| Hotline: 0983.970.780

Chàng trai tật nguyền khắc giấc mộng đẹp

Thứ Hai 04/07/2011 , 10:28 (GMT+7)

Trong căn nhà nhỏ, Lê Trường Giang (SN 1980, ở thôn Lệ Kỳ 1, xã Vĩnh Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình) dành một góc trưng bày những tác phẩm điêu khắc.

Trong căn nhà nhỏ, Lê Trường Giang (SN 1980, ở thôn Lệ Kỳ 1, xã Vĩnh Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình) dành một góc trưng bày những tác phẩm điêu khắc. "Em mà được học nghề tử tế không khéo cũng làm được tượng bán để nuôi mình và giúp được ba mạ khi già yếu", Giang thì thầm với tôi. 

Bom bi phá tan giấc mơ đẹp

"Nếu không có buổi chiều khủng khiếp đó thì có lẽ em cũng khá hơn bây chừ nhiều", tiếng Giang như nhỏ lại và cậu hướng đôi mắt nhìn ra khoảng vườn rậm rạp. Đó là buổi chiều mùa hè khi Giang vừa tròn 9 tuổi. Hôm đó, Giang cùng đám bạn học còn thò lò mũi xanh, quần tụt dưới rốn hò nhau đánh bò lên chăn ở vùng đồi vườn cậu. Đang lim dim mắt thả hồn dưới tán cây duối thì nghe đám bạn la choi chói có quả bom bi lộ ra dưới đất. Bom bi thì lạ gì, sau chiến tranh lên vùng đồi thì còn vô khối. Nghĩ vậy, Giang ngồi dậy, chụp chiếc mũ vải lên đầu rồi ra xem. Gạt đám bạn xúm quanh quả bom, Giang kiếm cục đá để ném cho nó nổ, phòng khi lỡ bò đạp trúng. Vừa ném, Giang vừa bổ sấp người xuống như các chú bộ đội tập ném lựu đạn. Bom nổ trong khi Giang chưa nằm được sát đất. Một viên bi đã xiên vào lưng cậu, làm tổn thương tuỷ sống. Cả nhà gom lúa gạo, bố mẹ vay mượn hết bà con, họ hàng để có tiền đưa Giang hết bệnh viện này đến bệnh viện khác để chữa trị nhưng chữa mãi cũng không khỏi và Giang phải sống trong tình trạng thoái hoá xương suốt đời.

Nén những cơn đau buốt xương, gắng học xong lớp 9 thì Giang bị cứng đơ từ đùi đến cổ, không ngồi, không quay đầu được, chỉ có đứng hoặc nằm thẳng, hai chân teo lại. Không thể đến trường nhưng cũng không thể nằm trong nhà nghe chim hót. Đi chăn bò, Giang ngồi lên cái đèo hàng của chiếc xe đạp, rồi dùng gậy đẩy xe đi. Ban đầu cũng khó, tay chống gậy đến bầm máu. Sau rồi cũng quen. Chiếc xe đạp là đôi chân của Giang. Cái gậy là cơ bắp đưa “đôi chân” ấy đi. Không đi học được vì không thể ngồi được giờ đồng hồ vì đau. Nhưng nhìn bạn bè kháo nhau chuyện đến trường, Giang lại tấy lên nỗi đau khác. Nỗi đau mình là phế nhân khó có tương lai cứ hình thành rồi ngày càng lớn len trong đầu nên đã từng có ý định lên đường sắt lao đầu vào tàu lửa tự tử.

"Rứa mà em cứ sống trong những dày vò ấy cho đến năm tròn 20 tuổi. Một lần thấy ti vi chiếu một cảnh đời bị liệt hai chân, ngồi xe lăn mà vẫn học làm được nghề máy tính nuôi mình, giúp gia đình, em như thấy mình có cơ hội để bứt lên", Giang vuốt mái tóc cứng vì nắng gió, cười rót thêm nước cho khách.

Mỗi bức tượng là một khát vọng

Hằng ngày loanh quanh dưới chân đồi với lũ trẻ chăn bò, Giang thường nhặt những tảng đá bùn nhỏ rồi ghè đẽo chơi. Đẽo đá chán, lại theo bạn bè lấy đất sét nặn chim, nặn hình người, các loại quả... Giang kể: “Càng nặn thấy càng giống, nên đến đầu năm 2006 mới nghĩ là dùng đá mềm khắc tượng coi ra răng. Ngày đầu làm trên đá rất khó, vì cái lưng của em khó cho người cúi gập xuống được”.

Không cúi được nên ban đầu Giang chỉ dùng những mảnh đá nhỏ rồi đặt lên yên xe đạp, vừa chăn bò vừa khắc thử. Dụng cụ điêu khắc của Giang là những que sắt xây dựng phi 6, phi 10 đập dẹp một đầu rồi mài sắc, hoặc là những que sắt nhỏ hơn kiếm được đâu đó trong làng. Cứ thế những bức tượng nhỏ dần hiện ra hình thù qua bàn tay khéo léo của Giang. Mọi người trong làng thấy đẹp nên ai cũng động viên Giang cố làm.

Làm được đá nhỏ thì cũng làm được đá lớn, nghĩ vậy nên Giang tìm kiếm đến những khối đá lớn hơn. Không thể tự mình vác đá về nhà được, Giang nhờ đám bạn chăn bò khiêng về dùm. Ông Hưng (bố Giang) thấy con có đam mê và cũng có chút năng khiếu về cái nghề mà người trong làng cũng chưa biết đó là nghề gì nhưng cũng mừng lắm, ông lấy cái cột nhà cũ ra cưa đôi và chôn xuống ngang tầm tay, làm nơi điêu khắc cho Giang. Thế là hôm thì nhờ ba, hôm thì nhờ bạn chăn bò đặt đá lên đỉnh cột, Giang mày mò khắc đá thành hình theo cách của mình. Có bức tượng làm gần xong, đứa bạn đến chơi, Giang kéo nó ra khoe. Tưởng bạn khen, ai dè nó ngắm qua rồi trề môi:

- Nhìn giống cái bà điên điên đi qua làng mình tháng trước hè!

Đợi khi bạn về rối, Giang ra vườn, vật bức tượng xuống rồi lấy búa đập cho tan tành. Bõ tức, Giang lại hì hục cố sức vần một cục đá khác đến sát chân cái giá đỡ bố tọ cho để chiều nhờ đứa bạn khác bê lên giá.

Sau nhiều lần bực tức xô ngã đá xuống đất vì làm không ra gì, đến năm 2007 Giang đã làm ra được các bức tượng ưng ý. Ngoài 30 tác phẩm hiện Giang đang cất giữ tại nhà, nhiều tác phẩm Giang đã đem tặng bạn bè chăn bò với nhau, hoặc người trong làng. Đám bạn chăn bò ấy vài ngày lại kéo nhau đến nhà nhờ Giang bày cho cách đục gọt đá tìm niềm vui. Sự sẻ chia ấy tiếp thêm cho ước mơ cháy bỏng của Giang về nghề điêu khắc sau này.

Trong căn nhà nhỏ của gia đình, Giang dành khoảng trống sát tường đặt các bức tượng đã hoàn thành. Hàng chục bức tượng đủ các cỡ được đặt ngay ngắn trên ba cái bàn gỗ đóng rất sơ sài. Nhìn vào, không ai nghĩ những bức tượng đó là do Giang - chàng chăn bò tàn tật đã làm ra. Các bức tượng đều được làm khá kỹ, đường nét tuy chưa thật rành rẽ nhưng đã bộc lộ rõ ràng năng khiếu điêu khắc của chủ nhân. Giang nghĩ ra khá nhiều chủ đề như: Ông già ngồi hóng mát dưới gốc đa, anh bộ đội và thiếu nhi, thiếu nữ, ông già buông chài đánh cá, ông già hút thuốc lào... trong đó nhiều nhất là về thiếu nữ, phụ nữ.

Trong số hơn 30 tác phẩm điêu khắc đá lớn nhỏ mà Giang đã hoàn thành từ trước đến nay, anh quí nhất là bức tượng Bác Hồ. Để làm ra bức tượng Bác, Giang phải lên hội trường xã và thôn nhìn mẫu rất nhiều lần. Nhìn rồi cố nhớ như in trong đầu từng đường nét trên khuôn mặt Bác. Phải qua hàng chục ngày tỉ mẩn thì bức tượng Bác Hồ mới được hoàn thành. Nhưng Giang còn băn khoăn: "Tuy rứa nhưng nhìn chưa được giống Bác lắm. Sau ni quyết tâm mần cho được một bức tượng Bác Hồ thật giống mới chịu".

Giang khoe: “Bức tượng em đặt tên "Thiếu nữ" chiếm khá nhiều thời gian. Em hoàn thành sau gần ba tháng làm tới sửa lui”. Bức tượng bằng đá trắng, thiếu nữ ngồi nghiêng với khuôn ngực căng tròn đầy sức sống. Nét mặt được khắc họa với nét đẹp thôn nữ mặn mà, gợi cảm và cũng ẩn chứa nỗi khát khao.

- Vậy có ai làm người mẫu cho em thể hiện bức tượng này không? Tôi hỏi.

- Không mô anh nờ. Em cứ chọn mỗi cô gái một nét gì đó, hoặc là khuôn mặt, hay đôi mắt, mái tóc rồi nhắm mắt tưởng tượng ra thôi. Trong đó, có cô bạn gái ngày xưa có khuôn mặt đẹp lắm. Mà cũng phảng phất thôi. Nhớ đến thì mình làm chứ cũng chẳng phải nhớ thương chi đâu. Em tàn tật vậy thì có ai nhìn đến!

Niềm đam mê làm tượng đang nuôi khát vọng sống cho Giang. Giang bộc bạch: “Em tự mày mò ra rứa thôi chớ chưa rành cái chi cả. Ước chi mà em được đi học qua một lớp điêu khắc cơ bản thì tốt biết mấy. Nhưng nếu mần tượng không đem lại lợi ích chi về kinh tế cho em sau ni, thì ít ra mần tượng cũng đem lại cho em niềm vui để sống với ba mạ, để có sức chăn bò giúp cho ba mạ”.

Ông Hưng không giấu được niềm vui, nói: “Hắn nói là gắng mần cho được để sau ni kiếm nghề mà sinh sống. Chộ hắn có tài vặt rứa nên tui có ý định cho hắn vô làng khắc đá Non Nước ở Đà Nẵng học lấy nghề, may ra sau ni mần các sản phẩm du lịch bán cho khách mà nuôi thân khi ba mạ đã già yếu”.

Ý định là vậy, nhưng hoàn cảnh kinh tế của gia đình ông Hưng hiện nay chưa thể lo nổi cho Giang. Nhưng mỗi ngày trên chiếc xe đạp cà tàng rong ruổi khắp các ngọn đồi cùng với con bò, Giang không nguôi nuôi mơ ước với điêu khắc để tìm cho mình lẽ sống…

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm