Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP),do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chuỗi phân phối sản phẩm tôm xuất khẩu đi các thị trường có sự thay đổi. Nhu cầu tôm thẻ chân trắng cỡ nhỏ phục vụ bán lẻ và tiêu dùng tại nhà tăng trưởng hơn hẳn so với các năm trước.
Tỷ trọng tôm sú có chiều hướng giảm, một số mặt hàng tôm biển tỷ trọng không lớn nhưng vẫn được ưa chuộng nhất là thị trường Châu Á.
Theo VASEP, trong năm 2021, dự báo sản xuất nguyên liệu tôm sẽ đạt 1 triệu tấn, trong đó 700.000 tấn cho xuất khẩu và 300.000 tấn cho nội địa. Kim ngạch xuất khẩu tôm dự báo có thể tăng khoảng 15% so với năm 2020, vượt mốc 4 tỷ USD.
Trong đó, thị trường Bắc Mỹ ổn định ở mức trên 1 tỷ USD, thị trường EU kỳ vọng phục hồi ở mức 700 triệu USD, thị trường Anh với Hiệp định UKVFTA đã được ký kết kỳ vọng có thể đạt 400 triệu USD, Nhật Bản dự báo không tăng hơn 700 triệu USD, Trung Quốc sẻ trở lại tiêu thụ nhiều hơn 600 triệu USD, Hàn Quốc sẽ tăng nhẹ ở mức 400 triệu USD.
Tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 2,08 tỷ USD (tăng 9,8 % so với cùng kỳ năm 2020). Trong đó xuất khẩu tôm đạt trên 800 triệu USD (tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2020).
Trong các tháng cuối năm 2021, cơ hội cho ngành tôm của Việt Nam đang rất lớn, xuất khẩu tôm dự báo tiếp tục tăng trưởng tốt do có lợi thế từ FTA, đảm bảo được sự ổn định trong nuôi tôm thương phẩm và chế biến sản phẩm khi kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19.
Thị trường nội địa đang phát triển, thúc đẩy sản xuất nguồn nguyên liệu cho chế biến và tiêu thụ nội địa.
Nhu cầu nhập khẩu tôm của thế giới tăng trở lại, đặc biệt tại các thị trường lớn như Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Trong khi nguồn cung từ một số quốc gia như Ấn Độ và một số nhà cung cấp khác sẽ giảm do chịu tác động xấu từ đại dịch Covid-19. Ngành tôm Việt Nam tiếp tục có nhiều cơ hội do ưu đãi thuế quan của Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định CPTTP và EVFTA.