| Hotline: 0983.970.780

Ký sự rẻo cao

Thứ Sáu 18/02/2011 , 13:49 (GMT+7)

Một vùng đất biên cương đầy khốn khó. Một dân tộc với những phong tục tập quán nguyên vẹn tự cổ xưa và sự va đập với thế giới văn minh bên ngoài. Đó là Mèo Vạc, Hà Giang.

Một vùng đất biên cương đầy khốn khó. Một dân tộc với những phong tục tập quán nguyên vẹn tự cổ xưa và sự va đập với thế giới văn minh bên ngoài. Một khát vọng đưa con chữ nhọc nhằn bám rễ nơi thâm sơn cùng cốc. Đó là Mèo Vạc, Hà Giang.

Văn hóa chợ phiên & tiếng khèn ma mị

Người Mông có một thứ say mê có lẽ chỉ sau mỗi điếu cày, rượu ngô, niềm vui chồng vợ là xuống chợ. Ở Mèo Vạc (Hà Giang), hôm nào cũng có một phiên chợ, lúc ở xã này, khi ở xã khác và Chủ nhật, chợ chính họp ở ngay thị trấn, phiên nào cũng đông đặc.

1. Dân bản cứ căn đúng ngày chợ phiên là rùng rùng, lũ lượt từ già trẻ, gái trai đều cuốc bộ. Đi đen đường, đi chật lối, đi thành những đoàn người đen, đỏ, vàng, xanh, ánh kim… sặc sỡ kéo dài cả vài cây số. Chợ gần leo núi mất vài tiếng, chợ xa đi bộ từ chiều hôm trước đến sáng hôm sau mới tới nơi. Một số ôm gà, dắt lợn, dắt bò đi bán. Nhiều người trong túi chẳng có đồng nào, trên tay chẳng cắp, dắt thứ gì cũng cứ đi chợ. Đi để mà ngắm nghía, mà nhìn thấy nhau cười nói, ăn uống, để cái tai nghe đủ tiếng vui, tiếng buồn cũng thỏa lòng.

Phụ nữ Mông đến chợ thường mua lít dầu hỏa, cân muối rồi cứ vừa địu hàng về, vừa tranh thủ tước lanh, se sợi. Đàn ông Mông chẳng quan tâm lắm đến mua bán, đến chợ chỉ để uống rượu. Đa phần là uống rượu suông, họa hoằn mới có người dám móc túi ra để ăn bát thắng cố (canh thịt, xương, da, lòng bò, dê, ngựa nấu lẫn). Rượu ngô thì cứ chảy tràn trong bát. Cái lý của đồng bào là: “Uống nhiều tốt nhiều, uống ít tốt chẳng bao nhiêu”. Người tốt, ra chợ mới có nhiều bạn mời rượu, mới say chứ cái bụng mà xấu, chẳng ai chơi, ai mời, uống một mình vừa buồn vừa tủi không say được.

 Cứ thuận tình theo cái lý cổ xưa ấy nên chợ phiên buổi nào đứng ngọ hay về chiều, giữa đường nhựa hay trục đường bản đều có vài chục cái bóng đen sì nằm dang tay, dang chân, mũ nồi trật sang một bên, gáy kho kho vang rền say quên trời đất.

Những người vợ ngồi bên cạnh, tay cầm ô che, tay dắt ngựa, mặt bình thản, nhẫn nại chờ khi nào chồng hết say lại túm đuôi ngựa mà lôi nhau về. Xe cộ đi qua, gặp cảnh đó cũng phải chờ, phải tránh, có bác tài nóng tính lại chưa thông tường phong tục, thấy chướng mắt quá, dội cho ca nước để tỉnh dậy liền bị càu nhàu: “Uống rượu để say chứ tỉnh thì phí tiền à? Đền cho tao tiền mua mấy bát rượu đi”.

Cũng có những trường hợp say rượu nằm giữa nắng gió như thế bị cảm mà chết nên người nhà mỗi phiên chợ nếu chưa thấy về, phải tức tốc đi tìm, phải kéo người say vào chỗ có bóng cây, xuống suối múc nước lã đổ vào miệng cho giã rượu, chờ hết say rồi dìu về.

2. Chợ Mông bán đủ thứ nhưng chủ yếu là hàng nông sản như ngô, gạo, măng, rau đắng rừng, lợn cắp nách, gà chạy rông và mua các mặt hàng phẩm cấp thấp, rẻ tiền của người dưới xuôi. Tôi quen một lái buôn tên Nam người huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) lên lập nghiệp trên này qua một chuyến đi. Nam chuyên bán đĩa nhạc, loại đĩa mua phôi 2.000đ/cái bên Trung Quốc về tự ghi rồi bán 5.000đ/cái. Mùa hè anh còn bán kem, loại kem nhập ở thị trấn Yên Minh 1.000đ được 10 que, mỗi que chỉ be bé, toàn phẩm màu và đường hóa học rồi bán lại 500đ/que.

 Người Mông rất thích ăn kem hay bất cứ cái gì hoá đá, lành lạnh, mát mát bởi với một vùng chẳng có điện, có tủ lạnh, người ta không thể hình dung ra nổi, tại sao người dưới xuôi lại biến nước đang lỏng thành cứng, đã thế lại còn có vị ngọt nữa chứ, tài đến thế là cùng. Họ sẵn sàng đổi cả xấp dép nhựa hỏng, ôm cả ổ trứng gà còn nguyên rơm hay kỳ cụi đuổi bắt cả giờ một con gà be bé quanh hàng rào đá lấy vài chục que để ăn cho thỏa thích mỗi khi nghe thấy tiếng kèn bóp “kem mút, kem mút”.

Có dịp Nam còn bán cho 2 anh chàng Mông tới 50.000đ, tức tròn một trăm que kem rồi mắt tròn mắt dẹt ngồi nhìn cả hai giải quyết hết chỗ kem trong 30 phút mà xem chừng vẫn còn muốn ăn tiếp. Chính do bản tính, nói một, nghe một, thực thà như cỏ cây, đá núi của người Mông mà có không ít tư thương lừa đảo kéo quân lên vùng cao tung hoành khắp ngả. Họ bán chiếc điện thoại Tàu nghe nhạc xập xình giá nhập chỉ 300- 500.000đ nhưng bán 2-3 triệu, chiếc áo da giả của Trung Quốc giá nhập 150-200.000đ nhưng bán 3-4 triệu đồng.

Bán xong là tót lên xe, gài số 1, phóng thẳng vượt dốc, băng đèo không dám quay đầu và lại tìm đến một nơi khác, trải bạt, bày hàng, mở đài xập xình để lừa tiếp. Không ít vụ buôn gian bán dối bị dân bản phát giác, quây lại đánh thâm mày tím mặt hay thậm chí có vụ bị chính tòa án xử bỏ tù vì lừa đảo nhưng đám gian thương ấy như một thứ cỏ độc, nhổ mãi, nhổ mãi vẫn không tiệt giống nổi trên vùng biên viễn.

3. Ở bản Xúa Do (Lũng Pù, Mèo Vạc) có đến 60 hộ người Mông trắng nhưng chỉ có 2-3 người biết thổi khèn. Nhà thơ Nguyễn Cường từng viết về cây khèn Mèo (Mông) như thế này: Cây khèn Mèo treo trên vách. Đợi trai Mèo về thổi/ Dẫu xa chín núi mười đèo/ Con gái Mèo cũng lặn lội theo/ Ta tập thổi khèn Mèo. Tiếng u u nằm trong ống trúc/ Như khe suối đục/ Chỉ có con ma rừng đi theo.

Khèn là nhạc cụ độc đáo của người Mông. Thân khèn gồm sáu ống nứa to nhỏ, dài ngắn khác nhau, xếp thành cặp cắm vào quả bầu bằng gỗ trong đó có chứa cái lưỡi gà bằng đồng. Lên vùng cao, bên bếp lửa bập bùng, trong làn khói mê hoang của thuốc lào phả mù mịt, trong những đêm mưa phùn rả rích, lách tách nhỏ trên giọt gianh, tôi lặng nghe những cụ già người Mông kể rằng: Tổ tiên người Mông mê khèn lắm. Có nhiều chàng trai vừa thổi khèn vừa nhảy múa trên những cái cọc. Ở khoảng trống của những cái cọc, dân bản đốt những đống lửa to.

Người nào có tiếng khèn như dòng suối chảy, có điệu múa uyển chuyển như con chim trên rừng, có cái gấu quần không bị bén vào đống lửa, người đó luôn là ước mơ cháy bỏng, là người hùng đích thực trong mắt của những cô gái Mông tuổi cập kê lấy chồng. Tiếng khèn Mông ngày xưa gắn liền với dân bản như máu thịt. Tiếng khèn vui vẻ dìu dặt khắp nương rẫy lúc trồng ngô. Tiếng khèn quyến luyến, bịn rịn mỗi buổi chợ phiên. Tiếng khèn làm con gái con trai phải lòng nhau, chịu theo về làm vợ, làm chồng. Tiếng khèn buồn bã, ủ dột theo hồn người Mông khi về với trời đất.

Học khèn kỳ công lắm. Người sáng dạ cũng học mất một hai năm còn không cứ phải vài năm mới thổi nhuyễn, múa dẻo. Trong thời gian học khèn, các “đệ tử” không đi lên nương trồng ngô, không đi lấy nước, vào rừng cắt cỏ bò hay làm bất kỳ công việc gì mà chỉ ở nhà uống rượu, phùng mồm học thổi, xoạc chân học nhảy lò cò. Những bước nhảy ảo diệu như quay cuồng trời đất cùng tiếng khèn ma mị nghe đến mềm cả đá núi, giờ này ít người biết lắm!

 Con trưởng bản Xúa Do, Ly Sáu Chớ cũng thích học thổi khèn lắm nhưng bố không cho, bắt ở nhà làm ruộng, ti tí tuổi là đã lấy vợ, sinh con rồi. Lắm đứa trai trong bản cũng thích khèn như thế nhưng không thể theo học nổi tiếng khèn cũng vì bận việc, vì neo người. Ít người thổi khèn quá, ngay cả nhiều con gái bản Mông bây giờ cũng không biết tiếng khèn thật nghe nó ra sao. Thỉnh thoảng trai bản nào có tiền, sắm một cái đài Tàu re rẻ rồi ra chợ mua vài cuộn băng đã thâu sẵn tiếng khèn của Trung Quốc là có đủ bộ đồ “tán gái”, ra chợ bật oang oang, ối cô chạy theo nên càng lười tập khèn.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm