| Hotline: 0983.970.780

150 hộ ra đi, nguy cơ xóa sổ ngôi làng gần 400 năm

Thứ Ba 20/06/2017 , 15:30 (GMT+7)

Ngôi làng gắn liền với tên “cồn nổi” đúng là một ốc đảo bởi nằm tách biệt giữa dòng Sông Lam, có lịch sử gần 400 năm đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ khi số thanh niên trai tráng trong làng lần lượt rời quê ra Bắc, vào Nam lập nghiệp và chẳng ai muốn quay về.

50 nóc nhà bỏ hoang

“Ốc đảo” mà chúng tôi nói đến là thôn Hồng Lam (thuộc xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Gọi là xóm “ốc đảo” bởi hàng trăm năm nay xóm nằm biệt lập bên sông Lam, xung quanh bốn bề chỉ có nước và nước. Chiếc đò gỗ trở thành “con đường huyết mạch” để dân làng Hồng Lam “kết nối” với thế giới bên ngoài và ngược lại. Từ bên này nhìn sang, thôn Hồng Lam như một ụ đất nằm lạc lõng giữa sông nước mênh mông.

11-44-18_1
Người lớn, trẻ nhỏ đi lại đều nhờ chiếc thuyền máy, phương tiện duy nhất giúp họ qua sông

Khi chúng tôi đến bến đò Hồng Nhất cũng là lúc nhiều người đang đứng chờ bác lái đò để qua sông, nào thức ăn gia súc, nào đạm, lân... phục vụ sản xuất, cả những chú gà con, lợn giống… cũng được “tập kết” tại bến chờ qua sông. Đò vừa cập bến, những hàng hóa chuyển sang bên kia sông được bốc lên. Thấy có người lạ qua làng, nhiều người ghé lại hỏi thăm, khi biết dự định của chúng tôi, ông Hồ Ngọc Sơn, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân vui vẻ làm “hoa tiêu” dẫn chúng tôi đi dọc con đường bê tông thẳng tắp tham quan một vòng ngôi làng.

Vừa đi, ông Sơn vừa kể về nguồn gốc và những câu chuyện lạ lùng tại ngôi làng này. Chuyện kể rằng, cách đây khoảng 400 năm, có hai anh em họ Hồ vì nhà nghèo, gia cảnh quá khó khăn, lại không có chỗ nương thân đã đưa nhau ra vùng bãi nổi hoang sơ này khai hoang, lập nghiệp. Thấy có người ở, cây cối quanh năm tươi tốt nên người dân trong vùng kéo nhau ra đây dựng lều, vỡ đất khai hoang để sinh sống.

11-44-18_3
Hàng hóa, xe cộ được chuyển lên đò

Thời điểm đó, dân số thôn Hồng Lam được xếp vào diện khá đông đúc. Thời cuộc đổi thay, đến nay cả làng chỉ còn 182 hộ dân với hơn 500 nhân khẩu. Do thiên tai, lụt bão, đường sá đi lại khó khăn, đặc biệt sau 2 trận lũ kinh hoàng xảy ra năm 1978 và năm 1988, người làng không ai bảo ai lần lượt bỏ đi, chủ yếu là vào các tỉnh phía Nam làm ăn, thậm chí lập hẳn làng mới để an cư.

Thế hệ trẻ lớn lên đều vào Nam, ra Bắc lập nghiệp, không có chuyện thanh niên trong làng lấy nhau vì thế cả chục năm chẳng có đám cưới nào. Mãi đến năm ngoái, gia đình ông Nguyễn Văn Tý mới tổ chức cưới vợ cho cậu con trai cả, 4 tháng sau lại tiếp tục cưới vợ cho cậu thứ. Đi bên cạnh, chị Ngô Thị Khôi phấn khởi: “Những ngày đó, cả làng vui hẳn, bà con kéo nhau sang nhà ông Tý người giúp việc nọ, người giúp việc kia để chung vui với tụi nhỏ”.

Gia đình ông Tý có 4 người con, tất cả đều lần lượt rời làng lập nghiệp. Một đứa đi xuất khẩu lao động, ba đứa còn lại đều “Nam tiến”, trong nhà chỉ còn lại hai ông bà già với nhau. Cũng như ông Tý, gia đình ông Hồ Ngọc Sơn có 3 người con đều nối nhau rời làng, đứa lập nghiệp ở tận miền Nam, đứa đi xuất khẩu lao động, đứa út cũng đi học đại học ở xa. Cũng may anh con trai cả lấy vợ sinh con gửi về nhờ ông bà nội chăm sóc nên hai ông bà cũng đỡ hiu quạnh. Ở làng này, không riêng gì ông Tý, ông Sơn mà hầu hết các gia đình đang trụ lại sinh sống ở đây chỉ có 2 thế hệ ông bà với cháu, còn thế hệ bố mẹ với con cái còn lại rất ít.

11-44-18_4
Diện tích “ốc đảo” ngày càng bị thu hẹp

Câu chuyện ngắt quãng khi mọi người bắt gặp một cái lán được dựng lên khá sơ sài bởi bốn cột gỗ, phía trên lợp bằng những tấm tôn thủng lỗ chỗ. Ông Sơn liền giới thiệu: “Đấy là chợ của làng, gọi là chợ cho “oách” nhưng thực chất chỉ có 4 bà ở bên kia sông đưa hàng hóa sang đây ngồi bán. Vì làng vắng thế nên chợ cũng chẳng nhộn nhịp gì, cứ đến tầm 10 giờ trưa là họ gửi hàng lại rồi nghỉ luôn”.

Điều làm chúng tôi ngạc nhiên là trong làng có rất nhiều ngôi nhà bị bỏ hoang, hư hỏng, cỏ dại mọc um tùm, ngay cả những căn nhà đổ mái bằng khang trang cũng đóng cửa im lìm, có nhà vừa mới xây xong phần thô chưa kịp trát cũng bỏ đó, gạch vữa đang lên màu rêu.

Ông Sơn cho biết: “Những ngôi nhà hoang ấy hầu hết họ đã bán cho người khác rồi. Một số ruộng vườn được xóm làng xung quanh tận dụng trồng ngô, lạc kiếm thêm thu nhập. Lớp trẻ vào Nam lập nghiệp, làm ăn ổn định, người già cũng đóng cửa rời làng theo con cháu. Thực ra, đất ở vùng này bán cũng chẳng ai mua. Nghe nói có doanh nghiệp dự định làm khu sinh thái ở đây nên họ mới về mua với giá rẻ như cho ấy. Tính sơ sơ phải có tới 150 hộ bỏ làng đi và trên 50 ngôi nhà bị bỏ hoang rồi”...
 

Nguy cơ mất làng...

Sông Lam vốn hiền hòa, thơ mộng bồi đắp nên những bãi phù sa màu mỡ, nuôi dưỡng mảnh đất Hồng Lam từ bao đời nay. Thế nhưng, nhiều năm gần đây người dân Hồng Lam hết sức lo lắng trước tình trạng dòng sông này đang từng ngày “ngoạm” hàng chục mét đất rừng phòng hộ và đất sản xuất của người dân.

11-44-18_5
Cả thôn có trên 50 nóc nhà bị bỏ hoang
“Giờ chỉ còn cặp vợ chồng trẻ nhất làng chừng 35 tuổi, số còn lại trên 45 tuổi cả rồi. Trong làng không còn cô cậu thanh niên nào nữa đâu, cứ đến độ 18 tuổi là chúng nó đi cả, đứa đi học, đứa đi làm tất cả đều rời quê hương chẳng đứa nào muốn quay trở lại sinh sống ở cái làng này", ông Sơn cho biết.

Theo dân làng, nguyên nhân khiến thôn Hồng Lam ngày càng thu hẹp một phần do yếu tố thiên nhiên như thiên tai, bão lũ nhưng không thể phủ nhận tác động chính là do tình trạng khai thác cát trái phép đang hoành hành từng ngày.

Ông Nguyễn Thế Lục, trưởng thôn Hồng Lam, cho biết, trước đây diện tích làng này khá rộng. Sau những trận lũ gây sạt lở đất, làng bị thu hẹp dần, nhất là những năm gần đây, khi nạn “cát tặc” hoành hành thì diện tích đất liền của làng càng bị đe dọa nghiêm trọng. Hiện cả thôn chỉ còn khoảng hơn 2,5km2.

Anh Phạm Thuận, một người dân trong làng bức xúc: “Cát tặc hoành hành khiếp lắm. Chúng chỉ hoạt động vào ban đêm tầm khoảng 3h đến 5h sáng. Với 3 - 4 sà lan hút liên tục lấy đi hàng ngàn m3 cát sỏi quanh khu vực làng. Rừng phòng hộ này trước đây ở tít ngoài kia, giờ bị sông “nuốt” hơn 50m dài và 10ha đất sản xuất cũng bị “xóa sổ”. Đấy là chưa tính hết số diện tích chạy dọc quanh thôn. Trong các cuộc họp, bà con trong thôn đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền xã, huyện. Đợt nào huyện triển khai quyết liệt thì chúng (cát tặc - PV) ngừng được một thời gian rồi đâu lại vào đó. Nếu không có phương án xử lý dứt điểm, chúng tôi đang sợ mất làng khi nào không biết”.

11-44-18_6
"Chợ 4 bà" tại thôn Hồng Lam

Nói rồi, anh Thuận dẫn chúng tôi đến cột chính tải điện cho cả làng. Dùng những bước chân để áng chừng diện tích, anh Thuận cho biết: “Cột điện này được xây dựng vào năm 2000 nhằm kéo điện về cho dân làng Hồng Lam. Thời điểm đó, cột nằm cách bờ Sông Lam gần 50m nhưng đến nay chỉ còn gần một nửa. Nếu không xử lý sớm, vài ba năm nữa chắc cột điện cũng bị cuốn xuống sông”.

Rời thôn Hồng Lam trong tôi cứ buồn vui lẫn lộn. Buồn bởi không biết đến bao giờ 182 hộ dân nơi đây mới có được một cây cầu mơ ước nối hai bờ sông. Vui bởi câu nói chắc nịch của ông Hồ Ngọc Sơn “ai đi thì đi, người ở lại phải tiếp tục xây dựng xóm làng để con cháu còn trở về”.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm