| Hotline: 0983.970.780

Xử lý môi trường chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học, nông dân thu lợi lớn

Thứ Sáu 30/06/2023 , 05:42 (GMT+7)

Hiệu quả kinh tế khi các hộ chăn nuôi tại Vĩnh Phúc sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường trong chăn nuôi gà tăng 13%, lợn tăng 9%, bò tăng 14%.

Một buổi cấp phát và tập huấn kỹ thuật sử dụng chế phẩm sinh học để giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi do Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc triển khai tháng 5/2023. Ảnh: Trung Quân.

Một buổi cấp phát và tập huấn kỹ thuật sử dụng chế phẩm sinh học để giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi do Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc triển khai tháng 5/2023. Ảnh: Trung Quân.

Trong những năm gần đây, hoạt động chăn nuôi của người dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc phát triển mạnh mẽ.

Tính đến ngày 15/4/2023, đàn trâu toàn tỉnh là 16.600 con, bò 94.000 con (bò sữa có 17.300 con), đàn lợn 458.000 con và đàn gia cầm gần 12 triệu con.

Tuy nhiên, quy mô chăn nuôi của người dân vẫn còn nhỏ lẻ, chủ yếu là chăn nuôi nông hộ, nằm xen kẽ trong khu dân cư; chưa có công nghệ xử lý chất thải hữu hiệu với từng quy mô chăn nuôi.

Điều này làm cho công tác xử lý môi trường trong chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh và mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định số 2422/QĐ-UBND ngày 28/9/2020 về việc ban hành kế hoạch hỗ trợ giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021- 2023.

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN-PTNT, Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc tiến hành hỗ trợ các hộ chăn nuôi 50% chi phí mua chế phẩm để làm đệm lót sinh học xử lý chất thải chăn nuôi gà.

Mức hỗ trợ tương ứng 1.000 đồng/con, nhưng không quá 5 triệu đồng/hộ (giành cho các hộ chăn nuôi gà có quy mô từ 500 con/lứa trở lên).

Hỗ trợ 50% chi phí mua chế phẩm sinh học để xử lý chất thải trong chăn nuôi lợn cho các hộ có quy mô từ 10 con trở lên.

Ngoài ra, còn hỗ trợ 50% chi phí mua chế phẩm sinh học và nguyên liệu làm đệm lót để xử lý chất thải trong chăn nuôi bò cho các hộ có quy mô từ 5 con trở lên, 50% chi phí mua chế phẩm sinh học để xử lý chất thải trong chăn nuôi bò sữa cho các hộ có quy mô từ 3 con trở lên.

Đến nay, Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc đã phối hợp với các Trạm khuyến nông huyện, Phòng kinh tế thành phố, UBND các xã tổ chức 39 hội nghị triển khai chương trình và tiến hành hỗ trợ chế phẩm sinh học để xử lý môi trường chăn nuôi cho 21,5 triệu con gà, 350.000 con lợn, 5.000 con bò sữa và 2.800 con bò thịt cùng chế phẩm sinh học và hơn 2.500 tấn đệm lót.

Kết quả ghi nhận trên thực tế cho thấy, việc sử dụng chế phẩm sinh học xử lý môi trường chăn nuôi đã làm giảm được mùi hôi thối chuồng trại, tiết kiệm nước và công lao động, đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Hiệu quả kinh tế khi sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường trong chăn nuôi gà tăng 13%, lợn tăng 9, bò tăng 14% so với không sử dụng chế phẩm sinh học.

Khi sử dụng chế phẩm sinh học nền chuồng nuôi khô thoáng, giảm mầm bệnh, nhất là bệnh hen, cầu trùng. Ảnh: Trung Quân.

Khi sử dụng chế phẩm sinh học nền chuồng nuôi khô thoáng, giảm mầm bệnh, nhất là bệnh hen, cầu trùng. Ảnh: Trung Quân.

Anh Phạm Văn Dũng, thôn Đoàn Kết, xã Xuân Lôi, (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) phấn khởi chia sẻ, gia đình ông hiện đang nuôi 6.000 gà đẻ trứng, trước đây việc xử lý mùi hôi thối của phân thải và bụi bẩn trong chuồng nuôi là hai vấn đề khiến ông tốn rất nhiều thời gian, công sức, chi phí nhưng vẫn không triệt để.

Tuy nhiên, từ khi được sự hỗ trợ, hướng dẫn của cán bộ Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc, ông Dũng sử dụng chế phẩm sinh học rắc vào nền chuồng bằng trấu giúp phân giải nhanh chóng các chất thải, phân, thức ăn dư thừa, giảm mùi hôi, hấp thụ khí độc trong nền chuồng, hút ẩm giúp nền chuồng luôn khô thoáng.

Chế phẩm cũng giúp ức chế các vi sinh vật có hại phát triển, hạn chế mầm bệnh, nhất là bệnh hen, cầu trùng… Từ đó, tạo môi trường an toàn cho đàn gà sinh trưởng và phát triển, thuận lợi tăng mật độ đàn nuôi.

Ông Nguyễn Đăng Khoa, người cùng thôn Đoàn Kết, nuôi 7.000 gà đẻ cũng không giấu được niềm vui khi sử dụng chế phẩm sinh học xử lý môi trường chăn nuôi đã giúp gia đình ông giảm được 50% chi phí thuốc phòng, trị bệnh cho đàn gà.

Ông Khoa phân tích, khi dùng chế phẩm vi sinh rắc nền chuồng thì mùi hôi nhanh chóng được tiêu giảm, nền chuồng luôn khô thoáng nên mỗi năm chỉ phải thay từ 2-3 lần.

Bên cạnh đó, khi mùi hôi, chất thải chăn nuôi không ảnh hưởng tới môi trường thì sức khỏe người trực tiếp chăn nuôi và cộng đồng xung quanh cũng được cải thiện.

Đặc biệt, trong bối cảnh giá các loại vật tư đầu vào chăn nuôi tăng cao, trong khi giá bán sản phẩm lên xuống thất thường thì việc tạo được môi trường thuận lợi cho gà phát triển, giảm bệnh, lớn nhanh sẽ giúp người nuôi giảm lượng thức ăn, nước, công lao động, chi phí thuốc phòng trị bệnh.

Từ đó, có thêm điểm tựa để duy trì và mở rộng quy mô đàn khi phù hợp, đảm bảo nguồn thu nhập, phát triển chăn nuôi bền vững.

Ông Đinh Quốc Chiến, Phó Giám đốc TTKN Vĩnh Phúc đánh giá, sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi là biện pháp hữu hiệu nhất để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường.

Chất thải đã được xử lý có thể dùng để sản xuất thành loại phân vi sinh có giá trị dinh dưỡng cao và dễ hấp thu đối với cây trồng. Từ đó, giúp người dân nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, hiệu quả kinh tế.

Anh Phạm Văn Dũng, thôn Đoàn Kết, xã Xuân Lôi, (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) phấn khởi khi sử dụng chế phẩm sinh học mùi hôi và bụi chuồng nuôi gà đã được xử lý. Ảnh: Trung Quân.

Anh Phạm Văn Dũng, thôn Đoàn Kết, xã Xuân Lôi, (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) phấn khởi khi sử dụng chế phẩm sinh học mùi hôi và bụi chuồng nuôi gà đã được xử lý. Ảnh: Trung Quân.

Việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi góp phần quan trọng trong việc phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, góp phần đáp ứng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Chương trình hỗ trợ giảm ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức, thói quen của người sản xuất về giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, tiến tới khi không có sự hỗ trợ của nhà nước thì người dân vẫn tự giác thực hiện.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.