Xuất khẩu tôm sang phần lớn các thị trường chính đều đã hồi phục. |
7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm vẫn tăng trưởng âm. Tuy nhiên, với sự tăng trưởng về xuất khẩu của riêng tháng 7, cộng với tín hiệu thị trường trong những tháng cuối năm, thuế chống bán phá giá bằng 0 với 31 doanh nghiệp khi xuất tôm sang Mỹ ..., xuất khẩu tôm đang có nhiều cơ hội tăng trưởng trở lại trong những tháng cuối năm.
Theo VASEP, trong 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm đạt 1,8 tỷ USD, giảm 8% so với cùng kỳ 2018. Tuy giá trị xuất khẩu vẫn giảm, nhưng mức giảm đã chậm lại so với 6 tháng đầu năm (6 tháng giá trị tôm xuất khẩu giảm tới 12%). Nguyên nhân là do trong tháng 7, xuất khẩu tôm đã tăng trưởng dương về giá trị khi đạt trên 334 triệu USD, tăng 13,4% so với tháng 7/2018. Tháng 7 cũng chính là tháng đầu tiên kể từ đầu năm mà xuất khẩu tôm tăng trưởng so với cùng kỳ.
Giá tôm nguyên liệu, giá tôm thành phẩm xuất khẩu không những không còn giảm mạnh như những tháng đầu năm mà còn có xu hướng tăng lên, cộng với thị trường đã sôi động hơn, là nguyên nhân chính giúp cho xuất khẩu tôm tăng trưởng trở lại một cách rất tích cực trong tháng 7 vừa rồi.
Điều đáng chú ý là xuất khẩu tôm sang phần lớn các thị trường chính đều đã hồi phục. Chẳng hạn, sau 7 tháng, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc đã từ mức tăng trưởng âm 2% của 6 tháng, chuyển thành tăng trưởng dương gần 5%; xuất khẩu tôm sang Nhật Bản tăng 11%, sang Mỹ tăng 2% ...
Với tín hiệu xuất khẩu đầy tích cực trong tháng 7, cộng với nhu cầu thị trường thường tăng cao trong những tháng cuối năm, xuất khẩu tôm được dự báo là sẽ tiếp tục đạt được những kết quả tích cực trong những tháng tới.
Theo TS Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, thời điểm này, các nhà máy chế biến vào giai đoạn có nhiều đơn hàng nhất, có nhiều tôm nguyên liệu nhất. Các nhà máy chế biến đang tăng tốc để kịp thời cung ứng hàng cho chương trình tiêu thụ trọng điểm cuối năm và đầu năm mới ở các thị trường tiêu thụ chính như: EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada, Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc ... Năm nay, ngành tôm có thuận lợi là đủ nguồn tôm nguyên liệu, đẳng cấp chế biến đủ sức thâm nhập được vào các thị trường cao cấp.
Bên cạnh yếu tố thị trường, một số yếu tố quan trọng khác được cho là cũng sẽ tác động không nhỏ tới xuất khẩu tôm trong những tháng cuối năm. Trong đó, có thuế chống bán phá giá với tôm Việt Nam sang Mỹ.
Ngày 22/8 vừa rồi, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng của đợt rà soát hành chính lần thứ 13 (POR 13) về thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam vào Mỹ với 31 doanh nghiệp được hưởng mức thuế 0%.
Theo nhận định của Bộ Công Thương, mức thuế cuối cùng của POR 13 là tín hiệu tích cực đối với các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam, đặc biệt khi tất cả các doanh nghiệp nhận thuế suất riêng rẽ cũng nhận được mức thuế suất 0%. Trong 13 đợt rà soát hành chính về thuế chống bán phá giá với tôm Việt Nam từ trước đến nay, đây là lần thứ 2 (sau POR7), DOC xác định các doanh nghiệp nhận thuế suất riêng rẽ không bán phá giá. Mức thuế chống bán phá giá là 0% đối với tôm Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang Mỹ, nhất là trong bối cảnh xu hướng bảo hộ đang có diễn biến phức tạp.
Tháng 7 vừa qua, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 77 triệu USD, tăng 37,2% so với tháng 7/2018. Nhờ tăng trưởng mạnh trong tháng 7 mà 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang Mỹ đã đạt 327,4 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ. Điều đáng chú ý là tồn kho tôm ở Mỹ đang giảm. Mỹ đang giảm nhập khẩu tôm Ấn Độ, Thái Lan, đặc biệt giảm mạnh nhập khẩu tôm Trung Quốc do chiến tranh thương mại, trong khi tăng nhập khẩu tôm từ Việt Nam.