| Hotline: 0983.970.780

Kinh hoàng bún bẩn

Thứ Ba 04/10/2011 , 08:59 (GMT+7)

Thông thường bún chỉ để khoảng một ngày là có dấu hiệu bị ôi, bốc mùi chua, ăn vào có thể bị đau bụng, tiêu chảy…Thế nhưng, chỉ cần tẩm ướp “phụ gia”, người làm bún có thể “bảo hành” bún tới cả tuần.

Bún là món khoái khẩu của nhiều người. Thế nhưng, ít ai biết rằng, mỗi ngày có một lượng bún không nhỏ được sản xuất “chui” và tẩm ướp với cả chục loại hoá chất không nguồn gốc, xuất xứ khiến sợi bún dai… như kẹo cao su, trắng nõn nà, để cả tuần không hư.

Bún cả tuần không chua

Thông thường bún chỉ để khoảng một ngày là có dấu hiệu bị ôi, bốc mùi chua, ăn vào có thể bị đau bụng, tiêu chảy…Thế nhưng, chỉ cần tẩm ướp “phụ gia”, người làm bún có thể “bảo hành” bún tới cả tuần.  

Để được lâu ngày là... bình thường 

Mới gặp tôi, chị L, chủ một quán bún ở TP.Biên Hoà (Đồng Nai), cho biết: Chú là nhà báo, thử tìm hiểu xem vì sao mà bún người ta bỏ mối cho tôi, để cả tuần mà không bị chua, thiu. Mấy hôm rồi, cả nhà tôi về quê ở Cần Thơ chơi một tuần nên phải đóng cửa quán. Trước khi về quê, tôi quên béng chuyện bỏ bún vào tủ cấp đông.

Thế nhưng, điều bất ngờ là khi gia đình tôi trở về nhà thì thấy gần chục ký bún còn dư đang để trên bàn vẫn còn nguyên mùi, không chua chỉ có màu xỉn lại, và nếu bán có lẽ cũng không khác gì bún mới lấy. Trong khi đó, nếu bún làm bình thường thì chỉ để được chừng một ngày là chua lè. Tôi đã nói điều này với nhiều người cùng làm bún nhưng họ cũng khẳng định là hiện nay bún họ lấy cũng có thể để được cả tuần mà không bị chua.   

Bún để cả tuần chỉ xỉn màu chứ không thiu

Chị L còn cho hay: “Tôi làm nghề bán bún đã hơn chục năm nay và đã lấy bún của rất nhiều người. Thế nhưng từ đó đến nay chưa nghe bất cứ một khách hàng nào phản ánh việc ăn bún của tôi bị đau bụng hay có vấn đề gì... Tuy nhiên, qua việc bún để cả tuần lễ mà không bị hư thì tôi nghĩ chắc chắn là có điều gì không ổn rồi. Mình làm nghề gì thì cũng phải có đạo đức. Việc bún để cả tuần không hư chắc chắn là người ta phải cho chất bảo quản gì đó mới giữ được. Thực tình nói với chú, lắm lúc tôi nghĩ mình đang làm ăn buôn bán mà phản ánh với báo chí sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng tới khách hàng. Nhưng, nếu tôi biết mà không nói thì thấy áy náy lắm". 

Từ thông tin của chị L, chúng tôi tiếp tục tìm hiểu ở nhiều quán bún khác trên địa bàn, thực tế lúc đầu không chủ quán nào muốn nói. Tuy nhiên, do chúng tôi thuyết phục và cho biết, nếu báo chí có phản ánh thì chỉ mong những người sản xuất bún làm tốt hơn, để người tiêu dùng được nhờ nên một số chủ quán mới mạnh dạn kể.  

Theo đó, nhiều chủ quán cho biết, hiện nay bún để được từ 2-3 ngày là chuyện quá đỗi bình thường vì đâu phải hôm nào các quán bún cũng bán cũng hết hàng. Do đó nếu bán ế thì bún để hôm sau bán tiếp cũng không sao.  Bà Trinh, chủ một quán bún mọc ở phường Hố Nai (TP. Biên Hoà) cho biết: Khách hàng thì thất thường, việc bán đắt, bán ế là chuyện đương nhiên, do đó việc lấy bún bán không hết để hôm sau cũng không thành vấn đề. Nếu mình mua hôm nay mà để ngày mai đã chua sặc phải bỏ đi thì làm gì còn lời nữa? 

Tiếp tục tìm hiểu ở những quán bún khác, chúng tôi được bà C chủ quán bún ở khu cấp nước Thiện Tân, phường Tân Hoà (TP. Biên Hoà) kể: Bình quân mỗi ngày người ta bỏ cho tôi khoảng 20 ký bún được cho vào bao xốp (túi ni-lông). Bình quân mỗi ngày tôi bán khoảng 18-20kg. Hôm nào nếu bán không hết thì chỉ cần cột chặt miệng bao rồi cho vào tủ lạnh hoặc để ở nơi thoáng mát là hôm sau lấy ra vẫn bán bình thường.  

Bà C khẳng định: “Chính vì bún bán chỉ trong vòng 1- 2 ngày là hết, chưa bao giờ bị tồn quá 3-4 ngày nên không biết là có để được cả tuần mà không bị ôi thiu hay không? Nhưng nhiều năm bán bún tôi thấy một điều là càng ngày sợi bún càng trắng, càng dai để được rất lâu và mùi rất thơm như được làm bằng gạo nếp".  

Ít ai biết, nhiều loại bún thơm phức như gạo nếp rất hấp dẫn nhưng thực ra đó chỉ là  hoá chất

Ướp hóa chất không rõ nguồn gốc 

Từ thông tin thu thập được, tìm hiểu của PV NNVN cho thấy, hiện nay càng ngày càng xuất hiện nhiều người mở lò bún do chi phí để mở một lò bún là không nhiều trong khi lợi nhuận khá lớn. Để làm bún, theo ông C, một người rành rọt về nghề bún, thì người ta chỉ cần bỏ chừng 50 - 80 triệu đồng ra mua máy ép bún, máy xay bột và làm vài chiếc bồn ngâm bột là có thể làm một xưởng sản xuất bún tươi. 

 Còn nguồn nước để làm bún thì… quá đơn giản. Nhiều chỗ người ta hút nước từ giếng khoan để tiết kiệm, trong khi giếng khoan được làm ngay khu chăn nuôi nên vệ sinh cũng như các chỉ tiêu vi sinh trong nước khó mà biết. Dân trong nghề bún cho biết, 10kg gạo xay được 17kg bột (đã ngấm nước), 1 kg bột làm được 2 kg bún. Như vậy, 1kg gạo có thể làm được 3,4kg bún. Với giá bún bán như hiện nay khoảng 8.000 - 9.000đ/kg bún thì 1kg gạo có thể cho tới 27 -30 ngàn đồng.  

Trong khi đó, gạo để làm bún người ta thường dùng loại thường, ai “chịu chơi” thì mới dùng loại 8- 11 ngàn đồng/kg, như vậy  làm bún có thể nói “một vốn bốn lời”. Chính vì thế, hiện nay các xưởng bún đua nhau mọc lên dẫn đến tình trạng cạnh tranh khá gay gắt. Thế nên, các lò bún “sinh sau đẻ muộn” muốn trụ được thường dùng nhiều “chiêu” để hút khách và mở rộng thị trường như: cho nhiều hoá chất để bún vừa để lâu, dai, mùi thơm và trắng bóng. Ngoài ra, họ còn cho một loại “phụ gia” để bún “ngậm” nước vừa tăng trọng lượng lại tẩy màu của gạo giúp bún không bị ôi thiu khi để lâu…

Một dây chuyền sản xuất bún

Một chủ lò bún cho hay: Bây giờ làm bún mà không cho hoá chất vào thì chỉ ăn cháo. Vào mùa khô, thời tiết nóng, nếu không sử dụng nhiều loại hoá chất thì bún làm ra chưa kịp đi phân phối đã chua sặc rồi.

Để kiểm chứng lời của ông C, chúng tôi theo ông ra chợ Tân Hoà mua bún của bà H được quảng cáo “để mãi không hư” với giá 9.000đ/kg về để thử nghiệm thì để 5 ngày bún vẫn không đổi mùi mà chỉ có màu xám xỉn nhưng nhìn kỹ mới phát hiện thấy. Chúng tôi tiếp tục tìm hiểu mới hay nhiều loại bún đang được ướp với hàng loạt hoá chất không rõ nguồn gốc như “chất làm dai” của… Indonexia, chất tẩy đường (tẩy bún trắng như đường) của Malayxia, chất tẩy vàng của Thuỵ Sỹ, trứng mốc - chất bảo quản giúp bún không thiu, hương nếp của Malayxia (giúp bún thơm như gạo nếp)… Tất cả các sản phẩm này đều được “nổ” là chế biến ở nước ngoài, nhưng địa chỉ nhà phân phối, nhà nhập khẩu đều không có trên bao bì. 

Theo ông C, một sợi bún bình thường nếu không có hoá chất sẽ dễ bị bục, bở và rất khó làm do đó hiện nay không ít người vì lợi nhuận đã mờ mắt, dùng hàng loạt các loại hoá chất cấm, không có nguồn gốc. Tình trạng này là vô cùng nguy hiểm cho người tiêu dùng vì hàng ngày họ ăn bún trực tiếp vào cơ thể, lâu ngày có thể sinh những bệnh nguy hiểm.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm