| Hotline: 0983.970.780

Nậm Mu trước ngày chặn dòng

Thứ Năm 14/04/2011 , 10:29 (GMT+7)

Chỉ ít ngày nữa thủy điện Huội Quảng, Bản Chát xây dựng trên suối Nậm Mu nằm trên địa phận huyện Than Uyên (Lai Châu) sẽ chặn dòng.

Chỉ ít ngày nữa thủy điện Huội Quảng, Bản Chát xây dựng trên suối Nậm Mu nằm trên địa phận huyện Than Uyên (Lai Châu) sẽ chặn dòng. Hàng ngàn hộ dân phải di cư dành đất cho nhà máy thủy điện. Người dân đang hối hả chuyển cư, vui ít buồn nhiều cùng bao nhiêu âu lo đang hiện hữu trên gương mặt mỗi người dân…

Chạy đua với lũ tiểu mãn

Hai nhà máy thủy điện Huội Quảng và Bản Chát được Tập đoàn Điện lực khởi công xây dựng ngày 8/1/2006 trên dòng suối Nậm Mu chảy qua huyện Than Uyên và Tân Uyên.

Cuộc di dân khổng lồ

Theo thiết kế, thuỷ điện Bản Chát có công suất lắp máy là 220 MW, Huội Quảng là 520 MW, khi hoàn thành hai nhà máy thuỷ điện này sẽ cung cấp một lượng điện không nhỏ cho sản lượng điện của quốc gia. Để phục vụ xây dựng hai công trình thuỷ điện này 3.619 hộ dân với trên 2,1 vạn khẩu sống dọc hai ven bờ suối của 11 xã, 71 bản phải ra đi đến nơi ở mới. Một cuộc di dân khổng lồ và sắp xếp lại dân cư lớn nhất từ trước tới nay chưa từng xảy ra tại hai huyện nghèo của tỉnh Lai Châu. 

Gương mặt của anh Hoàng Văn Bun khi tự tay dỡ nhà đến nơi ở mới

Bắt đầu vào tháng 4, những cơn mưa đầu mùa đã dập dìu trên các đỉnh núi trong những đám mây mù nặng trĩu nước, báo hiệu mùa mưa sắp đến. Những cơn mưa đầu tháng 4 ở đây thường kèm theo dông lốc và mưa đá, nhiều trận mưa đá vùi lấp và làm giập nát hàng ngàn ha lúa và hoa màu, làm sụp đổ và hất tung hàng trăm mái nhà dân nghèo. Lũ tiểu mãn đổ xuống từ những trận mưa đầu mùa trên những cánh rừng đại ngàn, nước như màu rỉ sắt lạnh ngắt. Dòng Nậm Mu vào mùa khô xanh như lá chuối rừng, khi lũ tiểu mãn về nước chuyển màu nâu xỉn cũng là khi các bãi cát hai bên bờ khuất lấp trong làn nước nhờ nhờ đục, khi ấy việc qua suối bắt đầu khó khăn.

Hai xã nằm dọc suối Nậm Mu có số hộ phải di chuyển gần hết, đó là xã Pha Mu và Tà Mít. Tính đến cuối tháng 3, xã Pha Mu đã di chuyển hầu hết số dân ra khỏi lòng hồ, còn một số hộ để lại một vài người trong những chiếc lán để chăn nuôi. Việc ra đi tới nơi ở mới đã xong, nhưng mảnh đất của cha ông khi nước hồ chưa dâng thì vẫn là ma lực níu giữ chân họ lại. Họ cắt cử một vài người ở lại chăn dắt đàn gia súc khi mà nơi ở mới họ chưa tìm được bãi chăn thả, có người ở lại thu nốt nương sắn còn lại…xem chừng những hộ này thong dong lắm, nước hồ dâng lúc nào thì họ dời lán đi lúc đó. Trong khi ấy, xã Tà Mít đang bấn lên vì phải chạy đua với lũ tiểu mãn.

Nằm phía thượng nguồn dòng Nậm Mu, mặc dù thuộc địa phận huyện Tân Uyên nhưng đường đến xã Tà Mít duy nhất chỉ có một con đường là qua huyện Than Uyên, cứ men theo ven bờ của suối Nậm Mu ngược lên. Con đường ô tô được mở vào xã này chỉ khi việc di chuyển dân cư ở đây được tiến hành từ cuối năm 2010. Nhiều người già bảy, tám mươi tuổi chưa một lần ra khỏi xã lần đầu tiên nhìn thấy chiếc máy xúc có chiếc gầu dài chục mét bổ đất đá sùn sụt như thọc tay vào bùn thì vô cùng kinh ngạc: "Trời đất quỉ thần ơi! Sao lại có cái máy xúc đất khỏe hơn cả ngàn con trâu như vậy…"

Đoàn thanh niên giúp người dân dỡ chuyển nhà

Con đường tạm thời chỉ cho xe gầm cao và những xe tải hạng nặng đủ sức vượt 7 lần qua suối Nậm Mu, nước ngập cả ba đờ sốc. Trước khi vượt đoạn suối đầu tiên chúng tôi gặp chiếc xe Hyundai trọng tải 40 tấn do anh Nguyễn Văn Tuấn lái nằm tấp vào ven đường vì vỡ cánh quạt. Anh Tuấn giơ chiếc cánh quạt đúc bằng gang bị gãy không còn một cánh nào cho tôi xem: Chiếc quạt này bị gãy toàn bộ cánh là khi xe vượt suối bị va vào đá ngầm và sức cản của nước, nên xe không vượt được dốc vì máy nóng. Khi em xuống kiểm tra bộ phận làm mát thấy cánh quạt gãy chỉ còn trơ củ như thế này…

Mỗi lần xe vượt suối là mỗi lần tôi nín thở, Bùi Xuân Dũng, GĐ Ban quản lý Dự án xây dựng cơ bản và hỗ trợ bồi thường di dân huyện Tân Uyên trực tiếp lái xe bảo tôi: Trận mưa đêm qua nước mới dâng vài phân, nếu dâng độ hai chục phân nữa thì đành chịu. Lần trước xe va vào đá bị nước đẩy quay dọc suối, nếu xe bị tắt máy chắc chắn là bị trôi rồi. Chỉ khi xe lên đến bờ mới thở phào nhẹ nhõm. Biết là nguy hiểm nhưng phải chạy đua với mùa lũ nên chúng tôi chẳng còn cách nào khác phải vào động viên bà con chuyển cư đúng theo kế hoạch, nếu chậm, lũ về thì khó mà đi được…

Nhìn về nơi ở cũ

Chạy đua với lũ

Xã Tà Mít cuối năm 2010 đã di chuyển được 432 hộ, với 2.235 khẩu ở các bản: Pá Sỏ A, Pá Sỏ B, Phiêng Dường, Pắc Pu, Pắc Ngùa, Nậm Sát. Khó khăn nhất là bản Sài Lương, Tà Mít, Nà Kè, Pắc Muôn, Pắc Pha nằm dưới cos ngập 420m phải di chuyển trước khi lũ tiểu mãn về. Nếu lũ tiểu mãn đổ về trước 15/4 âm lịch, dân cư chưa chuyển hết ra khỏi lòng hồ thì chẳng còn cách nào khác đành phải lập bè để chuyển cư, nếu làm như vậy thì không biết đến bao giờ mới chuyển hết số nhà của dân. Thời gian còn hơn một tháng nữa, nhưng trời ở nơi đây lại vô cùng ẩm ương. Đã cuối tháng 3 mà mưa phùn chưa dứt, khi nắng khi mưa khiến con đường vào Tà Mít mới mở trơn nhầy nhụa. Hễ trời mưa xuống thì không xe nào dám vào, con đường vừa hẹp lại trơn, chỉ sơ ý là xe lăn xuống vực tan xác. 

Đoàn xe chở nhà nằm bẹp vì đường mưa trơn vì hỏng

Quá trưa chúng tôi mới đến được bản Sài Lương, bản xa nhất của xã Tà Mít phải di chuyển ra khỏi lòng hồ thủy điện Bản Chát. Bản có 73 hộ đều là dân tộc Khơ Mú nằm cạnh dòng Nậm Mu xanh ngăn ngắt, từ cuối tháng 3 huyện Tân Uyên đã huy động mấy trăm người, gồm: Cán bộ của các phòng ban của huyện, dân quân các xã, bộ đội, công an, thanh niên xung phong…giúp bà con dỡ nhà cửa, bốc xếp lên ô tô. Mọi người ở đây hầu như chẳng nghỉ trưa, ăn cơm xong là bắt tay ngay vào công việc. Bởi ai cũng hiểu nếu lũ ập về thì khó mà chuyển nhà ra được, thiếu úy Lường Văn Theo - Ban Chỉ huy quân sự huyện Tân Uyên cặm cụi tháo từng chiếc xà bảo tôi: Bà con ở đây cũng nóng lòng đến nơi ở mới rồi. Mùa mưa sắp đến, có ở cố cũng chẳng được, đến nơi tái định cư để sớm ổn định cuộc sống. Nhà nào cũng bận túi bụi việc chuyển nhà nên chúng em không thể chậm trễ được…

Tôi qua lán gia đình ông Lò Văn Tèn, nhà ông Tèn cũng đã dỡ đang chờ xe. Thấy người lạ, con trai ông là Lò Văn Sinh - cán bộ địa chính xã đang đắp chăn ngủ vội vùng dậy, Sinh bảo: Mọi người ở Sài Lương này ai cũng vui lòng đi thôi, chưa biết nơi ở mới cuộc sống sau này thế nào, nhưng không còn ở đây được nữa, nên đi sớm ngày nào hay ngày ấy… (

Anh Hoàng Văn Bun đang đợi người đến dỡ nhà giúp, anh ngồi thẫn thờ nhìn dòng Nậm Mu chảy thao thiết dưới hiên nhà, nơi gần 50 năm qua anh gắn bó với dòng suối. Anh bảo tôi: Nơi gia đình mình đến là Cốc Nhũng, xã Pắc Ta trên đỉnh dốc Khau Riềng đi vào ấy mà. Nhà mình bốc được ô số 21, nhưng mình chưa đến đó còn mọi người trong bản thì đến rồi. Chẳng biết cuộc sống mai ngày ở đó thế nào, nhưng Nhà nước lấy đất làm thủy điện thì phải đi thôi. Gia đình mình có 2 ha ruộng, mỗi năm thu hơn 60 bao thóc, không năm nào thiếu ăn. Nhà mình bắt đầu dỡ sáng nay, mọi người tới dỡ giúp…Nói rồi anh Bun cầm búa cạy từng chiếc ván sàn mà gương mặt buồn rười rượi.

Gia đình Hoàng Văn Khoa được đền bù 363 triệu, nhà thì đã dỡ rồi, chỉ chờ xe là bốc đi, nhưng mưa quá xe không vào được nên phải chờ. Vợ chồng Khoa lần đầu tiên nhận được số tiền nhiều như thế, nên hai người giở ra đếm, Khoa bảo: Chắc số tiền này chỉ đủ dựng nhà thôi chú ạ…(Còn nữa)

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm