| Hotline: 0983.970.780

Đất ơi, có nhớ những ngày…

Thứ Năm 13/01/2011 , 09:59 (GMT+7)

Bì bõm bên một lão nông đã ngoài sáu mươi tuổi, câu chuyện ông kể đan xen quá khứ, hiện tại về mảnh đất có cái tên cổ Hồng Châu xưa, Ninh Giang nay khiến người đối thoại bùi ngùi.

Miên man trong bức hoạ hoà phối giữa sắc xanh vàng của ngô đông cuối vụ với màu xanh thẫm của rau đông chen giữa sắc trắng bạc của đất đang phơi ải trên đồng ruộng Ninh Giang (Hải Dương) trong những ngày cuối đông, chạm ngay lúc người anh đang thu hoạch cá trên đầm thuộc khu đất chuyển đổi, với những đoàn xe tải đi muôn nơi… để rồi bên mâm cơm nghi ngút khói thơm của hương gạo, vị ngọt đằm của cá, sắc xanh của rau… giữa tiếng nói cười của những người dân vừa bước lên từ đầm cá mênh mang kia, chợt nhận ra, đồng đất quê tôi đang đổi thay nhiều quá.

Sự thay đổi không chỉ về vóc dáng, không phải là sự bung ra của những mô hình, sự hình thành mấy KCN mà thay đổi với cơ man chính sách chuyển đổi mang ấm no, hạnh phúc đến cho người nông dân. Hiện thực trước mắt khiến chúng tôi quyết định “xắn quần, lội ruộng” giữa không khí rét mướt, vừa tìm lại cảm giác mình là nông dân một thời, vừa để “ngấm” tận “chân tơ” sự đổi thay về nông nghiệp, nông thôn của nông dân.

Bì bõm bên một lão nông  đã ngoài sáu mươi tuổi, câu chuyện ông kể đan xen quá khứ, hiện tại về mảnh đất có cái tên cổ Hồng Châu xưa, Ninh Giang nay khiến người đối thoại bùi ngùi. Với diện tích đất canh tác hơn 7 nghìn ha, phần lớn là đất hai, ba vụ và đất một vụ đã được chuyển đổi, mảnh đất có lịch sử lâu đời làm nông nghiệp ấy thu nhập bình quân một năm đang ngày một tăng, người nông dân quê tôi đang thay đổi dần cách làm ăn của mình. Vẩn vơ đối chiếu, dòng ký ức đưa tôi về với tuổi thơ khi tôi còn là cô bé con tóc buộc vổng đuôi gà men theo rãnh cày bố vẽ trên mặt ruộng để “mót” lại những mầm khoai còn sót lại sau vụ khoai đông, về nồi cơm độn lẫn khoai lang, củ su hào… ăn vừa chan chát, vừa nhàn nhạt… đem nó đặt bên bát cơm gạo P6 thơm nức, mềm duội bây giờ, không ít người đã từng ăn bát cơm độn ngày xưa sẽ chảy nước mắt thì dấu ấn về đồng đất Ninh Giang quê tôi ngày ấy là “chiêm khê, mùa thối”, luôn nghèo đói và thiếu thốn.

Lão nông bỗng dừng câu chuyện, tay vẫn thoăn thoắt níu ngọn bí xanh vào cây róc làm giàn chống rồi chắt lưỡi: Nói thế chả phải chỉ nghĩ đến miếng ăn! Nhưng cái lý muôn đời của người nông dân là "có thực mới vực được đạo! Vậy nên chuyện quan tâm đến đời sống, đến bữa ăn, giấc ngủ, nếp nghĩ của họ là điều có thể hiểu được. Anh bạn tôi làm lãnh đạo huyện có lần đùa: “Muốn biết mức sống người dân, chỉ cần đảo qua các chợ quê là rõ”. Đi rồi mới thấy, câu nói ấy thật vô cùng. Chợ quê bây giờ không phải chỉ có cá lẹp, tép riu. Chợ quê như chợ Vé, Chợ Bùi, chợ Gọc, chợ Bò, chợ Mè… và vô vàn những chợ đình, chợ xóm của mỗi làng, mỗi xã bây giờ, cá hàng thuyền, tôm hàng rổ, thịt vài chục phản, giò chả xếp một dãy dài. Đã có cả những thứ đặc sản như tôm càng xanh to cỡ cổ tay trẻ nhỏ và cá mực, cá thu xuất thân từ biển được xắt khúc bày bán. Nếu dân không có tiền, những mặt hàng ấy bày bán cho ai? Liệu có thể phủ nhận được điều: đời sống người nông dân quê tôi đã được cải thiện, được nâng lên một bước? Phủ nhận sao được! Đời sống nông dân ngày một khá bởi năng suất lúa mỗi vụ ngày một tăng, sản lượng chăn nuôi thuỷ sản, gia súc, gia cầm ngày một lớn. Nhiều khu nuôi, trồng cây, con chuyên canh đã hình thành. Rõ ràng thành tựu khoa học kỹ thuật đang từng bước đi vào sản xuất nông nghiệp, đưa nông nghiệp tiến dần theo hướng công nghiệp hoá.

Thành tựu ấy như mùa quả ngọt nông dân quê tôi thu được sau bao ngày vật lộn cùng hòn đất, hoán đổi, đong đếm bằng ngàn vạn giọt mồ hôi. Quả ngọt ấy bắt đầu từ đâu? Câu hỏi ấy vấn vương trong đầu rất nhiều người con xa quê lập nghiệp. Không kể thành tích, không nghe báo cáo, chỉ nhìn vào mức sống của người dân và nghe chính những người “một nắng hai sương” như lão nông tri điền đây trò chuyện, sẽ thấy, chỉ riêng 5 năm qua thôi, với những cơ chế, giải pháp, chính sách nhằm giảm gánh nặng đóng góp, khuyến khích phát triển nông nghiệp do tỉnh, huyện ban hành, nông dân đã và đang làm giầu ngay trên mảnh ruộng của mình. Điều này nếu rút ra từ một bản báo cáo nào đó, chưa chắc đã thuyết phục, nhưng nghe từ chính nông dân, nhìn vào chính những đổi thay của Ninh Giang hôm nay, nó đã biến thành niềm tin vững chắc, bám rễ trong cuộc sống.

Không tin sao được khi dọc dài những con mương đã được quan tâm đầu tư kiên cố hoá. Đường từ làng ra đồng đã được đổ bê tông tiện cho sản xuất và lưu thông sản phẩm, không còn lồi lõm sống trâu, trơn trượt vết xe ba gác, bấm bật móng chân lúc mùa mưa. Nhiều trạm bơm tưới, tiêu hiện đại, công suất lớn đã được xây dựng. Các kênh trục nội đồng được nạo vét thường xuyên qua các đợt làm thuỷ lợi đông xuân hàng năm.  Giờ thì mương máng dọc ngang, nước được máy bơm hút lên đổ vào máng nổi, theo kênh dẫn chảy vào tận ruộng cho mỗi gia đình dù thuỷ lợi phí đã được miễn hoàn toàn. Theo nước con cũng chỉ dùng máy bơm mini của các hộ gia đình với công suất nhỏ. Nước đủ, cây giống cho nông nghiệp cùng không đơn thuần chỉ là Mộc Tuyền, CR 203, lúa dâu…

Vẫn là lúa, nhưng giờ là giống lúa lai, lúa chất lượng cao như Syn6, Thục hưng6, N.ưu69, Bắc ưu903, Bắc thơm số 7, Hương thơm số 1, P6, Nàng xuân, các giống lúa nếp... Qua nhiều vụ thử nghiệm, các giống lúa lai và lúa chất lượng cao đã khẳng định được ưu thế vượt trội về năng suất. Nhiều vụ nông dân Ninh Giang liên tiếp được mùa khi có vụ họ gieo cấy tới 50% diện tích là các giống lúa lai và lúa chất lượng cao. Năng suất tăng lên, gạo ngon góp phần cải thiện bữa ăn, nâng cao chất lượng và giá trị kinh tế. Ngoài lúa, các giống rau màu lại càng đa dạng với bí xanh, ớt xuất khẩu, cà rốt, ngô “lười”… Một sào đất làm vụ đông cho thu hoạch tiền triệu không còn là chuyện khó tìm. Thời gian cây sinh trưởng ngắn, chống chịu tốt với thời tiết và sâu bệnh, năng suất lại tăng vượt khi hầu hết nông dân dùng thế hệ hạt F1 để gieo trồng. Đã qua thời cây bị “lại giống” cho năng suất thấp. Bằng chứng là trên cánh đồng, trên mâm cơm không còn chỉ có rổ rau lang luộc đỏ quạch, hay bát lá khoai tây nấu cà chua lõng bõng vừa ngái, vừa nồng.

Đất không còn chiêm khê mùa thối, giống không còn lỏng chỏng cây thấp, cây cao, đã đủ cả phân bón, thuốc trừ sâu các chủng loại, hay nói cách khác, “nước, giống, phân” đã đủ, chỉ còn thiếu “cần” của con người. Với người nông dân hiện nay, "cần" không đơn giản chỉ là cần cù, suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời… Dẫu vẫn còn đó những vất vả của nghề nông, vẫn phải dầm mình dưới đầm cá khi thời tiết xuống dưới 10 độ C, vẫn lấm lem bùn đất đánh vật cùng chiếc máy cày cải tiến khi chiêm, mùa tới… Đó là cái “nghiệp” muôn đời của những con người một đời gắn mình với đất. Nhưng nông dân Ninh Giang giờ không thiếu những ông chủ đi giày da, lái xe sang, điện thoại di động đổ chuông liên hồi để bàn chuyện làm ăn. Nông nghiệp đã dần được cơ giới hoá. Máy cày, máy tuốt thay cho con trâu, trục đá một thời. Tỉ lệ làm đất bằng máy của Ninh Giang đã đạt tới hơn 80%, khâu tuốt lúa đã 100% làm bằng máy. Đây đó, xuất hiện những chiếc máy gặt, tuốt liên hoàn, thu hoạch nhanh, giảm chi phí cho sản xuất. 

Ôn nghèo, kể khổ một thời cũng chỉ để thấy, cũng đồng đất ấy, cũng vẫn những con người xuất thân từ miền quê ấy, nhưng khi cơ chế thay đổi, trí tuệ, óc sáng tạo của họ được phát triển thì cuộc sống đã thật sự đổi thay. Chuyện mỗi năm, người dân chỉ trồng 1lúa,1màu đến 2 lúa để rồi giờ đây là 2 lúa 1 màu một năm phải chăng là những đổi thay lớn nhất. Lúa chưa gặt, đất đã lại lật mình. Đất không ngơi nghỉ, người không ngừng tay. Mồ hôi đổ xuống, đất dâng người hoa trái. “Đất ơi, có nhớ những ngày, đồng khô, cỏ cháy…” Lời ca ấy có lẽ chỉ còn là chuyện của ngày xưa. Mảnh ruộng manh mún một thời đang được thay dần bằng những vùng sản xuất nông sản tập trung với luồng tư duy mới trên một quy mô nhất định. Đó rõ ràng là một hướng đi hiệu quả bởi việc điều hành sản xuất thuận lợi, các khâu canh tác thực hiện dễ dàng, chi phí sản xuất giảm, năng suất, hiệu quả được tăng lên. Sẽ không phải chuyện kể về những giấc mơ giữa ban ngày khi xuất hiện liên tục “cánh đồng trăm triệu/ha”. Giờ thì việc hàng dãy dài xe tải chờ lấy cá khi thu hoạch, hàng chục chiếc khác chờ nhập rau, củ, hay tới những cửa hàng xay sát chở gạo ùn ùn đi muôn nơi không còn là chuyện hiếm trên đồng đất Ninh Giang. Những triệu phú, tỉ phú từ nông nghiệp không còn là số xoè bàn tay đếm không hết ngón. Một bộ phận nông dân Ninh Giang đã thực sự làm giàu từ đồng ruộng. 

Ninh Giang, tháng 1/2011

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm