| Hotline: 0983.970.780

Tây Ninh có 88 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên

Thứ Sáu 28/06/2024 , 13:54 (GMT+7)

Với sự thông minh, cần cù, chịu khó, người dân Tây Ninh đã biến những thứ không thể thành có thể, từ đó, đã tạo nên những sản phẩm OCOP đặc trưng, giàu bản sắc.

Tây Ninh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với đặc điểm địa hình của một cao nguyên, lại mang dáng dấp, sắc thái của đồng bằng. Tỉnh cũng được ví như chảo lửa do có nền nhiệt độ cao.

Tuy nhiên, với sự thông minh, cần cù, chịu khó, người dân Tây Ninh đã biến những thứ không thể thành có thể, từ đó, đã tạo nên những sản phẩm OCOP đặc trưng, giàu bản sắc, vang danh khắp mọi miền Tổ quốc, thậm chí vươn ra thế giới.

Những sản phẩm OCOP đặc trưng, giàu bản sắc của tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Trần Trung.

Những sản phẩm OCOP đặc trưng, giàu bản sắc của tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Trần Trung.

Theo Sở NN-PTNT Tây Ninh, tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 88 sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, với hầu hết mang tính đặc thù và chỉ được tìm thấy ở địa phương. Sản phẩm đầu tiên có thể kể đến muối tôm, dù không giáp biển, nhưng muối tôm Tây Ninh nổi tiếng cả nước. Kế đến, mãng cầu là sản vật vùng đất thánh khi gắn liền với địa danh núi Bà Đen. Với hương vị khác biệt, mãng cầu Tây Ninh ngày càng chuẩn hoá về chất lượng từng bước hội nhập thị trường.

Ngoài ra, bánh tráng, tuy không xuất xứ từ Tây Ninh, nhưng người dân Tây Ninh đã nâng tầm sản phẩm thành bánh tráng phơi sương, bánh tráng siêu mỏng, 1 trong 2 sản phẩm này được tỉnh chọn là sản phẩm OCOP 5 sao đầu tiên của địa phương, đang thực hiện thủ tục đề nghị Bộ NN-PTNT công nhận và đã hội nhập sâu vào thị trường thế giới.

Ông Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh tự hào cho biết, để chương trình OCOP đi vào thực chất, sản phẩm có thương hiệu, chỗ đứng vững trên thị trường, những năm qua, tỉnh Tây Ninh chủ trương không chạy theo số lượng, mà tập trung chọn sản phẩm nổi bật, đặc thù gắn với điều kiện địa lý, tập quán, nét sinh hoạt của cộng đồng dân cư để tạo ra nhiều sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương.

Mục tiêu đến năm 2025, Tây Ninh phấn đấu có ít nhất 79 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó, có ít nhất 55 cơ sở, doanh nghiệp có sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên, với tỷ lệ tối thiểu có 76% các cơ sở, doanh nghiệp OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định. Dù mới đi hơn 2/3 chặng đường, nhưng Tây Ninh đã đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.

Ông Nguyễn Đình Xuân cho biết thêm, hiện dư địa phát triển các sản phẩm OCOP của Tây Ninh còn rất lớn. Để Chương trình OCOP tiếp tục đi vào thực chất và người hưởng lợi nhiều nhất là người nông dân, tỉnh Tây Ninh đang triển khai nhiều chính sách liên kết trong khâu sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm theo chuỗi giá trị và kích cầu hàng hóa để giúp nâng tầm thương hiệu sản phẩm cho các đặc sản ở tại địa phương.

Mới đây, tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Tây Ninh khoá X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã biểu quyết thông qua Nghị quyết quy định một số nội dung chi, mức hỗ trợ thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2024-2025.

Theo đó, các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp nhỏ và vừa, trang trại và hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh có nhu cầu đăng ký mở điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của tỉnh Tây Ninh sẽ được chi hỗ trợ kinh phí về biển hiệu, quầy kệ trưng bày… với diện tích tối thiểu 20m2 và có ít nhất 50% số lượng sản phẩm OCOP của tỉnh Tây Ninh/điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của tỉnh Tây Ninh. Các đơn vị sẽ được hỗ trợ 50% tổng kinh phí xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng không quá 50 triệu đồng/điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

Nhờ trợ lực từ chính sách, các chủ thể OCOP tại Tây Ninh từng bước đa dạng hoá, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP. Ảnh: Trần Trung.

Nhờ trợ lực từ chính sách, các chủ thể OCOP tại Tây Ninh từng bước đa dạng hoá, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP. Ảnh: Trần Trung.

Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân có sản phẩm được đánh giá, phân hạng là sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao, 5 sao cũng được hỗ trợ chi phí thiết kế, in ấn bao bì, tem các sản phẩm OCOP sau khi cung cấp đầy đủ hợp đồng, thanh lý hợp đồng, hoá đơn thực hiện công việc thiết kế, in ấn bao bì, in tem với mức từ 10 đến 30 triệu đồng…

“Nghị quyết được thông qua có ý nghĩa vô cùng lớn nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, tinh thần hợp tác của các chủ thể và cộng đồng phát triển sản phẩm OCOP, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững”, ông Nguyễn Đình Xuân nhấn mạnh.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.