Đặt vấn đề
Sản xuất nhãn hiện nay ở Việt Nam khá phát triển. Cùng với tiêu thụ trong nước, nhãn Việt Nam đã xuất khẩu sang các thị trường như Trung Quốc, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU...
Để phát triển nghề trồng nhãn, ngoài tiêu thụ nhãn tươi, đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ nhãn chế biến là quan trọng. Bởi chế biến nhãn sẽ giúp tiêu thụ nhãn khi dội vụ và tiêu thụ hết các loại nhãn cấp 2, cấp 3, làm tăng giá trị của quả nhãn khi có chế biến sâu.
Trong chế biến nhãn thì chế biến long nhãn là quan trọng nhất, bởi long nhãn có giá trị cao, được nhiều người sử dụng, sử dụng trong nhiều mục đính như làm thuốc, làm bánh kẹo, làm thực phẩm chè, cháo… Long nhãn dễ bảo quản, để được lâu.
Về quy trình sản xuất, nhãn tươi khi đưa về cơ sở chế biến sẽ được bóc vỏ, tách phần cùi ra khỏi hạt sau đó được đưa vào các khay để làm khô.
Trong sản xuất long nhãn, hiện nay đa số là các cơ sở nhỏ, sử dụng máy sấy đơn giản, các công việc bóc vỏ, tách cùi đều phải thực hiện thủ công. Dụng cụ tách hạt và vỏ nhãn chuyên dụng (người làm nghề thường gọi là bút xoáy nhãn). Thời gian xoáy 1 quả nhãn, thợ chuyên nghiệp cũng phải mất khoảng 12 - 13 giây, trung bình 15 - 20 giây, người bình thường phải mất khoảng 20 - 30 giây.
Do đa số các cơ sở sản xuất long nhãn ở các tỉnh hiện nay đều chưa được cơ giới hóa (các khâu phân loại, bóc vỏ, tách cùi, sấy, đóng bao…) nên lợi nhuận chưa cao, khiến loại hình sản xuất long nhãn chưa phát triển tốt. Nếu các cơ quan chức năng tích cực vào cuộc giúp đỡ các cơ sở sản xuất long nhãn đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sẽ giúp các cơ sở sản xuất long nhãn phát triển. Qua đó giúp nghề trồng nhãn phát triển hơn.
Xây dựng xưởng sản xuất long nhãn áp dụng cơ giới hóa
Sau đây, xin đề xuất hướng sản xuất long nhãn áp dụng cơ giới hóa. Xưởng sản xuất long nhãn trong đề xuất ý tưởng này sẽ cơ giới hóa 2 khâu chính của quy trình sản xuất long nhãn là sử dụng máy bóc vỏ, tách cùi long nhãn và sử dụng máy sấy băng tải tự động hóa.
Ý tưởng thiết kế, chế tạo máy bóc vỏ, tách cùi nhãn hoạt động theo 4 bước như minh họa ở các hình dưới.
Nếu bộ dụng cụ này đặt trên 1 đĩa tròn, đĩa quay 1 vòng sẽ qua 4 vị trí. Vậy đĩa quay 1 vòng bóc vỏ tách cùi được 1 quả. Nếu trên đĩa đặt 4 bộ, thì khi quay 1 vòng máy sẽ tách được 4 quả. Nếu đĩa quay 60 vòng phút (1 vòng/giây), với 4 bộ trên đĩa máy sẽ tách được 4x3600= 14.400 quả/85 quả/kg = 169kg nhãn tươi. Vấn đề là trong 1 giây, người công nhân đặt được mấy quả vào máy. Nếu đặt được 1 quả/giây thì năng suất là 3.600 quả/giờ, nếu đặt được 2 quả/giây thì năng suất lả 7200 quả/giờ, đặt được nhiều thì năng suất máy cao, và sau đó còn phải thêm công nhặt hột và vỏ ra khỏi hỗn hợp vỏ, hột, cùi.
Sử dụng máy sấy băng tải, sấy gián tiếp để sấy cùi nhãn
Máy sấy băng tải tự động hóa. Nguyên liệu long nhãn tươi được gầu tải đưa vào máy sấy. Nhiệt sấy được cấp qua lò hơi. Nhiệt độ sấy được tự động điều chỉnh theo lập trình định sẵn, cài đặt theo yêu cầu công nghệ để đạt thành phẩm tốt nhất. Trong quá trình sấy, long nhãn được đảo trộn tự động. Năng suất máy dự tính 120kg thành phẩm/ngày.
Tính toán hiệu quả kinh tế mô hình sản xuất long nhãn áp dụng cơ giới hóa
Dựa trên thông số mùa sản xuất kinh doanh nhãn năm 2022 cho thấy: Giá nhãn loại 1 cho xuất khẩu, hoặc nhập cho các siêu thị loại 1 là 17 - 20 ngàn đồng/kg. Giá nhãn loại 2, nhãn làm long nhãn giá 7 - 8 ngàn đồng/kg. Công bóc vỏ, tách cùi nhãn 4 ngàn đồng/kg quả tươi. Giá long nhãn 125 - 130 ngàn đồng/kg. Năng suất bóc vỏ, tách cùi nhãn của một người trung bình được 40kg nhãn tươi/ngày. 10kg nhãn quả tươi làm ra được khoảng 1,2kg long nhãn. Mùa thu hoạch làm long nhãn kéo dài 35 ngày/năm.
Để dễ so sánh tính với 1 cơ sở sản xuất chế biến 1 tấn nhãn quả tươi/ngày để sản xuất ra 120kg long nhãn/ngày, xem bảng 1 và bảng 2 ta thấy, mô hình sản xuất long nhãn áp dụng cơ giới hóa như đề xuất có lãi gấp hơn 2 lần so với các cơ sở truyền thống. Mô hình như đề xuất ở đây được áp dụng sẽ mang lại lợi ích cho người chế biến nhãn, từ đó sẽ có nhiều hộ tham gia chế biến nhãn, qua đó giúp nghề trồng nhãn ở các tỉnh phát triển ổn định, nâng cao giá trị, lợi nhuận.