| Hotline: 0983.970.780

Bao năm nghịch lý vẫn còn

Thứ Năm 05/12/2013 , 09:30 (GMT+7)

Xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười nằm giữa vùng “rốn” của Đồng Tháp Mười, ruộng nhiều, năng suất khá cao, làm lúa 3 vụ. Vậy nhưng, ngay cả một số ít những nông dân có chục ha ruộng và làm giỏi, cũng chỉ… tạm khá. Số đông còn lại, vẫn “ăn trước, trả sau”.

Xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười nằm giữa vùng “rốn” của Đồng Tháp Mười, ruộng nhiều, năng suất khá cao, làm lúa 3 vụ. Vậy nhưng, ngay cả một số ít những nông dân có chục ha ruộng và làm giỏi, cũng chỉ… tạm khá. Số đông còn lại, vẫn “ăn trước, trả sau”.

>> Nghèo trên cánh đồng vàng

GIỎI CŨNG KHÓ GIÀU

Theo chỉ dẫn của anh Ngô Văn Vĩnh, cán bộ xã Trường Xuân, tôi tìm đến nhà anh Đặng Văn Dân, 50 tuổi, ở ấp 4. Những ngày tháng quần quật với ruộng đồng khiến người nông dân đậm chất Nam bộ này gầy khô, nước da sạm nắng và săn chắc.


Lúa rất nhiều, nhưng nông dân vẫn nghèo

Thấy tôi nhìn quanh căn chòi làm theo kiểu nhà sàn để tránh nước nhưng khá tạm bợ, đồ dùng gia đình bừa bộn với vẻ mặt ngạc nhiên, anh Dân hiểu ý giải thích: “Đây chỉ là chỗ ở tạm cho gần ruộng, đỡ mất công đi lại tới lui thôi. Nhà tôi ở trong thôn, gần ủy ban ấy. Nhưng… đang làm chưa xong".

“Nghe nói anh là nông dân giỏi nhất nhì xã này?”, tôi cười ướm lời. “Có thể người khác nhìn thì thấy vậy. Còn tôi thấy cũng không giỏi gì mấy. Có điều tôi hay tìm tòi. Cái gì hay, lạ là tôi học hỏi, mày mò làm theo. Với lại, tôi làm không biết mệt, bất kể ngày đêm”, anh Dân đáp.

Anh Dân tâm sự: “Cha mẹ tui cũng nghèo, không có nhiều ruộng nên chia cho tui 1,5 ha. Với nhiêu đó ruộng, vợ chồng, 2 đứa con, không thể nào khá nổi. May mắn lắm thì đủ ăn. Nếu bệnh tật hay đám cưới đám tiệc nhiều là chật vật. Tui cố gắng lắm mới thuê thêm được 10 ha ruộng của người ta. Bây giờ ở đây có đê ngăn lũ rồi nên làm liên tục 2 năm 7 vụ. Vụ thu đông năng suất cao nhất, khoảng 7 - 8 tấn/ha. Riêng tôi làm năng suất trung bình 9 - 10 tấn/ha. 2 vụ còn lại thì năng suất thấp hơn. Vậy nhưng cũng chỉ khá thôi chứ chưa giàu”.


Những người nông dân sản xuất giỏi, áp dụng khá tốt KHKT, nhưng kinh tế cũng chỉ khá chứ không giàu nổi

“Làm giỏi, năng suất cao vậy mà chưa giàu là sao?”, tôi hỏi. Anh Dân đáp: “Nếu thuận lợi mọi thứ thì bình quân 1 ha lãi từ 10 - 15 triệu đồng. Đấy là ruộng nhà. Còn tui phải trả tiền thuê ruộng nữa. Tính ra cũng chỉ vừa đủ chi phí. Ấy là mình có vốn, không phải vay mượn, không phải mua vật tư thiếu”.

Anh Dân cho biết, anh thuê hết 9 ha ruộng của UB xã với giá rẻ nhất là 12 triệu đồng/ha. Còn nếu thuê ruộng của các hộ dân khác thì tùy vị trí, đất có tốt hay không mà có giá thuê từ 15 triệu đồng trở lên. “Ở đây nhiều người không có ruộng không?”, tôi hỏi. “Nhiều. Ngày xưa họ cũng có, nhưng do làm ăn thất bại, khó khăn, bệnh tật nên họ bán. Giờ nghèo không mua nổi”.

Cách nhà anh Dân vài chục mét là gia đình ông Nguyễn Văn Hùng, 60 tuổi, một trong những nông dân sản xuất giỏi trong ấp, và là một trong số ít những nông dân đi tiên phong trong việc cấy chứ không sạ. Dù tốn thêm chút công nhưng lại tiết kiệm chi phí và năng suất cao hơn. Dù vậy, đã 2/3 cuộc đời gắn với mảnh ruộng, kinh tế gia đình ông vẫn không khá nổi, thu nhập từ 3,2 ha lúa chỉ vừa đủ cho gia đình 4 người của ông.

“Không đủ sống chú ơi. Đủ thứ chi phí hết. Nếu thu hoạch đầu vụ, trúng mùa, với giá lúa cao nhất thì lời cao lắm là 15 triệu/ha/vụ. Còn nếu thu hoạch sau, lái nó ép giá tụt xuống mấy bậc thì huề vốn là may lắm rồi”, ông Hùng than thở. Nhìn căn chòi lụp xụp, tối tăm của ông Hùng, tôi hỏi: “Hình như đây cũng không phải nhà chính của chú?”. Ông Hùng cười: “Ừ. Đây là trại thôi. Nhà ở ngoài”. “Nhà ngoài đó có khang trang không chú?”. “Cũng tàm tạm thôi, nhưng tui ở ngoài này là nhiều hơn vì trong nhà đông người, cũng hơi chật”, ông Hùng nói.

NÔNG DÂN LUÔN Ở “KÈO DƯỚI”

Theo chân anh Vĩnh, cán bộ xã Trường Xuân, tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Thắng, 64 tuổi ở ấp 5B, một trong những lão nông sản xuất giỏi nhất xã. Ông có đến 13 ha lúa, năng suất khá, nhưng kinh tế vẫn chỉ ở mức trung bình khá trong xã. Căn nhà xây của ông tuy to nhưng bên trong khá sơ sài. Đặc biệt, cái sân khá rộng vẫn là sân đất, nước đọng thành những vũng to. “Sao chú không lát cái sân, để nước đọng vậy muỗi nhiều lắm”, tôi hỏi. “Phải dành dụm tiền mới có làm chứ. Chắc hết năm nay mới làm được”, ông Sáu đáp.


Vợ chồng ông Nguyễn Văn Thắng, ruộng khá nhiều, sản xuất giỏi, nhưng căn nhà xây đã mấy năm vẫn chưa làm xong cái sân

“Vì sao chú nhiều đất, làm giỏi mà vẫn chưa giàu vậy?”, tôi hỏi ông Thắng. “Khó khăn lắm chú ơi. Tui có đến 7 đứa con, chỉ trông vào ruộng là chính. Nhưng chủ yếu là đủ thứ đổ hết lên đầu dân. Tui nói ví dụ, lúa chín, mình muốn cắt, nhưng kêu lái không chịu vào thì mình cũng phải đợi. Giá thì do lái họ chủ động, nhà nước bảo giá lúa 5 ngàn đồng/kg, nhưng họ vào trả có 4 ngàn rưỡi, mình cũng phải chịu. Nếu không, cả mấy chục tấn thóc, cắt bằng máy, đóng bao lúa tươi, mình làm sao vận chuyển, phơi sấy mà bảo quản? Mình lúc nào cũng nắm đằng lưỡi, ở kèo dưới hết chú ơi”, ông Thắng phân tích.

Chuyện thuê máy cắt lúa cũng khiến nhiều nông dân ở đây bức xúc. “Nếu lúa đứng, đều và ruộng khô ráo thì tiền công cắt 1,8 triệu đồng/ha, còn lúa nằm, mưa ướt, ruộng lầy thì giá gấp đôi, nghĩa là mỗi ha lúa mất đứt gần một tấn thóc cho công cắt lúa”, ông Thắng cho biết.

Ấy là những trường hợp có đất, làm giỏi, không phải vay mượn, thiếu nợ. Còn những hộ ban đầu gặp khó khăn, phải vay mượn, mua thiếu vật tư thì sẽ không bao giờ “ngoi” lên nổi nếu không có một “phép màu”.

Rời nhà ông Thắng, tôi tạt vào nhà ông Nguyễn Nhi, cách đó vài căn, tại đây có mấy người đàn ông ngồi lai rai ngoài ban công căn nhà sàn gỗ khá to nhưng đã mục nát nhiều và trống huơ trống hoác. Ông Nhi năm nay mới ngoài 50 tuổi nhưng cơ thể gầy dơ xương, mái đầu bạc trắng, hom hem, già hơn cả chục tuổi. Ông Nhi cho biết, ban đầu ông cũng có gần 2 chục ha ruộng, nhưng nó cứ “teo tóp” dần.


Ông Nguyễn Nhi, từng là một trong những người giàu ruộng nhất xã, nhưng giờ vẫn rất nghèo và có thể sắp trắng tay



Nhiều nông dân dù có ruộng nhưng vẫn phải ra đồng kiếm thêm con cá con cua

“Ruộng nhiều mà sao cứ ngày một nghèo đi vậy chú?”, tôi hỏi. “Tui là một trong những người nhiều đất nhất xã, nhưng phần chia cho 7 đứa con, phần kẹt quá bán dần, nay còn được 2 ha. Chú tính làm thì lãi mỗi công giỏi lắm được trên dưới triệu bạc. Trong khi không có tiền mua vật tư, toàn lấy trước đến khi thu hoạch thì trả. Mua vật tư thiếu bị tính lãi hơn 5%. Hỏi còn đâu mà ăn?”.

Anh Cận, anh Chín, ông Tụp, những người đàn ông ngồi cạnh cũng có cùng quan điểm và họ cho biết thêm: Nếu mua thiếu vật tư thì làm ruộng chỉ từ huề đến lỗ chứ không bao giờ lời nổi. Phần đại lý tính lãi, phần họ bán loại nào mình phải mua loại đó. Ví dụ có những lúc mua thuốc trừ sâu, nhìn thấy hết hạn sử dụng từ lâu, nhưng đòi loại khác họ nói không có. Mình không lấy, đi đại lý khác thì không mua được vì không quen, họ không dám bán thiếu.

Trường hợp như hộ ông Nguyễn Nhi, anh Cận, anh Chín, không phải là cá biệt ở Trường Xuân.

“Nhìn chung là đời sống bà con nông dân đã khá lên rất nhiều so với chục năm trước. Tuy nhiên, vẫn còn khó khăn. Tôi nghĩ, ở tầm vĩ mô, Chính phủ phải can thiệp, có biện pháp cụ thể giúp bà con ổn định đầu ra. Nếu không, sẽ lặp đi lặp lại điệp khúc “trúng mùa mất giá”, bà con làm không có lợi nhuận.

Ở đây cũng có hộ giàu, nhưng phải có nhiều ruộng, ít con cái và kinh doanh thêm cái gì đó nữa, chứ nếu chỉ làm ruộng không thì khó giàu lắm”, ông Hoàng Đình Toàn, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm