Theo Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), trị giá xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường chính đồng loạt giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, tại thị trường Mỹ, xuất khẩu cá ngừ trong tháng 9 giảm 7,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Tại thị trường EU, xuất khẩu cá ngừ cũng giảm 25% trong tháng 9. Cả 3 thị trường chính trong khối là Italia, Đức và Tây Ban Nha đều sụt giảm. Hiệp hội Chế biến & Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, chi phí vận tải đường biển tăng và giá thép tăng cao đang khiến cho nhập khẩu cá ngừ đóng hộp của Mỹ và EU khó có thể tăng trở lại.
Xuất khẩu cá ngừ sang thị trường các nước CPTPP cũng giảm sâu trong tháng 9, với trị giá kim ngạch trong tháng này giảm 28% so với cùng kỳ và hiện dừng ở mức gần 6 triệu USD. 4 thị trường lớn nhất trong khối là Canada, Nhật Bản, Mexico và Chile, trị giá xuất khẩu đều giảm.
Đây là tháng thứ hai liên tiếp, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, xuất khẩu cá ngừ trong tháng 8 giảm 19%.
VASEP cho biết, nguyên nhân chính của sự sụt giảm này là tác động từ sự bùng phát đại dịch Covid-19 tại các tỉnh phía Nam trong mấy tháng qua. Chính dịch bệnh đã khiến hoạt động chế biến và xuất khẩu của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Trong các cuộc họp của Bộ NN-PTNT, Tổng cục Thủy sản và các ban, ngành liên quan, tất cả đều tiên đoán kết quả này. Dù nhiều tỉnh, thành phố đã bỏ giãn cách xã hội từ tháng 9, nhưng nhiều nhà máy chưa thể khôi phục hoạt động theo mô hình "3 tại chỗ". Đa số chỉ hoạt động cầm chừng khoảng 30%.
Sụt giảm trong 2 tháng liên tiếp, nhưng tính luỹ kế 9 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đạt gần 521 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2020.
Bên cạnh những thị trường truyền thống, Việt Nam đã xuất khẩu cá ngừ mạnh ở các thị trường như Trung Quốc, Israel. Riêng trong nửa đầu tháng 9/2021, giá trị xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng 332% so với cùng kỳ năm 2020. Còn tại Israel, Việt Nam hiện là nguồn cung cá ngừ lớn nhất, với lũy kế tính đến giữa tháng 8/2021 tăng 34% so với cùng kỳ.
Vào quý IV/2021, một số khu công nghiệp ở miền Trung, Nam Trung bộ đã bắt đầu cho doanh nghiệp hoạt động trở lại. Kết hợp với nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường lớn như Mỹ, EU, Canada,… những tháng cuối năm sẽ tăng cao, các doanh nghiệp cần chuẩn bị sớm cho các lô hàng xuất khẩu.