| Hotline: 0983.970.780

Bài 1: Lất lây trên đất của mình

Thứ Tư 06/06/2012 , 16:56 (GMT+7)

Trong khi bao mục tiêu tốt đẹp để phục vụ cho phát triển kinh tế từ các dự án quy hoạch vẫn còn đang trên giấy thì nông dân đang phải gắng gượng chèo gánh cuộc sống của mình.

Việc thu hồi đất nông nghiệp để thực hiện các dự án phát triển kinh tế là điều tất yếu trong quá trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước. Nhưng phía sau những dự án ấy, đời sống của nông dân có đất bị thu hồi sẽ ra sao khi tư liệu sản xuất đã bị mất, việc thực hiện chính sách chăm lo cho họ hiệu quả đến đâu…? Loạt bài này giới thiệu vài lát cắt về cuộc sống của nông dân trên bước đường phát triển ấy.

>> Những nghịch lý đất đai

Trong khi bao mục tiêu tốt đẹp để phục vụ cho phát triển kinh tế từ các dự án quy hoạch vẫn còn đang trên giấy thì nông dân đang phải gắng gượng chèo gánh cuộc sống của mình.

Tháng 2-2008 là thời điểm đáng nhớ của gần 400 hộ dân thuộc xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước (Tiền Giang): Chủ tịch UBND tỉnh này đặt bút ký quyết định thu hồi đất giao cho doanh nghiệp. Bốn năm qua, hàng ngàn con người ở đây sống vất vưởng ngay trên mảnh đất trước đây từng nổi tiếng với thương hiệu khóm Tân Lập.

Kiếm sống qua ngày

Đất bị thu hồi, tiền hỗ trợ không đủ đầu tư để tái sản xuất, bao năm qua người nông dân xứ này tạm bợ sống. Họ nháo nhào đi làm thuê tứ xứ hoặc ngày ngày đi mò cua, bắt cá để kiếm cái ăn. Trong khi đó, 500 ha đất trồng khóm bị thu hồi giao cho KCN Long Giang, giờ nhiều diện tích bỏ hoang, cỏ dại vây phủ. Những ai từng đổ mồ hôi sôi nước mắt để tôn tạo nên vùng đất trù phú này hẳn phải xót xa đến quặn lòng.

Trong căn chòi dựng tạm bợ trên phần đất trước đây là ruộng khóm (giờ đang bỏ hoang trong KCN Long Giang), anh Hồ Văn Huân (người trồng khóm có tiếng của vùng, giờ không còn miếng đất) tâm sự: “Bây giờ tất cả vùng khóm này đã trở thành nỗi buồn của bà con. Tưởng đâu dân nhường đất để doanh nghiệp làm kinh tế thì chúng tôi được đảm bảo đời sống ổn định. Nhưng bao năm rồi tất cả chỉ là hứa hẹn. Tiền bồi thường hơn 200 triệu đồng, phần lo trả nợ, phần lo cuộc sống gia đình cũng chóng vơi. Mấy năm nay bà con phiêu dạt khắp nơi kiếm sống qua ngày”. Anh Huân bùi ngùi nhớ lại một thời nhộn nhịp ở xứ này khi thương lái tấp nập về mua khóm. Người dân cất nhà, mua bò, cho con đi học cũng nhờ ruộng khóm. Vậy mà tất cả chỉ còn là quá khứ.


Nói về tương lai, Năm Mắn nhìn mông lung ra cánh đồng mưa bay lớt phớt.

Đưa ánh nhìn vô định trước cánh đồng bỏ hoang, ông Lê Văn Màu (ấp 4, xã Tân Lập 1) cười buồn: “Ngày nào có người thuê đi mần mướn là mừng rồi. Xa mấy cũng đi, rẻ mấy cũng làm, còn hơn ngồi không mà không có tiền chạy gạo”. Mỗi ngày đi ngang qua cánh đồng khóm ngày xưa giờ là khu đất ngập đầy cỏ dại, ông Màu thấy lòng trĩu nặng. Công việc làm thuê, phụ hồ thất thường, mỗi ngày kiếm chừng 100.000 đồng nhưng tiền xăng, tiền cơm trưa đã ngốn phân nửa. Nếu còn ruộng khóm, ông Màu và hàng trăm hộ dân ở đây chẳng phải cắc củm từng đồng kiếm cơm như thế.

Tình cảnh bà Lê Thị Hoa (xã Tân Lập 1) cũng chẳng khá hơn. Chúng tôi gặp bà ngay lúc bà vừa đi nhận 3 kg hạt điều về nhà để lột vỏ lụa. Mỗi ký lô bà được trả 3.500 đồng, mỗi ngày làm được 3 kg. “Ai mắt khỏe hơn thì làm được khoảng 5 kg, ngồi nhức cả lưng mới kiếm được 15.000-20.000 đồng” - bà Hoa kể.

Bà Hoa nhớ như in mùa mưa năm 1996, cả gia đình bà từ Hậu Giang dắt nhau về vùng Tân Lập nhận khoán đất trồng khóm. Suốt ba tháng mưa dầm dề bùn đào lên liếp đều trôi xuống nước. Để có ruộng khóm thu hoạch bình quân 70 triệu/ha, gia đình bà phải sớm khuya lặn ngụp hốt bùn lên liếp, dẫn nước xả phèn suốt 10 năm ròng. Hơn 15 năm qua cả năm miệng ăn nhà bà chỉ trông chờ vào đấy, giờ bà phải chạy ăn từng bữa.

Chặc lưỡi làm “ruộng lậu, lúa thí”

Đầu mùa mưa ở phương Nam, chúng tôi quay lại KCN Sông Hậu - nơi được tỉnh Hậu Giang kỳ vọng sẽ làm thay da, đổi thịt miền quê lúa. Đập vào mắt chúng tôi là những bãi đất hoang, chỗ thì bơm cát để đó, chỗ thì ruộng lúa còn trơ gốc rạ. Nằm sâu phía trong vẫn thấp thoáng những mái nhà, hàng chuối. Chẳng có vẻ gì cho thấy bóng hình KCN ở đây ngoại trừ dàn khung cẩu vàng khè nằm gần bờ sông Hậu, dù 200 ha đất khu quy hoạch này đã giải tỏa đền bù xong.

Năm Mắn, một nông dân cố cựu ở xã Đông Phú (Châu Thành), nói: “Coi đất liền miếng, ruộng rẫy yên bình vậy chứ của người ta hết trơn đó chú em. Dân tụi này cùng đường quá nên mần ruộng lậu, lúa thí đó mà”. Nói rồi Năm Mắn chụp vội cái nón vải bạc phếch lên đầu: “Đi. Lội ruộng vô sâu trong đồng. Nhiều chuyện để nói lắm”. Lầm lũi nhưng nhanh nhảu, Năm Mắn phăng phăng dẫn chúng tôi lội ruộng vào thăm bà con để cảm nhận cuộc sống của những nông dân làm “ruộng lậu, lúa thí” ngay trên chính mảnh ruộng của mình.


Tận dụng đất trong KCN Sông Hậu bỏ hoang, hàng chục hộ dân đã cất chòi trồng đậu, bí… để sống qua ngày. 

Vừa đi Năm Mắn vừa kể hàng trăm hecta đất chuyên canh lúa đã bị thu hồi làm dự án cho Nhà máy Vinashine và KCN Sông Hậu. Ngày xưa nơi đây gọi là đồng Lung Sen, tới mùa ghe của thương lái dập dìu theo rạch Cái Cui, men theo kênh rạch nội đồng vào đây chở lúa. Bây giờ thì hết ai nhận ra đồng Lung Sen lúa tốt năm nào. “Dân tụi này xót đất bỏ hoang nên liều mình khai phá lại ruộng rẫy để kiếm cơm qua ngày nhưng cũng chỉ tạm bợ qua ngày, hễ nhà đầu tư bơm cát san lấp thì coi như nồi cơm đứt bóng”. Ánh mắt Năm Mắn nhìn mông lung ra cánh đồng mưa bay lớt phớt.

Gia đình Năm Mắn ngày trước có ba công ruộng ba mùa, tuy không giàu có nhưng cũng đủ ăn, đủ mặc. Đến khi ruộng bị thu hồi làm dự án thì cả nhà Năm Mắn coi như đứt nghiệp. Cầm 150 triệu đồng tiền bồi thường ba công ruộng, Năm Mắn sửa lại nhà, còn lại cho con cái chút ít để mua sắm lặt vặt, kiếm cái xe máy làm “chân” đi mần hồ mướn, tiền công không thấm vào đâu so với nhu cầu cả gia đình.

Đứt gánh giấc mơ đại học

Bi kịch nhất là trường hợp nhà Út Dương. Nhà có tám công ruộng đều rơi vào dự án của Vinashine và nhận tiền bồi thường khoảng 400 triệu đồng. Út Dương nói do nhận tiền nhiều đợt lẻ mẻ nên ngoài chữa bệnh, thuốc thang cho mẹ, vợ và sửa nhà, số tiền này đến nay không còn một cắc.

Từ nhỏ đến lớn chỉ biết mần ruộng, khi ruộng không còn, như bao bà con khác, Út Dương phải đi làm thợ hồ. “Ngày xưa còn mần ruộng thì gạo ăn hổng hết, rau rác thì trong vườn, cá thì quăng chài, giăng lưới, mùa nào thức ấy coi như sống ổn. Giờ thì hằng ngày phải chạy tiền mua từng lon gạo. Đau nhất là tui phải cho hai đứa con nghỉ học. Thằng lớn đang học năm nhất công nghệ thông tin ở Cần Thơ nhưng tui cho nghỉ ngang để đi làm. Thằng nhỏ cũng phải nghỉ giữa chừng để đi học lái xe, sắp tới nó đi thực tập ở Bình Dương, không biết lấy tiền đâu để lo đây” - Út Dương nói.

Theo lời Út Dương, khi áp giá đền bù, cơ quan chức năng có hỏi han về nguyện vọng công việc sau này, anh nói mai mốt công ty, xí nghiệp hoạt động thì xin làm bảo vệ, còn con cái thì mong được bố trí công ăn việc làm. “Mấy ổng chỉ hỏi vậy rồi thôi. Ba, bốn năm nay chẳng thấy ai đoái hoài gì đến nữa” - Út Dương bức xức.

Cùng cảnh với Út Dương là Mười Tân. Ông có hai con trai cùng học ĐH nhưng đứa nhỏ đang học quản lý đất đai đã tình nguyện nghỉ học để dồn sức cho thằng anh đang học năm cuối ĐH Cần Thơ. “Khi ngỏ lời với thằng út rằng ba chỉ lo nổi cho một đứa thôi, tui đã không cầm được nước mắt. Nó cũng biết phận nên nghe tôi nói vậy liền đồng ý ở nhà phụ hồ, mần mướn với tôi. Cầu mong thằng anh nó ra trường có việc làm sẽ lo lại cho nó đi học tiếp” - Mười Tân nói như khóc.

Theo phapluattp

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm