| Hotline: 0983.970.780

Quản lý thuốc BVTV - nhìn từ cơ sở

Bao giờ hết nghịch lý?

Thứ Sáu 14/03/2014 , 11:16 (GMT+7)

Những thuốc BVTV độc nhóm I không được đăng ký, nhưng thực tế chúng vẫn còn nằm trong danh mục hạn chế do chưa có sản phẩm thay thế.

Thuốc cấm lưu hành vẫn còn sử dụng, nông dân vô tư xịt thuốc "chồng" thuốc vì sâu bệnh đã "nhờn mặt", một số hoạt chất rất độc đang được nông dân sử dụng tràn lan, nhưng số lượng mẫu thuốc BVTV đem phân tích chất lượng lại thấp, bình quân khoảng 12-15 mẫu/năm/địa phương do ngân sách hạn hẹp.

Thuốc độc "tắm" cây bắp lai

Tỉnh Đồng Nai có tiếng là "vương quốc" bắp lai với diện tích gieo trồng hàng năm vào khoảng 35.000 ha, nếu chỉ tính 1 ha sử dụng 2 kg thuốc (sâu và bệnh) thì đã có 75 tấn thuốc đổ vào đồng ruộng mỗi năm.

Đến nay, nông dân trồng bắp lai vẫn chưa quên sự kiện lạ là cây bắp bị "ngộ độc" thuốc cỏ Welkin Gold 800WP của một DN ở KCN Đức Hòa, Long An khiến cho 10 ha của 24 hộ dân ở xã Xuân Đồng, huyện Cẩm Mỹ bị "ngộ độc" chết sạch vào cuối năm 2013. Sau đó, Cty này đã chấp nhận bồi thường thiệt hại 21 triệu đồng/ha với số tiền tổng cộng 210 triệu, ngoài ra toàn bộ lô thuốc cỏ còn bị ngành chức năng tỉnh buộc doanh nghiệp thu hồi.

Ngoài ra, còn có 16 ha bắp khác bị ngộ độc nhẹ khác mà Cty nọ phải cung cấp phân bón lá để khắc phục hậu quả. Điều đáng nói là, nguyên nhân vì sao cây bắp bị "ngộ độc" đến nay vẫn chưa rõ.

Giải thích về hiện tượng này, ông Nguyễn Bá Tùng (phòng kỹ thuật Chi cục BVTV tỉnh Đồng Nai) nói: "Thứ nhất trong hướng dẫn sử dụng của Cty chưa cụ thể (thuốc tiền nẩy mầm và hậu nẩy mầm sớm) để nông dân phun trùm lên ngọn cây bắp; thứ hai, trong quá trình đóng gói bị nhiễm chéo với loại thuốc cỏ khác".

Một loại thuốc khác cũng đang được sử dụng khá phổ biến trên cây bắp lai, đó Vifuran 3G (hoạt chất Carburfuran) có tác dụng trừ kiến, mối, tuyến trùng, sâu đục thân. Ông Thạch Cho, xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc cho biết, lâu nay ông vẫn thường dùng Furadan 3G để rải trên đất trước khi bỏ hạt hoặc bỏ vào đọt cờ bắp nhằm trị sâu đục thân. Đặc biệt ông tỏ ra bất ngờ trước việc nhà nước cấm mua bán loại thuốc này từ tháng 8/2013.

 "Vừa rồi, tôi cũng sử dụng loại thuốc này trong vụ ĐX 2013-2014 để trị con sùng trắng ở giai đoạn trỉa hạt, sau đó là bỏ vào loa kèn và khi bắp chuẩn bị trổ cờ. Ngoài Furadan còn có Basudin, Vifudan... cũng na ná với nhau hết!".

Theo Chi cục BVTV tỉnh Đồng Nai, trong năm 2013 đã xử phạt 5 đại lý ở xã Xuân Bắc, Xuân Thành (huyện Xuân Lộc) và xã Phú Sơn (huyện Tân Phú) vì mua bán thuốc cấm Vifuran 3G với số lượng trên 120 kg buộc phải đem đi tiêu hủy.

Ngoài ra, Chi cục BVTV Đồng Nai còn phát hiện các loại thuốc rất độc tuy đã cấm sử dụng nhưng vẫn còn lưu hành trên thị trường như Suprathion (hoạt chất Methidathion (min 96%) trừ rệp sáp/cây có múi, trên cây cà phê, thuốc Dupont Lannate 40SP (cấm sử dụng) cũng được dân rất chuộng vì "độc" với sâu.

14-03-39_1aNông dân đang xịt thuốc 'chồng" thuốc vì sâu bệnh hại cây trồng đã có hiện tượng "nhờn thuốc" (Ảnh có tính minh họa)

Nghịch lý vẫn tồn tại

Ông Q, giám đốc một Cty thuốc BVTV ở quận 1, TP.HCM là "người trong cuộc" tiết lộ thêm, một hoạt chất độc khác là Chclorpyiphos Ethyl (độc nhóm II) hiện có tất cả vài chục tên thuốc trên thị trường như Drago An Nông, Dragon 585EC, Inip 650EC bọ trĩ/lúa (Cty TNHH Vi Dân); Penny 700EC rầy nâu/lúa (Cty TNHH BVTV Đồng Phát); Novas super 650EC (sâu xanh da láng, đậu tương, rầy nâu/lúa) của Cty CP Nông Việt có giá khoảng 70-80 ngàn/chai 480 ml, đăng ký trên nhiều loại sâu hại như rệp sáp, rầy nâu, sâu cuốn lá, sâu xanh da láng... của nhiều loại cây trồng khác nhau đang được bán rộng rãi.

"Nhưng đặc biệt là tất cả các loại thuốc trên đều có tác dụng tiếp xúc xông hơi, vị độc. Có trường hợp người phun bị ngộ độc, nhưng đặc điểm gây cá chết dữ dội. Nhất là khi sử dụng trừ rầy trên ruộng lúa và cây ăn trái trồng theo bờ mương ở vùng ĐBSCL là ảnh hưởng rất lớn đến môi trường" - ông Q thừa nhận.

Như đã nói trên, trong khi Vifuran 3G cấm nhưng Vifuran 5G có cùng hoạt chất Carburfuran lại vẫn được lưu hành sử dụng. Ngoài ra, xu hướng nhà nước không cho đăng ký những sản phẩm độc nhóm I, nhưng thực tế nó vẫn còn nằm trong danh mục hạn chế do chưa có sản phẩm thay thế.

Theo anh T (giám đốc một DN SX thuốc BVTV), hoạt chất Ethoprophos thuộc nhóm độc I (trừ tuyến trùng và một số sâu hại trong đất). Trong khi những nước lân cận như Thái Lan đã cấm dùng hoạt chất nhóm cúc tổng hợp Cypermetrin (trừ sâu, hủy hoại thiên địch có ích), thì ở VN chưa có ý kiến gì mà chỉ cảnh báo không sử dụng trên sâu, rầy hại lúa, rau và một số cây trồng khác.

Hoạt chất khác là Carbendazim có khả năng nội hấp, hiện được đăng ký trên rất nhiều đối tượng (trừ bệnh nấm phổ rộng, khô vằn lem lét hạt, vàng lá, đạo ôn). Đây là nhóm hóa chất Carbamat thuộc tính độc nhóm III, chẳng hạn như Carbenzim, Vicarben... trên thị trường lưu hành dưới dạng huyền phù FL, sữa SC, DF (giá 100-120 ngàn đồng/lít). Với các tên thuốc như Acovil 50EC (Cty TNHH TM Thái Nông); Adavin 500 FL (Cty CP XNK Nông dược Hoàng Ân); Appencarb super (Cty TNHH Kiên Nam), Bavisan 50WP của Chia Tai Seeds Co.,LTD.

"Nhiều nước đã cấm sử dụng và cảnh báo vì lưu tồn trong đất lâu phân hủy trong môi trường thì ở những vùng cây ăn trái nông dân thường sử dụng để bôi lên cuống trái chống thối trái sau khi thu hoạch, nhất là vùng trồng nhiều sầu riêng ở xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang" - một cán bộ của Chi cục BVTV tỉnh Tiền Giang (xin không nêu tên) bức xúc nói.

Sâu bệnh "nhờn" thuốc

Ông Nguyễn Bá Tùng cho hay, hiện nay đã có một số thuốc BVTV bị kháng bởi một số sâu bệnh hại trên xoài, cam quýt, điều (cụ thể dòng hoạt chất Abamectin trị bọ trĩ). "Nông dân Đồng Nai đang rất lúng túng không biết phải sử dụng loại thuốc nào có hiệu quả, nên việc sử dụng loại (thuốc) này không hết quay sang sử dụng loại khác, không những làm tăng chi phí mà còn làm môi trường bị ảnh hưởng thêm".

Bà Oanh, ở xã Minh Long, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước phản ánh: "Vừa rồi, tôi ra ngoài đại lý mua thuốc chống sương muối cho cây điều, đại lý bán cho 3 loại thuốc và bảo về trộn lại rồi xịt. Trên bao bì thì thuốc nào cũng ghi hiệu quả cao, nhưng xịt mấy lần bông điều vẫn cứ rụng?”.

Ông Phan Thanh Châu (PCT Hội Nông dân xã Minh Long) xác nhận: "Tôi từng nghe nông dân than phiền là phun nhiều lần thuốc này, thuốc nọ trên cây điều, cây cao su không hiệu quả, nhưng mình chỉ biết vậy chứ không rành chuyên môn cho lắm". Vậy thì việc kiểm tra chất lượng thuốc BVTV hiện nay ở các địa phương thế nào?

Theo tìm hiểu chúng tôi, kinh phí kiểm tra mẫu được "đếm" theo hoạt chất mà không tính theo mẫu. Cứ mỗi hoạt chất có giá 550.000-650.000 đồng, nếu hoạt chất cùng nhóm được giảm 50%. Chẳng hạn, kiểm tra chất lượng thuốc Score (thành phần hoạt chất chỉ có Difenoconazole) thì kinh phí là 550.000 đồng, nhưng khi kiểm tra thuốc Big super (thành phần có 2 hoạt chất là Difenoconazole và Hexaconazole) thì chi phí tăng lên 1.100.000 đồng.

Các phòng Thanh tra chuyên ngành của Chi cục BVTV chỉ có 2-3 công chức nhưng quản lý toàn tỉnh thì không thể chặt chẽ được. Ví dụ, cán bộ thanh tra chuyên ngành chỉ có 2 người nhưng số đại lý kinh doanh thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh có đến 701 đại lý, tức mỗi năm chỉ đến kiểm tra đại lý 1-2 lần là đã hết năm (Ông Trần Minh Tiến - Chi cục trưởng BVTV tỉnh Bình Thuận).

Trung tâm Kiểm định và Khảo nghiệm thuốc BVTV phía Nam là đơn vị gần như phân tích "độc quyền" mẫu thuốc BVTV bởi các Chi cục BVTV kể cả phòng kiểm định của Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng của các tỉnh hiện chưa có đủ điều kiện và khả năng phân tích hoạt chất bởi thiếu hoạt chất chuẩn của các nhóm hoạt chất đưa đi phân tích.

Trong khi trên thị trường hiện có cả hàng vạn chủng loại thuốc BVTV, nhưng 3 năm gần đây (2011-2013), Chi cục BVTV tỉnh Bình Thuận gửi 37 mẫu phân tích (bình quân 12 mẫu/năm) và có 1 mẫu thấp hơn hàm lượng đăng ký; còn ở Đồng Nai cũng trong 3 năm chỉ có 42 mẫu gửi phân tích (bình quân 14 mẫu/năm) trong đó có 3 mẫu hoạt chất không đạt, đó là Propinet (trị nấm).

"Ngân sách duyệt khoảng 36 triệu/năm nên chúng tôi chỉ lấy được một số mẫu phù hợp kinh phí. Việc lấy mẫu cũng hết sức chọn lọc, thông thường là có dấu hiệu nghi vấn về chất lượng như thuốc bột vón cục, thuốc nước lắng cặn, kết tủa, chai nhựa trương phình không bình thường... Còn nếu nông dân khiếu nại loại thuốc nào có vấn đề về chất lượng thì niêm phong lô hàng nhưng việc này gần như rất ít xảy ra" - ông Tùng nói.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Việt Nam hỗ trợ đưa nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế ở Venezuela

Bộ Nông nghiệp Venezuela đánh giá cao kết quả tốt vượt mong đợi về hợp tác nông nghiệp song phương, ngay cả trong điều kiện Venezuela vô cùng khó khăn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm