| Hotline: 0983.970.780

"Chết mòn" theo khai thác tài nguyên

Thứ Ba 10/08/2010 , 08:15 (GMT+7)

Từ lâu, việc khai thác tài nguyên tại Đồng Nai, Bình Dương đang khiến hàng ngàn người dân phải gồng mình sống trong vùng ô nhiễm...

Nổ mìn phá đá khiến hàng trăm nhà dân bị nứt nẻ

Từ lâu, việc khai thác tài nguyên tại Đồng Nai, Bình Dương đang khiến hàng ngàn người dân phải gồng mình sống trong vùng ô nhiễm. Hệ luỵ về sức khoẻ của họ trong tương lai thì chưa biết nhưng những hậu quả nhãn tiền như mạch nước ngầm bị cạn kiệt, nứt nhà, hoa màu thất thu, người dân thường xuyên bị bệnh hô hấp thì đã quá rõ.

>> Ồ ạt ''móc ruột'' tài nguyên ở Đông Nam Bộ

Ám ảnh mìn nổ

Đùng...! Đùng...! Ầm ầm… Căn nhà chúng tôi đang ngồi cách mỏ đá Hoá An hàng trăm mét bỗng rung lên bần bật. Anh Đạt - chủ nhà cho biết: Tuần nào cũng vậy, cứ cách một ngày vào buổi trưa là họ thi nhau nổ mìn phá đá khiến người dân nơi đây thót tim.

Dẫn chúng tôi vào căn nhà mới xây chưa lâu ở ngay sát mỏ đá thuộc ấp Cầu Hang (Hoá An, Biên Hoà), bà Bảy nói như khóc: Các chú vào đây mà coi, căn nhà tôi xây hết hàng trăm triệu đồng bị nứt toác nhiều nơi. Gia đình chúng tôi đã nhiều lần làm đơn gửi lên UBND xã nhờ can thiệp nhưng không được giải quyết.

Lý giải về những vết nứt này, bà Bảy và người con cho biết: Tuần nào cũng vậy cứ ngày lẻ từ 11giờ - 13 giờ là Cty CP Hoá An và Cty BBCC lại cho nổ mìn đùng đùng khiến nhà cửa rung lên như động đất, bụi bay mù trời. Nhà tôi 5 người thì ai cũng bị mắc bệnh về đường hô hấp. Khổ lắm!".

Không chỉ nhà ở khu vực gần kề miệng hầm đá bị nứt toác mà ngay cả nhiều căn hộ được xây dựng kiên cố, khang trang cách xa cả cây số cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Anh Lê Minh Đạt (nhà số E 5, khu nhà liên kề Hoá An) cho biết: "Nhà tui mua căn nhà mới này từ năm 2007 nhưng đến nay đã bị nứt quá nhiều chỗ. Mỗi lần nứt là tui lại đi mua bột trét tường về trét và gia cố lại liền nhưng không ăn thua, nhiều vết nứt mới vẫn xuất hiện sau những lần nổ mìn. Điều bức xúc nhất là họ nổ mìn vang trời và gây ô nhiễm quá, nhà tui 3 người mà ai cũng bị viêm phế quản. Con tui gần 3 tuổi mỗi lần nghe thấy nổ mìn là chạy đến ôm chầm lấy chân ba khóc rồi đòi chở đi lánh nạn, khi nào hết nổ mìn mới chịu về nhà và đi bác sỹ hoài vì ho".

Ngay kế đó chị Dung cho biết: "Vợ chồng tôi mua căn nhà này giá 770 triệu, sửa sang vào cũng gần 900 triệu, cả nhà vui mừng vì có nhà mới nhưng dọn về có mấy hôm thì cả nhà bị nghẹt mũi, còn cháu nhỏ thì bị ho do bụi quá nên phải dọn đi qua nhà bố mẹ đẻ. Mặc dù nhà làm cửa kính che kín toàn bộ, thế nhưng có sạch đến mấy thì chỉ một ngày sau là bụi đá phủ trắng một lớp. Bí quá tôi phải dùng khăn ẩm để bít những kẽ cửa thì bụi đóng thành từng lớp dày dưới đất. Mặc dù gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như vậy nhưng từ khi chuyển về năm 2008 đến nay chúng tôi chưa được một ai đến hỏi han, hỗ trợ đồng nào. Ông xã tui thỉnh thoảng qua ở một vài ngày thì bây giờ có dấu hiệu bị viêm xoang", chị Dung bức xúc.

Sống chết mặc bay...

Người dân ở Hoá An và Tân Đông Hiệp luôn chìm trong bụi đá

Chỉ vài hôm đi tìm hiểu về khai thác đá, chúng tôi cũng bị nghẹt mũi và mệt lả. Tại các tuyến đường ở Hoá An, Tân Đông Hiệp, bầu không khí lúc nào cũng mờ đục, nhất là khi có xe chạy qua. Trưa ngày 3/8, chúng tôi ghé vào quán cơm ven đường của chị Nguyễn Thị Loan (số 127/1P, tổ 17, Ấp Bình Hóa). Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là những bộ bàn ghế đều đóng một lớp bụi trắng dày như mấy năm chưa ai ngồi. Cúi xuống thổi phù thì bụi bay mịt mù khiến mọi người nhìn chúng tôi bằng ánh mắt xa lạ. Chị chủ quán liền giải thích: "Chắc anh từ nơi khác mới đến, chúng tôi ở đây riết rồi không còn biết kêu ai nữa". Bên ngoài quán ăn, những chuyến xe ben chở đá vẫn nối đuôi nhau. Mặc dù chúng tôi kêu khá nhiều đồ ăn nhưng cũng không nuốt trôi vì nhai miếng cơm là phải bịt mũi và nghe lạo xạo bụi đá.

Chị Loan cho biết, đây là con đường vận chuyển vật liệu ra đường Bùi Hữu Nghĩa của hàng chục doanh nghiệp khai thác đá, bê tông như: Xí nghiệp khai thác đá của Cty BBCC, Cty An Phú, Đức Phát, Lê Phan K, Lê Phan P, Long Châu… Mỗi ngày có hàng trăm lượt xe chạy vào, ra trên con đường này. “Khổ lắm chú ơi! Mùa mưa thì đất văng lên đến đầu, còn mùa khô thì bụi như chú thấy đấy”, chị Loan bức xúc.

Chỉ riêng trên đoạn đường dài hơn một trăm mét này đã có hàng trăm người từ trẻ sơ sinh đến cụ già đang phải gánh chịu hậu quả từ ô nhiễm môi trường do những doanh nghiệp thiếu đạo đức, làm ăn kiểu “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”.

Không chỉ có bụi, hàng ngày người dân nơi đây còn phải hít mùi nhựa đường, mùi hóa chất từ Cty bê tông Lê Phan K, P… Cách đây hai năm, Cty BBCC đã cho xây dựng một dây chuyền nghiền, sàng đá ngay sát vách nhà bà Nguyễn Thị Xê (số 27/2B tổ 17A, Ấp Bình Hóa). Kể từ đó, những hộ dân sống ở đây không chỉ phải hít bụi nhiều hơn mà còn đinh tai nhức óc vì tiếng máy chạy ầm ầm suốt ngày đêm. Sàng đá này ban đầu chỉ cách nhà bà Xê một hàng rào kẽm gai, sau khi bị những hộ dân ở đây phản ứng dữ dội thì họ mới cho làm một hàng rào bằng tôn che kín.

Ông Trần Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Đông Hiệp (Dĩ An) cũng khẳng định, hiện nay việc khai thác đá trên địa bàn Tân Đông Hiệp có 5 doanh nghiệp. Việc khai thác đá không chỉ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân mà còn khiến cho sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng do nguồn nước ngầm bị cạn kiệt; hoa màu thì bị bụi bám không phát triển được… Hơn nữa, trong quy hoạch và phát triển đô thị của xã Tân Đông Hiệp nói riêng và huyện Dĩ An nói chung trong thời gian tới, thì việc tiếp tục khai thác đá ở đây là không phù hợp.
Nhiều năm nay, người dân đã liên tục gửi đơn kiến nghị lên lãnh đạo xã Hóa An và Tân Đông Hiệp yêu cầu can thiệp để các Cty khai thác đá có biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm. Thế nhưng họ không nhận được sự đồng tình từ phía lãnh đạo xã, trái lại còn phải nghe những câu như: Ai bảo về sống ở đó, về ở sau (ý nói về đây ở sau mấy Cty khai thác đá) thì ráng mà chịu.

Do đa số bà con là dân lao động nghèo nên họ cũng chỉ biết kêu lên xã chứ không có ai hiểu biết để có thể kêu cứu ở cấp cao hơn nên đành chấp nhận. Hiện nay Cty BBCC có hỗ trợ cho các hộ dân sống trong khu vực bị ô nhiễm nặng vì khói bụi. Nhưng phía Cty cho rằng chỉ trong bán kính 300 mét mới bị ảnh hưởng do bụi ô nhiễm. Do đó, chỉ những hộ dân sống trong khoảng cách từ 300 mét trở xuống mới được bồi thường, còn từ 301 mét trở lên không được bồi thường. Chính vì qui định này mà có chuyện hai hộ dân ở sát vách nhà nhau nhưng chỉ một hộ được nhận tiền bồi thường, hộ còn lại thì không. Tuy nhiên, với khoản tiền bồi thường 35.000đ/người/tháng thì uống trà đá còn không đủ chứ nói gì đến chữa bệnh.

Theo ông Trần Văn Ngọc, Chủ tịch UBND xã Hóa An: Trước thực trạng phản ánh của người dân, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên TP. Biên Hòa và được các Cty cho xe tưới nước nhưng chỉ mang tính ứng phó khi có các đoàn thanh kiểm tra, cũng như đã chi tiền bồi thường độc hại khoảng 95.000đ/tháng/hộ; tôi nghĩ không thấm vào đâu cho sự ô nhiễm môi trường, cũng như những ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt của người dân khi các Cty nổ mìn. Ở Hoá An, UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo đến cuối năm 2010 phải ngừng khai thác nhưng dân vẫn thấp thỏm vì đến nay, nhiều lần UBND tỉnh đã ra hạn cho các Cty khai thác. (Còn nữa)

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm