| Hotline: 0983.970.780

Ngậm ngùi ngậm ngải tìm trầm

Thứ Hai 08/04/2013 , 10:29 (GMT+7)

Vụ sát hại 5 phu trầm vừa qua tại Quảng Bình đã gây chấn động dư luận. Nhưng không phải bây giờ, mà từ rất lâu, những phu trầm đã luôn phải đối mặt với cay đắng, chết chóc và lầm than.

Vụ sát hại 5 phu trầm vừa qua tại Quảng Bình đã gây chấn động dư luận. Nhưng không phải bây giờ, mà từ rất lâu, những phu trầm đã luôn phải đối mặt với cay đắng, chết chóc và lầm than. 

KINH HÃI MỘT CHUYẾN "ĐẠP CỘI"

Cây trầm và chuyện đi trầm ở Quảng Bình hay trên dải đất miền Trung có lẽ bắt đầu vào những năm 80 của thế kỷ trước và tồn tại cho đến bây giờ. Người dân các tỉnh bắc miền Trung gọi những người đi tìm trầm là “dân cội” hay “đạp cội” (cội theo tiếng địa phương là gốc, đạp được hiểu là đi tìm; nôm na là đi tìm gốc trầm).

Tôi ngồi với Phương "mọt" trên cầu Trung Quán bắc qua sông Kiến Giang ở vùng quê lúa Quảng Ninh (Quảng Bình). Nhìn lên hướng Tây, dọc theo chiều con sông chảy là dãy Trường Sơn hùng vĩ với những dãy núi lô xô hết tầm mắt. Phương "mọt" vốn học cùng tôi thời cấp 3, sau đó đi học một trường chuyên nghiệp ở Hà Nội. Mấy năm sau ra trường, vác hồ sơ đi xin việc cả trăm lần, chẳng lần nào được. Rốt cuộc, Phương “mọt” xin mấy người cùng làng đi trầm và cứ lận đận cho tới bây giờ.

"Hồi đó, bằng sự nhiệt tình của thằng bạn giới thiệu với hội trầm và với lý lịch trích ngang khá "đẹp mắt": cao 1m70, nặng 60 ký, nhị đẳng karate..., tôi được hội trầm chấp nhận và đoàn trưởng Nhường “cà đậu” đồng ý",  Phương “mọt” bắt đầu câu chuyện.

Nhường “cà đậu” vốn là lính chiến trường. Anh ta nói với tôi (Phương “mọt”): “Đi trầm bây giờ người đi nhiều mà trầm lại khan hiếm, cái chết luôn kề bên, phải có gan, có kỷ luật và biết chuyển bại thành thắng”.


"Dân cội" luôn đối đầu với hiểm nguy từ rừng thẳm

Hội trầm có 6 người, tôi là tân binh, còn lại là “lính chiến” hết. Hành trang chuẩn bị trước lúc lên đường của mỗi người là một ba lô 20kg gạo cùng thực phẩm mang theo gồm cá khô, mỡ heo đóng chai, muối, đường, thuốc men... và đặc biệt một công cụ không thể thiếu là chiếc cúp (còn gọi là búa, lưỡi búa để chặt; phía trên dẹt dùng để đào thay xẻng) sắc bén.

Buổi chiều, tất cả tập trung tại nhà đoàn trưởng cúng lễ đất trời. Sáng hôm sau lên đường. Chúng tôi lên tàu tại ga Đồng Hới và xuống ga Hương Khê (Hà Tĩnh), đi bộ theo đường tuyến một ngày mới đến cửa rừng.

Trời bắt đầu mưa, đường trơn như đổ mỡ. Con đường nhỏ xíu cheo leo, có chỗ chỉ đặt vừa lòng bàn chân, một bên là thác nước ầm ầm réo. Sẩy chân coi như khỏi ân hận. Khó khăn đầu tiên gặp phải là đám vắt rừng. Vắt đen thì không đáng sợ, chỉ lấy que gạt chúng mà đi, lũ vắt xanh mới khiếp, cứ nhè chỗ kín mà cắn, nhức buốt, máu chảy mãi.

Những cú trượt chân đo ván làm cho toàn thân tôi bắt đầu mỏi nhừ, đau ê ẩm cùng với các vết bầm trượt toé máu. Lâu lâu, thấy hai bên đường ẩn hiện một vài ngôi mộ đắp bằng đá xanh của những người đi trầm đã bỏ mình nơi rừng thiêng nước độc. Những lúc đó, cả đoàn dừng lại thắp hương khấn vái rồi tiếp tục lên đường.

Ròng rã bốn ngày trời, chúng tôi đến được biên giới Việt -Lào. Tiếp tục đi sâu vào đất Lào thêm bốn ngày đường nữa, đoàn trưởng Nhường hạ lệnh dừng chân đóng quân bên cạnh một con suối nhỏ. Tất cả bắt tay vào làm lán trại, lán làm theo kiểu kê sàn, mái lợp bằng nilon mang theo.

 Trong lúc chúng tôi làm lán thì đoàn trưởng chọn nơi đặt bàn thờ, làm lễ cúng mệ (theo quan niệm đó là người cai quản rừng núi), cầu mong mệ cho gặp nhiều may mắn, đi đến nơi về đến chốn. Tôi chợt thoáng nghĩ về những ngôi mộ nằm đơn lẻ giữa rừng già với một thoáng rùng mình.

Ngày thứ ba, tôi được tham gia đi đạp cội (tìm trầm) với Nhường. Cả đoàn chia ra ba hướng. Hai chúng tôi len lỏi giữa rừng, thỉnh thoảng gặp những cây trầm đã bị băm nát, đào đến tận gốc rễ chỉ còn vương vãi cành. Đến quá trưa, Nhường "cà đậu" bắt gặp một cây to chừng một người ôm.

Nhường chặt (nêm) vào gốc và chỉ dẫn: “Chú nêm vào gốc xem vết dầu chạy (vết dầu còn gọi là cọng) để đoán biết cây trầm này có đóng trầm hay chưa”. Cả hai cùng đốn hạ cây trầm. Tiếng cây đổ ầm ào như một cơn lốc đi qua kéo theo hàng chục cây rừng lớn nhỏ khác cùng đổ rạp xuống.

Nhường “cà đậu” bảo: “Chú nêm vào cây thấy có vết dầu hình tròn, đó là cọng, tiếp tục nêm theo cọng khi thấy tia dầu ở thớ gỗ từ hồng nhạt đến đen đậm là dừng lại, nêm ở đầu kia cũng thấy như thế có nghĩa là trầm rồi đấy, gọi là trai, tiếp tục dùng búa chặt lấy cả đoạn thân (gọi là co) dầu đấy là được". Hai tay tôi phồng rộp, nhưng không có cảm giác đau đớn gì, gần tối hai anh em lấy được tới bảy tám “co” bỏ tất cả vào ba lô rồi về.


Gạn trầm

Mấy hôm sau, hàng ít, tôi và Nhường “cà đậu” quyết định hướng mới. Sau khi ăn sáng xong, cả hai vác búa theo hướng mặt trời mọc mà đi. Hết buổi sáng sang buổi chiều, nghe bụng đói cồn cào nhưng ai cũng cố gắng. Xế chiều, không phát hiện được cây trầm nào, Nhường và tôi quay về. Đang đi, Nhường đột nhiên dừng lại, ngó nghiêng rồi trèo lên một cây cao nhìn tới nhìn lui. Lát sau, anh ta tụt nhanh xuống nói nhỏ: Bỏ mẹ, lạc rồi!

Sau đó, Nhường hối hả bứt dây rừng tìm lối ra. Tôi hốt hoảng bám theo. Cả hai cứ đi dúi dụi không kể gai rừng đang cào xé. Khi gặp được một con suối nhỏ, chúng tôi mới dừng lại chặt lá cọ làm tạm một chiếc lán nhỏ.

Hai hôm liền, chúng tôi vật lộn tìm đường về lán nhưng đến chiều tối lại về chính nơi xuất phát. Bơ phờ, mệt mỏi nhưng bản năng sống của con người làm chúng tôi cứ đi như những kẻ loạn trí. Thức ăn cũng chỉ vài cây chuối nhỏ may mắn gặp được.

Tôi nhóm lửa, còn Nhường cầm chiếc bi - đông ra lấy nước, khi về tay cầm theo mấy cây chuối nhỏ. Nhường đẩy chiếc bi - đông vào bếp củi rồi bóc chuối lấy lõi non nhai ngấu nghiến. Tôi cũng làm theo, có lẽ vì đói, mệt nên thấy ngon ngọt. Bóng đêm sập xuống giữa rừng khá nhanh.

Mấy hôm đầu còn sức, hai anh em chặt những cây cây cọ thấp ngang tầm người, bóc lấy nõn non ở ngọn cây để ăn. Thấy ngon, ngọt, thơm và béo như cùi dừa. Sau đó, không còn sức để chặt cây nữa. Một lần cắt chéo qua sườn núi, tôi phát hiện một lưỡi cúp nằm hoen rỉ, cán đã bị mối ăn nát và một hình người bị mối đùn phủ kín. Có lẽ đó là một xác người do lạc rừng hay bị thú rừng hại mà vĩnh viễn chôn xác nơi này.

Chúng tôi đứng ngậm ngùi đôi phút rồi lại tiếp “xé” rừng tìm đường về. Đến ngày thứ tư, hai anh em mới tìm về được lán trong đói lả kinh hoàng! (còn nữa)

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Vụ học sinh Khánh Sơn ngộ độc: Phát hiện rong biển cơm cuộn có vi khuẩn

Cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa đã kết thúc điều tra, chỉ ra nguyên nhân 29 học sinh ở huyện Khánh Sơn bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cơm cuộn.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm