Mô hình chăn nuôi vỗ béo bò thịt và xử lý chất thải chăn nuôi của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia được triển khai từ đầu năm 2022 tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.
Mô hình có quy mô 60 bò thịt được vỗ bèo, với 10 hộ tham gia, 100% số hộ được xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học. Mô hình cũng được thực hiện liên kết giữa người chăn nuôi và doanh nghiệp để tiêu thụ 100% sản phẩm vật nuôi của các hộ gia đình.
Qua mô hình, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng như ngành NN-PTNT Hà Giang mong muốn những hộ nông dân chăn nuôi áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, chăn nuôi thâm canh, bán thâm canh, tăng khối lượng và chất lượng sản phẩm thịt, nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo việc làm cho người nông dân.
Mô hình sẽ là một hướng đi đúng đem lại hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội và môi trường, thúc đẩy phong trào chăn nuôi bò thịt, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn đồng thời góp phần tuyên truyền nhân rộng mô hình ra đại trà.
Gia đình anh Vừ Mí Pó, thôn Chúng Pả A, thị trấn Mèo Mạc nuôi 7 con bò. Chăn nuôi gia súc đã gắn bó với gia đình anh Pó cũng như người dân nơi đây từ rất lâu. Tuy nhiên, người dân chỉ chăn nuôi theo hướng truyền thống và không chú ý đến yếu tố môi trường.
Anh Pó cho biết, từ ngày tham gia mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học giúp cho anh và nhiều hộ nông dân chăn nuôi áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới. Do đó, khu chuồng trại chăn nuôi đã được đảm bảo vệ sinh, cách xa nhà ở.
Chất thải của đàn vật nuôi được thu gom và xử lý làm nguồn phân bón cho cây trồng vừa giữ vững được an toàn sinh học, tăng cường sức khỏe đàn vật nuôi, tăng năng suất chất lượng chăn nuôi vừa đem lại hiệu quả kinh tế.
Chăn nuôi theo hướng truyền thống, đàn bò của gia đình anh Vàng Mí Dính, thôn Chúng Pả A, thị trấn Mèo Vạc ít khi được tẩy giun và cho ăn theo chế độ dinh dưỡng đảm bảo tăng trọng. Thế nhưng, từ ngày tham gia mô hình chăn nuôi bò vỗ béo theo hướng an toàn sinh học, anh Dính đã biết cho chúng ăn đúng bữa, đúng cách, đủ dinh dưỡng; biết quan tâm đến sức khỏe của chúng.
Bởi thế, sau hơn 3 tháng nuôi, đàn bò 5 con của gia đình anh Dính đã tăng trọng tốt, hiệu quả kinh tế tăng 18 % so với không áp dụng quy trình vỗ béo. Cụ thể, khối lượng bò trước khi đưa vào vỗ béo có trọng lượng khoảng 250kg/con, nhưng sau 3 tháng, đàn bò có trọng lượng trung bình đạt 320kg/con.
Hiện, tổng đàn bò của của thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Mạc, tỉnh Hà Giang có 1.300 con, số hộ chăn nuôi bò là 560 hộ/12 thôn, tổ dân phố. Ngành chăn nuôi gia súc ở đây phần lớn vẫn mang tính truyền thống. Như việc người dân còn tận dụng gầm nhà sàn, hoặc chuồng nuôi gần nhà, phân thải gia súc chưa được thu gom và xử lý triệt để, nước thải thì cho chảy trực tiếp xuống ao hồ, sông suối, ảnh hưởng đến nguồn nước cộng đồng.
Đặc biệt nhất trong chăn nuôi là việc người dân chưa có biện pháp xử lý mùi hôi thối gây ô nhiễm trực tiếp đến môi trường sống của con người, tác động lớn đến mỹ quan du lịch sinh thái… Do đó việc áp dụng thành công mô hình vỗ béo bò thịt và xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học là rất cần thiết. Bởi không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn có ý nghĩa quan trọng về môi trường và tính bền vững lâu dài cho sự phát triển của ngành chăn nuôi ở huyện vùng cao Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang.
Bà Phạm Thị Thoa, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Giang cho biết, các hộ tham tham gia thực hiện mô hình nuôi vỗ béo bò thịt và xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học đã được trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản trong chăn nuôi bò nói chung và chăn nuôi bò thịt vỗ béo nói riêng.
Qua đó, các hộ nuôi đã biết cách chọn đối tượng bò trước khi đưa vào vỗ béo, đặc biệt là bò gầy có bộ khung xương lớn thì tăng trọng nhanh hơn; nắm bắt được các yêu cầu kỹ thuật về chăm sóc nuôi dưỡng theo quy trình, biết cách tẩy nội ngoại ký sinh trùng trước khi vỗ béo và xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học…