| Hotline: 0983.970.780

Xứ Tuyên làm ‘sống lại’ vai trò của HTX

Thứ Ba 15/12/2020 , 08:31 (GMT+7)

Với nhiều phương thức đổi mới, các HTX sản xuất nông lâm nghiệp ở Tuyên Quang đang dần sống lại, khẳng định vai trò của mình trong kết nối tiêu thụ nông sản địa phương.

Phát triển nông nghiệp sạch luôn là mục tiêu mà các HTX nông, lâm nghiệp tại Tuyên Quang đang hướng tới. Ảnh: Đào Thanh.

Phát triển nông nghiệp sạch luôn là mục tiêu mà các HTX nông, lâm nghiệp tại Tuyên Quang đang hướng tới. Ảnh: Đào Thanh.

Đồng hành cùng HTX

Đồng hành cũng các HTX, những năm qua UBND tỉnh Tuyên Quang cùng các ngành chức năng đã có nhiều chính sách đồng hành cùng HTX. Trong đó, tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ các HTX đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thực hiện từ năm 2019-2020 với tổng kinh phí thực hiện 75,28 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hiện nay các HTX đang chuẩn bị thực hiện các dự án hỗ trợ. Về hỗ trợ vốn ưu đãi đến nay đã có 9 HTX vay vốn ngân hàng để đầu tư vào sản xuất hàng hóa với tổng số vốn được vay 8,817 tỷ đồng, trong đó HTX được vay vốn nhiều nhất là 1,2 tỷ đồng..

Tỉnh cũng đẩy mạnh thực hiện hỗ trợ các HTX thực hiện mô hình hợp tác xã kiểu mới liên kết với doanh nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, HTX nông nghiệp Tân Hợp, xã Hồng Thái, huyện Na Hang đã hỗ trợ chứng nhận 29 ha chè theo tiêu chuẩn VietGAP, hiện nay việc liên kết sản xuất và tiêu thụ chè được thực hiện ổn định giữa nhân dân và doanh nghiệp; HTX nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành thực hiện liên kết chăn nuôi trâu, bò an toàn sinh học theo chuỗi giá trị đem lại hiệu quả cho người dân.

Hỗ trợ việc thực hiện thí điểm số cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở các HTX, tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện trả hỗ trợ lương cơ bản cho 3 cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở 3 HTX. Gồm HTX nông lâm nghiệp Tam Đa, xã Tam Đa, huyện Sơn Dương; HTX Chè xanh Làng Bát, xã Tân Thành, huyện Hàm Yên; HTX nông nghiệp và dịch vụ Tiến Quang, xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa. Sau hơn 1 năm áp dụng, cả 3 HTX này đều bước đầu có bước phát triển ổn định cả về tư duy sản xuất cũng như kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Ông Lê Hải Nam, Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang cho biết, việc dùng người trẻ có những thuận lợi bởi họ luôn năng động nhanh nhạy tiếp cận thị trường, nhiệt huyết với công việc. Tuy nhiên cũng có không ít những khó khăn, đó là việc họ thiếu kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh, cũng như trong quan hệ đối tác. Khắc phục thực trạng này, các cơ quan, đơn vị đã hỗ trợ họ tham gia các lớp tập huấn, kết nối tiêu thụ sản phẩm, kích cầu hoạt động của HTX phát triển.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các HTX, giai đoạn 2011-2012, tỉnh Tuyên Quang đã hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho 682 lượt người, kinh phí thực hiện 1,429 tỷ đồng. Hỗ trợ thành lập mới cho 5 HTX, tổ chức lại hoạt động cho 41 HTX. Giai đoạn 2013- 2020, tỉnh đã tổ chức được 41 lớp tập huấn với 3.192 lượt người tham gia, kinh phí thực hiện hơn 3,5 tỷ đồng.

Nhiều HTX hoạt động hiệu quả

Tính đến cuối năm 2019, kết quả phân loại phân loại hoạt động đối với 240 HTX sản xuất nông lâm nghiệp của tỉnh Tuyên Quang, thì có 117 HTX xếp loại tốt và khá, chiếm 48,75% (tăng 25,65% so với năm 2011); 81 HTX xếp loại trung bình, chiếm 33,75% (giảm 27,9% so với năm 2011). Với con số này cho thấy dù số HTX hoạt động hiệu quả trên địa bàn tỉnh chưa đạt 50%, thế nhưng so với năm 2011 đã có sự cải thiện đáng kể.

Phát triển cây dược liệu là hướng đi mà HTX nông lâm nghiệp Sơn Thịnh, huyện Sơn Dương đang lựa chọn. Ảnh: Đào Thanh.

Phát triển cây dược liệu là hướng đi mà HTX nông lâm nghiệp Sơn Thịnh, huyện Sơn Dương đang lựa chọn. Ảnh: Đào Thanh.

Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, HTX nấm sạch Bình Yên, huyện Sơn Dương đã dần có chỗ đứng vững chắc trên thị trường bởi sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Anh Lưu Văn Khuya, Giám đốc HTX nấm sạch Bình Yên cho biết, để HTX đứng vững được trên thị trường, HTX luôn xác định mỗi thành viên phải có trách nhiệm với chất lượng sản phẩm của mình, bởi nếu làm không tốt thì ảnh hưởng đến chính túi tiền của mình. Vì vậy ngoài chú trọng làm ra sản phẩm nấm tốt, mỗi thành viên trong HTX đều tích cực nỗ lực tìm kiếm kết nối thị trường.

Hiện nay, trung bình mỗi năm HTX cho sản lượng hơn 17 tấn nấm các loại, với giá bán ổn định 25.000 - 30.000 đồng/1kg. HTX đã tạo việc làm cho 8 lao động là người địa phương, thu nhập đạt từ 4 đến 5 triệu đồng/tháng.

Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN-PTNT Tuyên Quang cho biết, để tiếp tục khẳng định vị trí của mình trong nền kinh tế thị trường, bên cạnh các chính sách hỗ trợ đồng hành của nhà nước thì bản thân các HTX cần phải vận động từ nội lực; bản thân mỗi thành viên trong HTX cần nêu cao tinh thần xây dựng và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Bởi nếu một HTX hoạt động hiệu quả chính là kết quả sản xuất kinh doanh của các thành viên trong HTX ấy.

Không ngừng nỗ lực, sau 3 năm thành lập, đến nay HTX chè Sử Anh, huyện Yên Sơn đã dần lớn mạnh. Khi mới thành lập, HTX có 10 ha chè, sử dụng 20 lao động. Đến nay đã có 30 ha chè và sử dụng trên 50 lao động tại địa phương. Được sự đồng hành của các cấp hính quyền, HTX được tiếp cận với các cơ chế, chính sách ưu đãi, kết nối được với một số doanh nghiệp, siêu thị tiêu thụ sản phẩm. HTX cũng đã mạnh dạn đã chuyển đổi thay toàn bộ diện tích bằng các giống chè mới có năng suất, chất lượng như chè Ngọc thúy, chè Bát tiên, chè LDP1.

Anh Nguyễn Công Sử, Giám đốc HTX chè Sử Anh cho biết, hiện nay sản lượng chè trung bình của HTX đạt 125 tấn nguyên liệu/năm. Toàn bộ diện tích được áp dụng theo quy chuẩn VietGAP. Tham gia mô hình người nông dân cần tuân thủ nghiêm nguyên tắc “4 đúng” (Đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp). Nhờ vậy, sản phẩm chè của HTX được thị trường đón nhận, thu nhập của thành viên HTX và nhân công luôn ổn định.

Kết quả của quá trình thực hiện đổi mới, phát triển, số sản phẩm nông sản của các HTX trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tăng lên rõ rệt. Đến nay, toàn tỉnh có 33 sản phẩm đăng ký nhãn hiệu trong đó có 22 sản phẩm đã được cục Sở hữu trí tuệ công nhận, 11 sản phẩm đã cấp Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ (tăng 28 sản phẩm so với năm 2011). Vai trò của HTX đã góp phần tích cực vào việc phát triển sản xuất hàng hóa của tỉnh.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Thanh Trì sáng tạo lan tỏa các sản phẩm OCOP

Thời gian vừa qua huyện Thanh Trì, TP Hà Nội đã có nhiều cách làm sáng tạo để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm OCOP.