| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu chính ngạch sẽ đưa sản xuất khoai lang vào quy củ

Thứ Năm 13/04/2023 , 09:15 (GMT+7)

ĐẮK LẮK Việc khoai lang được xuất chính ngạch sang Trung Quốc sẽ thúc đẩy thành lập các HTX, tổ hợp tác, đưa sản xuất cây trồng này vào quy củ, nâng cao năng suất, chất lượng...

Đắk Lắk có diện tích khoai lang dao động từ 7.000 - 10.000ha/năm. Do đó, địa phương này xác định cây khoai lang là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh.

Trồng luân canh giúp giảm sâu bệnh

Bài liên quan

Sau khi Bộ NN-PTNT thông báo khoai lang được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk đã vận động người dân thành lập các HTX, tổ hợp tác để tạo vùng nguyên liệu lớn đủ điều kiện cấp mã số vùng trồng.

Theo HTX Nông nghiệp 714 (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk), vụ đông xuân năm nay, đơn vị trồng hơn 150ha khoai lang (trong số tổng diện tích 400ha của HTX). Các thành viên HTX canh tác khoai lang luôn canh giữa 2 vụ lúa, một vụ khoai. Trong đó, khoai lang được trồng từ tháng 2 đến tháng 7 hàng năm. Việc này giúp đáp ứng đủ yêu cầu cấp mã số vùng trồng mà phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc đưa ra. Đặc biệt, việc trồng luân canh cũng giúp cho các thành viên của HTX phòng tránh được một số loại sâu bệnh hại trên khoai lang.

z4254998710113_2cefccfb80f4c96e4f4a80678b73e254

Người dân trồng luân canh giữa khoai lang và lúa giúp giảm áp lực sâu bệnh hại trên cây khoai lang. Ảnh: Quang Yên.

Bài liên quan

Ông Cao Tiến Văn (ngụ xã Ea Rbin, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, gia đình có hơn 2ha đất trồng khoai lang trong vụ đông xuân. Năm nay, sản lượng đạt 30 tấn/ha và được thương lái mua xô với giá 14.500 đồng/kg.

Theo ông Văn, vừa qua, có doanh nghiệp đã xuống liên kết với dân để xây dựng mã vùng trồng phục vụ xuất khẩu khoai lang chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Sau khi có thông tin, người dân trong vùng đã liên kết với nhau hơn 200ha để thiết lập hồ sơ cấp mã vùng trồng.

Ông Văn cho biết thêm, theo kinh nghiệm dân gian "khoai ruộng lạ, mạ ruộng quen" nên việc trồng khoai lang luân canh giữa lúa và khoai giúp giảm nguy cơ sâu bệnh. Trước đây, người dân trồng thuần khoai lang trong 1 - 2 năm thì bệnh rất nhiều. Khi trồng luân canh một vụ lúa, một vụ khoai sẽ giúp đất được cải tạo nên giảm chi phí đầu tư xuống còn 50%, đặc biệt giảm sâu bệnh đến 80%.

Tuy nhiên, điều ông Văn lo lắng hiện nay là giống khoai lang được người dân địa phương mua từ huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) về trồng nhiều năm nay nhưng không theo tiêu chuẩn nào. “Giống mua vậy chứ cũng chưa đúng chuẩn nên nhiều trường hợp mua về trồng hay bị bệnh và năng suất không cao”, ông Văn chia sẻ.

Ông Đặng Xuân Kiên, Chủ tịch UBND xã Ea Rbin, huyện Lắk cho biết, tổng diện tích khoai lang vụ đông xuân của địa phương hiện có hơn 400ha. Vừa qua, khi nhận được thông báo về xây dựng mã vùng trồng để xuất khẩu khoai lang sang Trung Quốc, địa phương đã liên hệ với doanh nghiệp để thực hiện.

z4254998652442_8b07c0711ace9834f2675d0ff25e99dc

Thông tin khoai lang được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc đã giúp giá khoai lang tăng trong thời gian gần đây. Ảnh: Quang Yên.

Để đáp ứng được các yêu cầu, địa phương đã vận động người dân liên kết với nhau để thành lập tổ hợp tác. Đến nay, đã có hơn 20 hộ với diện tích hơn 200ha tham gia thành lập tổ hợp tác và thiết lập hồ sơ xin cấp mã số vùng trồng.

“Diện tích khoai lang tại địa phương tương đối lớn và được người dân trồng luân phiên một vụ lúa, một vụ khoai. Việc trồng luân phiên giúp người dân giảm áp lực sâu bệnh, nhất là bệnh hà”, ông Kiên nói.

Chủ tịch xã Ea Rbin cho biết thêm, để xuất khẩu được bền vững, địa phương đã có kế hoạch sau khi được cấp mã vùng trồng sẽ liên hệ với Phòng NN-PTNT huyện nhờ hỗ trợ xây dựng quy trình sản xuất khoai lang theo tiêu chuẩn VietGAP.

“Khi xây dựng được mô hình sản xuất VietGAP, địa phương sẽ làm các thủ tục xin cấp chứng nhận sản phẩm OCOP cho khoai lang. Có sản xuất theo hướng bền vững thì việc xuất khẩu khoai lang mới được lâu dài”, ông Kiên nói thêm.

Thúc đẩy thành lập HTX, nâng chất lượng khoai lang

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Hương Cao Nguyên cho biết, để đảm bảo khoai lang đủ kiện xuất khẩu thì tiêu chuẩn và quy cách phải đáp ứng được yêu cầu của phía đối tác.

Theo ông Tùng, hiện nay, khâu liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nói chung, khoai lang nói riêng là vấn đề dài hơi, phụ thuộc nhiều yếu tố. Đối với khoai lang, việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sẽ càng khó khăn hơn vì có tính đặc thù mang tính chất mùa vụ.  

z4239113510636_9312bf3b482fa831e405ac5c5d7167a8

Theo ngành nông nghiệp Đắk Lắk, việc xuất khẩu khoai lang chính ngạch tất yếu sẽ giúp sản xuất cây trồng này đi vào quy củ. Ảnh: Quang Yên.

“Để nâng cao chất lượng khoai lang cần sự vào cuộc, quản lý đồng bộ của cơ quan quản lý nhà nước. Trong đó thể hiện vai trò của các cơ quan liên quan của ngành nông nghiệp từ tỉnh xuống địa phương. Đối với người dân, nên tham gia kinh tế tập thể. Bởi khi tham gia kinh tế tập thể, bà con sẽ được sự giám sát, quản lý hỗ trợ của nhà nước về vận hành, kĩ thuật canh tác”, ông Tùng nói.

Ông Tùng cho biết thêm, để góp phần giúp khoai lang phát triển ổn định, bền vững, doanh nghiệp sẽ đồng hành với nhà nước, nông dân trong liên kết sản xuất, thu mua sản phẩm.

“Cơ quan quản lý nhà nước sẽ là cầu nối cho doanh nghiệp và nông dân trồng khoai lang. Doanh nghiệp ở đây sẽ có 2 trường hợp là có doanh nghiệp đầu vào và doanh nghiệp đầu ra. Khi làm tốt những yếu tố trên, mặt hàng khoai lang mới có thể phát triển bền vững được”, ông Tùng nhấn mạnh.

Theo ông Lê Văn Thành, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệc thực vật tỉnh Đắk Lắk, từ khi có thông tin xuất khẩu chính ngạch khoai lang sang Trung Quốc, cơ quan chức năng, doanh nghiệp và nông dân trên địa bàn tỉnh đều rất hồ hởi vào cuộc.

Theo ông Thành, để có thể xuất khẩu khoai lang chính ngạch, phải đáp ứng những tiêu chuẩn bắt buộc của nước nhập khẩu đưa ra.

“Việc xuất khẩu chính ngạch thì có nhiều thuận lợi. Cụ thể, doanh nghiệp muốn xuất khẩu phải liên kết với nông dân. Muốn liên kết với nông dân thì phải thành lập HTX/tổ hợp tác để làm đầu mối. Do đó, thời gian này, các địa phương của tỉnh cũng đang đẩy nhanh việc thành lập các HTX/tổ hợp tác sản xuất khoai lang để hình thành những vùng nguyên liệu chuyên canh lớn”, ông Thành nói.

Cũng theo ông Thành, khi doanh nghiệp liên kết với nông dân, sẽ thúc đẩy sản xuất theo một quy trình thống nhất từ khâu làm đất đến trồng, chăm sóc và thu hoạch.

z4254998705254_9e0d3b99d65fd2dd5eb155dffd0a5ae6

Xuất khẩu khoai lang chính ngạch sẽ tạo cú hích cho việc thành lập các HTX tại các vùng trồng. Ảnh: Quang Yên.

“Một hộ nông dân thì có thể canh tác không đúng theo tiêu chuẩn nhưng khi tham gia vào HTX/tổ hợp tác, có liên kết với doanh nghiệp thì bắt buộc phải sản xuất theo quy trình cụ thể. Các thành viên trong HTX sẽ giám sát lẫn nhau vì một trường hợp làm không đảm bảo sẽ ảnh hưởng đến những người khác”, ông Thành nói.

Đặc biệt, khi hình thành chuỗi liên kết sản xuất, sẽ tạo điều kiện thúc đẩy doanh nghiệp cùng tham gia với các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan khoa học để kiểm soát chất lượng, chuyển giao các tiến bộ mới về KH-CN, quy trình sản xuất tiên tiến, thuận tiện hơn trong việc phổ biến cho nông dân thực hiện đúng những quy định trong sản xuất, thu hoạch, sơ chế... của nước nhập khẩu. Doanh nghiệp ký kết hợp đồng thu mua với người dân theo đó cũng sẽ bắt buộc phải đảm bảo chất lượng. Nếu người dân sản xuất không đảm bảo chất lượng, bên đầu tiên chịu ảnh hưởng chính là doanh nghiệp.

“Hiện nay, các quốc gia đã có quy định rõ về kiểm dịch thực vật. Khi kiểm soát được sâu bệnh hại trong sản xuất, sẽ hạn chế được việc sử dụng thuốc BVTV. Cơ quan chức năng sẽ tập huấn, tuyên truyền cho người dân về quy trình canh tác khoai lang đảm bảo các điều kiện xuất khẩu, bền vững, giảm chi phí sản xuất... Khi được xuất khẩu chính ngạch, nhu cầu về sản lượng và giá khoai lang sẽ tăng, từ đó tạo cú hích giúp tăng diện tích. Việc này sẽ giúp cho cây khoai lang của địa phương có cơ hội phát triển, bứt phá trong thời gian tới”, ông Thành nói.

(Lê Văn Thành, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk).

Xem thêm
Người làm nên thương hiệu 'heo say xỉn'

NINH BÌNH Mấy năm nay tôi không thể vào một trại lợn nào vì chủ trại phòng dịch rất nghiêm, thế mà anh Nga bảo vào thoải mái, lao động ở đây còn thường xuyên về nhà.

Chú trọng tiêm vacxin, chống buôn lậu trước mùa nguy cơ dịch bênh

Chỉ đạo hoạt động của ngành thú y, chăn nuôi thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh công tác kiểm soát dịch bệnh bằng vacxin và phòng chống buôn lậu.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.