| Hotline: 0983.970.780

Xứ đồng trồng cam, ổi ngọt, ngon khác biệt

Thứ Ba 10/12/2019 , 08:42 (GMT+7)

Phiên chợ cam Hưng Yên 2019 đã khép lại nhưng dư âm về cam Cầu Chùa thơm ngon khác biệt, vẫn còn hiện hữu lan tỏa ra khắp cộng đồng người tiêu dùng trong khu vực.

09-24-10_3
Cam Cầu Chùa cho chất lượng ngọt ngon hơn bất kỳ quả cùng loại nào gieo trồng ở nơi khác.

Hiếu kỳ trước hiện tượng trên, chúng tôi đã tìm về nơi sản xuất cam Cầu Chùa ở thôn Chu Xá, xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, Hà Nội và nhận ra, đó chính là giống cam Vinh đang trồng phổ biến ở nhiều tỉnh, thành miền Bắc nước ta.

Do có được sự ưu đãi của tiểu sinh thái khu vực, nên các loại cam đã nêu, sau khi trồng trên đất Cầu Chùa đều cho chất lượng ngọt ngon hơn bất kỳ quả cùng loại nào gieo trồng ở nơi khác. Các nhà vườn chuyên canh cây ăn quả ở đây đã gắn sản phẩm cam Vinh sản xuất trên địa bàn, với địa danh Cầu Chùa sở tại thành cam Cầu Chùa, nhằm quảng bá và lưu danh thương hiệu, giúp người tiêu dùng dễ dàng biết đến tìm mua.

Có một điều khác lạ là, các loại cam trồng bên ngoài cánh đồng Cầu Chùa đều cho chất lượng quả thua kém, mặc dù cách nhau chỉ một con đường. Không riêng gì cây cam, các giống cây ăn quả như ổi, táo, bưởi, hồng xiêm trồng trong cánh đồng Cầu Chùa cũng đều cho sự thơm ngon khác biệt. Nhờ vậy, tại phiên chợ cam Hưng Yên 2019 vừa qua, các gian hàng cam Cầu Chùa luôn hút khách, dù giá bán đã tăng tới 50.000 - 60.000 đồng/kg, cao gấp 3-4 lần các loại cam Vinh khác.

Bật mí thêm về lợi thế của đồng đất Cầu Chùa, nhà vườn Nguyễn Văn Tiến cho biết: Đáng ngại nhất trên cây cam là bệnh gỉ sắt. Để giữ được bộ lá cây bóng đẹp trong suốt năm, người trồng cây có múi các nơi đều phải định kỳ 7-12 ngày/lần phun thuốc phòng trừ gỉ sắt. Nhưng tại khu đồng Cầu Chùa các cây cam lại không bị "dính" gỉ sắt. Qua đó giảm được rất nhiều chi phí công phun và tiền mua thuốc phòng trừ sâu bệnh. Đặc biệt còn dễ dàng cho thực hiện VietGAP cho các cây có múi.

Một khác lạ nữa ở đây là, cây ổi lê trồng ở các địa phương thường chỉ cho quả ngọt từ sau tiết heo may (trong tháng 8 âm lịch), nhưng cùng giống ổi này trồng trên đồng đất Cầu Chùa thì lại cho quả ngọt quanh năm. Phát hiện ra đặc điểm này là do, khi tiến hành trồng xen ổi trong vườn cam để xua đuổi rầy chổng cánh, anh Tiến đã bất ngờ thu hoạch được ổi ngon ngọt ngay cả trong những tháng có mưa nhiều (tháng 4-7 âm lịch).

Nhờ khai thác sớm được tiềm năng lợi thế của đất đai, từ hơn 10 năm nay, năm nào gia đình anh Tiến cũng thu được lợi nhuận 500-600 triệu đồng từ 2ha chuyên cam, ổi các loại. Sản phẩm luôn được thương lái đến bao tiêu tại vườn với giá cao gấp 3 lần các quả cùng loại bán trên thị trường cùng thời điểm.

Anh Tiến còn tự hào khoe: “Cam Cầu Chùa của nhà em đã từng được tín nhiệm cung ứng cho một số hội nghị của trung ương”.

09-24-10_1
Cam Cầu Chùa trồng tại nhà vườn anh Tiến.

Cùng chung niềm vui thuê lại được vị trí canh tác đắc địa như anh Tiến, nhà vườn cam Cầu Chùa - Nguyễn Văn Thúy cho hay: Phiên chợ cam Hưng Yên vừa qua, chỉ có mấy ngày em cũng thu hoạch và bán hết 38 tấn cam và 10 tấn ổi của nhà, thu về gần 1,6 tỷ đồng, trừ mọi chi phí đầu tư còn “bỏ ống” được ngót 1 tỷ đồng, tương đương với thu hoạch các trái cây cùng loại của năm trước.

Tìm hiểu thực tế chúng tôi thấy: Đất canh tác ở khu vực Cầu Chùa cơ bản là đất sét nặng. Trước năm 2000 các chân ruộng này đều chua trũng úng ngập, cấy lúa năng suất rất bấp bênh, không được người dân địa phương coi trọng. Nhưng từ sau một số hộ ở Văn Giang (Hưng Yên) đến thuê và cải tạo thành vùng chuyên cây có múi, đã cho hiệu quả sản xuất cao gấp 10-15 lần so với cách làm cũ.

Được biết, hiện mỗi năm xứ đồng này đang sản xuất và cung ứng cho người tiêu dùng Thủ đô Hà Nội gần 250 tấn cam Vinh, cam đường Canh, cùng hàng chục tấn ổi lê các loại.

“Các loại đất có tỷ lệ pha sét cao như ở xứ đồng Cầu Chùa, thường rất giàu dinh dưỡng và vi lượng, trong có những vi lượng quí hiếm không thể thay thế, đã tạo nên chất lượng trái cây nói chung, quả có múi nói riêng luôn ngọt thơm đồng nhất, không có vị the đắng hay chua thanh như một số loại cam, bưởi trồng trên các loại đất khác. Đây là một trong những cơ sở khoa học cho việc qui hoạch chuyển đổi đất canh tác sang trồng cây ăn quả”, ông Nguyễn Văn Kiên - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên cho biết.

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

SƠN LA Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.