Vụ thu đông này, HTX Mỹ Thành Bắc (xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) đã liên kết với nông dân sản xuất lúa theo công nghệ cao, trên diện tích 200 ha. Theo đó, nhà nước hỗ trợ 40% về giống, phân bón, nấm Tricoderma. 13 ha là điểm trình diễn áp dụng bón phân thông minh và cấy lúa bằng máy. Vụ đông xuân tới sẽ trình diễn thêm công nghệ tưới nước tự động bằng điện thoại thông minh.
Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc HTXNN Mỹ Thành Bắc cho biết: Phương pháp thực hiện canh tác lúa công nghệ cao đầu tiên là sạ thưa. Sử dụng phân bón vùi, theo quy trình chỉ bón 2 lần/vụ. Bón lần đầu trước khi sạ. Bón xong thì đem máy trục rồi mới sạ. Phân vùi thích hợp vụ xuân thời tiết nhiều nắng, cây lúa hấp thu tốt, nếu mưa thì phân trôi 40-50% (theo khuyến cáo thì bón lần đầu tiên 25 kg/ha).
Nhưng do đặc điểm vụ này, với đất giữ phân kém nên bón lần đầu chỉ 15 kg/ha, chừa lại 10 kg, đợi 18-20 ngày thì mới bón bổ sung. Khi đón đòng mới bón thêm một đợt nữa. Như vụ đông xuân thì bón 2 đợt, còn vụ hè thu, thu đông sẽ bón 3 đợt. Điều này giảm được công lao động cho nông dân, thay vì trước đây thường bón 4 lần, nay giảm được 1-2 lần tùy vụ. HTX áp dụng quy trình canh tác “3 giảm 3 tăng” kết hợp thăm đồng thường xuyên, lúa có bệnh thì mới phun xịt.
“Ở đây chúng tôi có mô hình điểm 13 ha, được Nhà nước đầu tư cho một hệ thống gieo giống, máy cấy và 1.000 khay đựng mạ trị giá 630 triệu đồng. Bên cạnh đó, còn được đầu tư hệ thống tưới tiêu tự động thông minh, sử dụng điện thoại. Trên ruộng có các máy quan trắc cho biết nước ở mức nào sẽ bơm, mức nào là đủ để ngưng. Tổng giá trị được đầu tư trên 1 tỷ đồng”, ông Việt nói.
Ông Nguyễn Văn Việt cho biết thêm, từ việc được tập huấn các chương trình “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm”, rồi được đầu tư sạ lúa công nghệ cao nên thành viên của HTX cũng như bà con bên ngoài sẵn sàng thực hiện các quy trình canh tác lúa ở mức độ cao hơn hơn như GlobalGAP, VietGAP.
Tại Đồng Tháp, vụ lúa hè thu vừa qua, tại HTX Mỹ Đông 2, huyện Tháp Mười cũng triển khai thí điểm mô hình. Hệ thống quản lý nước ngập khô xen kẽ đang được áp dụng công nghệ điện toán đám mây, nông dân ở bất cứ đâu cũng có thể bơm nước hoặc rút nước ra khỏi ruộng bằng điện thoại.
Đặc biệt nhất là máy sạ lúa vừa bón phân cùng lúc và sử dụng phun thuốc BVTV thông minh bằng máy bay không người lái trong cả vụ. Kết quả nông dân giảm 50% phân bón, giảm 75% công bón phân, giảm 50% lượng rác thải khí nhà kính, tăng năng suất 30%, thu nhập của bà con tăng lên ít nhất 20%.
Mô hình canh tác lý tưởng đã ứng dụng được các thông tin và máy móc hiện đại phục vụ cho quá trình quản trị sản xuất cây lúa từ nước, phân bón, từ chỉ dẫn môi trường, độ... Đảm bảo được chuỗi khép kín từ khâu tổ chức sản xuất, khâu chế biến, gắn đến xây dựng thương hiệu, mẫu mã để ra sản phẩm.
Ông Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười cho biết: Riêng vụ lúa hè thu năm nay thực hiện mô hình là 22,5ha. Điểm mới của mô hình canh tác lúa lý tưởng vụ hè thu 2020 là không sử dụng máy cấy mà sử dụng máy sạ. Máy có 2 chức năng như cùng một lúc là sạ lúa và bón phân vùi nên tiết kiệm được chi phí về công lao động làm mạ và bón phân. Trong canh tác nông dân còn áp dụng các kỹ thuật như: “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm”, IPM...
Theo ông Tuấn, để mô hình phát triển rộng trong tương lai, trước mắt UBND tỉnh Đồng Tháp đã chọn xã Mỹ Đông quy hoạch đầu tư mô hình canh tác lúa lý tưởng lên 170 ha, với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng và các thiết bị sản xuất nông nghiệp hiện đại.