| Hotline: 0983.970.780

Cán bộ nhúng chàm

Thứ Ba 21/09/2010 , 10:56 (GMT+7)

Lợi nhuận khổng lồ, cơn lốc ma túy ở Na Ư (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) cuốn theo không ít cán bộ nhà nước hẳn hoi lao vào.

Chủ tịch xã Sình Chứ Só tỏ ra buồn bã vì có con đang chịu lệnh truy nã

Lợi nhuận khổng lồ, cơn lốc ma túy ở Na Ư (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) cuốn theo không ít cán bộ nhà nước hẳn hoi lao vào.

>> Vào cung đường ma túy nóng nhất Tây Bắc

Từ chủ tịch, phó chủ tịch, công an xã… 

Suốt buổi nói chuyện với Chủ tịch xã Sình Chứ Só tôi cứ băn khoăn không hiểu vì sao ông ngần ngại khi nhắc đến chuyện cán bộ xã nhúng chàm vào các đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy. Hóa ra ông đang nhẩm tính. Phải một lúc lâu, vị chủ tịch mới khẳng định: "Cũng đông đấy. Dính vào lao lý thì 5- 7 người. Còn bao nhiêu người liên quan thì không nhớ hết". 

Người "mở đường" cho phong trào cán bộ xã làm thêm bằng việc buôn ma túy ở Na Ư cũng là một chủ tịch. Những năm 1995, thời điểm ma túy ở Na Ư nhiều hơn cả ngô trên nương thì đùng một cái Chủ tịch xã lúc ấy là Và Chá Cải bị bắt. Cải bị bắt quả tang đang vận chuyển 14 bánh heroin, một khẩu súng và 1 quả lựu đạn. Khám nơi ở, cơ quan chức năng còn phát hiện thêm 11kg thuốc phiện, hơn chục khẩu súng các loại và một giỏ... lựu đạn. “Nó là cán bộ đầu tiên ở xã bị bắt vì vận chuyển ma túy. Tòa xử chung thân nhưng cũng không thể làm gương cho những người khác”, ông Só phàn nàn. 

Cứ tưởng sau đợt cán bộ bị bắt thì tình hình buôn ma túy ở Na Ư sẽ giảm nhưng trái lại có phần ma mãnh hơn. Khi cán bộ cũng gục ngã vì ma túy thì dân bản càng có cớ để bỏ làm nương để đi theo mãnh lực của đồng tiền. Trẻ em thay vì đến truờng lại theo chân bố mẹ đi xách hàng, thanh niên trai tráng trong làng không còn say mê đến công việc đồng áng, lên nương làm rẫy mà vượt biên giới để mua bán ma túy. Câu chuyện của Chủ tịch Só lắng đi một lúc rồi tiếp tục rõ mồn một khi thời điểm năm 2004, khi một loạt quan xã sa ngã.  

Đó là Chủ tịch Mặt trận xã Na Ư Và Chử Tú cũng phải ngồi tù vì tội buôn bán, vận chuyển ma túy. Phó Chủ tịch kiêm Trưởng công an xã Và Vả Thếnh cùng Bí thư đoàn Và A Tho bỏ chạy sang Lào. Trong đó vụ Và Vả Thếnh hết sức nghiêm trọng. Đợt ấy vào tháng 3, có mấy người khách ở Điện Biên vào bản nói đi mua trâu bò và ngủ lại tại nhà ông Và Vả Thếnh. Khi những người khách đi một vài ngày thì công an vào đọc lệnh bắt Thếnh, Trá Nhìa Và (trưởng bản Na Náy), và Và A Dia (em trai Thếnh). Người nhà Thếnh khai rằng, ông phó chủ tịch xã đã buôn bán ma túy từ lâu, có quan hệ với nhiều đối tượng, đặc biệt là các ông trùm bên Lào, còn Trá Nhìa Và thì quan hệ với các ông trùm ở Điện Biên. 

 Mỗi khi đối tượng mua có nhu cầu, chúng đóng giả làm những kẻ buôn trâu, bò lên thông báo cho Và, Thếnh. Thếnh cho em trai là Di sang Lào lấy heroin sau đó vận chuyển theo đường rừng về Việt Nam. Khi hàng về, chúng thống nhất giá cả, địa điểm giao hàng và cử người vận chuyển. Trung bình cứ khoảng 3-4 năm lại có một cán bộ ở Na Ư nhúng chàm.  

… Đến ủy viên BCĐ phòng chống ma túy 

Vị cán bộ xã ở Na Ư mới nhất bị bắt giam vì tội vận chuyển ma túy là Vừ A Tếnh, Chủ tịch MTTQ xã, Bí thư chi bộ 1 khối cơ quan xã. Điều đáng nói ở chỗ Tếnh đường đường là Ủy viên BCĐ phòng chống ma túy xã Na Ư. 14 giờ, ngày 29/4 tại bản Bông, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, Tếnh cùng một người nữa đang vận chuyển một bánh heroin có trọng lượng 350g đi tiêu thụ thì bị bắt. Khi lập chuyên án để bắt Tếnh, các chiến sĩ biên phòng Na Ư hết sức phân vân vì… sợ nhầm. Bởi chỉ mới ngày hôm trước Tếnh còn đại diện xã đi họp ngoài huyện để cáo tình hình ma túy ở Na Ư, vậy mà sáng ra đã phát hiện vị cán bộ này luồn rừng sang Lào. 

“Hiện nay, giá một cặp heroin ở Pa Hốc (huyện Mường Mày, tỉnh Phong Xa Lỳ, Lào) là 6.000 USD, đến Điện Biên là 8.500 đến 9.000 USD. Nhà nó nghèo, đông con nên làm liều”, chủ tịch Só phân bua. Như để chứng minh lời mình, chủ tịch Só dẫn tôi vào nhà Tếnh ở con dốc ngay đầu trung tâm xã. Từ ngày Tếnh bị bắt, vợ con vốn đã nheo nhóc nay càng khó khăn hơn. Một mình bà Lầu Thị Máy nuôi 5 đứa con trong khi số phận chồng vẫn chưa biết thế nào vì tòa vẫn đang hoàn thiện hồ sơ chờ ngày xét xử. “Nhà nghèo, lợi nhuận lại quá cao nên ngay cả cán bộ cũng không thoát khỏi cám dỗ anh à”. 

+ Thượng tá Nguyễn Tất Thắng phàn nàn rằng: Về nguyên tắc, chủ tịch Só có con bị truy nã thì không được cơ cấu nữa nhưng ông Só nghỉ cũng không biết tìm ai lên thay, có khi phải nhờ chuyển nơi khác về vì ở đây ai cũng nhúng chàm cả.

+ Đánh liều vào nhà một hộ dân ở Na Ư hỏi về tình hình ma túy nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Đúng như lời mấy cán bộ biên phòng ở đây nói rằng “đặc thù" của dân Na Ư đối với người lạ đều 3 không: Không biết, không nghe, không thấy.

Dù đã được cán bộ biên phòng Tây Trang dặn dò khá kỹ là phải tế nhị khi tìm hiểu về ma túy ngay cả với cán bộ xã Na Ư nhưng sự tò mò của tôi khiến nhiều phen chủ tịch Só lúng túng. Chỉ cần nhìn vào con số thống kê 95% số hộ gia đình ở Na Ư liên quan đến ma túy cũng đủ hiểu rằng hầu hết cán bộ xã ở thủ phủ ma túy này không có ngoại lệ. Những cán bộ nhúng chàm đều phải trả giá nhưng phần lớn những người đang đương chức cũng không khá hơn là bao. Thượng tá Nguyễn Tất Thắng liệt kê một loạt danh sách cán bộ xã có người nhà dính dáng đến ma túy. Chủ tịch Sình Chứ Só có đứa con trai và em rể đang trốn lệnh truy nã không biết phiêu bạt phương nào; con chủ tịch HĐND Vừ Phá Ly là Vừ Sáy Tủa đang thụ án trong trại giam…

Đến lúc này tôi mới hiểu vì sao chủ tịch Só ngần ngại. Đứa con trai mà ông hi vọng nhiều nhất vì được đi học ở Hà Nội đột nhiên có lệnh truy nã vì tội buôn bán ma túy. Đến bây giờ không biết trốn chui trốn lủi nơi nào. Còn số anh em họ hàng, người nhà cán bộ đi buôn ma túy ở Na Ư hầu như không đếm xuể. Sống chung với ma túy, dân Na Ư có lý để làm liều, kể cả con em cán bộ. Đó là chỉ cần cảm thấy bị đánh động họ không ngần ngại bỏ quê hương vượt núi sang Lào định cư với họ hàng bên đó. Chủ tịch Só không thể nhớ hết bao nhiêu người đã bỏ trốn vì ma túy, nhưng giả sử có biết cũng không thể làm được gì. (Còn nữa)

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm