| Hotline: 0983.970.780

Cựu binh tỷ phú vùng đất đỏ miền Đông

Thứ Năm 22/12/2016 , 14:09 (GMT+7)

Đã mấy chục năm trôi qua nhưng ký ức về những ngày tháng rực lửa trên “vùng đất thép” Củ Chi khiến người cán bộ quân y Phan Văn Dẫu (Ba Dẫu) năm xưa...

Đã mấy chục năm trôi qua nhưng ký ức về những ngày tháng rực lửa trên “vùng đất thép” Củ Chi khiến người cán bộ quân y Phan Văn Dẫu (Ba Dẫu) năm xưa vẫn không thể nào nguôi ngoai, vì có biết bao đồng đội của vợ chồng ông đã gửi xương máu tại vùng đất này.

10-46-19_3
Vợ chồng ông Ba Dẫu nay đã là tỷ phú trồng bưởi da xanh
 

Đến nay, cứ mỗi năm dịp cả nước hướng về ngày Kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12) thì ông lại bồi hồi với nỗi nhớ về đồng đội mình…
 

Hết lòng cứu chữa thương binh

Năm 1962, thanh niên Phan Văn Dẫu mới 19 tuổi đã xung phong tham gia cách mạng, rồi được phân công đi học chuyên môn y tá, y sĩ để tăng cường đội ngũ y bác sĩ quân y phục vụ cho chiến trường Củ Chi (Sài Gòn - Gia Định). Nơi được mệnh danh là “Tọa độ hủy diệt” trong cuộc chiến khốc liệt với mật độ bom đạn và quân số tham chiến chưa từng có trong lịch sử loài người trên mảnh đất không đầy 40 km2 này.

Ông Ba Dẫu ngồi bồi hồi kể: “Thời đó ở chiến trường Củ Chi lúc nào cũng rực lửa, vì thế người ta mới gọi “Nhất Quảng Trị, nhì Củ Chi”, bom cày, đạn xới hàng ngày nên mặt đất không còn cây cỏ nào sống nổi. Chúng tôi gần như suốt ngày đêm phải ở dưới hầm để làm nhiệm vụ cấp cứu, chăm sóc cho thương binh cứ liên tục chuyển về. Chờ đến tối đêm mới tranh thủ lên mặt đất để cắt thuốc, nhận tiếp tế thêm lương thực, nấu nướng phục vụ thương binh.

Nhất là năm 1968, bộ đội bị thương quá nhiều, có những đêm phải tiếp nhận hàng trăm thương bệnh binh. Tuy nhiên, cả đơn vị quân y Củ Chi chỉ có 120 người phục vụ khiến khối lượng công việc có lúc như quá tải trong điều kiện thiếu thốn. Vậy nhưng trong tâm trí ai cũng chỉ lo cho sức khỏe bộ đội và nêu cao tinh thần phục vụ”.

Sau giải phóng, đơn vị quân y của ông đã bị hy sinh gần hết, chỉ còn 18 người, nhưng ai cũng đều bị thương, bản thân ông cũng bị những mảnh bom, đạn găm đầy người. Ở đơn vị, ông là đội phó, vừa làm việc vừa lo công tác đào tạo chuyên môn cho đội ngũ nhân viên trong đơn vị nhằm phục vụ tốt nhất cho thương binh. Bà Huỳnh Thị Mai (vợ ông), lúc đó là một trong những nhân viên y tá cùng đơn vị đã được ông “nhắm” và quan tâm giúp đỡ và cũng trở thành một y sĩ giỏi.

Nhớ lại những kỷ niệm khó quên, ông Ba Dẫu tự hào chia sẻ: “Trong đơn vị thím Ba rất siêng năng, một lần xung phong chuyển vòng dụng cụ y khoa để đi thay băng, phẫu thuật cho bộ đội thì bị trúng bom dây đánh văng trong hầm công sự, tưởng đã hy sinh. Tuy nhiên, khi chúng tôi đi tìm và cứu được, trên tay bà vẫn giữ được vòng dụng cụ không bị mất. Do vậy, cấp trên nên đã quyết định phong danh hiệu “Dũng sĩ đội bom” cho bà nhà tôi!”.

10-46-19_4
Cho đến nay vợ chồng ông Ba Dẫu vẫn giữ được nghề khám chữa bệnh
 

Bà Mai cũng xác nhận, thời đó nhiều lần trong lúc ông bà đang làm nhiệm vụ cứu thương binh thì bị đoàn lính Mỹ đổ bộ càn qua, nhưng may mắn chúng đều không phát hiện ra nên cả hai người đã thoát chết. Chính vì vậy khiến tình cảm của ông bà càng thêm gắn bó và đến ngày giải phóng giải ngũ về quê quyết định xây dựng hạnh phúc.

Năm 1976, nghe người quen nói chuyện về vùng đất Trảng Bom (Đồng Nai) dễ làm ăn nên vợ chồng ông Ba Dẫu đã cùng cha mẹ chuyển về đây để tìm mua đất sinh sống lập nghiệp. Lúc đầu, vợ chồng ông dùng số tiền sau ngày cưới tìm mua dụng cụ y khoa trên Sài Gòn để về mở phòng mạch tiếp tục hoạt động dịch vụ khám chữa bệnh cho người dân. Thậm chí khi nghe ai bệnh là ông đạp xe đến tận nơi chữa trị tận tình chu đáo nên người dân rất yêu mến và biết đến ông nhiều hơn.
 

Tỷ phú từ 100 cây bưởi giống 

Sau mấy năm mở phòng mạch, vợ chồng ông Ba Dẫu đã tích cóp được chút vốn (khoảng 6 cây vàng) nên quyết định mua thêm đất ở xã Tây Hòa, sắm máy cày để tranh thủ trồng cây ăn trái như cà phê, mít, chôm chôm... nhưng đều thất bại, cây bị bệnh chết không hiệu quả.

Dẫn chúng tôi tham quan vườn bưởi rộng 3,5 ha trĩu quả, đường đi lối lại đều được đổ bê tông sạch sẽ, ông Ba Dẫu vui vẻ kể về cái “duyên” của mình với nghề làm vườn: “Do ngày xưa phần lớn thời gian tôi sống trong rừng, rất yêu cây và màu xanh sinh thái nên bây giờ khi có điều kiện rất muốn được làm vườn trồng cây.

Tình cờ trong một lần đi chữa bệnh cho dân, nghe người ta kể về giống bưởi da xanh ăn rất ngọt, thơm. Sau đó tôi về miền Tây tìm mua được 100 cây giống đem về trồng thử. Lúc đó quanh vùng này chưa có hộ dân nào trồng giống bưởi này nên tôi cũng hồi hộp chờ đợi kết quả thế nào...”.

Sau hơn 2 năm, những gốc bưởi da xanh đầu tiên trong vườn bắt đầu bói trái. Ông ra hái đem về cho mọi người ăn thử, ai cũng bất ngờ bởi chất lượng rất ngọt, thơm, cây bưởi cho năng suất cao nhờ hợp thổ nhưỡng. Ngay lứa đầu tiên, ông đã bán được 12 triệu đồng.

10-46-19_6
Ông Ba Dẫu cùng đoàn cựu chiến binh được đi tham quan tại HN
 

Tuy chưa thu hoạch được nhiều, nhưng đây chính là “cú hích” cho ông vững tin tiếp tục mở rộng diện tích trồng giống cây này. Do vậy, ông đầu tư chăm sóc và nhân rộng diện tích lên 3,5 ha và hiện đã trồng được 1.300 gốc bưởi da xanh, đang cho trái quanh năm. Xác định chỉ có cây bưởi da xanh mới cho hiệu quả cao, ông đã đốn bỏ hết các loại cây trái khác trong vườn để trồng chuyên canh bưởi theo công nghệ cao.

Không chỉ học hỏi kỹ thuật làm nông từ thực tế, ông tự sắm máy tính nối mạng để cập nhật thông tin về KHKT mới ứng dụng trong canh tác vườn, cũng như về thị trường tiêu thụ…

Theo kinh nghiệm của ông Ba Dẫu, bưởi da xanh luôn ổn định đầu ra và giá bán của nó thường cao gấp 2-3 lần so các loại cây ăn trái khác. Trồng bưởi không khó nhưng để có năng suất, chất lượng cao, cần chăm sóc đúng kỹ thuật cả trước và sau khi thu hoạch.

Thường xuyên tưới nước giữ ẩm cho cây, nhưng khi cây bưởi đang hình thành quả thì không nên tưới nhiều nước để cây tập trung dinh dưỡng vào quả, vị ngọt sẽ đậm hơn và màu sắc đẹp hơn. Ðể bảo đảm năng suất ổn định, mỗi cây không nên để quá nhiều quả. Nếu muốn làm giàu từ bưởi da xanh, quan trọng nhất phải chú ý đến việc chăm sóc là điều vô cùng quan trọng.

Đến nay, mặc dù ở tuổi 75, nhưng tỷ phú Phan Văn Dẫu vẫn hăng say lao động với nhiều kế hoạch mở rộng đầu tư sản xuất. Đồng thời, ý thức được xu hướng thị trường ưa chuộng sản phẩm an toàn, ông ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ; nắm vững kỹ thuật bón phân, sử dụng thuốc BVTV đúng cách.

Ông cũng đang làm thương hiệu riêng cho vườn bưởi, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với mong muốn làm ra sản phẩm sạch bán với giá cao tại thị trường nội địa và có cơ hội tham gia xuất khẩu.

Vườn bưởi công nghệ cao của gia đình ông Ba Dẫu hiện được xem là vườn tiêu biểu và có quy mô nhất trên địa bàn, đã được rất nhiều đoàn khách từ trung ương đến các tỉnh khác đến tham quan học tập nhân rộng.

Đến nay, với 1.300 gốc bưởi da xanh, năm 2015 đã cho gia đình ông thu được 1,2 tỷ đồng. Hiện đang vào thời điểm cuối năm gia đình ông tập trung chăm sóc để có sản lượng trái lớn phục vụ nhu cầu thị trường tết. Dự kiến trong đợt tết năm nay gia đình ông sẽ thu hoạch khoảng 20 tấn bưởi da xanh, với giá bán khoảng 50-60 ngàn đồng/kg.

 

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm