| Hotline: 0983.970.780

"Bom phân" & đòn tinh thần

Thứ Ba 14/09/2010 , 08:34 (GMT+7)

Mệt mỏi, hốc hác, sợ hãi, bức xúc…là điểm chung của những người dân đứng đơn rồi phải chịu đòn thù ở Thanh Oai (Hà Nội) mà tôi gặp. Câu chuyện của họ đầy rẫy sự căm phẫn lẫn hãi hùng từ những trận đòn thù mà cái “tội” vốn được xem là quyền của mỗi người dân: khiếu nại tố cáo.

Hậu quả người dân phải gánh chịu khi đi tố cáo là những trận đòn thù dai dẳng

Suốt năm này sang năm khác vác đơn kêu khắp nơi về sai phạm của cán bộ địa phương, hậu quả họ phải gánh là những trận đòn thù dai dẳng. 

>> Tìm được cán bộ đàng hoàng khó quá
>> Hai mặt lá phiếu, lá đơn
>> Dân mong gì ở cán bộ?

Đòn ném phân 

Mệt mỏi, hốc hác, sợ hãi, bức xúc…là điểm chung của những người dân đứng đơn rồi phải chịu đòn thù ở Thanh Oai (Hà Nội) mà tôi gặp. Câu chuyện của họ đầy rẫy sự căm phẫn lẫn hãi hùng từ những trận đòn thù mà cái “tội” vốn được xem là quyền của mỗi người dân: khiếu nại tố cáo.  

Người bị đánh đập dã man, bị cắt điện vô lý, người bị ném gạch đá, kim tiêm vào nhà… Nhưng kinh hãi nhất vẫn là bị ném phân, trò mà không ít hộ dân bị kiện liên tục “lãnh đòn” trong thời gian gần đây. Những đòn thù như bóng ma, thỉnh thoảng gõ cửa những gia đình có người đi kiện cáo. Hôm trước mới hay tin gia đình ông Khuy ở xã Thanh Văn bị đánh bả chó, ném kim tiêm vào nhà vài hôm sau đã thấy xôn xao chuyện gia đình ông Hào ở Bình Minh, nhà chị Hoàng, chị Mười ở Thạch Bích bị “ném bom phân” liên tục.

Cứ âm ỉ như thế, dăm bữa nửa tháng lại có nhà này nhà khác kêu “dính chưởng”. Đến mức dân Thanh Oai bảo tôi rằng: “Chúng tôi không biết sẽ còn phải hứng chịu những kiểu hành hạ nào nữa. Xưa nay có thù oán gì với ai đâu, chẳng lẽ vì cái “tội” đi kiện cáo”.

Hôm tôi đến nhà chị Mười thì cả nhà đang thu dọn “chiến trường” từ một trận đòn thù bỉ ổi trong đêm tối. Nhà chị Mười nằm sát đường cái nên thủ phạm là ai thì chịu không thể biết. Thành thử dù bức xúc đến mấy cũng chỉ biết chửi trời, chửi đất rồi chửi bọn vô lại ném phân vào nhà.

 Tối hôm trước cả nhà đang ngủ thì đột nhiên bị mấy bịch ni lông ném vào nhà thối um lên. Bật điện sáng thấy tứ bề đều có phân vương vãi. Căn nhà cấp bốn ọp ẹp chỉ rộng chừng 50mét vuông vừa là chỗ gia đình sinh hoạt vừa làm cơ sở may mặc. Qua một đêm cả nhà phải tạm thời lánh nạn chờ bay bớt mùi đi mới dám kéo nhau về lau dọn. Công an xã Thạch Bích đã về lập biên bản nhưng sau đó thì không có động tĩnh gì. “Tôi chịu thua rồi. Đe dọa chúng tôi không sợ, thậm chí có bị đánh đập đi nữa cũng không sao. Nhưng cứ vài ngày nó mà bồi cho một ít bịch phân thế này thì có nước bỏ nhà mà đi thôi”.

Chuyện nhà chị Mười bị ném phân ở Thanh Oai nào phải lần đầu. Đầu năm nay nhà ông Hào ở xã Bình Minh cũng bị “khủng bố” bằng phân. Hai vợ chồng ông là cán bộ ở bệnh viện Thanh Oai về hưu, bức xúc chuyện tranh chấp đất đai nên đi kiện. Chỉ mới hôm trước có người vào nằm vật ra giữa nhà lên cơn co giật làm ông bà rợn cả tóc gáy thì hôm sau bị ném phân. Sau khi về hưu ông bà Hào mở phòng khám chữa bệnh cho bà con. Bất bình vì cán bộ xã bao che và mắc nhiều sai phạm đất đai nên ông Hào cùng một số người dân trong xã vác đơn đi kiện. Nhưng không ngờ cũng từ đây chuỗi ngày đầy biến động bắt đầu.  

“Đêm hôm vợ chồng già đang ngủ thì có người gõ cửa nhờ chữa bệnh. Vừa vào tự nhiên họ nằm vật ra nhà dãy đành đạch, và cũng gần như ngay lập tức các ban bệ của xã ập vào lập biên bản nhà tôi chứa chấp nghiện ngập rồi chuyển bệnh nhân đi viện. Nhưng cũng nhờ một vài bác sĩ ở bệnh viện nơi trước đây tôi công tác mới biết được người kia có việc gì đâu. Cũng chẳng biết họ lập trò ra thế để làm gì. Chưa hết bàng hoàng thì tối hôm sau liên tục bị ném phân vào nhà. Loạn mất rồi chú ơi”, vợ chồng ông Hào cùng nhau than. 

Vợ chồng ông Hào liên tiếp nhận đòn thù
Chuyện gia đình ông Hào lãnh “bom phân” ban đầu là chuyện động trời. Bởi ở vùng quê này xưa nay có xích mích với nhau cùng lắm người ta cũng chỉ “cạch mặt không chơi” hoặc nói ra nói vào vài câu cho hả dạ rồi thôi. Vậy mà đùng một cái sinh ra trò ném phân vào nhà thì đúng là không thể tin nổi. Nhưng rồi “đòn” này có vẻ hiệu quả bởi gia chủ vừa khiếp đảm về tinh thần vừa mất công dọn dẹp nhà cửa mấy ngày.

Cũng từ đó chuyện người đi kiện bị ném phân vào nhà không còn là chuyện lạ. Người đi kiện ở đây cũng lường trước được hậu quả sớm muộn gì thì nhà mình cũng dính phân nhưng không biết phải làm gì. “Nếu bỏ đi kiện thì chắc mọi chuyện sẽ ổn. Nhưng chúng tôi đi đấu tranh là để đòi quyền lợi chung cho người dân”. 

"Tao đánh mày vì dám kiện bố tao" 

Những trận đòn thù nhằm khủng bố tinh thần kiểu như ném kim tiêm, phân vào nhà ngày càng nhiều nhưng có vẻ như người đi kiện cũng dần quen bởi dù sao cũng không ảnh hưởng đến tính mạng. Còn bà Nguyễn Thị Bi ít nhất 2 lần trối chết từ những trận đòn thù của người nhà "quan thôn".

Hôm tôi đến tìm lần đầu cửa nhà bà Bi đóng im ỉm. Hỏi mới biết bà phải chạy nạn sang nhà cô con gái duy nhất vì liên tục bị đánh đập đe dọa. Chị Viềng, con gái bà Bi bảo rằng bây giờ cứ ra đường là lo bị đánh bởi xưa nay dù ăn ở hiền lành nhưng cũng vì cái tội đi kiện mà bà rước họa vào thân. Sau khi làm đơn tố cáo cán bộ, bà liên tiếp bị tấn công bằng trận đòn nhừ tử. 

Nhắc đến buổi chiều hôm ấy dường như bà Bi, cả chị Viềng chưa hết hãi hùng. Chiều ngày 3/4/2009 ngay trước cổng nhà văn hóa, nơi đang diễn ra hội nghị thôn: Hôm ấy, tôi được ông Phúc (chủ nhiệm HTX) yêu cầu về lấy tài liệu liên quan đến số đất thừa của con gái ông Chân (người bị tố cáo) để đối chiếu thực tế. Khi vừa bước chân ra về được 10m, bất ngờ bị Nguyễn Thị Thúy (là con gái ông Chân) và Nguyễn Thị Ánh (con ông Phái) lao tới túm tóc đánh đập trước sự chứng kiến của…cán bộ địa phương. Phải đến lúc chị Viềng nghe người làng thông báo chạy hồng hộc ra thì họ mới dừng nhưng vẫn còn đe: “Tao đánh mày vì dám kiện bố tao”.

“Chúng tôi đi tố cáo cán bộ sai phạm cũng chỉ vì nghe đài báo ra rả rằng: “Phát hiện tham nhũng mà không tố cáo cũng là người tham nhũng”. Nhưng đi kiện cáo hàng năm trời mà hầu như chẳng ích lợi gì, ngược lại còn bị đánh đập. Thử hỏi cán bộ sai phạm để cho người nhà đánh người khiếu kiện như thế, người khiếu kiện bị trả thù hết cách này đến cách khác như thế thì ai bảo vệ chúng tôi?”.
Đây không phải lần đầu bà Bi bị đánh. Trước đó bà từng bị người nhà cán bộ thôn “dần cho một trận” nhưng không ai ngờ là họ tiếp tục ra tay ngay trước mặt cán bộ địa phương. “Tôi bị đánh chỉ cách hội trường họp có 10m, vậy mà chẳng ai can ngăn cả. Thực ra sau lần bị đánh trước tôi cũng có ý đề phòng. Ra đường không dám đi xe máy, không dám về muộn. Hôm nay nghe gọi ra để đối chiếu sai phạm thì nghĩ “có cán bộ chắc không ai dám làm gì”. Vậy mà tôi bị đánh ngay trước mặt những người mà mình nghĩ có thể bảo vệ, can ngăn thì họ lại đứng yên cho người nhà đánh đập người khác. 

Trong câu chuyện kiện cáo dường như bất tận của bà Bi thì những trận đòn thù chỉ là một phần mà hình như người phụ nữ này đã cam chịu phải chấp nhận. Còn phiền toái từ ngày đi kiện thì bà bảo không đếm xuể. Có thể là một buổi sáng thức dậy bà thấy cửa nhà mình không mở được vì bị người nào đó nhỏ keo 502 vào ổ khóa. Hay đang đi trên đường thì có người tạt ngang kèm theo lời đe dọa: “Mày mà đi kiện nữa thì mày chết”…Còn chị Viềng, con gái bà chỉ biết khóc: “Bao nhiêu lần em khuyên nhủ là chuyện người ta thì kệ họ, dây vào làm gì mà gánh họa. Cứ mỗi lần mẹ ra đường đi đâu đó thì y như rằng em cũng không thể ngồi yên”.

Tối hôm ấy tôi ở lại Ba Dư. Cửa nhà bà Bi vẫn đóng im ỉm. Bà lại lánh nạn sang nhà chị Viềng. Sáng dậy trở về thì đột nhiên đàn gà đang lớn lăn ra chết sạch dù chẳng có dịch bệnh gì. Chẳng biết rồi chuyện kiện cáo của những người dân ở Thanh Oai đi đến đâu. Những trận đòn thù sẽ còn kéo dài đến bao giờ? (Còn nữa)

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm