| Hotline: 0983.970.780

Thủy sản chủ lực tràn đầy triển vọng

Xuất khẩu cua ghẹ tăng trưởng ấn tượng

Thứ Ba 17/05/2022 , 12:13 (GMT+7)

Cua ghẹ và giáp xác khác là một trong 6 nhóm sản phẩm hải sản xuất khẩu chính của Việt Nam và đang tăng trưởng tốt trong những tháng đầu năm nay.

Cua biển nuôi ở Cần Giuộc, Long An. Ảnh: Thanh Sơn.

Cua biển nuôi ở Cần Giuộc, Long An. Ảnh: Thanh Sơn.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), bất chấp những khó khăn lớn do đại dịch Covid-19, trong năm 2021, xuất khẩu cua ghẹ và giáp xác khác vẫn tăng trưởng 3,9%, đạt giá trị 189 triệu USD. Với giá trị xuất khẩu này, cua ghẹ và giáp xác khác đóng góp 6% thị phần trong tổng giá trị xuất khẩu hải sản năm 2021 là 3,4 tỷ USD.

Nếu như tăng trưởng trong năm 2021 còn khiêm tốn, những tháng đầu năm nay, xuất khẩu cua ghẹ và giáp xác khác tăng trưởng rất mạnh. Tháng 1, xuất khẩu nhóm cua ghẹ và giáp xác khác đạt hơn 23 triệu USD, tăng tới 82% so với tháng 1/2021.

Tháng 2, xuất khẩu nhóm sản phẩm này tiếp tục tăng trưởng rất mạnh, đưa tổng giá trị xuất khẩu 2 tháng đầu năm đạt 34,3 triệu USD, tăng 85,6% so với cùng kỳ. Sang tháng 3, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đã giảm nhưng tính chung trong cả quý I năm nay, xuất khẩu nhóm hàng cua ghẹ và giáp xác khác vẫn tăng tới 62% so với cùng kỳ năm 2021, đạt hơn 50 triệu USD và chiếm 5,6% trong tổng giá trị xuất khẩu hải sản của cả quý là 920 triệu USD.

Xuất khẩu cua ghẹ và giáp xác khác tăng trưởng rất ấn tượng trong quý đầu năm nay, chủ yếu nhờ vào nhu cầu đang tăng cao trên thị trường thế giới.

Sau khi giảm trong năm 2020 do đại dịch Covid-19, nhu cầu tiêu thụ cua trên thế giới đã phục hồi trong năm 2021, khi đạt mức tăng trưởng 16%. Nhu cầu tăng, cộng với những khó khăn về logistics khiến cho giá cua tăng cao trên toàn cầu. Điều này thể hiện rất rõ tại thị trường Mỹ.

Năm 2021, nhập khẩu một số sản phẩm cua ghẹ vào Mỹ tăng rất mạnh về kim ngạch. Chẳng hạn, nhập khẩu ghẹ đỏ từ Trung Quốc tăng 42% về lượng và 50% về giá trị so với năm 2020, nhập khẩu ghẹ xanh từ Indonesia tăng 13% về lượng và 80% về giá trị, nhập khẩu cua xanh từ Venezuela tăng 12% về lượng và 69% về giá trị …

Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc là những thị trường nhập khẩu cua lớn nhất thế giới. Dù giá cua ghẹ tăng cao nhưng những thị trường này vẫn đang tăng mạnh nhu cầu nhập khẩu trong những tháng đầu năm nay. 2 tháng đầu năm nay, Mỹ nhập khẩu 8.479 tấn cua các loại, trị giá 376 triệu USD, tăng 15,3% về lượng và 82,1% về trị giá so với cùng kỳ 2021.

Theo bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO, những tháng đầu năm nay, các nhà nhâp khẩu từ Trung Quốc và Hongkong đều tăng mạnh các đơn hàng đối với nhiều sản phẩm thủy sản của Việt Nam, trong đó có cua ghẹ. Nhờ vậy, 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cua ghẹ sang thị trường này tăng tới 198% so với cùng kỳ 2021. Đây là tín hiệu rất tích cực về mặt thị trường cho cua ghẹ Việt Nam, vì trong năm ngoái, xuất khẩu cua ghẹ sang Trung Quốc giảm tới 23% so với năm trước đó.

Trong những tháng tới, thị trường vẫn rộng mở cho cua ghẹ Việt Nam. Việc thủy sản xuất khẩu của Nga chịu những tác động lớn từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ, EU do cuộc xung đột Nga - Ukraina, sẽ làm thiếu hụt nhu cầu cua, ghẹ tại những thị trường tiêu thụ lớn này. Nga là nước có sản lượng và xuất khẩu cua ghẹ hàng đầu thế giới với hạn ngạch (TAC) khai thác cua là 107.512 tấn trong năm nay.

Trong khi đó, theo Cục Nghề cá biển quốc gia Mỹ (NMFS), nguồn cung của ghẹ trên thế giới sẽ giảm trong năm nay, khi nguồn cung cua tuyết ở biển Bering và Alaska được dự kiến đạt mức thấp, khiến cho giá các sản phẩm này tiếp tục tăng.

Theo VASEP, cua ghẹ chế biến của Việt Nam hiện đã có được vị trí tốt tại một số thị trường. Như tại Úc, trong năm 2021, giá trị nhập khẩu cua chế biến từ Việt Nam là 149 tấn, chiếm 38,6% tổng lượng nhập khẩu sản phẩm này vào Úc.

Trong số các nguồn cung cấp ngoài khối EU, dù lượng xuất khẩu có xu hướng giảm do thẻ vàng IUU, Việt Nam hiện vẫn là nước xuất khẩu chính cua chế biến cho EU với 891 tấn trong năm 2020. Pháp, Anh, Hà Lan và Bỉ là các thị trường nhập khẩu cua lớn nhất của Việt Nam trong khối EU. Các doanh nghiệp Việt Nam chuyên sản xuất cua bùn và ghẹ xanh để chế biến. Trong đó, ghẹ xanh được sử dụng nhiều nhất trong các sản phẩm cua chế biến như thịt cua (chủ yếu là thịt cua đóng lon hoặc đóng lọ).

Xem thêm
Năm tuyển sinh đặc biệt của Trường Đại học Lâm nghiệp

HÀ NỘI Trường Đại học Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) tổ chức lễ nhập học cho tân sinh viên khóa K69 trong không khí rộn ràng của chuỗi sự kiện kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường.

Công ty Tiến Nông hỗ trợ đồng bào lũ lụt gần 1,5 tỷ đồng

Ngoài việc ủng hộ đồng bào, sắp tới doanh nghiệp sẽ đồng hành, hỗ trợ bà con tổ chức sản, tái thiết sản xuất nông nghiệp.

Giới đầu tư săn tìm biệt thự ven biển Hạ Long khi nguồn cung nhỏ giọt

QUẢNG NINH Quỹ đất trực vịnh Hạ Long ngày càng khan hiếm khiến nguồn cung biệt thự ven biển ít ỏi, nhiều nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội từ dòng sản phẩm này.

Bình luận mới nhất