| Hotline: 0983.970.780

10 năm canh tác lúa cải tiến

Thứ Sáu 14/10/2016 , 09:45 (GMT+7)

Hệ thống canh tác lúa cải tiến theo phương pháp SRI đã khẳng định được tính khoa học trên cả 3 mặt là kinh tế, xã hội và môi trường.

Mới đây, Trung tâm hợp tác Quốc tế (ĐH Thái Nguyên) phối hợp với tổ chức Oxfam tổ chức hội thảo “Hành trình 10 năm hệ thống canh tác lúa cải tiến SRI ở Việt Nam và triển vọng phát triển” với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực canh tác lúa cải tiến SRI ở Việt Nam và một số tỉnh.

09-09-08_1
Triển vọng phát triển với phương pháp canh tác SRI
 

Hiệu quả thiết thực

Trong phát biểu khai mạc tại hội thảo, PGS.TS Hoàng Văn Phụ, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế (ĐH Thái Nguyên) cho biết, hệ thống canh tác lúa cải tiến SRI là một phương pháp canh tác theo hướng nông nghiệp sinh thái bền vững đã được triển khai ở trên 50 nước. SRI cũng đã được nghiên cứu và triển khai ở Việt Nam cách đây 1 thập kỷ và cho kết quả rất tốt ở cả 3 mục tiêu: Kinh tế, xã hội và môi trường.

Năm 2007, SRI đã được công nhận là tiến bộ kỹ thuật và hiện nay gần 2 triệu nông dân Việt Nam áp dụng trên diện tích nửa triệu ha. Tập thể nghiên cứu và triển khai SRI đã được nhận giải thưởng “Bông lúa vàng Việt Nam” của Bộ NN-PTNT, đây được coi là giải pháp thông minh sản xuất lúa trong bối cảnh hội nhập toàn cầu và biến đổi khí hậu.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận một số vấn đề xoay quanh chủ đề như: Hệ thống canh tác lúa cải tiến SRI tại Việt Nam trong giai đoạn 10 năm (2007 - 2016); Chia sẻ một số vấn đề cùng quan tâm trong nghiên cứu và triển khai SRI tại Việt Nam; Thảo luận triển vọng phát triển của SRI tại Việt Nam trong thời gian tới; Tăng cường mối quan hệ giữa các đơn vị, tổ chức cá nhân cùng triển khai SRI trong thời gian tới…

Nhiều ý kiến cho rằng, việc áp dụng SRI làm giảm chi phí hạt giống tới 90%, tiết kiệm nước 40 - 60%, giảm công cấy 50%, giảm phân đạm 25 - 30% và giảm thuốc trừ sâu, trong khi đó, năng suất lúa tăng từ 13 - 29%.

Ông Nguyễn Ngọc Dung, Chi cục BVTV Phú Thọ cho biết, áp dụng SRI cho 157 mô hình canh tác lúa cho thấy, năng suất tăng từ 7 - 15%, tương đương với 15 - 30kg/sào, hiệu quả sản xuất lúa tăng từ 5 - 10 triệu đồng/ha, góp phần cải thiện đời sống người dân, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái.

09-09-08_2
Đại biểu tham quan sản phẩm từ phương pháp canh tác lúa SRI
 

Đồng quan điểm với ông Dung, ông Đỗ Danh Kiếm, Chi cục BVTV Hà Nội cho biết, từ vụ mùa năm 2010, Chi cục đã ứng dụng SRI trên lúa nếp cái hoa vàng, kết quả năng suất bình quân đạt 47 tạ/ha (tăng 12 tạ/ha so với tập quán canh tác cũ của địa phương), đặc biệt là chất lượng giống lúa và chất lượng gạo được tăng lên rõ rệt.

 

Trở ngại

Một số đại biểu cho rằng, khi tổ chức thực hiện SRI trên quy mô lớn (cánh đồng lớn) thường gặp những khó khăn như việc gieo cấy không tập trung và các giống có thời gian sinh trưởng khác nhau, hệ thống thủy lợi nội đồng không đảm bảo, cánh đồng thiếu bằng phẳng… gây khó khăn cho việc điều tiết nước theo yêu cầu khô ướt xen kẽ.

Ngoài ra, cũng còn một số khó khăn khác liên quan đến tập quán canh tác, nhận thức của cộng đồng về yêu cầu kỹ thuật và hiệu quả của SRI, thiếu sự hợp tác với cán bộ thủy nông, nhận thức của cán bộ thủy lợi về yêu cầu kỹ thuật tưới nước theo SRI còn hạn chế…

Nhiều kiến nghị đã được đưa ra như tiếp tục đẩy mạnh chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM/SRI; cải tạo hệ thống thủy lợi nội đồng (tưới và tiêu) gắn với cải tạo mặt bằng đồng ruộng để thực hiện tốt nguyên tắc tưới khô ướt xen kẽ (nông - lộ - phơi); thực hiện SRI gắn kết với “Chương trình xây dựng cánh đồng mẫu lớn” hoặc hợp tác cộng đồng; cải tiến công cụ sản xuất như công cụ sạ hàng, máy cấy, công cụ làm cỏ… để giảm bớt công lao động, tăng hiệu quả sản xuất; tiếp tục nghiên cứu khai thác tiềm năng tăng năng suất lúa theo nguyên tắc SRI, nghiên cứu phát triển bền vững các “hệ thống canh tác lúa” (lúa - cá, lúa - cá - mầu/cải tạo đất…) nhằm tăng cường các biện pháp canh tác thân thiện với môi trường, cải thiện hiệu quả sản xuất, nghiên cứu các giải pháp thay thế hóa chất…

Với biểu trưng “SRI - đơn giản mà hiệu quả”, có thể thấy rằng, SRI là một tiến bộ cả về khoa học và nhân văn. SRI vừa gần gũi với người nông dân vừa mang lại hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội. SRI góp phần giải quyết các vấn đề nan giải từ góc độ vĩ mô như môi trường và biến đổi khí hậu cho đến những góc cạnh nhỏ vi mô của đời sống xã hội nông thôn như việc nâng cao tình đoàn kết, tạo kinh tế vững vàng cho từng hộ dân, từng người nông dân Việt Nam trong thời đại mới.

Từ thực tiễn và nhận thức đó, các đơn vị, đại biểu tham dự hội thảo thông nhất tiếp tục đẩy mạnh phát triển SRI trong thời gian tới.

 

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.