| Hotline: 0983.970.780

Tiên Yên - Cơm độn, nhà phên

Thứ Năm 06/05/2010 , 15:15 (GMT+7)

Ở vùng cao miền Đông Quảng Ninh như Tiên Yên vẫn rất nhiều ngôi nhà kiểu "nhà chị Dậu" và những vùng mà con người vẫn ăn khoai sắn thay cơm. Đến các xã đặc biệt khó khăn ở Tiên Yên như Đại Dực, Hà Lâu, Phong Dụ… đập vào mắt là nhiều căn nhà tường đất vách phên như minh chứng cho đói nghèo ám ảnh.

Ở vùng cao miền Đông Quảng Ninh như Tiên Yên vẫn rất nhiều ngôi nhà vách đất, vách phên kiểu "nhà chị Dậu" và những vùng mà con người vẫn ăn khoai sắn thay cơm.

Ăn cơm độn, ở nhà phên

Đến các xã đặc biệt khó khăn ở Tiên Yên như Đại Dực, Hà Lâu, Phong Dụ… đập vào mắt là những căn nhà tường đất vách phên như minh chứng cho đói nghèo ám ảnh.

Chạy ăn gấp hơn chạy ở

Con đường nhựa ngoằn ngoèo dẫn vào xã Đại Dực đang thi công dở. Hai bên đường, những ngôi nhà trình tường vốn đã bạc phếch vì đất sét nay lại khoác thêm lớp bụi đen ngòm. Đi vào Đại Dực chỉ có duy nhất một con đường độc đạo. Người ta bảo rằng đây là ngõ cụt của nhánh đường chạy vào các xã Phong Dụ, Đại Dực, Đại Thanh. Câu nói “Đại Dực khổ nhất Tiên Yên” càng được minh chứng khi đói nghèo đã phơi ra hai bên con đường vào xã bằng những ngôi nhà đất xiêu vẹo, cũ nát. Phó chủ tịch UBND xã Ninh Văn Cao phàn nàn rằng dân Đại Dực chủ yếu là đồng bào các dân tộc như Sán Chí, Dao, Tày… nên đời sống rất khó khăn. Rất nhiều bản làng như Khe Ngàn, Phài Giác, Khe Léng… dân thiếu ăn là chuyện bình thường. Bàn về nhà ở ông bảo rằng phần lớn ở vùng cao này lo ăn đã khó đâu đủ thì giờ để mà lo nhà. Nhà ở của dân chủ yếu là nhà trình tường vàng ngoét được dựng lên từ bùn và rơm. Số đông khác không làm nổi nhà trình tường thì vào rừng chặt nứa về đan thành phên dựng lên ở tạm.

Nhà trưởng thôn Nình A Sám cũng lèo tèo như bao nhà khác trong bản, không có điện tối om om nằm bên vách đồi của thung lũng Khe Léng. Dù là trưởng thôn nhưng nhà A Sám cũng là hộ nghèo, cũng chạy ăn từng bữa, một năm thiếu gạo vài tháng là chuyện thường. Giải thích cái đói nghèo bao bọc Khe Léng bao nhiêu năm ông bảo rằng cả thôn có 46 hộ thì chỉ có 7 hộ không thuộc diện nghèo vì nhà trình tường chưa cũ nát.

Khẩu phần ăn nhà anh Vòng chủ yếu vẫn là khoai

Ruộng ở đây chỉ duy nhất một nông cụ có thể canh tác là cuốc, nhà nào có trâu bò cũng không thể cày bừa bởi đá nhiều hơn đất. Đứng từ lối mòn độc đạo khúc khuỷu rộng chừng một sải tay đi vào bản không thể nhìn ra ruộng hay đồi vì chỉ thấy một màu xám của đá. Đến mức dù làm trưởng thôn nhưng ông Sám không thể nắm bản mình có bao nhiêu diện tích đất sản xuất nông nghiệp vì lẻ tẻ ở mỗi quả đồi một miếng. Còn nhà trình tường ở Khe Léng cũng nhanh hỏng hơn những thôn bản khác vì không có đất ruộng làm gạch mà phải làm từ đất khô nên dễ vữa.

Cạnh nhà trưởng thôn Sám là căn nhà trình tường cũ nát của anh Tằng A Vòng (48 tuổi). Nhà anh Vòng có 7 khẩu, khi tôi đến cả nhà đang ngồi nướng khoai trệu trạo nhai. Cạnh bếp là chỗ ngủ mấy bố con mẹ con mà cái màn cũ đến mức khó phân biệt với đám bồ hóng bu bám vách nhà.

Đây đang là thời điểm khẩu phần ăn hằng ngày của nhà Vòng khoai nhiều hơn gạo. Nhà chỉ được chừng một sào ruộng nhưng lại nằm phân tán mỗi mảnh một nơi nên khi nói về sản lượng Vòng đáp gọn lỏn: “Một năm làm không đủ nửa năm ăn”. Thành thử cho dù cả nhà cật lực đi làm thuê kiếm tiền mua gạo nhưng năm nào cũng ăn cơm độn khoai chừng vài ba tháng. “Cũng tàm tạm no cái bụng nhưng toàn là bụng khoai, bụng sắn, chỉ có tết nhất mới được một vài ngày ăn thịt nhờ dăm bảy nhà chung nhau mổ con lợn còi thôi”, anh Vòng thật thà.

167 cũng bó tay

Được xem là xứ sở nhà trình tường nên huyện Tiên Yên được Chính phủ và đầu tư hỗ trợ xây nhà 167 (Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở). Tỉnh Quảng Ninh cũng chọn nơi này làm thí điểm xoá nhà xiêu vẹo, dột nát, không có khả năng phục hồi. Một cứu cánh cho dân nghèo các xã vùng cao bởi nếu để tự họ có thể làm được một căn nhà tàm tạm ổn định thì chưa biết đến bao giờ. Chỉ có điều dự án có ưu đãi đến mấy đôi lúc cũng bó tay. 

Có đủ nguyên vật liệu nhưng gia đình anh Sòi vẫn chưa thể xây nhà

Xã Đại Dực thuộc diện được hỗ trợ nhà 167 nhiều nhất Tiên Yên khi có đến 122 hộ nghèo được hỗ trợ thay nhà cũ dột nát. Theo đó mỗi hộ được nhận khoảng 28 triệu đồng tiền vật liệu như sắt thép, xi măng… Với vùng cao, chỉ cần thêm một ít vào đã là đủ cho một ngôi nhà ổn định. Nhưng ngay cả phần còn lại tưởng chừng khá đơn giản ấy với đồng bào các bản làng Tiên Yên cũng vô cùng gian nan.

Chín con người của nhà anh Tằng Chi Sòi (46 tuổi) nằm giáp ranh giữa Khe Leng vè Khe Lục. Phải năn nỉ mãi trưởng thôn Sám mới đồng ý dẫn tôi lên. Không phải ông thiếu nhiệt tình mà là vì để đến được tận nhà Sòi xem như ông phải mất một buổi lên nương. Gần hai tiếng đồng hồ leo dốc, căn nhà lá của Sòi hiện ra chênh vênh trên đỉnh Khe Leng. Ông Sám bảo rằng làm trưởng thôn nhưng hoạ hoằn lắm ông mới bỏ công lên đến gia đình Sòi còn dân bản thì hầu như chưa ai lên dù là ngày Tết. “Có ai muốn ở xa đâu, nhưng vì ở dưới kia không có ruộng nên phải leo lên trên này phát rẫy mong kiếm ít đất làm ăn thôi”, Sòi nói như để giải thích.

Đói đất nên phải leo, nhưng xem ra có leo nữa thì gia đình cũng không thể khá được bởi ở Khe Leng càng leo đá càng nhiều lấy đâu đất ruộng. Nghèo đói nên một căn nhà trình tường với gia đình Sòi cũng là giấc mơ. Phần vì không có đất, phần nữa không có tiền mua gạo nuôi người mượn làm nhà. Hai vợ chồng cùng bảy đứa con sống trong căn nhà vách phên rách toang hoác, còn phần mái chi chít lỗ nhìn xuyên thấu trời mà ông Sám bảo mỗi lần có gió mùa ông vẫn chập chừng rằng: “Không khéo nhà Sòi đổ mất”.

Theo thống kê, đợt vừa rồi Tiên Yên hỗ trợ gần 800 ngôi nhà thuộc dự án 167 hỗ trợ nhà cho hộ nghèo. Các xã có số hộ nghèo phải hỗ trợ về nhà ở nhiều nhất là Phong Dụ, Đại Dực, Hà Lâu… Ở Đại Dực vẫn còn rất nhiều hộ nghèo nhưng không được hỗ trợ nhà ở.

Thắc mắc, ông Cao bảo rằng “do danh sách xã và huyện không khớp nên đành chịu”. Còn cán bộ ở nhiều địa phương dù số hộ có nhu cầu sửa nhà còn nhiều nhưng không muốn kê thêm vì thấy có muốn làm cũng chịu do giao thông đi lại khó khăn quá.

Khi dự án hỗ trợ làm nhà 167 triển khai thì nhà Sòi là hộ đầu tiên được xướng tên. Cứ tưởng thế là thoát kiếp nhà vách phên nhưng có lẽ sẽ phải còn rất lâu nữa. Chỉ mới hôm trước Sòi xuống xã nhận đầy đủ vật liệu xong mới ngớ người ra là bây giờ không biết làm nhà như thế nào. Mang vật liệu từ trung tâm xã lên đã khó, kiếm được tiền bù vào còn khó hơn nên nhận xong lại phải tìm nhà người quen để gửi nhờ. Tính sơ sơ, để hoàn thiện căn nhà 167 cùng lắm cũng phải bỏ ra dăm bảy triệu mua cát sỏi, cùng hàng trăm thứ khác. Éo le thay, nhìn vào gia cảnh nhà Sòi cũng khó tìm ra thứ gì có giá trị hơn trăm ngàn để mang bán cả. Mỗi năm gia đình cật lực mà vẫn thiếu ăn huống hồ hi vọng tích trữ làm nhà. Tìm đủ đường mà vẫn chưa tìm ra hướng, mấy hôm nay Sòi nghe phong phanh xã đang làm thủ tục cho hộ nghèo vay ngân hàng nên bỏ mấy buổi làm nương xuống xem. Cuối cùng đành chán nản bỏ về vì… không biết chữ.

Đám trẻ con đứa nào đứa nấy da xanh mét vì đói rét háo hức vì hay tin sắp có nhà mới. Nhưng mãi mà vẫn chưa có một viên gạch được mang về. Thành ra được xét đến đầu tiên, vật liệu nhận đầy đủ nhưng không biết đến bao giờ gia đình được ở nhà mới. “Nhà nước cho làm thì nhận thôi chứ bây giờ gia đình cũng chưa biết lấy đâu ra tiền bù vào cả”.

Để gia cố thêm cho cái khó của bản, trưởng thôn Sám phàn nàn rằng, những hộ làm nhà trước hầu hết đều phải chạy vạy vay tạm mỗi nhà một ít gạo đem về nấu cơm thợ. Vậy mà cũng không đủ nên đám thợ làm nhà cứ chiều chiều lại phải lót thêm rổ khoai lang để còn có sức xây. Thợ xây nhà cũng không thể thuê vì thiếu tiền nên đành phải nhờ thanh niên trong bản xây cho. Cuối cùng ông chốt một câu: “Hầu hết các gia đình xây xong nhà, chỗ ở có khang trang hơn nhưng nợ nần cũng nhiều hơn”. (Còn nữa)

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm