| Hotline: 0983.970.780

Những người xây hồ đập miền Trung

Thứ Hai 23/09/2013 , 10:38 (GMT+7)

Chúng tôi tìm lại những người trực tiếp đóng góp công sức làm nên lịch sử hồ đập thủy lợi miền Trung, nghe lại nhiều câu chuyện thú vị.

Sau giải phóng, hàng vạn thanh niên xung phong, bộ đội, dân công… miền Trung đi đào đất đắp đập, xây dựng những đại công trình thủy nông Phú Ninh (Quảng Nam); Nam Thạch Hãn (Quảng Trị) và Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh). Nếu không có ba đại công trình này, sau giải phóng chẳng biết sẽ có bao nhiều người miền Trung phải thiếu thốn lương thực.

Chúng tôi tìm lại những người trực tiếp đóng góp công sức làm nên lịch sử hồ đập thủy lợi miền Trung, nghe lại nhiều câu chuyện thú vị.

Kiệt tác sau giải phóng

Mùa hè, ở Quảng Nam sông ngòi cạn kiệt, đồng hoang cỏ cháy. Mùa mưa, lũ thượng nguồn về khiến dân tình ly tán. Hồ Phú Ninh lại đóng vai trò lịch sử của mình, trở thành vị cứu tinh trong nắng hạn và mưa lũ. Không có hồ, có lẽ mấy chục năm nay người dân xứ Quảng sẽ gặp vô vàn khó khăn.

Ký ức ông Trưởng ty Công nghiệp

Lần mò thông tin, cuối cùng chúng tôi tìm gặp được ông Ngô Văn Trấn, nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng; nguyên Trưởng ty Công nghiệp, người trực tiếp chỉ huy trên đại công trường Phú Ninh ngày ấy.

Giờ đã ở tuổi cổ lai hy nhưng nhắc lại ngày tháng xây hồ, ông Trấn như sống lại tuổi đôi mươi: “Đó là kiệt tác sau giải phóng được sinh ra từ bàn tay lao động của hàng vạn con em Quảng Nam - Đà Nẵng. Một thứ sức mạnh phi thường của lòng dân, ý Đảng làm nên một công trình vĩ đại”.

Không giấu được thành quả, ông Trấn nói tiếp: “Sau chiến tranh, Quảng Nam - Đà Nẵng là bãi chiến trường, bom đạn ngổn ngang, đồng ruộng bỏ hoang. Từ huyện Thăng Bình, Núi Thành, Tam Kỳ đến Duy Xuyên, Quế Sơn… bao đời dân đói khổ. Có hồ Phú Ninh, tất cả trở thành những đồng ruộng màu mỡ, nước mát quanh năm, người dân no ấm”.


Ông Ngô Văn Trấn kể lại hồi ức đi xây hồ Phú Ninh

Ông Trấn kể: Ngày ấy, ngoài Trung ương, Tổng Bí thư Lê Duẩn ủng hộ tỉnh phải xây ngay. Còn ông Hồ Nghinh, Bí thư Tỉnh ủy và anh em lãnh đạo tỉnh khí thế hào hùng, nhân dân trong tỉnh nhập cuộc. Với khẩu hiệu “Tất cả cho Phú Ninh, tất cả vì cuộc sống, cơm áo nhân dân” đã thôi thúc người dân xứ Quảng hồ hởi đi xây hồ.

Trước sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Lê Duẩn, Bộ Thủy lợi, Bộ Công nghiệp nặng, Tổng cục Điện lực… hồ Phú Ninh được khởi công vào tháng 3/1977. Nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng quyết tâm cao độ với phương châm: Giải phóng dân tộc rồi, giờ phải giải phóng bom đạn. Phải làm cho bằng được hồ Phú Ninh, giải phóng hàng vạn ha đất đai cằn cỗi, phá bỏ bom mìn, quy tập lại hàng trăm ngàn ngôi mộ.

Khoảng 4 vạn người ở các huyện của Quảng Nam - Đà Nẵng được huy động ngày đêm xây hồ, giải phóng đất hoang hóa. Với chức vụ Trưởng ty Công nghiệp, ông Trấn được giao nhiệm vụ phụ trách tất cả công cụ từ thô sơ đến bán cơ giới như: Xe ba gác, cuốc, xẻng, xe cút-kít… Một khối tài sản được xem là lớn nhất trên công trường sau giải phóng lúc ấy.

“Công cụ lúc đó là tận dụng sắt thép phế liệu chiến tranh, vũ khí hư hỏng của Mỹ - ngụy để lại. Số sắt thép ấy làm nên hàng vạn cái xẻng, cuốc, xe cút-kít", ông Trấn nhớ lại.

Trên công trường trống giong cờ mở, khí thế ngút trời. Các lãnh đạo tỉnh như Hồ Nghinh, Phạm Đức Nam, Hoàng Minh Thắng, Nguyễn Hà… trực tiếp chỉ đạo trên lòng hồ cùng ăn ngủ, làm việc với hàng vạn người. Thanh niên bám lưng nhau mà làm việc. Các vị Bộ trưởng, lãnh đạo tỉnh lặn lội suốt ngày trên công trường.

Khi ấy người già, trẻ nhỏ, phụ nữ ở quê hăng hái quy tập mồ mả, đào kênh mương để khi hồ xong là có thể dẫn nước tưới tiêu sản xuất ngay. Hàng ngàn km kênh mương lớn, nhỏ, kênh N1, N2, N3 được đào đắp đồng bộ với hồ. “Có khi chửi nhau thẳng mặt, nhưng rồi vẫn cười nói tau mi, chẳng ai để bụng. Đúng là sức dân khi được huy động thì có thể bạt đồi, khiêng núi, làm những chuyện kinh thiên động địa”, ông Trấn cho biết.

Tháng 12/1985, công trình đại thủy nông Phú Ninh hoàn thành làm nên một kiệt tác của thời đại “những người đi xây hồ” và lưu vào sử xanh như một huyền thoại.

Gặp lại "kiện tướng" đào đất

Ít ai biết ông Võ Mau (60 tuổi, xã Tam Đại, huyện Phú Ninh, Quảng Nam) từng là “kiện tướng” đào đất của đại công trình thủy lợi Phú Ninh.


“Kiện tướng” Võ Mau hàng ngày mưu sinh bên lòng hồ Phú Ninh

Tôi lần tìm về nhà ông, theo dòng kênh dẫn nước từ hồ Phú Ninh xuống cánh đồng sắp thu hoạch. Nhà kiện tướng năm xưa nằm lọt thỏm dưới ngọn đồi. Giờ ông Võ Mau đã già nên khi gặp ông, tôi đùa: Trông bác không nhận ra được phong độ của kiện tướng nữa rồi? Ông Mau đáp: “Ngày mô tui cũng lên rừng chặt củi bán, xuống hồ nhủi cá về ăn. Tui không tiều tụy răng được chú mi”. Khi tôi nhắc đến thời đi xây hồ Phú Ninh, mắt ông rực sáng: “Lâu lắm rồi mới có người hỏi tui. Hình như mọi người đều quên một thời kỳ vẻ vang đi xây hồ đập rồi”.

Ông Võ Mau sinh ra tại xã Tam Thái (huyện Phú Ninh) trong một gia đình nghèo, ít chữ nghĩa. Đại công trình thủy lợi hồ Phú Ninh huy động thanh niên đi đào đất, xẻ núi, ông Mau nhập cuộc ngay. “Lúc đó tui nặng 75 kg, khỏe nhất nhì trong xã. Nghe tiếng gọi của cách mạng tui hòa mình vào dòng người đi đào đất xây hồ”, ông Mau nhớ lại.

Ngày đó, thanh niên đất Quảng hồ hởi khăn gói tiến về Phú Ninh ngăn nước, xây hồ. Cờ đỏ Sao vàng, cờ Đảng, cờ Đoàn, khẩu hiệu ngợp trời. Chẳng có máy móc gì, chỉ sức người cộng với cuốc, xẻng, gồng gánh… cứ thế mà xẻ đá, đào sỏi.


Chiếc cuốc của ông Võ Mau được lưu giữ như một kỷ niệm trong bảo tàng

“Ban đầu tui được cấp một cái cuốc, một đôi gánh nhưng làm không sướng. Sau đó được tăng cường thêm một xe cải tiến thì tui đào và chở ngày 10 - 11 m3 đất đá, ai cũng sửng sốt. Đoàn thanh niên, tổng đội, lãnh đạo công trường vỗ tay khen rầm rầm. Từ đó tui được phong làm kiện tướng”, ông Mau ríu lưỡi.

Ông Mau tự hào: “Hồi đó, mỗi sáng tinh mơ loa phát thanh lại ra rả. Công trường chúng ta có anh Võ Mau. Với tinh thần lao động hăng say vì sự nghiệp xây dựng đất nước, mỗi ngày anh đào, chở được hơn 10 m3 đất đá. Hãy học tập tinh thần kiện tướng Võ Mau. Hoan hô kiện tướng Võ Mau”.

Đến năm 1979, ông lại xung phong nhập ngũ, chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Năm 1983, ông rời quân ngũ và lấy vợ. Người vợ chẳng ai khác ngoài mối tình đi xây đập của ông thủa nào.

Người vợ mà ngày xưa anh chàng Mau quen trên công trường thủy nông Phú Ninh ấy là bà Nguyễn Thị On. Bà On thua chồng một tuổi, quê tận phố cổ Hội An. Bà On cũng là thanh niên đợt đầu lên tham gia xây dựng hồ Phú Ninh, rồi quen cái anh Mau tính tình hào hiệp. Nể phục sức khỏe phi thường, tinh thần làm việc không mệt mỏi của anh Mau nên bà đem lòng thương yêu.


Một dòng kênh đầy ắp nước từ hồ Phú Ninh chảy về tưới tiêu cho đồng bằng Quảng Nam

Giờ đây ông bà đã có hai đứa con và một đứa cháu. Cuộc sống của gia đình "kiện tướng đào đất" năm xưa hiện còn rất vất vả lắm. Hằng ngày, ông Mau đi mót củi khô về bán, đi thả lưới bắt cá bống trong lòng hồ Phú Ninh về sinh sống qua ngày. Đã mấy chục năm trôi qua, ấy vậy mà ông vẫn xem hồ Phú Ninh như một người tình mang nhiều ký ức.

Hồ Phú Ninh hiện nằm cách TP Tam Kỳ khoảng 8 km về phía Tây Nam, có diện tích khoảng 36 km2, sức chứa trên 300 triệu m3 nước, có rừng phòng hộ khoảng 23.000 ha. Lòng hồ có gần 30 đảo lớn, nhỏ kỳ vĩ vô cùng.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm