| Hotline: 0983.970.780

Có một nơi cực khó giữa Sài Gòn

Thứ Sáu 05/10/2012 , 09:47 (GMT+7)

Bao năm nay người dân xóm Gò sống trong những ngôi nhà lụp xụp bên bãi rác Đa Phước ngày đêm bốc mùi nồng nặc

Từ tòa nhà cao nhất của khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, nhìn về phía Tây, thấy một chòm xanh nho nhỏ, đó là xóm Gò (ấp 1, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TPHCM), một thế giới khác, gần như tách biệt với cảnh náo nhiệt của Sài Gòn hoa lệ. Ở đó, bao năm nay người dân sống trong những ngôi nhà lụp xụp bên bãi rác Đa Phước ngày đêm bốc mùi nồng nặc.

BỒN BỒN LÀ NGUỒN SỐNG DUY NHẤT

Mặc dù chỉ cách “thế giới văn minh” một con rạch (rạch Ông Lớn) rộng chừng hơn 10m, nhưng vì không có cầu, tôi phải ngồi chờ gần một tiếng đồng hồ mới thấy chiếc xuồng nhỏ của ông Bảy Cu lấp ló xuất hiện. Có vẻ như ông lái đò này đã xỉn xỉn nên mái chèo cứ khua loạn xạ.

"Thông cảm nha con, cả ngày có vài chuyến qua Gò, chẳng có việc chi mần nên phải “tâm sự” với chai rượu thôi. Nhưng mà con yên tâm nghen, chú chèo xuồng mấy chục năm nay rồi, không sao đâu", ông Bảy Cu nói. 


Rạch Ông Lớn sang xóm Gò

Thấy vẻ mặt sốt ruột và hơi ái ngại của tôi, người đàn ông lái đò có nước da ngăm đen, nở nụ cười trên khuôn mặt nhăn nheo, khắc khổ và giọng nói ngọng líu vì rượu trấn an tôi.

Vài phút trên chiếc xuồng nhỏ, tôi đã kịp hỏi thăm ông Bảy và được biết ông là người xóm Gò, nhà ở đường Xương Cá 2. "Mấy chục năm rồi, tôi chỉ có chèo xuồng ở đây. Khách chủ yếu dân xóm Gò. Họa hoằn vài tháng mới có khách vãng lai như các chú”, ông Bảy nói.

"Chở khách vậy thu nhập có đủ sống không chú?", tôi hỏi. “Nếu mấy bà đi chợ thì tiền công 1 ngàn đồng/lượt, các cháu học sinh thì 5 trăm đồng. Đứa nào gia đình khó khăn, tôi không lấy tiền. Mỗi ngày chừng chục chuyến. Vậy theo chú có đủ sống không?”, ông vừa hỏi lại tôi vừa cười. Tôi im lặng.

Bước lên xóm Gò, tôi có cảm giác mình đang đi trên một cù lao nào đó ở ĐBSCL. Cũng những căn nhà vách đất, cũng những con đường đất lầy lội, cũng những đứa trẻ nghèo ngồi chơi cùng người già trước cửa. Nhìn đi nhìn lại chẳng có lấy một tiệm tạp hóa nào. Và, quan trọng nhất là phương tiện đi lại của người dân chủ yếu là xuồng.

Xóm Gò có 160 hộ với hơn 300 khẩu. Do biệt lập với thế giới bên ngoài nên cuộc sống của người dân nơi đây rất nghèo. Nguồn thu nhập chính của họ là cây bồn bồn - một loại cây sống ở vùng nước ngập mặn mọc hoang quanh xóm rồi mang vào “đất liền” bán cho các tiểu thương. Thu nhập bình quân khoảng 40 ngàn đồng/ngày.

Bà Nguyễn Thị Lành (một cư dân của xóm Gò) tâm sự: Mặc dù ở đây đất đai nhiều nhưng tất cả đều bị mặn ngập nên không thể nuôi, trồng bất cứ thứ gì. Chỉ có duy nhất cây bồn bồn là sống được ở đây và đó chính là nguồn sống của mọi người trong xóm từ bao năm qua.


Người dân xóm Gò chỉ có nguồn thu duy nhất là cây bồn bồn

Chị Phạm Thị Thảo, quê gốc Hồng Ngự (Đồng Tháp), theo chồng về đây tâm sự: "Lúc mới lấy ổng, gia đình tui ai cũng mừng vì lấy được chồng Sài Gòn. Có ai biết cuộc sống như vầy. Cũng may là dù nghèo, dù cuộc sống khó khăn vậy, nhưng vợ chồng tui vẫn “cơm lành”, đầm ấm. Nhưng lạ là đã hơn 20 năm nay người dân xóm Gò vẫn không có lấy một cây cầu để đi lại. Ngay như người dân quê tôi ở tận vùng Đồng Tháp Mười giờ cũng có cầu chứ đừng nói ở thành phố như thế này".

Không chỉ nghèo, lạc hậu, từ năm 2007 đến nay, người dân xóm Gò còn phải sống chung với ô nhiễm bởi mỗi ngày bãi rác Đa Phước rộng 78ha nằm cách đó không xa.

"Dân tui đang than trời bởi từ ngày rác đổ về đây, môi trường nước và không khí bị ô nhiễm trầm trọng. Trước đây tôi vẫn dùng nước sông ăn uống tắm rửa nhưng từ ngày bãi rác Đa Phước hoạt động, tôi không dám dùng nước để rửa chứ dừng nói ăn. Cứ khoảng 3-4 giờ chiều là ruồi bu đầy nhà. Nhiều hôm, ruồi nhiều quá phải giăng mùng ăn cơm, nếu không khỏi cần thức ăn, vì có ruồi trộn chung với cơm rồi”, chị Kiên, một công dân xóm Gò, nói.

BỊ BỎ QUÊN

Người dân xóm Gò mới có điện và được dùng nước sạch cách đây vài năm. Nhưng cuộc sống ở xóm Gò vẫn còn rất lạc hậu so với bên ngoài. Không có cầu nên chẳng nhà nào mang được đá, gạch, xi măng... để xây lấy ngôi nhà cho khang trang.


Xóm Gò chỉ có những căn nhà như thế này

Con đường đất nhỏ xíu, đang vào mùa mưa bùn sình nhầy nhụa được đặt tên là Xương Cá, cứ cách vài trăm mét mới có đường mòn... “xương dăm” rẽ vào một ngôi nhà mái lá. Tôi phải cởi dép, đi chân đất, xắn quần, bùn bắn lên tận đầu gối. Theo thói quen như ở bên “thành phố”, tôi gởi chiếc xe máy cà tàng trước hiên nhà chị Kiên rồi nhờ chị trông hộ.

“Công việc của tôi yên bình và êm đềm như dòng kênh Ông Lớn này vậy. Tuy nhiên, cách đây chừng gần chục năm, tôi tưởng mình phải chuyển nghề vì các ông cán bộ trên xã về đo đạc, bảo xây cầu. Sau đó đợi hoài vẫn chưa thấy chở tới viên gạch, bao xi nào. Rồi đợt cuối năm vừa rồi lại thấy mấy ông ở huyện về bảo xây cầu, chắc chắn đầu năm nay sẽ khởi công vì tiền đã có. Tuy nhiên, giờ gần hết năm mà chưa thấy có chút động tĩnh gì nên tôi vẫn an tâm làm việc. Có lẽ, trời thương nên còn cho tôi tiếp tục kiếm sống dài dài”, ông Bảy cười vô tư bảo.

“Cầu thì coi như đã có. Xã đã lên kế hoạch và bàn giao việc thi công cây cầu cho bên Huyện đoàn huyện Bình Chánh. Còn chuyện tác động môi trường từ bãi rác Đa Phước, chúng tôi cũng đang phối hợp với Phòng Tài nguyên - Môi trường kiểm tra mức độ ô nhiễm nước và không khí. Mới cách đây 2 tuần, Phòng Tài nguyên - Môi trường xuống xóm Gò lấy mẫu nước. Phải chờ kết quả mới có biện pháp được”, ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Chủ tịch xã Phong Phú, huyện Bình Chánh.

Nói về những kế hoạch trong tương lại đối với xóm Gò, một cán bộ xã Phong Phú thở dài nói: “Năm 2010, lúc bãi rác chưa hoàn thành hệ thống che đậy thì xảy ra dịch ruồi. Người dân phải chui vô mùng ăn cơm, ruồi bu đen chỉ chực có cái lỗ nào hở là túa vào mùng. Sau khi chúng tôi phun 2 đợt thuốc và bên bãi rác hoàn thành lớp đậy rác thì bây giờ ruồi đã đỡ nhưng lại phát sinh muỗi. Nghe nói Cty Đa Phước có dự án làm hành lang cây xanh để giảm ô nhiễm từ bãi rác. Xóm Gò cũng thuộc một phần của dự án. Nhưng nghe lâu rồi mà chưa có động tĩnh gì cả”.

Còn ông Lê Hoàng Dũng, cán bộ huyện Bình Chánh, phụ trách thi công dự án cầu bắc qua xóm Gò, cho biết: “Vốn để xây cầu dự kiến khoảng 4,3 tỉ đồng được chia ra làm 3 phần. Một từ ngân sách nhà nước, một từ nguồn vốn của đoàn viên thanh niên, một từ quyên góp từ nhân dân, các tổ chức xã hội. Tuy nhiên, đến nay phần vốn quyên góp từ nhân dân và các tổ chức mới chỉ có được 50%, còn thiếu khoảng vài trăm triệu đồng nữa. Dù vậy, chúng tôi vẫn quyết định khởi công trong năm nay, vừa xây vừa kêu gọi đóng góp thêm”.

Tôi rời khỏi khỏi xóm Gò khi thành phố đã lên đèn, ngoái đầu nhìn lại, tôi nhói lòng khi xóm Gò đã chìm trong bóng tối. Thay vào đó là những tòa cao ốc lung linh đủ sắc màu của khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Hy vọng sớm có ngày người dân xóm Gò được chứng kiến lễ khởi công cây cầu bắc qua rạch Ông Lớn.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm