| Hotline: 0983.970.780

Đau thắt Quảng Sơn

Thứ Sáu 18/10/2013 , 08:39 (GMT+7)

Một cơn bão lốc tràn qua Quảng Sơn (Quảng Trạch - Quảng Bình) giữa lúc nửa đêm, tiếp đó lũ dữ ập đến lúc trời tảng sáng… Mảnh quê nghèo ven sông Gianh như không thể còn sức gượng dậy.

Một cơn bão lốc tràn qua Quảng Sơn (Quảng Trạch - Quảng Bình) giữa lúc nửa đêm, tiếp đó lũ dữ ập đến lúc trời tảng sáng… Mảnh quê nghèo ven sông Gianh như không thể còn sức gượng dậy.

Bão lốc kinh hoàng

Ông Trần Ngọc Giới - Trưởng thôn Linh Cận Sơn (xã Quảng Sơn), đứng trước ngôi nhà chỉ còn lại 4 bức tường rạn nứt kể mà như chưa thể tưởng tượng ra được nỗi kinh sợ: “Lúc đó đã qua nửa đêm. Mưa vẫn còn nặng hạt và tiếng gió quần thảo vù vù trên mái nhà. Trời lặng chừng chốc lát rồi bỗng nghe gió rít ngược lên như tiếng rú máy bay phản lực. Tiếng rít của gió cùng tiếng ngói bay vỡ vụn như ai đó ném đá xuống mặt đường nhựa.

Không có điện, trời tối thui. Tôi nghe ào ào lẫn trong tiếng ngói vỡ là mưa tạt vào xối xả. Mái ngói của nhà tôi đã bị bay hết. Mấy bà con vơ vội mấy tấm ni lông rồi kéo nhau chạy xuống nhà bếp trú kẻo sợ nhà lớn bị sập. Bão lốc quần qua chừng hơn nửa giờ đồng hồ thì nhẹ lại. Trong bóng đêm, tiếng người kêu la tứ phía”.

Nhà gia đình anh Phan Xuân Sơn ngay ở phía đầu thôn. Ngôi nhà xây cấp 4 dùng ở và bán quán tạp hóa. Đêm định mệnh đó, hai vợ chồng ngủ trong nhà quán. Sau cơn bão lốc tràn qua, nghe tiếng kêu cứu thảm thiết, mọi người chạy đến. Trong ánh đèn pin không còn ai nhận ra ngôi nhà đâu nữa mà chỉ còn đống đổ nát.

Nghe tiếng kêu la ở góc nhà, mọi người giữ được bức tường thì thấy anh Sơn nằm chồng lên người vợ (chị Lĩnh). Chiếc giường gỗ gãy vụn. Mọi người đoán là khi có cảm giác nhà sập, anh Sơn đã nằm đè lên người chị Lĩnh để đỡ cho chị khỏi bị vật nặng trúng người. Khi đưa được hai vợ chồng ra khỏi đống đổ nát thì anh Sơn đã tử vong do vết thương quá nặng, chị Lĩnh bị gãy chân tay và được mọi người đưa đi cấp cứu trong đêm.


Tài sản còn lại sau bão lũ

Đứng bên bàn thờ bố lập vội, cháu Phan Thị Lưu (con gái đầu của anh Sơn) vừa khóc vừa kể lại: “Trước đó, em cháu là Nguyễn Ngọc Trung 6 tuổi thường hay ngủ với bố mẹ ở nhà quán. Cháu đi học xa mới về hôm qua, nên tối đó, em cháu ngủ ở nhà trong thôn với cháu. Nếu em cháu ngủ cùng ba mẹ thì chắc cũng khó qua được chuyện đau buồn”.

Nhà ông Phan Xuân Phú vừa được xây vững chắc hai năm nay. Bà Phan Thị Thường (vợ ông Phú) đi làm ăn tại Gia Lai nên ông ở nhà một mình. Tảng sáng, mọi người trong thôn kinh hãi nhìn xung quanh trong cảnh tượng như vừa có trận bom dội xuống làng. Thấy nhà ông Phú mái ngói bị tốc hết, nửa ngôi nhà bị sập trơ hoác.

Gọi không có tiếng trả lời. Mọi người đến xem mới phát hiện ông Phú bị bức tường nặng sập đè lên người khiến ông tử vong. Trong thôn cũng có hàng chục người bị thương do bị ngói bay văng trúng hay bị nhà cửa sập đè phải.


 Nhặt nhạnh những gì còn sót lại

Ông Mai Xuân Kiên - Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn kể: “Lúc được báo tin bà con thôn Linh Cận Sơn và Hà Sơn bị lốc dữ gây nhà sập, chết người, tôi đã trực tiếp chỉ đạo các thôn tổ chức mai táng những người bị nạn. Bởi lúc đó, lũ cũng đã bắt đầu lên”. Người dân trong thôn băng lũ đẩy quan tài những người xấu số qua nước xiết để đưa lên phía đồi cao chôn cất. Nước mắt hòa lẫn nước mưa không lúc nào vuốt kịp.

Nhận được hung tin nhà sập, chồng mất, bà Thường cùng con gái và đứa cháu ngoại bắt xe trong đêm từ Gia Lai ra. Đến quê thì lũ đã ngập hết mọi tuyến đường. Đứng bên cầu Quảng Hải nhìn qua làng, ruột gan bà Thường như ai cắt từng đoạn. Đến sáng 17/10, bà Thường mới về được nhà.


Bà Thường: “Về đến nhà thì chồng mất và chỉ còn đổ nát”

Tiêu điều và lạnh lẽo. Trước hiên nhà, chiếc bàn thờ do bà con lập cho ông Phú cũng chỉ có nải chuối, mấy quả đu đủ còn xanh hái ở vườn. Lũ bao vây hung dữ, làm sao có ai ra được khỏi làng để mua được hương hoa về đặt. Cùng với bà con đến giúp sức, mẹ con bà Thường cố dọn cho xong nhà cửa để đưa bàn thờ chồng vào trong nhà và làm lễ tang.

Lũ dữ

Tảng sáng, mọi người chỉ kịp đưa người bị thương đi viện, tìm người mất dưới đống đổ nát thì cũng là lúc mưa xối xả và lũ thốc ngược lên.

Ông Giới - Trưởng thôn không tin những gì đã xảy ra: “Chưa thể nào tưởng tượng được cảnh nhà nhà đổ nát, mái nhà tốc hoác thì mưa thốc lũ lên. Lũ lên nhanh quá. Chỉ trong hơn giờ đồng hồ là ngập đến hơn mét nước. Cửa ngõ bị bão lốc phá toang hết, tường nhà thì đổ sập, tường rào cũng chẳng còn, lũ cứ thế đẩy trôi tuột tất cả những tài sản còn lại của người dân từ áo quần, chăn màn cho đến vật dụng khác”.

Bà Lê Thị Sỹ (73 tuổi) vừa run vừa kể: “Nhà thì sập rồi, của nả chi cũng bị mưa thấm hết. Khi lũ tràn tới bà cháu tui công kênh nhau lên ngồi trên mái nhà tắm kẻo sợ bị trôi. May mà sau đó có mấy chú đến đưa đi lên chỗ trên đường cao trước làng”.


Nhà sập ở Quảng Sơn

Trưa 17/10, lũ vừa rút và trời bất chợt hửng nắng. Bà con tìm kiếm được những gì còn sót lại cố giặt giũ rồi đưa ra phơi phóng. Những nồi, ấm, bát đĩa quyện với bùn đất cứ bày ra trong nỗi xót xa lòng. Trước sân nhà, bà vợ ông Giới cứ thần người ra.

Tôi bước qua khoảng sân đầy bùn nhão và ngói vỡ để vào nhà thì cậu con trai ông Giới chụp lấy tay kéo lại: "Đừng vô chú, nhà sắp sập đó, nguy hiểm lắm”. Thấy tôi có vẻ ngơ ngác trước căn nhà chỉ còn 4 bức tường, ông Giới tận tình: “Nhà xây hơn chục năm rồi. Khi bão lốc đi qua bay hết ngói và lay tường làm rạn mứt nhiều chỗ. Sau đó, lũ ngập lên gần 1m, bốn bức tường ngâm nước giờ bị rệu rã hết. Chẳng biết nó đổ sụp lúc nào nên cháu nó không cho chú vô là vì vậy”.

Theo ông Giới, trong thôn có tới 240 ngôi nhà hầu như đều bị tốc hết mái. Trong đó hơn số nửa là nhà xây cấp 4 có thời gian 10 năm trở lên. “Sau bão lốc, lũ ngập sâu, sóng lũ đánh dồn làm tường nứt toác. Vì vậy, chưa biết những ngôi nhà này đổ sập lúc nào. Ngay nhà tôi cũng không dám vô nữa đó” - ông Giới ngậm ngùi.

Gần nhà ông Giới, trên khoảng đất rộng, trơ ra nền nhà láng xi măng, anh Mai Xuân Phú vừa khóc vừa kêu trời. Nền đất chỉ còn đống gạch vữa. Hai căn nhà của em trai bà mẹ anh Phú giờ chỉ còn vậy. Bão lốc làm hai căn nhà đổ sập và lũ dữ đi qua quét hết những gì còn lại.


Anh Phú khóc trên nền nhà trống của mẹ và em trai

Bà Đơn (mẹ anh Phú) và anh Hợi (em trai anh Phú) cùng mấy đứa cháu hiện đang phải cấp cứu điều trị tại bệnh viện vì bị thương nặng. “Nhà sập, mẹ, em, cháu đi viện, tui biết làm gì bây giờ. Nhà tui cũng bị bão lốc làm bay hết, nhà cũng xiêu sắp sập rồi” - anh Phú thụp xuống trên nền sân nhà mẹ khóc thảm thiết.

Nhà chị Hoài cũng bị tốc hết mái, sập hết nửa nhà phía sau. Đồ đạc còn lại trong nhà như mớ hổ lốn trộn bùn đất. Chiếc giường trong căn phòng phía sau mái bị cái băng giằng tường xi măng cốt thép đè lên gãy rụm, hai đầu giường cứ hếch ngược lên.

Chị Hoài vừa run vừa kể: "Khi nghe tiếng gió rít và tiếng sập đổ rùng rùng cả ngôi nhà. Tôi vừa kịp ngồi dậy ôm lấy con bé ngồi vào góc giường thì phía sau nhà đổ ụp. Thành bê tông rơi đè chỉ cách hai mẹ con gang tấc. Nếu chậm một chút, thanh bê tông này đã đè lên người hai mẹ con rồi”.

Từ buổi trưa, từng đoàn xe của lực lượng công an, quân đội, BĐBP…đổ về Quảng Sơn. Vì nơi đó, bà con đang cần bàn tay và tấm lòng chia sẻ...

Ông Mai Xuân Kiên - Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn: “Đến chiều ngày 17/10, vẫn chưa thể có được con số thiệt hại của người dân. Chúng tôi phải lo lắng cho người chết, cấp cứu người bị thương, chăm lo cho người bị sập nhà. Ngoài thôn Linh Cận Sơn thì còn có thôn Hà Sơn cũng thiệt hại về nhà cửa rất nặng nề. Sơ bộ thì có trên 300 căn nhà bị tốc hết hai mái. Gần trăm ngôi nhà bị sập đổ hoặc sắp sập”.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm