| Hotline: 0983.970.780

Chợ "kỳ thạch" xứ Thanh

Thứ Tư 07/12/2011 , 10:51 (GMT+7)

Suốt quãng đường chừng nửa cây số bám dọc hai bên QL1A đoạn chạy qua khu 7 phường Bắc Sơn (thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa), chúng tôi thấy ngổn ngang toàn “kỳ thạch” (những viên đá, khối đá có hình thù kỳ lạ). Nghe đồn đã lâu, nay đến mới thấy quả là “danh bất hư truyền”.

Hiện diện ở đây toàn là đá quý, hay gọi theo cách gọi của giới buôn đá thì đây toàn là “đá cao cấp”, viên nhỏ nhất chỉ cỡ nắm tay người lớn, viên to tới vài ba chục tấn, cao ba bốn thước tây. Đó là các loại đá can xít, thạch anh, cẩm thạch, thổ cẩm…rực rỡ, long lanh đủ màu đủ sắc. Chỉ một loại đá can xít thôi, đã có cả chục sắc màu khác nhau như vân mây, hỏa hoàng, chu sa, hồng, vân mây pha hồng, vân mây trên nền trắng, vân mây trên nền chu sa…

Đá thổ cẩm, đúng như tên gọi của nó, trên mặt đá có những đường vân trông như những nét hoa văn trên những tấm khăn piêu, tấm rang váy… của bà con các dân tộc ít người. Phong phú nhất là hình dáng của các loại đá. Có viên trông như một trái phật thủ, có viên như một cây san hô, có viên trông rõ là một cánh buồm đang no gió, rồi thì viên hình con nghê, viên hình con rùa, con hạc, con gà… Không thể nào tả hết được.

Anh Nguyễn Văn Bình không giấu được vẻ tự hào khi dẫn chúng tôi đi xem một khối thổ cẩm cao 3,3 mét, rộng chừng hơn 2 mét và chiều dài dễ đến trên 3 mét mà anh mới “nhập” được. Nhìn khối đá, tôi sững sờ bởi nó giống hệt một con rồng với cái đầu ngẩng cao, đuôi cuộn lại rất mềm mại. Chỉ hơi tiếc là để khối đá được giống con rồng hơn, anh đã thuê thợ về trau chuốt phần đầu thành vây rồng, răng rồng, khiến nó mất đi một phần vẻ tự nhiên, hoang sơ…

Chị Nguyễn Thị Mai, chủ một cửa hàng bán đá, bảo:

- Nhìn đá, tùy theo trí tưởng tượng của mình mà người ta hình dung ra nó mang hình ảnh nào. Như ba khối đá can xít màu hỏa hoàng xếp liền nhau kia, người này bảo là “tam đa” (ba ông Phúc, Lộc, Thọ), người khác lại bảo là “Đường Tăng tam đồ” (ba đồ đệ của Đường Tăng), khối thấp nhất, đoạn giữa phình to, chân và ngọn thót lại là Trư Bát Giới. Khối trong cùng trông rất cổ quái, là Sa Tăng. Khối ngoài cùng có cái dáng vút lên, trông rất linh động, là Tôn Hành Giả. Người khác nữa lại đặt cho nó cái tên là “Tam Sơn hội ngộ” (ba ngọn núi thiêng họp lại)…

Chỉ trừ một số khối đá thổ cẩm hay đá granit đen loại lớn được chủ nhân của chúng chế tác thành những bộ bàn trà (một bàn 6 ghế) và trừ trường hợp khối đá cẩm thạch hình rồng của anh Bình nói trên, còn lại, thì những khối đá được bày ở đây vẫn giữ được vẻ nguyên sơ, hầu như không có dấu vết tác động của bàn tay con người, chính vì thế mà nhìn mỗi viên đá hay khối đá, người ta được mặc sức thả hồn cho trí tưởng tượng bay bổng, đúng như lời chị Mai nói.

Chỉ khi nào khách có nhu cầu (như làm hòn non bộ chẳng hạn) thì người bán mới chở đá đến nơi cắt gọt, lắp ghép. Và vì là đá cao cấp, nên giá của chúng cũng rất “cao cấp”. Anh Bình cho biết:

- Hai loại đá cẩm thạch và thạch anh chỉ được dùng để “trấn trạch”, nghĩa là đặt viên đá ở một chỗ thích hợp trong nhà để cầu may mắn, toàn gia khỏe mạnh, làm ăn phát đạt, quan lộ hanh thông… thôi, chứ làm hòn non bộ thì không thích hợp.

Chỉ viên cẩm thạch mỗi chiều chừng hơn gang tay, chiều cao nhỉnh hơn một chút, hỏi giá bao nhiêu, anh bảo phải đúng 10 triệu đồng. Khối đá thổ cẩm hình con rồng được anh phát giá 400 triệu, nếu được giá ấy thì người mua sẽ được tặng thêm một cái bệ bằng đá đen để đặt rồng lên. Ba khối đá can xít màu hỏa hoàng mà người bảo tam đa, người bảo tam đồ, người ví chúng như ba ngọn núi thiêng…của chị Mai được phát giá 130 triệu đồng…

Hỏi nguồn đá lấy từ đâu? Các chủ cửa hàng đá cho biết, họ lấy ở khắp các tỉnh. Cứ nghe thông tin nơi nào đào được đá quý, đá đẹp là tìm đến, hoặc người tìm được đá tự mang đến, nhưng nguồn từ ngay xứ Thanh này là nhiều nhất. Thanh Hóa là nơi nổi tiếng có nhiều đá quý, đá đẹp. Hồi xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, những người thợ đá xứ Thanh đã tìm được một khối cẩm thạch màu đỏ tươi. Cách đây mấy năm, một doanh nhân ở Hà Nội đã mua được ở Thanh Hóa một khối ruby màu hồng sao, mang về chế tác thành một quả cầu đồng tâm có đường kính trên 2 mét rồi mang cúng dường ở chùa Yên Tử.

Do những loại đá cao cấp có giá trị lớn, nên từ nhiều năm nay, nhiều người dân ở các huyện miền núi Thanh Hóa đã đổ xô đi lùng đá. Một người dân ở huyện Bá Thước vừa mang khối thạch anh hơn 2 tạ xuống bán cho một cửa hàng, kể cho chúng tôi nghe:

- Đá quý đâu phải dễ tìm. Phải băng rừng vượt suối, phải trèo lên chót vót núi cao, những nơi chưa từng có vết chân người. Đá quý không mấy khi lộ thiên mà nó nằm chìm, nằm chẹt giữa đá thường. Phải phán đoán, phải dựa vào kinh nghiệm mà lần mò. Phát hiện ra khối đá quý rồi, có khi phải đào phá hàng chục khối đá thường xung quanh mới lấy được nó ra. Tất cả phải làm bằng tay, chỉ có cái xà beng, cái cuốc chim với cái búa tạ chứ không dám dùng mìn phá. Vì một là sẽ bị công an hay kiểm lâm phát hiện, bị bắt, bị khởi tố, truy tố ngay. Hai là mìn nổ dù có phá được những khối đá thường thì nó cũng làm “om” luôn những khối đá quý, khi chạm xà beng vào, những khối đá quý sẽ vỡ vụn. Mỗi đợt đi “săn đá” đó thường kéo dài cả chục ngày hay nửa tháng. Phải mang theo đủ thứ nào lương thực, nào võng bạt mùng mền…

Đá là tài nguyên quốc gia. Đá cao cấp, tất nhiên, là một loại tài nguyên quý. Nhưng không biết ai quản, mà lại để tình trạng tự do đào phá, tự do buôn bán thế này?

Anh còn kể thêm, rằng vất vả vậy nhưng vẫn ham, bởi kiếm được một khối cẩm thạch hay thổ cẩm có hình dáng đẹp là rủng rỉnh tiền tiêu. Và cũng không ít người gặp may, phát hiện được cả một “mỏ” đá cao cấp. Gọi là “mỏ” nhưng cũng chỉ được tới dăm ba chục khối là cùng. Còn chuyến đi nào mà phát hiện được một vài khối đá quý lộ thiên, đứng độc lập thì coi như… trời cho của.

Kiếm đá đã khó, vận chuyển được chúng từ rừng sâu ra còn khó, còn vất vả hơn nhiều, vì những chỗ đó ô tô hay cần cẩu không vào được, chỉ có đường mòn. Để vận chuyển được đá ra, những người khai thác đá phải dùng đủ cách, nào con lăn, nào đòn bẩy, gặp chỗ dốc cũng không dám lăn đá xuống, bởi một là nếu không may, tảng đá đè phải người phía dưới thì vừa mất nghiệp vừa đi tù, hai là nếu nó va phải một tảng đá khác thì công toi… có khi cả ngày mới đi được nửa cây số. Đến bìa rừng thì dùng “cộ” (xe trượt bằng gỗ) rồi cho trâu kéo. Đến đường cái mới cho lên ô tô chở đến nơi bán.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm