trên bến dưới thuyền “chợ ma Định Yên”.

Người dân làng chiếu Định Yên giờ đây, ngoài dệt chiếu để phát triển kinh tế gia đình, còn trở thành những diễn viên không chuyên, chân chất trong những show diễn “chợ ma” được tổ chức định kỳ hàng tháng ngay tại địa phương.

Bà con vui khi vẫn còn được làm nghề, giữ nghề và bằng cả niềm tự hào để giới thiệu đến du khách gần xa. Chính nét mộc mạc, giản dị và quá đỗi đời thường của người dân nơi đây, đã truyền tải quá nhiều thông điệp, cảm xúc níu chân du khách đến với Định Yên.

Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Định Yên sẽ triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của làng chiếu Định Yên. Ảnh: Kim Anh.

Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Định Yên sẽ triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của làng chiếu Định Yên. Ảnh: Kim Anh.

Năm 2024, huyện Lấp Vò phấn đấu xây dựng xã Định Yên đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thông qua việc phấn đấu nâng mức thu nhập lên 79,2 triệu đồng/người/năm.

Để thực hiện mục tiêu này, địa phương xác định người dân là chủ thể quan trọng, đích đến của nông thôn mới là nông thôn hài hoà, hạnh phúc. Các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của làng chiếu Định Yên sẽ tiếp tục được triển khai.

Đồng thời, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức để bà con phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới.

Huyện Lấp Vò hiện có 12 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh Đồng Tháp công nhận. Tổng số lao động tham gia tại các làng nghề là 1.597 hộ. Những năm qua, được sự hỗ trợ của UBND tỉnh, huyện đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp duy trì, bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nhàn rỗi và lao động trong làng nghề, nâng cao thu nhập tăng thêm cho mỗi lao động từ 3 – 4 triệu đồng/người/tháng.

Xem thêm
Nâng cấp, mở rộng hơn 13.000m ống dẫn nước sạch phục vụ dân sinh

Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh Môi trường nông thôn tỉnh Trà Vinh vừa nâng cấp, mở rộng hơn 13.000m ống dẫn nước sạch để phục vụ cho gần 1.000 hộ ở huyện Cầu Kè.

Bến Tre phát động công trình 'Hàng cây nông dân'

Bến Tre Tại xã Ngãi Đăng, các đại biểu thực hiện trồng 700 cây me chua tại địa điểm phát động chương trình 'Hàng cây nông dân'.

Tây Ninh có 88 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên

Với sự thông minh, cần cù, chịu khó, người dân Tây Ninh đã biến những thứ không thể thành có thể, từ đó, đã tạo nên những sản phẩm OCOP đặc trưng, giàu bản sắc.