| Hotline: 0983.970.780

17 năm Trung Quốc xây hầm hạt nhân tuyệt mật

Thứ Ba 21/03/2017 , 19:40 (GMT+7)

Cơ sở hạt nhân tuyệt mật 816 nằm sâu trong một ngọn núi ở Trùng Khánh, Trung Quốc được 60.000 binh lính bí mật xây dựng suốt 17 năm.

"Công trình hạt nhân quân sự 816" là cơ sở tuyệt mật của Trung Quốc, xây thời Chiến tranh Lạnh để sản xuất plutonium cho bom hạt nhân, AFP hôm 19/3 đưa tin.

Ngày nay, nó được mở cửa cho khách tham quan. Công trình do 60.000 lính Trung Quốc làm việc ngày đêm trong điều kiện nguy hiểm suốt 17 năm, đào sâu vào một ngọn núi ở Trùng Khánh, tây nam Trung Quốc.

Công trình 816 bắt đầu khởi công năm 1967, ba năm sau khi Trung Quốc thử thành công vũ khí hạt nhân đầu tiên. Bắc Kinh khi đó muốn tăng tốc chương trình hạt nhân để bắt kịp các đối thủ. 

Khu vực tuyệt mật này bao phủ diện tích 100.000 mét vuông, tương đương 14 sân bóng đá hay 600 bể bơi tiêu chuẩn Olympic. Nó cũng có hệ thống đường ngầm phức tạp nhất thế giới do bàn tay con người tạo nên, tổng chiều dài khoảng 20 km. 

Lối vào công trình hạt nhân tuyệt mật 816 của Trung Quốc. Ảnh: AFP
Lối vào công trình hạt nhân tuyệt mật 816 của Trung Quốc. Ảnh: AFP
 

Dạo trong khu vực bao quanh bởi bóng tối và những bức tường bê tông ẩm ướt, khách tham quan sẽ được "quay lại" thời Chiến tranh Lạnh. "Nó rất ấn tượng và huyền bí", Pan Ya, nữ du khách hơn 30 tuổi đi cùng gia đình, nói. 

"Họ đã nghe về khu vực này suốt thời gian dài nhưng chưa bao giờ có thể vào trong", Pan nói, trong khi mắt cô vẫn đang nhìn chăm chăm vào lò phản ứng kiểu cũ, hiện được trang trí bằng những thanh plutonium giả phát ánh sáng xanh lục. 
 

Vô dụng

Công trình khổng lồ này tiêu tốn của Trung Quốc 80 tỷ Nhân dân tệ (hơn 11,58 tỷ USD), nhưng trớ trêu là chưa có nguyên liệu hạt nhân nào được sản xuất từ đây do sự phát triển đáng kể của công nghệ trên mặt đất. 

Khách tham quan bên trong công trình 816. Ảnh: AFP
Khách tham quan bên trong công trình 816. Ảnh: AFP
 

Trung Quốc lập quan hệ ngoại giao với Mỹ năm 1979, sau đó, căng thẳng với Liên Xô cũng dịu bớt. Mặc dù lúc đó công trình 816 gần hoàn thành, nơi này bị đánh giá là không còn tác dụng và bị bỏ không từ năm 1984. 

Trung Quốc công khai về công trình năm 2002, đến năm 2010 bắt đầu mở cửa đón khách tham quan. Khách nước ngoài được vào đây cho đến cuối năm 2016.

Hơn 300.000 khách Trung Quốc đã tới thăm nơi này, trong đó có một số là người nước ngoài. 

Công trình 816 chỉ được mở 10% diện tích cho khách tham quan, như các hành lang lớn và phòng điều khiển. Khách tham quan sẽ xem các chương trình về 816 và mô hình bom hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc qua ánh sáng thể hiện trên một bức tường lớn, với nền nhạc là tiếng trống. 

"Chúng tôi không quảng cáo vũ khí hạt nhân. Hoàn toàn ngược lại, tôi hy vọng một ngày nào đó các nước sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ nói rằng:'Dừng lại, hãy đếm tới ba và tiêu hủy kho vũ khí của chúng ta'", Zheng Zhihong, người quản lý 816, nói. 
 

Hồi sinh

Công trình 816 được hồi sinh thành điểm tham quan cũng là niềm an ủi nhỏ cho hàng nghìn binh lính đã làm việc trong điều kiện ngặt nghèo "như địa ngục" để cho nổ đá núi, đào hầm. 

Một góc công trình 816, nhìn từ bên ngoài. Ảnh: AFP
Một góc công trình 816, nhìn từ bên ngoài. Ảnh: AFP
 

"Một đồng đội sẽ kích nổ các khối mìn. Sau đó chúng tôi đào xuyên qua đá bằng máy móc. Nó có thể đổ sập bất cứ lúc nào", Chen Huaiwen, cựu binh 70 tuổi từng làm việc tại đây, nhớ lại. 

76 người chết là con số chính thức do Trung Quốc đưa ra, song các hướng dẫn viên du lịch và cựu binh sĩ làm việc tại đây cho rằng con số này quá thấp.

"Chúng tôi ngủ trên giường trải nệm rơm. Mùa hè nóng như thiêu đốt và bạn sẽ không thể ngủ trước một giờ sáng", Chen nói. 

"Cảnh sát vũ trang canh gác bên ngoài trong khi chúng tôi làm việc. Đó là việc tối mật, không cho phép người ngoài lọt vào. Khi ấy, mọi người chỉ biết là khu vực này có một số dự án nào đó, họ không biết những gì được xây dựng bên trong", Chen kể. 

Hướng dẫn viên và khách tham quan trong công trình 816. Ảnh: AFP
Hướng dẫn viên và khách tham quan trong công trình 816. Ảnh: AFP
 

Cựu binh này cho biết thức ăn của binh lính thời đó là gạo và đậu, mỗi tuần có hai bữa được ăn thịt. "Nhiều người gặp vấn đề về phổi do bụi bặm, đó là chưa nói đến chất thải từ các vụ nổ, khói từ máy móc và không khí dơ bẩn", Chen nói thêm. 

Li Gaoyun, cựu binh từng làm việc tại 816 năm nay trở lại công trường cũ sau 42 năm. Đôi mắt của ông đầy lệ khi nhìn những bức ảnh cũ được treo dọc các hành lang.

Li nói nhiều cựu binh làm việc nặng nhọc tại 816 không nhận được trợ cấp lương hưu hay trợ cấp phúc lợi cho những hy sinh to lớn của họ với Trung Quốc. 

"Nhiều cựu binh không có trợ cấp, không có bảo hiểm xã hội. Họ không đủ tiền để sống.", Li nói.

VnExpress

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Tỷ lệ tiêm chỉ đạt 52%, Quảng Nam bùng phát dịch lở mồm long móng

Tỷ lệ tiêm phòng thấp, ý thức người dân chưa cao, tập quán chăn thả rông trâu bò là những nguyên nhân dễ gây bùng phát dịch lở mồm long móng ở Quảng Nam.

Điều tra sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu

Dự án V-SCOPE đã nghiên cứu, phát hiện 3 loài sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu ở Tây Nguyên cũng như việc tưới nước quá mức trên cây cà phê.