| Hotline: 0983.970.780

10 năm băng rừng lội suối để tìm đồng đội

Thứ Tư 19/04/2017 , 13:40 (GMT+7)

Có một cựu chiến binh, từ 10 năm nay âm thầm băng rừng lội suối tìm hài cốt đồng đội, từ đó, đã tiếp lửa cho cả một tập thể cùng tham gia.

Chiến tranh đã lùi xa vào dĩ vãng, nhưng di chứng của nó vẫn như vết thương âm ỉ trong lòng, đó là những chiến sĩ còn nằm đâu đó dưới lòng đất. Có một cựu chiến binh, từ 10 năm nay âm thầm băng rừng lội suối tìm hài cốt đồng đội, từ đó, đã tiếp lửa cho cả một tập thể cùng tham gia.
 

41 năm, ký ức còn nguyên

Vượt gần 200 cây số, chúng tôi về thôn Sơn Hiệp, xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước gặp ông Vũ Đình Luật, 63 tuổi, quê Hưng Yên, người thương binh già đã 10 năm nay băng rừng lội suối tìm đồng đội còn đang nằm đâu đó ở những chiến trường xưa.

12-05-44-nh20118325863
Ông Luật (mặc quân phục) và đồng đội trong những hành trình tìm đồng đội

Nét bao dung của người cựu binh già thể hiện ngay giây phút đầu tiên gặp, khi chưa biết chúng tôi là ai, ông đã vồn vã: “Mời các anh vào nhà, chắc từ xa đến rồi. Trời nắng nóng thế này, chắc mệt lắm”, như quen từ lâu lắm, khiến chúng tôi thấy thân tình như người quen từ lâu.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 4 người thân là liệt sỹ, năm 1969, chàng trai Nguyễn Đình Luật mới học xong lớp 10, do học giỏi nên được tuyển thẳng vào khoa Lý của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Nhưng Luật từ bỏ giấc mơ giảng đường đại học, viết đơn tình nguyện đi bộ đội.

"Sau ngày huấn luyện, tôi được điều về Tiểu đoàn 14 pháo cao xạ, là tiền thân của Tiểu đoàn pháo cao xạ Nguyễn Viết Xuân, nổi tiếng với câu khẩu hiệu “Nhằm thẳng quân thù mà bắn. Tháng 5/1971, trong một trận chiến, đơn vị tôi bị máy bay ném bom, oanh tạc, bom dội xuống, xới tung đất đá, vùi hết người xuống. Trận ấy, tôi may mắn hơn đa số đồng đội khi chỉ bị thương. Vì thế, sau đó tôi vẫn cùng đoàn quân giải phóng đi đến chặng cuối là Sài Gòn ngày 30/4/1975”, ông Luật kể.

Sau chiến tranh, ông Luật trở về đời thường, dự định tiếp tục giấc mơ giảng đường năm xưa nhưng vết thương cũ khiến ông không thể. Và, cứ mỗi lần vết thương tái phát, đau nhức, trong giấc ngủ chập chờn, hồi ức lại ùa về, ông lại nhớ đồng đội, những người đã ngã xuống.

Năm 2000, gia đình ông Luật chuyển vào Bình Phước lập nghiệp, vào đây, gần chiến trường xưa hơn, ông lại càng nhớ ký ức nhiều hơn. Năm 2005, ông bắt đầu những tháng ngày âm thầm vượt rừng, lội suối, đi tìm đồng đội, trong đó có người anh họ tên Nguyễn Thế Truyền, hy sinh năm 1972.

Kể từ đó, ông Luật lăn lộn khắp nơi, tìm đến các đơn vị, tìm gặp những cựu binh cũ, hễ nghe 1 thông tin nhỏ là ông tìm gặp tận nơi, đến năm 2011, ông đã tìm được hài cốt người anh họ và một số đồng đội khác ở nghĩa trang Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Và, chuyện ông nhiều năm đi tìm đồng đội đã khiến những cựu binh khác đồng lòng chia sẻ, họ họp lại, cùng góp sức với ông.

12-05-44-nh202183258326
Từ năm 2005, ông Luật bắt đầu những tháng ngày âm thầm vượt rừng, lội suối, đi tìm đồng đội

Để “hợp pháp hóa” việc làm nhân văn này, năm 2012, sau khi có tờ trình gửi Hội cựu chiến binh tỉnh Bình Phước và được khuyến khích, đội cựu chiến binh truy tìm hài cốt liệt sĩ thất lạc được thành lập với 5 thành viên ban đầu. Đội tìm kiếm này chỉ nhận được sự hỗ trợ duy nhất là tinh thần, mọi thứ khác họ phải tự túc.

Nói về người chồng từ hơn chục năm nay, cứ “ăn cơm nhà, vác từ và hàng tổng”, bà Mai Thị Ẩn, vợ ông Luật bảo: “Bao năm nay, nếu đi trong tỉnh thì sáng ổng xách xe đi, tối về. Ngoài tỉnh thì có khi mấy ngày, cả tuần mới. Kinh tế gia đình còn khó khăn nhưng tôi vẫn chấp nhận, chắt bóp, dành dụm, lo cho những chuyến đi dài của ông ấy.

Tôi sinh ra trong gia đình liệt sỹ, thấu hiểu sự khó khăn của những thân nhân liệt sỹ khác, nên ủng hộ hết mình. Ban đầu tôi lo sức khỏe ông ấy không tốt, nhưng sau đó, thấy càng đi ổng càng khỏe nên cũng yên tâm. Tôi hiểu ra, đó chính là món ăn tinh thần lớn, giúp ổng khỏe hơn”.
 

Hạnh phúc tăng dần theo năm tháng

Năm 2013, trong lần lên huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, qua thông tin từ người dân, tổ tình nguyện đã tìm thấy một nghĩa địa. Cơ quan chức năng tỉnh Bình Định tiến hành khai quật và tìm được 74 bộ hài cốt. Qua nhiều bước kiểm tra, xác định đây chính là phần mộ của các liệt sỹ đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Sau đó, được quy tập và chôn cất tại Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh Bình Định.

1 năm sau, tổ cùng Đội K72 (thuộc QK7, chuyên tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ, quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia) tiếp tục tìm được 20 hài cốt liệt sỹ tại ấp Cần Lê, thuộc xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh.

12-05-44-nh205183258826
Nhiều đồng đội của ông đã được tìm thấy, trở về giữa vòng tay của người thân, đồng đội khác tại nghĩa trang liệt sĩ

“Cho đến nay, phối hợp với các cơ quan chức năng, chúng tôi đã góp phần tìm kiếm được 113 hài cốt liệt sỹ. Các phần mộ ngoài hài cốt, đều có di vật đầy đủ. Cơ quan chuyên môn sau khi ghi nhận, lấy mẫu giám định để tìm thân nhân, đã quy tập các anh về nghĩa trang liệt sỹ của tỉnh. Cứ mỗi lúc tìm được hài cốt một đồng đội, niềm vui, hạnh phúc của chúng tôi lại tăng lên”, ông Luật hồ hởi nói.

Tại sân bay Phước Bình, thị xã Phước Long, người dân phát hiện một ngôi mộ vô danh. Sau đó, ngôi mộ này được di chuyển đi một nơi khác để chôn cất. Nắm được thông tin này, năm 2014, Đoàn đã phối hợp với cơ quan chức năng khai quật để xác minh thông tin. Cùng với việc phát hiện hài cốt khi chôn có dép râu, tiếp tục thẩm định nhiều nguồn tài liệu khẳng định đây là mộ liệt sỹ. Sau đó quy tập về Nghĩa trang liệt sỹ, trả lại tên gọi cho người lính đã hy sinh.

Thời điểm chúng tôi gặp ông Luật, đội tìm kiếm hài cốt liệt sĩ đang phối hợp với cơ quan chức năng thẩm định một ngôi mộ vô danh được chôn cất tại xã Long Hà, huyện Phú Riềng.

“Coi vậy chứ việc xác định đúng hài cốt liệt sĩ không đơn giản chút nào. Nếu ngôi mộ không đủ di vật. Khi thẩm định, đánh giá phải cực kỳ cẩn thận, chắc chắn bằng khoa học, độ tin cậy tuyệt đối. Vấn đề đối sánh giữa tài liệu của ta và địch cũng cần làm một cách nghiêm túc, truy đến cùng nguồn gốc của các hài cốt. Tuyệt đối không để xảy ra sự nhầm lẫn”, ông Luật nói.

Lúc chia tay, ông Luật tiễn chúng tôi ra tận cổng, ánh mắt ưu tư, ông bảo: “Nhiệt huyết trong người lính như ngọn lửa cháy mãi chẳng bao giờ tắt. Tôi ước ao một ngày nào đó trên đất nước chúng ta, tất cả những đồng đội của tôi sẽ được tìm thấy, trở về trong vòng tay yêu thương của người thân. Nhưng, cuộc sống còn quá nhiều vất vả, lo mai mốt sức khỏe kém đi, rồi thêm khó khăn về kinh tế sẽ ngăn cản những bước chân chúng tôi tiếp tục tìm kiếm đồng đội”.

“Tính đến nay, Đoàn CCB tình nguyện này đã quy tập 113 hài cốt liệt sĩ, được Bộ Tư lệnh Quân khu 7, UBND, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Phước tặng bằng khen, giấy khen. Tập thể Đoàn CCB tình nguyện tỉnh được Trung ương Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tặng bằng khen. Đoàn đã khảo sát và tham gia khai quật 238 điểm, trực tiếp đóng góp hơn 800 ngày công thăm dò, tìm kiếm và cùng các đơn vị chức năng địa phương đào bới, khai quật, trong đó phải kể đến công lao đóng góp lớn của ông Luật”, Đại tá Nguyễn Văn Bình, Đội trưởng Đội K72, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bình Phước.

 

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm