| Hotline: 0983.970.780

Cả làng săn chuột

Thứ Sáu 08/08/2014 , 08:15 (GMT+7)

Đa phần họ là thanh niên sống trong những căn nhà mái lá, chẳng có ruộng vườn…quanh năm sống nhờ nghề săn chuột đồng mỗi khi đêm về.

Ai cũng biết, ĐBSCL là vựa lúa lớn của cả nước và miền Tây cũng được xem là xứ sở của chuột đồng. Bất kể mùa khô hay mùa lũ, chuột nhiều vô kể.

Theo chân thợ săn

Chiều chiều, xuất hiện trước mắt tôi là hình ảnh những chiếc xuồng ba lá gắn máy chạy “tịch tịch” khắp các dòng sông khiến rộn ràng cả xóm. Chẳng ai khác, họ là những lao động sống trong Kênh 14 ở ấp 4, 6, Tân Long thuộc xã Hòa Mỹ (Phụng Hiệp, Hậu Giang).

Nghề săn chuột có cách đây đã lâu nhưng chưa bao giờ lại phát triển rầm rộ như hiện nay. Ngày trước, chỉ săn nhỏ lẻ với hơn chục người nhưng hiện nay số lượng thợ săn đã lên tới hàng trăm người.

Trước giờ đi săn, cùng ngồi trò chuyện với những người thợ săn nổi tiếng, tôi mới hiểu được công việc của những người làm nghề săn chuột cũng lắm nhọc nhằn.

Anh Nguyễn Văn Sửu (35 tuổi ở ấp 4, xã Hòa Mỹ) có hơn 15 năm làm nghề săn chuột, tâm sự: “Làm nghề này quanh năm hoạt động về đêm. Nhiều khi cũng không thể đi săn thường xuyên vì trời mưa, bão hay những lúc sáng trăng. Để săn được nhiều chuột, đôi khi phải đi đồng xa vài chục cây số mới có việc làm đều đều”.

Đến 18 giờ, tôi cùng anh Sửu xuống xuồng chạy chừng 4 km và xuất hiện trước mắt tôi là ruộng lúa mới thu hoạch, có con kênh nhỏ dọc theo cánh đồng, tiếng máy ngừng chạy cũng là lúc cuộc săn chuột bắt đầu.

Gác máy lên xuồng, anh Sửu vội lấy chiếc đèn đội lên đầu, rồi đi thẳng đến mũi xuồng, còn tôi đi ngược lại phía sau để xem cách anh săn chuột. Anh Sửu ngồi lên chiếc ghế “chuyên dụng” để dễ quan sát, cạnh bên là ba cây chĩa (cán bằng trúc, mũi bằng thép) đã chuẩn bị sẵn được đặt dọc theo xuồng, tay anh vớt chiếc dầm lướt nhẹ trên mặt nước mà không hề phát ra tiếng động gì.

10-56-58_chien-loi-phm-l-c-chuc-ky-chuot-cu-nh-suu-su-mot-dem-sn
Chiến lợi phẩm mà anh Sửu thu được

Tôi thắc mắc vì sao phải bơi như thế, anh Sửu nói: “Chuột rất nhát và nhạy với tiếng động nên khi bơi xuồng không được để phát ra tiếng nếu không chuột sẽ chạy mất”.

Hôm nay, anh cùng tôi đi săn ở con kênh nhỏ nhưng bề rộng cũng hơn 4 m. Bơi chưa được 10 m, mọi động tác của anh Sửu chậm lại, lái mũi xuồng sát mé kênh, tay anh nhè nhẹ vớ lấy chiếc chĩa và phóng vụt vào bãi cỏ, tiếng chuột kêu “éc éc”, nhưng anh chưa vội lấy chiến lợi phẩm mà liền rút thêm cây chĩa thứ hai tiếp tục lao đánh phập.

Sau đó, anh lấy một ống sắt rõ mạnh vào đầu con chuột, rồi kéo hai chú chuột ra khỏi chĩa và cho vào khoang xuồng.

Anh Sửu chạy sang con kênh khác để tiếp tục cuộc săn. Qua con kênh mới, tôi thấy anh không chỉ săn chuột, ếch, rắn, mà còn bắt được cả cò.

Anh Sửu kể: “Đi săn, bắt được chuột là chủ yếu. Ngoài ra, còn đâm được ếch, rắn, nhưng rắn thì ít, mỗi ngày được chừng 1 kg, có lúc hên bắt được rắn hổ thì khỏe; còn ếch thì 2-3 kg”.

Đi với anh, tôi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Tôi thấy một chú chuột chạy vào trong bụi trúc có nhiều gốc lởm chởm, cái kẽ nhỏ khó mà đâm chĩa vào được nhưng anh ghé lại, dọi đèn và đâm một phát, tôi thấy con chuột đã dính sát vào gốc trúc.

Không chỉ có vậy, trong buổi đi săn, tôi thấy những chú chuột trèo trên ngọn cây, anh vẫn rút chĩa và đâm rất chuẩn xác. Hầu như, ít có con chuột nào chạy khỏi mũi chĩa của anh.

Đến con kênh thứ 3, tôi thấy có rất nhiều ánh đèn và tiếng nói cất lên: Hôm nay được nhiều không? Có bắt được rắn không? Anh Sửu vội đáp: Chắc được hơn 5 kg. Còn anh được nhiều không? Một người lạ mặt giơ chiếc giỏ lên, tôi ước chừng trong ấy khoảng 8 kg chuột. Sau đó, có thêm hai người nữa cũng tấp xuồng vào, rồi các anh vừa hút thuốc, vừa trò chuyện.

Nghèo nên bất chấp hiểm nguy

Trong lúc các anh nghỉ giải lao, tôi liền hỏi một người có tên là Nguyễn Văn Tâm, làm nghề săn chuột hơn 30 năm, anh cho biết: Ngày xưa, tôi đi câu nhưng làm không đủ sống, còn đi đánh cá bằng kích điện thì bị cấm nên đành bỏ nghề chuyển sang săn chuột. Trước kia, săn chuột chủ yếu đi bộ chứ đâu có bơi xuồng như bây giờ.

Ông Lê Hoàng Ba, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Mỹ, cho biết: "Nghề săn chuột hình thành ở Mỹ Hòa cách đây khoảng 40 năm, tập trung chủ yếu ở ấp 4, 6, Tân Long… Thợ săn thường hoạt động từ 17 giờ đến khoảng 3 giờ sáng. Trên địa bàn xã rất nhiều hộ dân tham gia săn chuột nên hạn chế được chuột phá hại mùa màng, đem lại thu nhập từ 300.000 - 600.000 đồng/đêm/người, tránh tình trạng dùng kích điện nên nguồn thủy sản không bị hủy hoại".

Cũng là một thợ săn chuột có trên 20 năm kinh nghiệm, anh Nguyễn Văn Sáng cho biết: Làm nghề này cũng khó lắm, đa phần soi chuột dọc theo những con kênh, sông, vườn, bờ đê mà nhiều lúc gặp những người chủ giữ ghe, vườn không cho vô vì họ nghĩ rằng mình phá quấy, đâm chuột họ không ngủ được nên không cho làm.

Nói về nỗi cơ cực trong nghề, anh Sáng tâm sự: "Tôi chỉ có một cái nền nhà và quanh năm sống bằng nghề săn chuột. Nhà nghèo nên mưa nắng gì cũng phải đi. Để có việc mỗi ngày thì phải đi những đồng xa như Long Mỹ, Ngã Năm, Cà Đôi… Vì những nơi đó lúa thu hoạch sớm, vịt ăn đồng nên chuột dạt xuống mé kênh, soi dễ dàng. Mỗi chuyến đi chi phí từ 30.000 - 50.000 đồng tiền xăng. Nhiều lúc gặp bão, cây đổ thì lỗ vốn”.

Vì nghèo mà nhiều thợ săn chuột không ngại nguy hiểm để có được miếng cơm manh áo. Anh Sửu tâm sự: Nhiều lúc đi soi gặp rắn hổ mang chui vào hang phải đợi cả tiếng đồng hồ để rắn chui ra, không thì dùng xẻng đào cả mấy tiếng mới bắt được. Nhiều người bị rắn độc cắn nếu không chữa trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tính mạng.

Nhộn nhịp chợ chuột

Sau một hồi trò chuyện, các anh chia tay nhau để tiếp tục cuộc săn. Xuồng anh Sửu rẽ sang phải để qua con kênh khác dẫn đường đến chợ.

10-56-58_cung-ngoi-tro-chuyen-v-hut-thuoc-de-do-met
Thợ săn ngồi trò chuyện, nghỉ ngơi

Tôi nhìn đồng hồ đã là 0 giờ 30 sáng, anh Sửu vội giật máy chạy về hướng chợ Kinh Cùng. Anh vừa đi cũng là lúc nhiều thợ săn khác trong xã tập kết về đây. Anh Sửu nói: "Thường thì một số anh em bán chuột ở chợ Kinh Cùng hoặc Hòa Mỹ. Mỗi nơi ít nhất cũng mười mấy hai mươi xuồng, mùa nước thì tăng lên khoảng 40 chiếc, có khi lên đến 60 chiếc đậu kín cả khúc sông".

Đến chợ cũng là lúc đồng hồ chỉ 1 giờ 30, tôi thấy cả chục chiếc xuồng tấp vào mé sông gần chợ để lột chuột, người ít nhất cũng được 5 - 6 kg, còn có người được trên chục ký.

Hơn 30 phút lột chuột, các thợ săn đã lột xong chiến lợi phẩm của mình và đem lên chợ cân cho bạn hàng với giá 45.000 đ/kg, còn ếch thì bán với giá 30.000 - 70.000 đ/kg tùy loại, rắn hổ hành, hổ mang, hổ lãi… bán với giá từ 120.000- 400.000 đồng/kg tùy loại. Xong chợ, tôi thấy người ít nhất cũng bỏ túi trên 300.000 đồng, còn người nhiều lên đến cả triệu đồng.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm