| Hotline: 0983.970.780

Để cà phê Việt Nam phát triển bền vững

Thứ Sáu 24/07/2015 , 10:26 (GMT+7)

Việt Nam có khoảng 700.000 ha cà phê, sản lượng cà phê nhân đạt 1,6 - 1,7 triệu tấn/năm, là cường quốc SX, xuất khẩu cà phê thứ 2 trên thế giới (sau Brazil).

Riêng cà phê vối (Robusta), Việt Nam đứng đầu toàn cầu về diện tích, năng suất, sản lượng và kim ngạch XK. Tuy nhiên, cà phê Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức.

Trước hết là sự già cỗi của hàng trăm nghìn ha cà phê (20 - 25 tuổi). Diện tích này cần phải thay thế liên tục bằng trồng mới, hoặc chặt bỏ. Đã có hẳn một chương trình tái canh cà phê của Bộ NN-PTNT, song tiến độ quá chậm.

Quy hoạch phát triển cà phê không tốt nên dẫn đến phá vỡ quy hoạch liên tục, nhiều cánh rừng Tây Nguyên bị phá để trồng cà phê hoặc đưa cà phê chè (Arabica) lên Tây Bắc chưa thành công.

Nước tưới và phương pháp tưới truyền thống quá tốn nước, khoan quá nhiều giếng khoan và không kiểm soát tốt đã làm thủng tầng nước ngầm, ô nhiễm đất và nguồn nước gây lãng phí, không hiệu quả.

Thu hoạch cà phê trên 50% quả xanh làm chất lượng cà phê nhân kém. Cà phê phơi trên đất, vải bạt… làm giảm chất lượng của hạt, thậm chí mốc hoặc có mùi lạ.

Đã phát triển chế biến cà phê nhân XK, song chưa chế biến sâu nên giá trị và kim ngạch XK cà phê không cao, dường như đứng yên tại chỗ với mức 3,2 - 3,4 tỷ đô la Mỹ.

Là "cây tỷ đô" nhưng cà phê chưa được quan tâm tạo điều kiện như một số nông sản khác. Chưa phải là sản phẩm quốc gia, chưa là sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam trên thế giới.

Để góp phần vào sự phát triển bền vững của cà phê Việt Nam, tôi xin có một số ý kiến:

Về chương trình tái canh

Chương trình tái canh theo tôi là quá muộn song vẫn cần phải làm. Việt Nam là cường quốc cà phê của thế giới nên phải giữ được vị trí này. Tái canh nhưng không giảm sản lượng cà phê toàn quốc, không giảm tổng sản lượng cà phê XK và phải đảm bảo tối thiểu kim ngạch trên 3 tỷ đô la Mỹ/năm.

Tái canh phải áp dụng tổng hợp nhiều phương pháp, được tích hợp từ nghiên cứu nhiều năm của các nhà khoa học Việt Nam và thế giới, kinh nghiệm của nông dân làm cà phê và áp dụng công nghệ mới.

Nên điều chỉnh quy hoạch trồng cà phê Việt Nam ở mức 500.000 - 600.000 ha ở nơi có đủ điều kiện… Không nên chuyển đổi các diện tích thích hợp cho cà phê sang cây trồng khác.

Tái canh phải là công việc của dân, nguyện vọng, suy nghĩ, hành động của dân. Họ tự nguyện chủ động làm dưới sự hướng dẫn của ngành nông nghiệp.

Hệ thống ngân hàng thương mại dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước vào cuộc với trách nhiệm trước dân...

Các giải pháp tái canh

Nhổ toàn bộ cà phê già cỗi, kém chất lượng để trồng lại theo quy trình của Bộ NN-PTNT đưa ra. Phương pháp này đang gặp khó khăn và khả năng thành công rất thấp vì tuyến trùng và độ PH của đất là trở ngại làm cho cây cà phê trồng kiềm hết là chết.

Có thể khắc phục bằng trồng cây cà phê 2 năm tuổi, kết hợp xử lý môi trường đất. Có thể dùng các chế phẩm của các nước, chế phẩm Thanh Hà hoặc các chế phẩm khác để xử lý tuyến trùng.

Ghép chồi vào gốc cây già. Đây là công nghệ của Brazil, tỉnh Đăk Lăk đưa vào nghiên cứu và áp dụng từ năm 2002. Có thể thiết kế ghép trong 3 - 4 năm. Cà phê già (25 - 30 năm) được cưa đốn để ghép chồi non, được nông dân chấp nhận. Lâm Đồng, Đăk Lăk khá thành công với phương pháp này. Cần có đánh giá và nhân rộng.

Có thể dùng chế phẩm của Cty Thanh Hà tưới vào gốc, thân, lá, các vườn cà phê già yếu để thúc đẩy phát triển chồi non, lá mới, rễ mới. Phương pháp này đã thành công ở Đăk Hà, Kon Tum, nhiều huyện của Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng. Tất nhiên chỉ kéo dài thêm 10 - 15 năm.

Ở những khu vực cà phê già có điều kiện khí hậu, thời tiết, đất đai, sinh thái phù hợp với cây mắc ca thì có thể tỉa bớt cà phê già, trồng vào đó 40 - 50 cây mắc ca/ha, giúp che nắng, che gió, giữ độ ẩm. Ở Lâm Hà, Lâm Đồng; Đăk Lap, Đăk Nông; Krông Năng, Đăk Lăk đã có nhiều mô hình tốt.

Cần nghiên cứu lại môi trường đất ở các vườn cà phê già như kết cấu cơ giới, độ PH, vi sinh vật đất… để có điều chỉnh và áp dụng các biện pháp hợp lý.

Về thu hoạch và chế biến cà phê nhân XK và nguyên liệu cho chế biến sâu theo tiêu chuẩn: Cứ 100 ha cà phê phải có 1 ha sân phơi đảm bảo tiêu chuẩn. Đây là vấn đề lớn vì kinh tế của nông dân, của chính quyền các địa phương có hạn. Vì không có đất làm sân phơi, vì đầu tư sâu tốn kém, mà 1 năm chỉ dùng 1 - 2 tháng, sau đó để không cho nắng mưa, gió bão… thì thật lãng phí. Mà không làm thì phải phơi trên đất, vải bạt, vải nhựa…

Một số nơi đã mạnh dạn đầu tư chế biến ướt, bằng cách xây dựng nhà máy chế biến ướt với công nghệ Brazil. Một số nông trường áp dụng nhưng hiệu quả thấp. Nước thải và vỏ thịt quả cà phê không tận thu để SX phân vi sinh. Vì thế hơn 10 năm qua mới chỉ đếm trên đầu ngón tay những đơn vị, địa phương xây dựng nhà máy chế biến ướt.

Các đơn vị nghiên cứu chưa đưa ra được giải pháp nào khả thi để khắc phục.

Chúng tôi cùng TSKH Bùi Văn Luận đã nghiên cứu công nghệ vi sinh enzim và thiết kế thành công công nghệ chế biến ướt không thải nước, sấy khô hạt cà phê thóc ngay, luân hồi, hoàn nguyên nước khép kín, thu hồi vỏ thịt quả cà phê chín làm nguyên liệu SX phân vi sinh cà phê.

Các Bộ ngành, địa phương cần đẩy mạnh quảng bá cà phê Việt Nam ra thế giới. Nên tái lập Viện Nghiên cứu cà phê Việt Nam trên nền tảng ban đầu là Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, đã từng tồn tại trước đó với tên Viện Nghiên cứu Cà phê EakMat.

Đã thử nghiệm thành công và đang làm các thủ tục đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ, và trình diễn vào vụ cà phê 2015-2016, sau đó sẽ chế tạo thiết bị đồng bộ với công nghệ và phổ biến rộng rãi toàn ngành cà phê.

Đây là một hướng mới đảm bảo khắc phục được các tồn tại về thu hoạch cà phê xanh, phơi trên đất, chế biến ướt bằng công nghệ của Brazil.

Chế biến sâu

Nếu chỉ SX cà phê rồi XK nhân cho thế giới thì vẫn là XK nguyên liệu, giá trị gia tăng ở cả chuỗi giá trị cà phê không đáng kể. Hàng loạt DN XK cà phê phá sản. Các nhà phân phối và rang xay cà phê thế giới ép giá, cuối cùng kim ngạch XK không tăng lên và xu hướng giảm đi (dưới 3 - 4 tỷ đô la Mỹ/năm)

Khuyến khích và có cơ chế chính sách toàn diện, hấp dẫn, ưu đãi mọi mặt để DN đầu tư chế biến cà phê rang xay, cà phê hòa tan, cà phê viên, các thực phẩm từ cà phê như rượu, bánh kẹo, nước uống đóng chai, đóng lon... thì giá trị của cà phê nhân tăng lên 2 - 10 lần. Việc đạt được mục tiêu 10 tỷ đô la Mỹ/năm là khả thi.

Ví dụ Cty Sagaso nhập công nghệ, thiết bị chế biến cà phê viên (capsules) từ công nghệ Italia. Cứ 1,6 kg cà phê nhân được 1 kg cà phê viên và giá thu mua cà phê nguyên liệu là 80.000 đ/kg (gấp 2 lần cà phê thường), giá bán cà phê Sagaso từ 1 - 1,3 triệu đ/kg. Hoặc cà phê hòa tan G7 của Tập đoàn Trung Nguyên cũng tương tự.

Về thị trường: Trước hết phải xây dựng, quảng bá thương hiệu cà phê Việt Nam thành sản phẩm quốc gia trên toàn cầu. Xây dựng chỉ dẫn địa lý cà phê Việt Nam và quản lý phát triển chỉ dẫn này. Khuyến khích phát triển các thương hiệu tư nhân về cà phê để đưa ra thị trường thế giới. Đồng thời, kêu gọi khuyến khích xin đầu tư FDI vào cà phê Việt Nam, có ràng buộc mang thương hiệu của Việt Nam hoặc chỉ dẫn địa lý của Việt Nam.

Khuyến cáo mở rộng thị trường nội địa. Song song với phát triển tiêu thụ trong nước là kiểm soát giá thành chế biến sản phẩm cà phê tiêu thụ trong nước để người tiêu dùng được dùng sản phẩm sạch, nguyên chất.

Tiếp tục đổi mới và tổ chức Festival Cà phê Buôn Ma Thuột 2 năm/lần theo phương châm thiết thực, tự nguyện của người làm cà phê, tránh hình thức, hành chính hóa lễ hội; xây dựng Buôn Ma Thuột thành thủ phủ cà phê vối Robusta; Đà Lạt, Điện Biên thành các trung tâm cà phê chè Arabica của Việt Nam.

(Nguyên Thứ trưởng Bộ KH-CN, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk)

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Doanh nghiệp đầu tiên công bố sản xuất cà phê tuân thủ EUDR

ĐẮK LẮK Simexco DakLak đã được cấp chứng nhận tuân thủ EUDR cho 4.957 nông dân với diện tích 5.375ha trong vùng liên kết.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất