Theo tổng hợp của Bộ NN-PTNT, tính từ đầu năm tới nay, cả nước đã xảy ra 32 vụ/52 tàu/453 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Trong đó chủ yếu là do Malaysia bắt giữ, xử lý với 23 vụ/38 tàu/367 ngư dân.
Các địa phương có tàu cá và ngư dân bị bắt giữ, xử lý nhiều là Kiên Giang (09 vụ/13 tàu/114 ngư dân), Cà Mau (04 vụ/08 tàu/28 ngư dân, vẫn đang tiếp tục xác minh số lượng ngư dân bị bắt giữ), Bình Định (04 vụ/06 tàu/38 ngư dân) (phụ lục kèm theo). Ngoài ra còn 7 vụ/11 tàu cá/122 ngư dân đang chờ xác minh, nghi ngờ tàu cá thuộc tỉnh Kiên Giang, Cà Mau.
Đặc biệt thời gian gần đây xuất hiện một số vụ việc nghiêm trọng như sử dụng tên, đăng ký tàu giả để khai thác hải sản trái phép. Gần đây nhất là vụ việc Malaysia bắt giữ 4 tàu cá của Việt Nam mang tên BOY05, BOY06, BOY08, BOY12 khai thác hải sản trái phép trong vùng biển Malaysia vào ngày 31/3/2022.
Qua kiểm tra giấy chứng nhận đăng ký tàu cá do thuyền trưởng các tàu bị bắt xuất trình, lực lượng chức năng Malaysia xác định 04 tàu cá trên là tàu cá của Cà Mau (CM-93000-TS, CM-96888-TS, CM-94777-TS, CM-93111-TS).
Về chống đối người thi hành công vụ, ngày 11/4/2022, tàu KG - 93702 – TS, trong 20 ngư dân bị lực lượng chức năng Malaysia bắt giữ có 1 ngư dân bị điều tra hình sự do không hợp tác, có hành động hung dữ và đã làm cho 1 cán bộ bạn bị thương.
Tiếp đó, ngày 22/4/2022, tàu cá CM 93839 TS bị lực lượng chức năng Malaysia bắt giữ có 1 ngư dân sẽ bị điều tra hình sự do không hợp tác và có hành vi chống đối khiến cho 01 cán bộ phía bạn bị thương.
Nhằm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài Bộ NN-PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh Bình Định, Kiên Giang, Cà Mau chỉ đạo cơ quan Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh điều tra, xác minh, xử lý nghiêm minh đối với tổ chức, cá nhân tổ chức, môi giới đưa các tàu cá và ngư dân vụ việc nêu trên và các vụ việc khác có liên quan, báo cáo kết quả về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU trước ngày 6/6.