| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu gỗ sẽ duy trì tăng trưởng cao đến cuối năm

Thứ Ba 16/07/2024 , 14:01 (GMT+7)

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam trong nửa đầu năm nay đã tăng trưởng 2 con số và dự báo sẽ duy trì đà tăng trưởng này cho tới cuối năm.

Chế biến gỗ xuất khẩu ở Công ty Cổ phần Chế biến gỗ Thuận An, Bình Dương. Ảnh: Sơn Trang.

Chế biến gỗ xuất khẩu ở Công ty Cổ phần Chế biến gỗ Thuận An, Bình Dương. Ảnh: Sơn Trang.

Nửa đầu năm nay, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ. Theo Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 7,476 tỷ USD, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 5,066 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nhận định, nhu cầu tăng tại nhiều thị trường xuất khẩu lớn là yếu tố chính thúc đẩy hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng trưởng tích cực trong 6 tháng đầu năm 2024. Điều này thể hiện qua việc hầu hết các mặt hàng gỗ chính của Việt Nam đều tăng trưởng xuất khẩu.

Trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu, đồ nội thất bằng gỗ luôn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực với trị giá xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao nhất. Trong 5 tháng đầu năm 2024, trị giá xuất khẩu mặt hàng này đạt 3,8 tỷ USD, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Hầu hết các mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ xuất khẩu đều tăng trưởng tích cực trong 5 tháng đầu năm 2024. Dẫn đầu là mặt hàng ghế khung gỗ đạt 1,3 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2023; tiếp theo là mặt hàng đồ nội thất phòng khách và phòng ăn đạt 1 tỷ USD, tăng 25%...

Ngoài mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ, trong 5 tháng đầu năm 2024 còn một số mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu cũng tăng trưởng tốt như: dăm gỗ đạt 1,1 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2023; gỗ, ván và ván sàn đạt 815 triệu USD, tăng 25%; gỗ viên nén đạt 282 triệu USD, tăng 10%...

Chia sẻ tại một chương trình tổ chức đầu tháng 7 trong chuỗi sự kiện “Giải mã kinh doanh”, ông Nguyễn Quốc Khanh,  Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho rằng, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đang tăng trưởng nhờ những tín hiệu tích cực từ các thị trường như Mỹ, EU ... Trong đó, Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất, chiếm 55% giá trị xuất khẩu gỗ của Việt Nam.

Việc các công ty gỗ Việt Nam theo kịp các xu hướng mới nhất tại thị trường Mỹ là điều quan trọng để đồ gỗ Việt Nam đáp ứng được sở thích của người tiêu dùng. Nhờ vậy, dù chưa vào mùa cao điểm về tiêu thụ đồ gỗ, nhưng trong những tháng gần đây, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam vẫn đạt 1,2-1,4 tỷ USD mỗi tháng. Ông Khanh nhận định, với tốc độ tăng trưởng hiện tại, khi thế giới bước vào mùa mua sắm cao điểm cuối năm, có thể chứng kiến ​​xuất khẩu gỗ và sàng phẩm gỗ Việt Nam mỗi tháng đạt 1,6-1,8 tỷ USD. Qua đó, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm có thể đạt 17,5 tỷ USD.

Xuất khẩu viên nén đạt gần 300 triệu USD trong 6 tháng đầu năm. Ảnh: Sơn Trang.

Xuất khẩu viên nén đạt gần 300 triệu USD trong 6 tháng đầu năm. Ảnh: Sơn Trang.

Bình Dương vẫn là tỉnh có đóng góp lớn nhất vào xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Trong 6 tháng đầu năm, ngành gỗ Bình Dương đã xuất khẩu khoảng 3 tỷ USD gỗ và sản phẩm gỗ, chiếm 40% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) đánh giá, sự tăng trưởng tốt của xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong nửa đầu năm nay là kết quả tích cực với ngành công nghiệp gỗ Việt Nam trong bối cảnh có nhiều khó khăn, trong đó có việc chuỗi cung ứng hàng hóa bị gián đoạn do căng thẳng trên Biển Đỏ.

Theo ông Liêm, dù đã có kết quả xuất khẩu tốt trong nửa đầu năm, nhưng để tăng trưởng và phát triển bền vững, ngành gỗ Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung cần chủ động thích ứng trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, từ đó đưa ra những thay đổi linh hoạt trong quá trình sản xuất cũng như xuất khẩu. Đặc biệt là phát triển công nghệ, chuỗi cung ứng sản phẩm từ nguyên phụ liệu đến logistics. 

Với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, dự báo xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng 2 con số trong nửa cuối năm nay. Theo Cục Xuất nhập khẩu, theo chu kỳ hàng năm, xu hướng tăng nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, đặc biệt là các nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ tại các thị trường lớn thường tăng mạnh vào 3 tháng cuối năm, khi thị trường nhà ở bước vào hoàn thiện và nhu cầu sắm sửa, cải tạo lại trang thiết bị nội thất để đón chào năm mới.

Lạm phát được kiểm soát tại các thị trường lớn tạo động lực cho hoạt động tiêu dùng tăng, các nền kinh tế lớn đều được dự báo tăng trưởng tích cực trong năm 2024 ... cũng được kỳ vọng sẽ tiếp tục làm khởi sắc thị trường đồ gỗ toàn cầu. Trong báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 4/2024, IMF nâng dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ lên 2,7%, của EU đạt 0,8%.

Xem thêm
Phát hiện loài ong mới ở Vườn quốc gia Vũ Quang

Loài ong ký sinh này thuộc họ ong mật, được đặt tên theo nơi phát hiện ra chúng ở Vườn Quốc gia Vũ Quang.

Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng

Với mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ che phủ rừng đạt 49,2%, tỉnh Gia Lai đang chủ trương trải 'thảm đỏ' đối với các dự án đầu tư vào lĩnh vực trồng rừng.

Phú Yên ứng dụng công nghệ quản lý, bảo vệ rừng

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên đang ứng dụng những giải pháp công nghệ nhằm giúp cán bộ, nhân viên trong ngành hoàn thành nhiệm vụ.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.