TS Nguyễn Quang Chơn (ảnh) (Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam), là người có thâm niên nghiên cứu khoa học đất và dinh dưỡng cây trồng khu vực Tây Nguyên và Đông Nam bộ.
Ông nhận xét gì về việc bùng nổ diện tích hồ tiêu như hiện nay ở nước ta, đặc biệt là đối với vùng trọng điểm hồ tiêu như các tỉnh Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ?
Vì lợi ích trước mắt, việc phát triển diện tích hồ tiêu một cách ồ ạt và tự phát, thiếu sự quy hoạch hợp lý và chiến lược lâu dài, thì các hệ lụy tiêu cực chắc chắn sẽ xảy ra - không chỉ riêng cho người trồng hồ tiêu, mà còn ảnh hưởng xấu đến nguồn tài nguyên thiên nhiên, sự phát triển về kinh tế xã hội của quốc gia.
Việc trồng tiêu ồ ạt và tự phát sẽ xảy ra các vấn đề như sau:
a) Liên quan đến quỹ đất - nạn chặt phá rừng là điều không thể tránh khỏi;
b) Liên quan đến giá cả - bất cứ một loại hàng hóa nào giao thương trên thị trường, khi cung vượt cầu thì giá cả sẽ xuống thấp và loại hàng hóa từ cây hồ tiêu cũng không nằm trong trường hợp ngoại lệ;
c) Thâm canh - nhằm đạt được năng suất tối đa, người trồng hồ tiêu sẵn sàng đầu tư thâm canh “dư thừa”, cụ thể là việc sử dụng phân bón hóa học vượt cao hơn rất nhiều so với nhu cầu dinh dưỡng, ngoài việc lãng phí tiền của, còn tạo ra điều kiện thuận lợi cho các loại vi sinh vật có hại trong đất phát triển mạnh, tạo ra những mầm bệnh và bệnh dịch cho cây hồ tiêu;
d) Môi trường và chất lượng sản phẩm - lạm dụng phân bón hóa học, bón phân không cân đối và hợp lý sẽ gây ô nhiễm môi trường đất, nước ngầm và cả môi trường không khí. Bệnh dịch bùng phát, dẫn đến việc sử dụng thuốc BVTV tối đa nhằm bảo toàn năng suất, sẽ gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng sản phẩm hồ tiêu.
Tất cả những điều trên có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và tác động qua lại lẫn nhau như một vòng luẩn quẩn, nếu chúng ta không nghĩ đến việc phát triển cây hồ tiêu một cách hợp lý thì chắc chắn sẽ không có lối thoát cho sự phát triển cây hồ tiêu bền vững.
Là người chuyên nghiên cứu về lĩnh vực khoa học đất và dinh dưỡng cây trồng, ông có những khuyến cáo gì đối với việc bùng nổ diện tích hồ tiêu như hiện nay - nhất là đối với người trồng tiêu?
Trước tiên, đối với cấp quản lý Nhà nước, đặc biệt là cấp chính quyền địa phương ở những vùng trồng hồ tiêu lớn và có điều kiện tự nhiên phù hợp cho sự phát triển cây hồ tiêu như Tây Nguyên và Đông Nam bộ, cần có những chính sách và biện pháp mạnh, đủ tính răn đe nhưng cũng phải phù hợp với điều kiện về kinh tế xã hội hiện tại của người trồng hồ tiêu để quản lý chặt chẽ và ngăn ngừa việc phát triển diện tích hồ tiêu như hiện nay.
Hiện, diện tích trồng hồ tiêu của chúng ta đã vượt kế hoạch, vượt quy hoạch trong các định hướng và tầm nhìn phát triển cây hồ tiêu. Còn nữa, chúng ta cần những chính sách phù hợp và khuyến cáo nông dân không nên chặt cây trồng khác (ví dụ như cây cao su) để trồng hồ tiêu. Nếu chúng ta thực hiện tốt những điều này, tôi tin rằng cây hồ tiêu trong tương lai sẽ không như trường hợp của cây cao su hôm nay.
Với người trồng hồ tiêu, tôi xin có một vài khuyến cáo như sau: a) Đừng vì cái lợi trước mắt mà liều mình trong “canh bạc” trồng hồ tiêu. Chi phí đầu tư để trồng cây tiêu là rất lớn so với các cây trồng khác; cây hồ tiêu là cây lâu năm, cũng phải cần từ 3-5 năm mới cho năng suất và thu hồi vốn đầu tư.
b) Hiện có không ít người trồng hồ tiêu còn mù mờ trong các biện pháp canh tác như: Nguồn giống tốt, sạch bệnh và năng suất cao; cần thấu hiểu các đặc tính về đất, dinh dưỡng trong đất và nhu cầu dinh dưỡng trong từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây hồ tiêu, cần có đủ nguồn nước tưới trong mùa khô, biện pháp bảo vệ đất và duy trì sức sản xuất của đất, các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hợp lý, phòng ngừa các loại nấm gây bệnh nan giải cho cây hồ tiêu là bệnh chết nhanh, chết chậm.
Chi phí đầu tư để trồng cây tiêu là rất lớn so với các cây trồng khác (Ảnh minh họa)
Ông có nhận xét gì về việc một số doanh nghiệp tham gia với nông dân trồng tiêu, liên kết trong chuỗi sản xuất hồ tiêu bền vững?
Doanh nghiệp đóng một vai trò rất quan trọng trong việc góp phần nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị sản xuất các mặt hàng nông sản. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp đặt lợi nhuận doanh nghiệp cùng với lợi ích, thu nhập của người nông dân thì đây là mối quan hệ hoàn hảo và bền vững.
Nhu cầu phân bón cho ngành sản xuất trồng trọt ở Việt Nam ngày càng cao. Diện tích trồng hồ tiêu phát triển đột biến và người trồng hồ tiêu sẵn sàng đầu tư cao, do vậy nhu cầu phân bón cho cây hồ tiêu cũng tăng rất cao.
Hiện nay trên thị trường tồn tại song song 2 loại hình doanh nghiệp phân bón: Phân bón đảm bảo chất lượng tốt và phân bón không đảm bảo chất lượng và thành phần dinh dưỡng (chưa kể các loại hình phân bón giả với giá rẻ hơn nhiều so với các loại phân bón có chất lượng tốt).
Tôi xin lấy ví dụ một vài doanh nghiệp phân bón lớn, có chất lượng tốt có mặt ở vùng Tây Nguyên và Đông Nam bộ như: Phân bón Bình Điền, Phân bón Tiến Nông, Phân bón Năm Sao… Sản phẩm phân bón chất lượng tốt trước tiên cần hội đủ các yếu tố sau:
a) Có nguồn nguyên liệu sản xuất phân tốt và đảm bảo đúng thành phần dinh dưỡng ghi trên bao bì;
b) Quy trình sản xuất phân hiện đại và ứng dụng công nghệ cao, có hội đồng khoa học cố vấn chuyên môn về đất, phân bón và có quá trình nghiên cứu thử nghiệm trong phòng thí nghiệm đến đồng ruộng của từng sản phẩm phân bón mới trước khi đưa ra thị trường.
Nhà doanh nghiệp phân bón có chất lượng tốt, thường tạo ra các sản phẩm phân bón phối hợp đầy đủ, cân đối các chất dinh dưỡng phù hợp từng đợt bón phân cho từng cây trồng, kết hợp với các cơ quan truyền thông và nhà khoa học để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến các kỹ thuât canh tác, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và bảo vệ môi trường.
Từ vấn đề này, theo tôi, từ mối liên kết 4 nhà chúng ta có thể chuyển thành mối liên kết 5 nhà, đó là thêm nhà truyền thông.
Xin cảm ơn ông!