| Hotline: 0983.970.780

Quái kiệt đất võ

Bùng binh đại tướng quân

Thứ Ba 18/03/2014 , 08:57 (GMT+7)

Trong làng võ Bình Định, có lẽ không nhân vật nào “quái kiệt” hơn “Bùng binh đại tướng quân” Đinh Văn Nhưng.

Trong làng võ Bình Định, có lẽ không nhân vật nào “quái kiệt” hơn “Bùng binh đại tướng quân” Đinh Văn Nhưng, người sinh ra tại làng Bằng Châu, phường Đập Đá, TX. An Nhơn (Bình Định) hiện nay.

Theo "Địa chí Bình Định", thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, ông Đinh Viết Hòe quê ở Đàng Ngoài vào Đàng Trong khẩn đất, lấy vợ lập nghiệp ở làng Bằng Châu, phường Đập Đá hiện nay. Vùng đất cách thành Đồ Bàn (thành Hoàng Đế) chừng 3 km, nơi mà thời ấy chỉ lơ thơ vài ba cụm nhà lá vắng vẻ.

Vào thời ấy, đây là nơi cư trú của lũ cọp. Ông Hòe sinh được hai người con trai và một gái. Sau một chuyến ông Hòe về Đàng Ngoài thăm quê rồi không trở vào, vợ ông cùng 3 người con là Đinh Văn Diệm, Đinh Văn Nhưng và Đinh Thị Triêm đùm bọc nhau sinh sống, làm ăn trên vùng đất cha mình vỡ hoang và trở nên giàu có nức tiếng.

Khi anh cả Diệm cùng người em gái Triêm có gia thất và sống riêng, ông Nhưng vẫn không chịu lấy vợ vì muốn phụng dưỡng mẹ già. Ông Nhưng tính khí ngang ngạnh nhưng là người đa cảm, ngay thật và nhân hậu. Ở vùng đất đầy mãnh thú, ông Nhưng tìm thầy học võ để bảo vệ những người trong gia đình. Ông Nhưng được thầy Dương Huệ Dân ở làng An Ngãi (phường Nhơn Hưng, TX. An Nhơn hiện nay) truyền dạy võ công.

Theo ông Đào Duy Thu (69 tuổi) ở khu vực Bằng Châu, phường Đập Đá (TX. An Nhơn), cháu đời thứ 9 của ông Nhưng, thì: “Dòng họ Đinh ở đây có công với nhà Tây Sơn, khi Gia Long thắng thế, vì sợ trả thù nên dòng họ Đinh lúc sống phải đổi thành họ Đào”.

Ông Thu cho biết thêm, theo lời kể truyền lại từ các bậc tiên tổ trong tộc họ Đinh, bản tính ông Nhưng ngang tàng mà rất từ lý. Trong trường võ, ông đã lập ra một đạo luật “võ sĩ” rất nghiêm minh: Học trò nào cậy mạnh hiếp yếu hay trộm cướp thì phải xử ngay. Đối với bọn gian manh ở ngoài, ông cùng bạn đồng môn tìm kế diệt, bắt chúng phải trả lại những gì chúng đã cướp, không cần đưa ra ấp, kiện lên quan.

Nhờ cách đó đã khống chế được cái ý nghĩ “học võ để đi ăn trộm” của thời bấy giờ. Riêng với bọn chức sắc mượn thế quan lại hiếp đáp dân lành, ông cho bạn bè mình thực hiện những vụ đánh cướp lại vàng bạc của chúng để trả cho những người dân đã bị cướp.

Thời ông Nhưng là thời Trương Phúc Loan chuyên quyền, gây nên cảnh xã hội loạn lạc, nhưng bọn tổng lý ở đây đã phải dè chừng ông, nên cảnh hiếp dân giảm bớt. Vì lẽ ấy, mọi người đã yêu thương gọi ông là “ông Chảng”.

Ngoài việc dạy võ và cày ruộng, giai đoạn này ông Nhưng kết thân với ông Hồ Phi Phúc, cũng người Đàng Ngoài vào đây làm ăn. Sau mỗi chuyến buôn trầu, ông Phúc lại lặn lội từ Phúc Lạc (Bình Khê) xuống thăm ông Nhưng. Ông Phúc thương quý ông Nhưng như người anh cả. Lúc gia đình ông Phúc khó khăn, ông Nhưng giúp thêm vốn để ông Phúc để buôn bán kiếm kế sinh nhai. Đồng thời, ông Nhưng còn nuôi, dạy võ nghệ cho con ông Hồ Phi Phúc là Nguyễn Nhạc.

Khi Nguyễn Nhạc xưng vương tại thành Hoàng Đế, để đền đáp nghĩa lớn mà ông Nhưng đã dành cho gia đình ông lúc cơ hàn, cũng như công ông Nhưng truyền dạy võ nghệ cho 3 anh em nhà Tây Sơn, nên đã phong cho ông Nhưng chức Điện tiền đại đô đốc tả thân vệ úy, tước Sanh Sơn bá, một chức quan trọng vọng.

Tuy nhiên, ông Nhưng lại nghĩ khác: “Ông làm vua là làm vua với thiên hạ, chứ với tôi, ông vẫn là con cháu. Con cháu mà ban chức tước cho cha ông thì hơi nghịch, chi bằng để tôi phê rồi ông lục thì hơn...”.

Nhà vua đồng ý, ông Nhưng cầm bút viết 4 câu chữ nôm, được phiên âm: “Bùng binh chi tướng/ Uýnh cướng chi quan/ Bộn bàng chi chức/ Chảng chảng ngang thiên”. Nhà nghiên cứu Đặng Quý Địch dịch nghĩa 4 câu này: "Tướng lớn/ Quan to khiến người được phong mừng quýnh lên/ Chức nhiều/ Chảng ngang hàng với trời". Câu chuyện ông Nhưng tự phong tước vị cho mình đã lan truyền trong dân chúng, từ đó ông được có thêm những tục danh mới là: Ông Chảng ngang thiên, hoặc Bùng binh đại tướng quân.

Thời Tây Sơn, ông Nhưng dù có phẩm tước nhưng vẫn sống bình dị. Ông lấy uy tín của mình khuyên dân phải đồng lòng vì công cuộc khởi nghĩa, động viên họ tiếp tục đóng góp lương thực để nuôi nghĩa quân.

Riêng phần lúa thóc của ông thu hoạch trên chục mẫu góp cả vào kho lương. Ông lấy uy thế răn đe bọn nhà giàu chia bớt của cải cho người nghèo khó. Đến lúc vận nước rơi vào tay triều Nguyễn, Gia Long mưu sự phục thù nhà Tây Sơn và các quan chức nhà Tây Sơn bằng đạo luật tru di tam tộc, ông Nhưng buộc phải cải cả gia tộc họ Đinh thành họ Đào.

Theo võ sư Phan Thọ, tài liệu võ của tộc Đào là sách bí kíp võ thuật bằng chữ Hán ông còn giữ là được người thầy dạy võ là ông Bảy Lụt truyền lại. Do không biết đọc chữ Hán nên võ sư Phan Thọ đã cung cấp tài liệu này cho Liên đoàn Võ thuật để họ nghiên cứu, tìm cách khôi phục lại dòng võ này.

Khi tuổi đã cao, ông bỏ làng, ly cách gia đình xuống tận vùng sâu thuộc phía Tây Nam hòn núi Mồ Côi (Nhơn Phong) để tạm lánh thân sinh sống. Ở đây ông lấy thêm vợ và sinh thêm người con trai, đặt tên là Đinh Văn Lang. Sự truy lùng của nhà Nguyễn vẫn ráo riết, đến cuối đời ông vẫn chưa được về thăm quê cũ (nay là thôn Thanh Liêm, xã Nhơn An, TX. An Nhơn).

Trước khi chết, ông căn dặn ông Lang: “Con cháu sau này thờ cha, thờ ông bằng cào cỏ, mỏ gảy, phảng, du du (dụng cụ che nắng của nông dân làm đồng ngày xưa)”. Có lẽ để ông nhớ lại trước đó, mỗi lần vào thăm vua Thái Đức, ông Nhưng thường ngồi trên một cái ghế thang có bốn người khiêng, hai bên có vài chục người cầm cào cỏ, cuốc, thuổng... thay cho cờ biển và hai cây du du dùng làm lọng.

Phía sau, phía trước có hai đoàn người thổi kèn, đánh trống bằng miệng tưng bừng, nhộn nhịp. Những lúc như thế người dân kéo ra xem rất đông, vui như hội với những câu reo hò: “Ông Đại bùng binh, ông uýnh ướng, ông bộn bàn, ông Chảng ngang thiên...”. Nguyễn Nhạc rất kính trọng ông nên không bắt bẻ gì.

Từ đường chính của ông Đinh Văn Nhưng ngày xưa không còn nữa, nay chỉ còn bàn thờ tại nhà ông Đào Văn Hùng (ở thôn Thanh Liêm, Nhơn An). Di vật của từ đường cũ chỉ còn lại hai tấm liễn bằng chữ Hán viết trên ván gỗ nhưng đã bị mờ, rất khó đọc.

Hằng năm, nhánh họ Đào ở Thanh Liêm vẫn tổ chức kỵ cơm ông Đinh Văn Nhưng vào ngày 27 tháng Giêng âm lịch. Cụ Đào An (87 tuổi, ở thôn Thanh Liêm) cho biết: “Khi ông Nhưng qua đời, con cháu phải lập đến 6 hay 7 ngôi mộ giả vì sợ bị khai quật, nên ngày nay tộc họ cũng không biết chính xác mộ ông ở đâu”.

Ông Đào Duy Thu cho biết thêm, con cháu dòng họ Đào ở các thôn Thanh Liêm, Kim Tài, Bằng Châu thuộc phường Đập Đá và xã Nhơn An (TX. An Nhơn) ngày nay không còn ai giỏi võ nghệ, các tài liệu võ của dòng họ đã bị tiêu huỷ sau khi phong trào Tây Sơn thất bại. Tài liệu võ duy nhất còn lại của họ Đào là một tập tư liệu cổ do võ sư Phan Thọ ở xã Bình Nghi (Tây Sơn, Bình Định) cung cấp, trong đó có ký tên Đào Thống. (Còn nữa)

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm