| Hotline: 0983.970.780

Chiếc hồ lô thần kỳ

Thứ Hai 18/10/2010 , 10:15 (GMT+7)

Xuất phát từ cái tâm của người trồng chè, nông dân Nguyễn Văn Hoàn ở thôn Tiền Phong, xã Phú Lâm (Yên Sơn, Tuyên Quang) tự mày mò và cho ra đời chiếc máy hút sâu bọ khiến ai cũng phải thán phục.

Anh Hoàn đang hút sâu cho nương chè nhà mình
Ngành nông nghiệp nước ta đang đẩy mạnh áp dụng tiêu chuẩn VietGap, Global Gap vào sản xuất để theo kịp với xu thế phát triển của khu vực và thế giới. Chẳng biết VietGap hay Global Gap là gì nhưng xuất phát từ cái tâm của người trồng chè, nông dân Nguyễn Văn Hoàn ở thôn Tiền Phong, xã Phú Lâm (Yên Sơn, Tuyên Quang) tự mày mò và cho ra đời chiếc máy hút sâu bọ khiến ai cũng phải thán phục.

Mượn gió diệt sâu

Sau khi rinh giải nhì một cách thuyết phục tại cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc” lần thứ 3 vừa được tổ chức tại Hà Nội, anh Nguyễn Văn Hoàn bỗng dưng nổi như cồn với người dân xã Phú Lâm. Sở dĩ anh được nhiều người biết đến như vậy không phải do anh đoạt giải, mà lúc mới bắt tay vào chế tạo chiếc máy “giời ơi đất hỡi” đó anh bị dân làng bĩu môi cười cho một trận. Họ bảo anh không lo mà làm ăn lại nghĩ ra cái trò trẻ con ấy làm gì cho tốn công mất việc. Thế mà đùng một cái anh ẵm giải đem về khiến bà con lối xóm quê hương mát mày mát mặt. Cũng từ hôm ở Hà Nội về đó, người dân nơi đây đặt cho cái máy của anh Hoàn một cái tên nghe ngồ ngộ là chiếc “hồ lô” hút sâu.

Chúng tôi lặn lội hơn 100 cây số từ Hà Nội lên Tuyên Quang chỉ vì quá tò mò muốn xem cái máy hút sâu của nông dân Nguyễn Văn Hoàn tròn méo thế nào mà nghe thần kỳ như trong phim Tây Du Ký vậy. Đang ngồi nhấp chén trà, thấy có người đến tìm hiểu chiếc máy hút sâu của mình, không dài dòng văn tự, anh Hoàn cầm can xăng đổ ồng ộc vào máy khoác lên vai mời chúng tôi ra ngoài nương chè khắc rõ. Giật rơ - le đánh phịch, chiếc máy hút sâu bắt đầu kêu vè vè như máy bay trực thăng hạ cánh.

Với thao tác không khác gì một người công nhân cây xanh đô thị đang cắt cỏ, anh Hoàn rà qua rà lại chiếc máy sát ngọn luống chè xanh mơn mởn. “Cái máy hút sâu của tôi mạnh gấp cả chục lần máy hút bụi Tô - si - ba  quảng cáo trên tivi ấy nhỉ? Đấy anh xem, chỉ sau 10 phút mà chiếc túi vải phía sau đã có một nhúm sâu bằng hạt mít rồi này”, anh Hoàn khoe và chìa chiếc túi cho tôi xem. Quả thật vô cùng bất ngờ, ở đáy chiếc túi lúc nhúc nào là nhện đỏ, sâu đo… bị gió và cánh quạt dập cho nhừ tử, con gãy cánh, con lòi ruột nằm ngổn ngang.

Bỏ chiếc máy khỏi vai, nở một nụ cười thân thiện rồi ngồi bệt xuống ngay nương chè xanh thơm phức không có lấy một chút mùi thuốc hóa học, anh Hoàn mân mê vạt áo tâm sự. Sinh năm 1963 trong một gia đình ba đời là nông dân chính hiệu nên từ nhỏ Hoàn đã gắn bó với cây lúa búp chè. Ngày anh lấy vợ ra ở riêng, bố mẹ chỉ cho anh được mấy sào ruộng để cấy lúa ăn. Đứng trước cái đói cận kề, anh Hoàn một mình bỏ vào khu đồi hoang toàn cỏ may và cây phân xanh phát nương trồng chè kiếm kế sinh nhai. Sau bao nhiêu năm đổ mồ hôi sôi nước mắt ra gây dựng kiến tạo, anh Hoàn đã sở hữu trong tay một đồi chè rộng hơn 15ha. 

Chế tạo hồ lô vì không muốn chết non

Phải thừa nhận nghề làm chè cho thu nhập cũng khá nhưng vất vả, độc hại vô cùng. Đặc biệt, sau mỗi lứa chè hay chuẩn bị đến lứa thu hoạch mới, người làm chè ở Phú Lâm trong đó có anh Hoàn lại phải phun hàng chục bình thuốc sâu cho 1 ha. Chè là loại cây trồng có rất nhiều loài sâu trú ngụ phá hoại, nếu không phun liên tục lập tức lứa sau thất thu ngay. Vì bọ rầy, nhện đỏ, bọ cánh tơ… bâu đến hút nhựa khiến lá chè xoăn tít đen sì lại như da cóc.

 “Nhiều hôm nắng nóng bị say thuốc sâu tôi nằm vật ra luống chè mà người mềm nhũn như dưa. Lần khác thì phun phải loại thuốc độc hại, bình phun lại tậm tịt, thuốc sâu rò rỉ ra khiến cơ thể ngứa ngáy mẩn đỏ khắp nơi, bực mình quá tôi quăng luôn bình đi không thèm phun nữa. Đêm đó, ảnh hưởng của thuốc sâu tôi trằn trọc mãi không ngủ được, bất ngờ trong đầu tôi lóe lên một ý tưởng là tại sao mình không chế tạo ra một chiếc máy hút sâu như người ta vẫn hút bụi để đỡ phải phun sâu độc hại nhỉ?”, anh Hoàn hào hứng kể lại.

Ngay hôm sau, anh Hoàn bắt xe lên thị xã Tuyên Quang tìm mua linh kiện máy móc nhưng không có. Vậy là anh lại phải lặn lội xuống tận thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) mới mua được chiếc máy cắt cỏ cũ của Nhật Bản đem về mày mò, mân mê. Nhưng do không có kiến thức cơ khí trong tay nên chỉ làm được vài ngày anh Hoàn đâm chán nản vì chẳng biết bắt đầu từ đâu và làm như thế nào. Ý tưởng sáng tạo chiếc máy hút sâu của Hoàn đứng trước nguy cơ đổ bể thì anh bỗng nghe tin một người trong làng bị ngất do ngộ độc khi phun thuốc trừ sâu. “Không được, phải chế tạo bằng được cái máy hút sâu chứ suốt ngày gắn lưng với cái bình phun sâu không chỉ độc hại đến bản thân mà còn ảnh hưởng đến cả người uống chè nữa chứ! Rồi có ngày chết non mất”. Hoàn tự nhủ như vậy.

Trăm bó đuốc cuối cùng cũng bắt được con ếch. Thử nghiệm mãi rồi cũng có đến ngày anh Hoàn chạm tay được vào thành công. Rút kinh nghiệm từ lần trước anh đo đạc, tính toán thật tỉ mỉ chi tiết từng bộ phận của máy. Với chiếc máy cắt cỏ anh Hoàn tháo chiếc lưỡi ra và lắp một cánh quạt có chiều gió từ dưới lên vào. Tiếp theo anh gia công một bộ vỏ hình tròn có đường kính bằng lồng chiếc quạt nhỡ bọc bên ngoài. Phía sau là những thanh chướng ngại vật và một túi vải có lỗ thoáng để không khí thoát ra nhưng sâu bọ vẫn bị giữ ở lại.

Khi hoạt động, cánh quạt quay với vận tốc hàng nghìn vòng trên/phút tạo nên một luồng gió rất mạnh hút tất cả các con sâu bướm bọ rầy đang bay trên ngọn chè. Thế những con sâu đo chưa trưởng thành bám chặt vào lá chè thì không hút được hả anh? Tôi thắc mắc. Như đoán trước được tôi sẽ hỏi câu này, anh Hoàn cười vội đáp: “Lúc đầu tôi cũng nghĩ như anh vậy. Nhưng khi thực hành tôi mới vỡ ra rằng, thông thường khi thấy động, tất cả các loại sâu có cánh hay sâu đo đều có phản xạ tự nhiên là bay hoặc búng mình chạy trốn. Lúc đó gặp sức hút khủng khiếp của chiếc hồ lô phía trên thì chúng có mà chạy đằng trời”.

Cũng theo lời ruột gan của anh Hoàn, nếu dùng máy hút sâu thay thuốc bảo vệ thực vật thì tự dưng phải mất thêm một công nữa song giá chè sạch với giá chè “bẩn” bây giờ ngang nhau thì ai người ta dại gì mà đi mua việc vào người. Chính vì thế anh Hoàn cũng mạnh dạn xin được đề xuất Nhà nước mình nên có một chính sách ưu đãi cho những hộ sản xuất chè sạch chứ kiểu vàng thau lẫn lộn mãi như hiện nay thì thiệt thòi cho người có lương tâm sản xuất chè sạch quá.
Ngoài chè ra máy có hút được sâu ở các loại cây trồng khác không? Tôi hỏi tiếp. Vẫn cái giọng phấn khởi đó anh Hoàn giải thích tỉ mỉ hơn: “Do tán chè bằng phẳng cộng với việc sâu bọ của chè tập trung chủ yếu phía trên tán non nên máy hút sâu mới phát huy hết hiệu quả. Các loại hoa màu như rau củ quả thì máy vẫn hút được bình thường, nhưng với cây lúa thì chịu bởi thân lúa rất cao, sâu bọ lại tập trung dưới gốc và kẽ lá nên máy không hút được. Giả sử máy có đủ mạnh để hút tới thì ngoài sâu sẽ có cả thóc ở phía sau cái hồ lô nữa. Nhưng mà với cây mạ thì máy lại hút ngon ơ, tôi đã thử rồi”.

Anh Hoàn thẳng thắn thừa nhận chiếc máy mặc dù đoạt giải nhưng vẫn chưa thật sự hoàn thiện và còn tồn tại một số điểm yếu. Với trọng lượng 10kg, giá thành sản xuất hết gần 4 triệu đồng mỗi ngày chiếc máy có thể hút sâu cho hơn 1 ha chè tiêu tốn hết 3 lít xăng. Nếu đem so sánh với phun thuốc trừ sâu thì công sức bỏ ra gấp đôi nhưng chi phí cũng giảm đi được một nửa. “Tôi đang cố gắng cải tiến nâng công suất của máy lên cao hơn nữa và chuyển từ máy chạy xăng sang chạy dầu cho giảm bớt chi phí. Tiếp đó tôi sẽ thay việc khoác máy hút sâu mỏi nhừ vai như hiện nay sang di chuyển bằng cơ giới, như vậy thì chiếc “hồ lô” của tôi mới thật sự trở nên thần kỳ đúng như lời bà con người ta đang ngợi ca”, anh Hoàn cho hay.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm