| Hotline: 0983.970.780

Trồng cam Vinh VietGAP

Thứ Năm 26/09/2019 , 09:03 (GMT+7)

Với hơn 10ha trồng cam Vinh theo tiêu chuẩn VietGAP được ngành nông nghiệp huyện Lục Yên (Yên Bái) công nhận, đến nay nhiều hộ dân ở xã Yên Thắng, huyện Lục Yên, đã có thu nhập ổn định.

13-54-46_mo_hinh_cm_sch_theo_tieu_chun_vietgp_mng_li_nhung_thun_loi_cho_nguoi_trong_cm
Mô hình cam sạch VietGAP mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Anh Hoàng Văn Bảy thôn Đồng Cáy, xã Yên Thắng là một trong những người tiên phong trong việc áp dụng mô hình sản xuất cam theo hướng VietGAP ở xã Yên Thắng. Gia đình anh có 1 ha cam Vinh, thông qua Hội Nông dân xã, huyện và Phòng NN- PTNT huyện, gia đình anh Bảy được hỗ trợ đầu tư xây dựng mô hình thâm canh cam Vinh thời kỳ kiến thiết cơ bản theo VietGAP trên diện tích 1ha.

Nhờ được sự tư vấn tích cực của cán bộ nông nghiệp và thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, chăm sóc nên diện tích cam Vinh phát triển tốt. Năm 2018, 300 gốc cam Vinh nhà anh Bảy thu hoạch được 5 tấn cam, cho thu nhập 50 triệu đồng. Năm nay 300 cây cam Vinh đang chuẩn bị bước vào thu hoạch, ước tính khoảng 6 tấn cam quả, trị giá 60 triệu đồng.

Anh Bảy chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi trồng các loại cây ăn quả như vải thiều, hồng…thấy không hiệu quả đã đổi sang trồng cam Vinh. Nhờ Hội Nông dân huyện, Hội Nông dân xã Yên Thắng có chủ trương cho học theo hướng VietGAP, và được hỗ trợ phân bón, thuốc BVTV hiện tại cam Vinh vào năm thứ 7 đã cho thu hoạch quả”.

Gia đình chị Lý Thị Kiểu ở thôn Nà Khao cũng là một trong những hộ đầu tiên trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong quá trình chăm sóc cây, gia đình chị Kiểu đã áp dụng khoa học kỹ thuật trồng cam thân thiện với môi trường, như chỉ dùng phân bón hữu cơ, sử dụng đèn sinh học để bẫy côn trùng, các loại thuốc vi sinh, thảo mộc để phòng trừ bệnh cho cây. Vì vậy mà cam nhà chị luôn đắt hàng.

Năm 2018, 250 cây cam Vinh theo tiêu chuẩn VietGap của gia đình chị cho thu về gần 30 triệu đồng. Năm nay, chị ước tính thu hơn 3 tấn cam, trị giá trên 35 triệu đồng. Trước đây nhiều hộ trồng hàng chục ha cam nhưng chủ yếu trồng theo kinh nghiệm truyền thống, do đó chất lượng cam đạt tiêu chuẩn không nhiều; cây dễ phát sinh sâu bệnh dẫn đến việc sử dụng giống, quy trình chăm sóc, thuốc BVTV, chất kích thích tăng trưởng còn phổ biến, chưa có sự đồng nhất ở các vườn cam.

 Để từng bước hướng đến sản phẩm cam sạch, đồng thời xác định sản xuất an toàn là hướng phát triển bền vững cho cây cam, đặt việc đảm bảo quy trình kỹ thuật lên hàng đầu nhằm xây dựng thương hiệu và hỗ trợ các hộ trồng cam trong xã, năm 2018, Hội Nông dân xã Yên Thắng đã thành lập Tổ hợp tác trồng cam sạch theo tiêu chuẩn VietGAP với 8 thành viên.

Tham gia tổ hợp tác trồng cam VietGAP, các thành viên cùng tham gia giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy trình sản xuất, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng sử dụng thuốc BVTV ngoài danh mục. Hiện xã Yên Thắng được ngành nông nghiệp công nhận trên 10ha trồng cam VietGAP. Các thành viên tổ hợp tác cam sạch theo tiêu chuẩn VietGap được hỗ trợ về phân bón, hướng dẫn cách sử dụng thuốc BVTV, được tập huấn các quy trình trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại trên cây cam.

Ông Nguyễn Tiến Lộc, Chủ tịch UBND xã Yên Thắng cho biết: “Để giúp người trồng cây ăn quả nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế và sản xuất ra những sản phẩm sạch, UBND xã chỉ đạo và đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời tăng cường quảng bá sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị hàng hóa và tăng thu nhập cho nông dân”.

Xem thêm
Hợp tác xã nuôi ong mật gắn với xây dựng sản phẩm OCOP

HÀ TĨNH Ong trong dự án sinh trưởng phát triển tốt, ít dịch bệnh, năng suất bình quân đạt ≥18kg/đàn/năm, hiệu quả kinh tế tăng ≥10% so với nuôi đại trà.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.