| Hotline: 0983.970.780

Chính quyền bất lực đến khó tin

Thứ Sáu 07/09/2012 , 11:47 (GMT+7)

Sau vài lần đến "vườn trời" trị bệnh, chúng tôi đến gặp chính quyền, từ tỉnh đến địa phương huyện, xã để hỏi quan điểm chính thức đối với khu vườn.

Sau vài lần đến "vườn trời" (ấp Tân Hội, xã Đức Lập Thượng, Đức Hòa, Long An) trị bệnh, chúng tôi đến gặp chính quyền, từ tỉnh đến địa phương huyện, xã để hỏi quan điểm chính thức đối với khu vườn.

>> Mê muội “vườn trời”

Hầu hết đều khẳng định khu vườn chẳng có tác dụng gì trong việc khám và điều trị bệnh. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong tuyên truyền, vận động và giải thích cho dân chúng, cũng như trả lời báo chí của địa phương là các văn bản kết luận và chỉ đạo xử lý khu vườn đều đóng dấu “MẬT”, không thể phổ biến.

Không ít các cuộc họp của các cơ quan chức năng của tỉnh Long An cũng như huyện Đức Hòa được tổ chức để nghiên cứu, phân tích thực trạng và tìm biện pháp thích hợp với việc tụ tập chữa bệnh ở “vườn trời” của nhà bà Võ Thị Ngoan (Ba Ngoan), nhưng cuối cùng khu "vườn trời” vẫn hoạt động rầm rộ.

Trong khi các tờ rơi tuyên truyền vận động bà con không mê tín dị đoan của Ban Tuyên giáo huyện nhanh chóng bị phi tang thì những bài thơ ca ngợi “vườn trời” thì lại được photo bán rộng rãi.


Bệnh nhân la liệt trong vườn với can nước giếng linh thiêng

Cán bộ huyện bị đuổi xơi xơi

Chúng tôi được chứng kiến cuộc giao lưu giữa các bệnh nhân “nan y” cũ với bệnh nhân mới. Xen giữa các báo cáo bệnh tình là những tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn”. Đám đông bệnh nhân đang vui vẻ lắng nghe một bệnh nhân (được giới thiệu là nhờ cầu nguyện ở vườn mà hết hen, lao xương?) hăng hái hát phục vụ, thì bỗng cô Út Hồng - con gái bà Ba Ngoan, từ trong nhà phóng ra giữa sảnh hét to: “Ai cho mấy người kia quay phim chụp hình ở đây? Các người đã xin phép gia đình tôi chưa?”. Rồi cô quay sang quát những người đang giao lưu: “Mọi người mải nói chuyện để người ta quay phim chụp ảnh lén mà không hay biết gì hết là sao? Mấy cậu đứng ngoài ra hỏi họ là ai? Ở đâu mà dám đến đây mang cái máy tổ bố chĩa vô nhà quay phim rần rần vậy?”.

Tôi nhìn ra cánh cửa, một nhóm 2,3 thanh niên cao to, khỏe mạnh đang quay phim. Một anh sử dụng máy quay chuyên dụng khá lớn và một anh dùng máy quay phim nhỏ đang tiếp tục quay mặc kệ cho cô Út Hồng la hét. Một hai thanh niên từ trong nhà bước ra, hầm hừ lấy tay che ống kính, gặng hỏi lai lịch rồi quay vào báo: Họ nói họ là cán bộ huyện Đức Hòa xuống. Bên ngoài đang có Phó chủ tịch và Trưởng ban Tuyên giáo huyện đứng chỉ đạo.

Út Hồng gay gắt: “Huyện thì huyện, đây là đất của gia đình, muốn quay phim gì phải xin phép gia đình, xin phép bệnh nhân mới được quay. Không xin phép thì đuổi họ ra”.

Nói rồi cô quay ra, đứng chống nạnh, trấn an mọi người: “Bà con thấy không, cái vườn này tồn tại 10 năm rồi, ai có lòng tin thì tới, ai ở 5, 7 bữa mà không có lòng tin thì cứ về, con không giữ. Vậy mà từ xã tới huyện, từ huyện tới tỉnh cứ tới lui hoài, đủ biết gia đình con khổ như thế nào. Bà con yên tâm, họ có bắt thì vào bắt Út Hồng; vì bệnh nhân, nếu Út Hồng phải chết để bà con cô bác được yên ổn trị bệnh thì Út Hồng cũng sẵn sàng”.

Vừa nói, Út Hồng vừa xoay người nhìn chăm chú mặt từng người tham gia giao lưu, vừa kể lể: “Út Hồng và gia đình sống bằng gì mà để mọi người đến vườn trị bệnh không lấy tiền? Vì đây là đất thiêng của trời, Út Hồng đã dành cho bà con sử dụng rồi. Nhưng gia đình vẫn còn đất đai ở Bình Phước nhiều lắm. Ở đó Út Hồng nuôi chó, nuôi gà…, bất cứ con gì bán được là Út Hồng nuôi. Sáng nay 1 xe chở gà từ trại Bình Phước về để bán cho bà con ăn. Cái này công lao động của Út Hồng nên Hồng bán, giá cả theo thị trường, không đắt hơn. Chó của Út Hồng cũng đang mang về gửi ở đây 20 con…".

Cứ thế Út Hồng đứng chống nạnh, hua tay múa chân khoe về sự mát tay chăm gà, chăm chó của mình. Cô còn khoe trên Bình Phước cô trồng cả ha nhãn, cô còn định nuôi bò… nhưng rồi ngẫm lại, ông bà dạy "chín nghề không bằng nghề chính".

“Ông bà có biết nghề chính của Hồng là nghề gì không? Là giữ ông bà. Vì vậy, ông bà nào chỉ cần nói là Hồng ơi, ông/bà bệnh, là Út Hồng lo cho ông bà vô vườn chữa bệnh”.

Út Hồng nhấn mạnh: Không cần trả ơn mà Út Hồng chỉ cần cô bác khỏi bệnh rồi thì cứ vài ba tháng nhớ ghé lại vườn, thắp nén nhang cho trời là được rồi.

Vì sao địa phương bất lực?

Sau khi đoàn quay phim rút lui, đại diện chính quyền bước vào làm việc. Khi ông Nguyễn Khắc Tú, Chủ tịch UBND xã Đức Lập Thượng, giới thiệu thành phần cán bộ gồm có Phó chủ tịch UBND huyện và Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đức Hòa thì lúc này, cô Út Hồng rút lui vào trong để bà Ba Ngoan và nhóm bệnh nhân đứng ra làm việc.

Khi ông Trần Văn Lực, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Đức Hòa, khẳng định: “Khu vườn không có khả năng trị bệnh. Đã có 13 bệnh nhân được cho là đã khỏi bệnh khi đang điều trị tại đây nhưng đều đã chết, thậm chí bố chồng  của chủ vườn cũng đã quy tiên”, thì lập tức một người lớn tuổi bước ra phản bác: “Sống chết là số trời, thiếu đức tin thì trời không cứu”.

Nói về vấn đề sóng từ trường tạo nên những vầng hào quang khi chụp ảnh, ông Trương Phước Thuận, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Long An, cho biết: Tất cả chỉ là do cách chụp ngược sáng và kỹ xảo photoshop. Sở đã từng mời Phân viện Nghiên cứu - Khoa học kỹ thuật Bảo hộ lao động tại TP.HCM đến khảo sát điện từ trường khu vườn, đo cường độ điện từ trường tần số cao và cường độ điện từ trường tần số thấp bằng máy đo Survey Meter HI - 4456 Holaday -USA và máy đo Eletromagnetic Field Survey-Holaday-USA. Kết quả, cường độ điện từ trường trong khu vườn rất nhỏ so với tiêu chuẩn trong khu làm việc, khu dân cư. Với mức từ trường ấy, sức khỏe người dân không hề bị ảnh hưởng và việc trị bệnh là điều không thể.

Cứ thế, những người tự xưng đã hết các bệnh nan y nhờ khu vườn thay phiên nhau đứng ra diễn thuyết về sự khỏi bệnh thần kỳ của mình. Phản bác ý kiến phê phán “mê tín”, họ gọi hiện tượng phát sáng từ trường trong ảnh, khả năng trị bệnh của nước giếng khu vườn là “chuyện lạ, khoa học chưa thể giải thích”, nó tương tự như chuyện những người có khả năng ngoại cảm để tìm mộ vậy.

Khác với khi giao lưu, trước khi kể về sự khỏi bệnh thần kỳ của bản thân, họ đều tự xưng là giáo sư, giảng viên đại học, là trí thức có thâm niên hoạt động cách mạng… Các cán bộ xã, huyện định ngắt lời họ để nói chen vào thì lập tức bị những người xung quanh phản đối với lời trách “trẻ mà hỗn, không tôn trọng người có tuổi”.

Cứ thế, cuộc tranh luận không thể kết thúc bởi những bệnh nhân vỗ ngực xưng danh giáo sư, tiến sĩ. Để tìm hiểu thêm, chúng tôi gọi điện lại các trường đại học mà họ nêu, thì lãnh đạo các trường này đều cho biết, không hề có giáo sư nào tên như vậy.

Mặc dù khẳng định quan điểm quyết tâm xử lý các hoạt động trái phép tại khu vườn của bà Võ Thị Ngoan cũng như các hộ xung quanh, nhưng huyện Đức Hòa cũng chỉ có thể lập biên bản, xử lý và cưỡng chế tháo dỡ 3 nhà trọ xây dựng trái phép. Còn những nhà nghỉ có phép thì chỉ có thể kiểm tra tạm trú, tạm vắng. Ông Nguyễn Khắc Tú cho biết, cả 9 nhà trọ đang hoạt động đều không có giấy kiểm tra ATVSTP. Và cán bộ xã chỉ có thể… hướng dẫn họ làm thủ tục để được kiểm tra ATVSTP mà thôi.

Và cũng như mọi lần vào kiểm tra, tuyên truyền với người bệnh của khu “vườn trời”, sau một hồi tranh luận không có kết quả, đoàn cán bộ xã và huyện đành đứng lên đi về.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm