| Hotline: 0983.970.780

Yến sào phải đi chính ngạch: [Bài 1] Phát triển nóng

Thứ Ba 22/10/2019 , 08:44 (GMT+7)

Do hiệu quả kinh tế cao, nghề nuôi chim yến đang phát triển mạnh trong mấy năm trở lại đây. Điều này giúp cho sản lượng yến sào (tổ yến) tăng nhanh, nhưng cũng gây ra nhiều nỗi lo ngại, nhất là về khâu tiêu thụ, khi mà thị trường xuất khẩu chủ lực là Trung Quốc đang siết chặt đường tiểu ngạch.

Việc đưa ngành yến vào phát triển bền vững theo chuỗi giá trị và mở cửa xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, đang là những mối quan tâm hàng đầu hiện nay.
 

Số lượng nhà yến tăng nóng

Mấy năm qua, nghề nuôi yến ở nhiều địa phương đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Ông Trần Tiến Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y An Giang, cho biết, năm 2008, An Giang mới chỉ có 1 nhà yến. Đến tháng 10/2018 cũng mới chỉ có 154 nhà yến. Nhưng trong vòng 1 năm qua, số lượng nhà yến ở tỉnh này đã tăng gấp 4 lần, lên khoảng 600 nhà yến. Nhà yến ở An Giang vẫn đang tiếp tục phát triển nóng.

11-24-58_yen_so_no_luc_di_chinh_ngch_-_bi_1_-_nh_1
Nhà yến lớn nhất ở Cần Giờ (TP. HCM). Ảnh: Trần Thanh.

Khánh Hòa đang là tỉnh phát triển nhanh nhất về số lượng nhà yến. Năm 2017, tỉnh này mới có 77 nhà yến. Đến tháng 8/2019 đã có 355 nhà yến (tăng gấp 4,93 lần). Tiếp đó là Lâm Đồng với 58 nhà yến năm 2017 và 269 nhà yến tới tháng 8/2019 (tăng gấp 4,63 lần).

Năm 2017, Trà Vinh có 79 nhà yến, tháng 8/2019 đã tăng lên thành 167 nhà yến (tăng gấp 3,15 lần). Bình Thuận có 515 nhà yến năm 2017, đến nay đã lên tới 1.204 nhà yến (tăng gấp 2,34 lần). Kiên Giang đến tháng 8/2019 có 2.025 nhà yến, tăng gấp 2,19 lần so với năm 2017…

Theo Sở NN-PTNT Trà Vinh, nguyên nhân làm cho số nhà yến trên địa bàn tỉnh này tăng mạnh là do nuôi chim yến không phải đầu tư về con giống, thức ăn, ít tốn công chăm sóc, hiệu quả kinh tế từ nguồn thu tổ yến rất cao, thị trường tiêu thụ thuận lợi…

Ông Nguyễn Anh Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Vùng 1, cho biết, trong các năm 2018 và 2019, số lượng nhà yến phát triển vượt bậc ở nhiều địa phương. Điều đáng nói là đến nay, chúng ta chưa thống kê được chính xác số lượng nhà yến trên cả nước là bao nhiêu.

Thống kê chưa đầy đủ của Cục Chăn nuôi, cho thấy, trên cả nước, số lượng nhà yến đang tăng nhanh. Năm 2017, cả nước có trên 8.300 nhà yến. Đến tháng 8/2019, theo báo cáo của 18 tỉnh, TP, đã có gần 12.000 nhà yến, tăng gấp 1,42 lần. Cả nước hiện co 42 tỉnh, TP co nuôi yến. Nhưng Cục Chăn nuôi mới có được báo cáo đến tháng 8/2019 của 18 tỉnh, TP. Như vậy, trên thực tế, số lượng nhà yến cả nước hiện cao hơn rất nhiều.
 

Những nỗi lo

Số lượng nhà yến trên cả nước và ở nhiều địa phương tăng trưởng nóng trong năm 2018 và 2019, đang gây ra nhiều nỗi lo ngại. Trước hết, đó là sự phát triển vẫn mang tính tự phát, gây khó khăn cho công tác quản lý. Chẳng hạn, Trà Vinh hiện có 167 nhà yến, thì phần lớn các hộ nuôi chim yến chưa khai báo với địa phương khi xây dựng nhà dẫn dụ nuôi chim yến, kiểm dịch sản phẩm yến sào khi vận chuyển.

Ông Lâm Minh Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng, cho hay, trên địa bàn tỉnh này hiện có 132 nhà yến thì 68% trong đó là nhà yến kết hợp nhà ở, 32% còn lại là nhà yến chuyên dụng. Nhiều nhà yến nằm ở khu đô thị, khu vực đông dân cư, chưa phù hợp với quy định, điều kiện vệ sinh thú y và quy hoạch chăn nuôi gia cầm. Mất cân bằng giữa tốc độ tăng nhà yến và tốc độ tăng trưởng bầy đàn chim yến…

Theo Cục Chăn nuôi, hiện có tới trên 90% nhà yến nằm xen lẫn trong khu dân cư, do chưa có quy định cụ thể về vị trí xây dựng mới cơ sở nuôi chim yến. Đây là một việc rất khó cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện, đặc biệt công tác quy hoạch. Bên cạnh đó là những nỗi lo về dịch bệnh, môi trường, chất lượng sản phẩm…

Với người nuôi yến, một vấn đề đang được cảnh báo là hiệu quả kinh tế khi đầu tư xây dựng nhà yến do thiếu hoặc không nghiên cứu đầy đủ về khí hậu, thời tiết, vùng sinh thái và tập tính của chim yến nhà.

Ông Đoàn Ngọc Có, PGĐ Sở NN-PTNT Gia Lai, cho biết, Gia Lai hiện có 150 nhà yến. Đa số hộ chăn nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh này chỉ mới được xây dựng, cải tạo và đang dẫn dụ.

Tham khảo cho thấy, thực tế nghề nuôi chim yến vẫn tồn tại những rủi ro như đã có nhiều nhà yến được xây dựng chỉ để dẫn dụ chim yến, nhưng không có chim yến về. Hoặc có một số cơ sở đã dẫn dụ được chim yến về, nhưng sau một thời gian lại bỏ đi, gây lãng phí không nhỏ.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cũng xác nhận, thực tế ở nhiều địa phương, đã có rất nhiều trường hợp đầu tư xây nhà yến với giá trị hàng tỷ đồng nhưng không dẫn dụ được nhà yến hoặc dẫn dụ được nhưng chim yến lại bỏ đi.

Bà Đỗ Tú Quân, Chi hội Nhà yến Việt Nam (Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam), cho hay, đang xuất hiện tình trạng xây dựng mới và cải tạo nhà yến một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát về quy mô.

Điều này nếu không kiểm soát sớm sẽ làm phát sinh những bất cập gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi và cho ngành yến Việt Nam, giống như bài học ở Malaysia với 80% số nhà yến đầu tư không hiệu quả (chỉ thu được khoảng 2 kg yến sào/nhà/năm, tương đương với vài chục triệu đồng).
 

Lo dần chuyện tiêu thụ

Bên cạnh đó, chất lượng tổ yến cũng là điều đáng bàn, bởi người nuôi yến Việt Nam đang tập trung xây nhà yến mà chưa quan tâm tới chất lượng tổ yến. Bà Đỗ Tú Quân cho rằng, do chưa quan tâm chất lượng, nên số lượng tổ yến loại C đang chiếm đa số. Tới 90% nhà yến đang cho ra các sản phẩm loại C. Những sản phẩm loại A và B còn khá ít.

Tổ yến thô. Ảnh: Trần Thanh.

Người Trung Quốc (thị trường tiêu thụ tổ yến lớn nhất thế giới), do thu nhập ngày càng tăng nên càng ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng sản phẩm. Do đó, người nuôi yến phải quan tâm tới chất lượng thì mới tiêu thụ được. Chẳng hạn, tại một cuộc đấu giá tổ yến gần đây ở Thái Lan, những tổ yến trắng sạch được bán một cách dễ dàng với giá từ 1.500 USD/kg trở lên. Nhưng những tổ yến còn nhiều lông, kích cỡ nhỏ…, giá dưới 1.000 USD/kg lại không ai mua.

Sản lượng tổ yến Việt Nam tuy chưa nhiều (mới khoảng trên 100 tấn/năm), nhưng tiêu thụ nội địa chỉ chiếm một phần nhỏ, còn lại chủ yếu là xuất khẩu sang Hồng Kông, Trung Quốc, cộng đồng người Hoa ở các nước Mỹ, Úc, New Zealand…, với kim ngạch ước tính từ 100-125 triệu USD/năm.

Hiện tại, tiêu thụ tổ yến vẫn đang bình thường. Tuy nhiên, việc Trung Quốc siết chặt kiểm soát việc nhập khẩu tổ yến qua đường biên mậu, tiểu ngạch, có thể sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tiêu thụ và giá yến sào trong thời gian tới khi mà sản lượng ngày càng tăng mạnh do sự phát triển nóng về số lượng nhà yến.

Theo bà Đỗ Tú Quân, bài học từ Malaysia đang là lời cảnh báo cho ngành yến Việt Nam. Malaysia có sản lượng khoảng 500 tấn yến/năm, nhưng chỉ 1/10 trong số đó được phép nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. Do đó, khoảng 450 tấn đã được đưa vào Việt Nam để xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc.

Trước thực trạng đó, trong năm nay, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã có 2 đợt kiểm tra vào tháng 4 và tháng 9, qua đó đã triệt phá đường dây nói trên, khiến cho giá yến sào ở Malaysia sụt giảm mạnh. Điều này có thể sẽ tác động tới giá yến sào và tiêu thụ yến sào của Việt Nam, bởi yến sào Việt Nam hiện vẫn chưa được xuất khẩu chính ngạch, phải đi tiểu ngạch sang Trung Quốc. Giá yến sào Việt Nam hiện đang vài chục triệu đồng/kg, nhưng hoàn toàn có thể rớt xuống dưới 10 triệu đồng/kg nếu đầu ra xuất khẩu gặp khó khăn.

Xem thêm
1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Cargill tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu ngành chăn nuôi Việt Nam

Gần 30 năm gắn bó với Việt Nam, Cargill luôn khẳng định vị thế dẫn đầu về dinh dưỡng và sức khỏe vật nuôi...

Hà Nội công bố bảng giá đất mới, cao nhất gần 700 triệu đồng/m2

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký Quyết định 71 sửa đổi, bổ sung Quyết định 30 về quy định và bảng giá đất trên địa bàn thành phố.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.