| Hotline: 0983.970.780

Cả nông dân lẫn doanh nghiệp đều thua cuộc khi kiện cáo về đất đai

Thứ Sáu 19/01/2018 , 14:30 (GMT+7)

Có lẽ ông là người giữ kỷ lục quốc gia về… hầu kiện với 37 phiên tòa kéo dài hơn 3.000 ngày mà nhiều phiên phải huy động vài trăm cảnh sát để vãn hồi trật tự nhưng vẫn bất lực đứng nhìn người dân xô đổ cả cổng tòa án để tràn vào phòng xét xử.

Kỷ lục không ai mong muốn

Kết quả cuối cùng ông Bùi Minh Họa (huyện An Lão, TP Hải Phòng) cũng thắng kiện nhưng lại bảo rằng cả hai phía đều thua, thua nặng.

16-27-20_dsc_9767
Chân dung ông Bùi Minh Họa

Những nông dân đã chuyển nhượng đất cho mình thua vì cả tin đi kiện tụng tốn thời gian, tốn tiền của mà một số còn phải dính vào vòng lao lý. Phía ông thua vì gần 10 năm đi hầu kiện mà không một ngày nào yên thân vì trang trại luôn bị nông dân quá khích đập phá, nhà kho bị đốt cháy, hàng ngàn cây cối bị chặt, 50 con bò bị đánh thuốc, hàng trăm tấn cá bị đầu độc.

“Trong vụ này chỉ có luật sư là thắng vì được tiền cãi còn lại thì thua tất. Nhiều nông dân về sau nghĩ lại mới thấy mình dại, bảo với tôi rằng chỉ muốn luật sư đi tù thôi”. Ông đau đớn bảo với tôi như vậy.

4 nông dân mỗi người lĩnh án 36 tháng tù, 1 nông dân tù treo vì vụ việc trên nhưng sau khi họ được tha ông vẫn chủ động đến làm hòa. Bữa cơm thân mật diễn ra dưới sự chứng kiến của đại diện chính quyền. Những khuôn mặt lúc đầu cứ rắn câng vì ngượng nghịu nhưng về sau thì giãn ra khi được bộc bạch hết nỗi lòng, khi đã thấu hiểu nhau.

“Bản án đối với những người này chỉ là tội gây rối trật tự công cộng nên mới 3 năm tù chứ nếu xử thêm tội phá hoại nhiều tỉ đồng tài sản thì phải vài chục năm. Trước đó tôi đã chủ động làm đơn xin không xét thêm tội phá hoại tài sản của trang trại mình nữa bởi nếu họ đi tù quá lâu thì oán thù đến bao giờ mới giải được?”. Ông tâm sự.

16-27-20_dsc_0440
Công an An Lão bảo vệ trật tự tại 1 trong 37 phiên tòa

Vết thương gây rạn vỡ xóm làng ngày nào giờ đã lên da non. Những người từng coi nhau như kẻ thù không đội trời chung nay gặp gỡ vẫn chào hỏi, vẫn khi điếu thuốc khi cuộc trà mạn đàm chuyện thế sự.
 

Tôi sẽ dốc đến đồng tiền cuối cùng nếu…

Sáng ngắm cây ngắm hoa, chiều dõi trông theo ngàn vạn cánh chim trời, lòng ông giờ đã thơi thới hơn xưa nhưng vẫn còn chút vẩn vơ về chuyện tích tụ.

“Chỉ có tích tụ ruộng đất thì nông nghiệp Việt Nam mới khá lên được”. Ông chủ của trang trại trăm tỉ có ngót 100 người làm này chiêm nghiệm. Các khu công nghiệp mỗi ngày một mở rộng hút hết đám thanh niên nông thôn vào trong để trơ lại trên ruộng đồng là các ông già bà cả. Khi sức khỏe suy sụp, bệnh tật không thể kham nổi nữa họ cũng đành phải bỏ ruộng.

Bỏ ruộng lan nhanh như đám cháy rừng bởi đất hoang là nơi trú ẩn lý tưởng cho chuột bọ, sâu bệnh phá hoại các thửa lúa kề bên để rồi vụ sau lại phải bỏ tiếp. Diện tích bỏ ruộng của Hải Phòng gần đây đã lên tới trên dưới 1.000ha.

Ở phía ngược lại, tích tụ đất đai lại diễn ra khá chậm chạp khi toàn thành phố mới chỉ đạt 2.211ha với trung bình 1 - 2 ha/hộ, phần lớn là nguồn gốc thuê thầu. Vậy nên một trang trại với diện tích rộng tới 76ha phần giao lâu dài phần do tự chuyển nhượng như của ông Họa quả là một hiện tượng hiếm thấy không chỉ ở Hải Phòng mà còn cả miền Bắc.

16-27-20_dsc_0442
Người dân xông vào tòa án

Trên bờ ông vượt đất lập trại lợn, trại gà, trồng ổi, trồng bưởi, dưới nước đào ao, thả cá, xung quanh lại cho làm một con đường bê tông dài hơn 10km phân chia ra các phân khu. Thế nhưng, chí của ông chưa thỏa bởi trong trang trại ngút tầm mắt ấy vẫn còn những luồng ngô, luống đậu xen kẹt của dân. Có trên 10 miếng như vậy, miếng nhỏ nhất 24m2, miếng lớn nhất trên 700m2 mà hơn 10 năm rồi chủ của nó vẫn không chấp nhận chuyển nhượng.

Chí của ông chưa thỏa vì muốn biến tấc đất thành tấc vàng phải có diện tích nhiều hơn thế nữa. “Trồng hoa, trồng rau trong nhà kính có thể chỉ cần 3 - 5ha, trang trại quy mô gia đình có thể chỉ cần 10 - 30ha nhưng đã là doanh nghiệp nông nghiệp thì phải hàng trăm ha trở lên để cơ giới hóa đồng bộ, để tận dụng tối ưu lao động. Như trang trại 76ha của tôi 1 thủ kho thì thừa mà không có thì thiếu; 3 bảo vệ chia làm 3 ca thì mỗi ca chỉ có 1 người đi tuần đêm hôm rất nguy hiểm; Các loại máy to như máy cày, máy phay cũng không thể vận hành hết công suất. Trong khi đó đào tạo một người lái máy mất hàng tháng nhưng mỗi vụ chỉ cày hơn 10 ngày rồi không có việc nên họ lại bỏ đi mất. Vụ sau phải đào tạo lại từ đầu”.

Hiện trang trại của ông Họa có 6 máy gặt đập liên hợp, 6 máy cày, 10 máy cấy, 2 máy gieo mạ, 5 xe tải, 2 xe xúc nên đã có hiện tượng thừa bởi 1 máy cấy mỗi ngày 10 mẫu, 1 máy gặt mỗi ngày gặt 10 mẫu, 1 lò sấy thóc mỗi mẻ sấy 30 tấn bằng cả trăm con người còng lưng, vã mồ hôi ra mà lao động. Có hoài bão, có ước mơ tích tụ thêm đất nữa nhưng ông Họa lại rùng mình mỗi khi nghĩ đến cảnh 3.000 ngày kiện tụng thủa trước.

“Lần sửa luật đất đai này cho phép quyền sở hữu về đất đai thì quá tốt nhưng nếu không đạt được điều đó thì phải thay đổi bằng cách tăng thêm thời hạn sử dụng đất, nhất là đất thuê. Tôi sang Mỹ mua lợn giống, những công trình trên trang trại của họ tồn tại hàng trăm năm vẫn còn đẹp, còn bền. Ở ta vì thời gian giao đất ngắn (như giao mặt nước trong trang trại chỉ 20 năm - PV) nên mọi đầu tư đều phải tính toán để khi hết hạn thì công trình cũng hỏng nhưng ngặt nỗi ở nơi gần biển, bão nhiều, lốc lắm mà làm tạm bợ không xong. Công trình có tuổi đời 50 - 70 năm mà trên đất có hạn giao 20 - 30 năm sẽ lãng phí. Tôi không dám lao vào công nghệ cao cũng vì thế”.

16-27-20_dsc_9835
Ông Họa trăn trở với việc cơ giới hóa

Ngoảnh đi ngoảnh lại thì đã hết hạn giao đến nơi. Trong khi đó nước ở đồng Bầu chua đến nỗi đào ao thả cá mà không một đầu lấy nước vào một đầu tháo nước ra sẽ bị nổ hết mắt. Đất ở đồng Bầu chua đến mức mới móc lên rỉ nước màu cà phê nhưng khi khô rồi đóng phèn trắng xóa. Muốn trồng cây được trên đó phải hót lớp đất màu chỉ mỏng 10 - 20cm bên trên để dành một chỗ, bóc lớp đất phèn bên dưới đi thay thế bằng đất nơi khác chở về. Hàng vạn, hàng vạn khối đất đã được đổ xuống để cải tạo trong 7 - 8 năm ròng rã mới định hình nên một trang trại tổng hợp như ngày hôm nay.

Nhìn cảnh ruộng hoang ở quê ông Họa cũng xót ruột lây: “Nông dân bỏ ruộng nhưng không chịu “nhả” ruộng ra là lãng phí tài nguyên của đất nước trong khi đó nếu chuyển nhượng lấy tiền rồi đem gửi tiết kiệm đã đủ đong thóc mà sống để chuyển dịch dần sang ngành nghề khác. Doanh nghiệp mua đất nghĩa là nhà nước được thêm thuế (mỗi năm trang trại của ông Họa đóng 600 - 700 triệu tiền thuế - PV).

Trong khi đó nhà nước nếu muốn lấy diện tích đất này để làm những công trình công cộng sẽ dễ dàng hơn nhiều vì bàn với 1 người khác hẳn với bàn 100, 1.000 người, hầu như sẽ không phải cưỡng chế. Nếu được giao đất ổn định, lâu dài thì tôi sẽ dốc hết đến đồng tiền cuối cùng để đầu tư mà không phải lo ngại gì cả”.

"Về đất thổ cư nhà nước quy định mỗi khu vực có một mức giá khác nhau thì về đất nông nghiệp cũng nên thế. Phải phân loại đất vùng sâu vùng xa khác với vùng gần thành phố, giá cả do Hội đồng nhân dân quận hay huyện quyết định nhưng phải sát với thị trường để đảm bảo lợi ích cho nông dân và cả doanh nghiệp đầu tư", ông Bùi Minh Họa.

 

Xem thêm
Bổ nhiệm Tổng Biên tập Báo Thừa Thiên - Huế

THỪA THIÊN - HUẾ Ông Hoàng Đăng Khoa, Phó Tổng Biên tập phụ trách được Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế bổ nhiệm giữ chức Tổng Biên tập báo Thừa Thiên - Huế, kể từ ngày 1/11.

Ngăn chặn tàu cá có dấu hiệu vi phạm ngay từ trong bờ

Quyết tâm gỡ 'thẻ vàng' của EC trong năm 2024, Sóc Trăng không chỉ kiểm soát tốt đội tàu cá, mà còn tăng cường các biện pháp truy xuất nguồn gốc, giám sát hành trình.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Cảnh báo mưa lớn tại khu vực Trung Bộ, kéo dài nhiều ngày

Từ ngày 3/11, khu vực Trung Bộ có khả năng xảy ra đợt mưa lớn, lượng mưa phổ biến 40-100mm cục bộ có nơi trên 200mm.

Bình luận mới nhất