| Hotline: 0983.970.780

Bất cập đất đai nhìn từ câu chuyện đầm phá ông Đoàn Văn Vươn

Thứ Tư 17/01/2018 , 14:30 (GMT+7)

Bộ Tài nguyên-Môi trường mới đây đã công bố dự thảo Luật Đất đai sửa đổi để lấy ý kiến nhân dân. NNVN xin trích vài góc nhìn từ những nạn nhân nổi tiếng bất đắc dĩ để thấy được phần nào những bất cập của vấn đề mà nhiều ý kiến của họ còn vượt cả phạm vi của dự thảo lần này.

Dã tràng xe cát biển Đông

Tất tả đuổi theo lũ vịt đang nhốn nháo chạy trong chuồng đến khi bắt được hai con xong thì đầu anh đã trắng xóa toàn lông bám mà miệng vẫn nhệch ra cười: “Vịt biển này đánh tiết canh thì hết ý”!

15-45-56_dsc_0341
Nông dân Đoàn Văn Vươn

Hình ảnh chàng chăn vịt Đoàn Văn Vươn năm xưa chợt hiện về, vẹn nguyên sau mọi giông bão.

Chúm môi anh húp thử nước mắm xem mặn nhạt thế nào để mà còn hãm tiết canh. Khi đầu vịt đã nghẹo xuống như một dải khoai héo thì anh bàn giao tất cho người nhà những việc còn lại, xách xe máy chở tôi đi dạo khắp các vùng bãi triều quê mình.

 Đoàn Văn Vươn (Vinh Quang, Tiên Lãng, Hải Phòng) vẫn thế, vẫn chân chất như củ khoai củ sắn. Anh thật đến nỗi khi ra tòa với án tù đằng đẵng treo trước mắt vẫn còn cố “cãi” cho ông Nguyễn Văn Khanh - nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng - Trưởng đoàn cưỡng chế để mong án của ông bớt nặng.

Lỗi của cả bộ máy chứ đâu phải là do người thực hiện? Thậm chí ông Khanh là người đầu tiên đứng ra phản đối quyết định cưỡng chế bất hợp lý này nhưng cuối cùng vẫn bị đẩy đến tình huống phải ký. Chỉ tiếc một điều là ông đã không có đủ dũng khí để mà chối từ.

Không hề sắp đặt nhưng sáng hôm đó tôi vừa ngồi cà phê cùng ông Khanh sau khi lĩnh 30 tháng tù treo về làm anh cán bộ quèn ở Sở NN-PTNT Hải Phòng thì buổi tối lại ngồi với Đoàn Văn Vươn. Sau biết bao cay đắng, thăng trầm mà cả hai vẫn còn nói về nhau với những lời lẽ hết sức cảm thông và tôn trọng.

Cuộc đàm đạo của chúng tôi ở Vinh Quang diễn ra trong căn nhà 2 gian do văn phòng luật sư bảo vệ vụ án ông Khanh vận động xây dựng trên chính cái nền nhà bị phá tanh bành năm xưa. Cái nghiệp làm nông như ngấm sâu vào tận trong máu tủy của Đoàn Văn Vươn. Anh sinh ra và lớn lên ở xã Bắc Hưng mãi về sau mới lập nghiệp tại Cống Rộc của xã Vinh Quang bằng nghề chăn vịt. Cũng tại đây, năm 1987 chỉ trong sau đêm một cơn cuồng phong đã cuốn phăng đi cả cánh rừng phi lao rộng mênh mông ra biển.

Con đê mong manh không còn đủ sức bao bọc khiến cho xóm làng cứ lộ ra mong manh trước sóng gió. Mỗi trận bão chuẩn bị đến là người dân lại co rúm vì sợ hãi, vội vã sơ tán tài sản, táo tác chạy cùng đàn vật nuôi. Vừa vác thóc cho vịt ăn cậu sinh viên khoa chăn nuôi hệ tại chức Đoàn Văn Vươn vừa suy nghĩ cho đề tài tốt nghiệp về khảo sát vùng bãi triều Vinh Quang.

Anh đưa ra giải pháp đắp đầm phá, đẩy dòng ra xa đê khiến sóng biển không phá vào bờ mà dần phù sa còn bồi nghiêng về phía Tây. Năm 1993 Đoàn Văn Vươn đứng ra nhận 21 ha đất hoang rồi thêm 20 ha nữa để nuôi trồng thủy sản. Lúc ấy chỉ có biển bạc và cát trắng. Mấy anh em họ Đoàn phải xoay trần ra mà trồng rừng rồi lại đắp đê.

15-45-56_dsc_0361
Hai anh em Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý bên ngôi nhà được mọi người ủng hộ xây cho

Nhưng hễ đắp hôm trước thì hôm sau triều lên, sóng lại đánh tan, mọi công sức trở thành dã tràng xe cát. Đến lúc đê đã đắp thành hình rồi vẫn 3 lần bị xóa sổ, phải đắp lại từ đầu. Họ đã phải đổ 10.000m3 đá bên ngoài tạo thành một bức tường chắn sóng thì việc đắp đê mới thành công vào năm 2001, sau đúng 8 năm ròng rã.

Lúc đầu họ chỉ đánh bắt tự nhiên kiếm con tôm rảo, tôm gai con cá bống, cá vược rồi mới đào ao nuôi trồng thủy sản. Số tiền đổ xuống biển nhiều nhiều tỉ đồng mà theo tính toán của anh Vươn dù một hai chục năm nữa cũng chưa chắc thu hồi đủ vốn vì hễ kiếm được đồng nào lại phải dành dụm để xây dựng đê bao…
 

Chăn vịt cũng khó yên ổn

Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi liên tục bị ngắt quãng vì chiếc điện thoại của Đoàn Văn Vươn thường xuyên đổ chuông. Các cuộc gọi đến từ mọi miền của tổ quốc. Nào là xin tư vấn về nuôi vịt biển, nào là xin tư vấn về các tranh chấp đất đai.

Vào mùa đông anh chỉ duy trì chừng 4-5.000 con với các lứa nuôi gối nhau nhưng mùa hè đàn đông lên tới 10.000 con. Tôi ngước nhìn về phía trước là rừng bần xanh ngút, xa xa là biển bạc sóng cồn, đứng giữa trại vịt mà không khí trong lành không bị ám mùi hôi như thường thấy. Đó cũng là một bí mật sau đó tôi được giải thích rằng nhờ vào nghề làm thuốc gia truyền mấy đời của dòng họ Đoàn.

Đến đời mấy anh em Vươn vì mải mê đầm phá nên nghề bị đứt đoạn nhưng cũng kịp dắt lưng dăm ba bài đủ để tự chữa bệnh cho mình và cho vật. Những lá thuốc nam được hái từ chính cánh rừng ngập mặn hay bờ đê bao trộn vào thức ăn của vịt biển để chúng tăng thêm sức đề kháng và thải ra phân ít bị nặng mùi.

Chuyện đến với con vịt biển cũng rất tình cờ. Ra tù họ rời xa Liên chi Hội nuôi trồng thủy sản nước lợ Tiên Lãng - cái hội mà trước đó đã hết lòng bảo vệ mình không phải vì không thấy cần nữa mà là bởi không muốn mình trở thành cái gai trong mắt của nhiều người. Nhìn ao đầm hoang đang lo không biết phục dựng từ đâu thì được Nguyễn Viết Hồng ở nhóm ngân hàng vịt biển tài trợ cho 100 con giống.

Ý tưởng của nhóm này là tự nhiên hóa vật nuôi nên khuyến cáo cho Đoàn Văn Vươn chăm vịt toàn bằng cám gạo. Nhưng chỉ vài ngày sau cả đàn bị xù lông, đi lại run rẩy, chết non nửa. Đến lúc này thì anh mới nói: “Các chú để anh, kinh nghiệm chăn vịt anh có thừa!”. Thức ăn được thay đổi bằng hỗn hợp ngô, thóc, cá tươi cùng thảo dược nên những con vịt lại nhanh chóng trơn lông, nở thịt. Sau 3 tháng nuôi chúng đã đạt trọng lượng trung bình 2,5 kg.

Từ thành công ấy anh cho mở rộng đàn rồi đem vịt đi khắp nơi tiếp thị. Chính sự thơm ngon, săn chắc của thịt đã làm nên mạng lưới gần chục cửa hàng vịt biển Đoàn Văn Vươn.

Chinh phục được con vịt biển thịt anh lại mở thêm hướng nuôi đẻ với tổng đàn 1.700 con. Trứng vịt biển nặng 60-70 gram, thơm ngon hơn hẳn trứng vịt thường khiến cho anh khấp khởi mừng thầm, mời đại diện các siêu thị về thẩm định. Ai nấy đều gật gù. Khi bàn đến việc ký kết hợp đồng, làm mã vạch để truy xuất nguồn gốc xuất xứ thì Đoàn Văn Vươn mới ngớ người.

Trang trại của anh không được làm hồ sơ công nhận vì đất đai không được giao hay thuê lâu dài, vì vướng vào quy hoạch sân bay. Gần 10 năm trước nghe đâu có quy hoạch cảng hàng không quốc tế phía bắc ở huyện Tiên Lãng trên địa bàn bốn xã Quang Vinh, Tiên Hưng, Đông Hưng, Tây Hưng với diện tích đất khoảng 4.500ha. Sân bay vẽ lên rồi treo ở đấy nhưng kể từ đó những diện tích nuôi trồng thủy sản trong vùng bị “đóng băng” hoàn toàn, không được cấp sổ, không được giao đất.

15-45-56_dsc_0376
Nếu không có chính sách tốt thì vùng bãi mãi nghèo khó

Chủ đầm lao đao vì đói vốn. Đi vay ngân hàng luôn yêu cầu phải có sổ đỏ đất nông nghiệp mới được chấp thuận. Cạn kiệt, người dân chỉ còn cách sản xuất cầm chừng, thả ít tôm tép cầu may. Trong hơn 40 ha đầm anh Vươn chỉ sử dụng 12 ha còn lại phải cho thuê. Anh chua xót phá bỏ đi đàn vịt đẻ, dẹp giấc mơ xuất khẩu trứng vịt muối sang một bên. “Nông dân nghèo là từ những chính sách như vậy đấy. Một số lãnh đạo địa phương hay Sở NN-PTNT cũng trăn trở về vấn đề này lắm nhưng đành bó tay”. Anh tâm sự.

“Từ bao đời nay, quy luật ở vùng duyên hải là rừng lấn biển, thủy sản lấn rừng, lúa lấn thủy sản rồi cuối cùng hình thành làng mạc, thôn xóm. Khai thác, sản xuất rồi lại tái tạo nhưng gần đây công nghiệp đang phá vỡ dần chuyện đó. Huyện nào cũng có công nghiệp tập trung, xã nào cũng có nhà máy giầy da, may mặc, hóa chất, lợi tí về nhân công giá rẻ nhưng khiến cho các dòng sông, các cánh đồng ngập hóa chất còn con người thì ngập trong ung thư”.

(Ông Đoàn Văn Vươn)

 

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Đủ nước cho vụ đông xuân ở Đông Nam bộ

Các tỉnh Đông Nam bộ đang sản xuất vụ đông xuân trong bối cảnh nguồn nước được dự báo đáp ứng đủ cho nhu cầu sản xuất ở các công trình thủy lợi.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 2] Nỗi lo các khu neo đậu tàu thuyền

Trong những năm qua, hệ thống cảng cá ở các tỉnh Duyên hải miền Trung dù đã được đầu tư nâng cấp, nhưng hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.